Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Sách mới xuất bản: NHẠC SĨ XUÂN HỒNG
Cập nhật ngày: 09/05/2008

Xuân Hồng chiến sĩ – nhạc sĩ

Gs. Ns. Ca Lê Thuần
Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh

Anh Ba Xuân Hồng – người chiến sĩ trải qua ba mươi năm dạn dày với hai mùa kháng chiến, nhắc đến anh là nhớ đến một con người tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm chân thành, mộc mạc với gia đình và đồng đội. Bản chất chiến sĩ Xuân Hồng bộc lộ ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi anh gần mười tám tuổi đã tham gia Thanh niên Tiền phong và Quốc gia Tự vệ cuộc tỉnh Tây Ninh. Tính cách chiến sĩ của Xuân Hồng càng được khẳng định, khi chàng trai hai mươi mốt tuổi trở thành người chiến sĩ tiên phong đứng trong hàng ngũ của Đảng và ba mươi hai tuổi “chính thức” là anh lính Xuân Hồng với đầy đủ ý nghĩa của một chính trị viên Đại đội 40.

Bản chất là người chiến sĩ, nhưng năng khiếu âm nhạc của Xuân Hồng lúc còn nhỏ đã thể hiện và được hun đúc từ cha mẹ anh. Ông thân sinh của anh đã dạy truyền ngón đàn độc huyền mặc dù chưa đi học chữ, nhưng anh đã thuộc lòng và đàn được hàng chục bài nhạc cổ nhỏ. Mẹ anh rất thích ca nhạc và biết một số điệu hò, lý cũng như thuộc nhiều chuyện xưa tích cũ. Tất cả như được chuẩn bị, được bắt rễ hút nhựa từ truyền thống lâu đời của quê hương, để rồi từ hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, Xuân Hồng trở thành người nhạc sĩ “từ nhân dân mà ra”, chiến đấu bằng cây súng và cây đàn!
 
Tính cách chiến sĩ – nhạc sĩ của anh dường như lúc nào cũng hòa quyện với nhau. Trong tự thuật Từ tiếng độc huyền anh tâm sự: “Với lòng hăng say tuổi trẻ, tôi lại vừa được kết nạp vào Đảng Cộng sản (năm 1949), đêm nằm nghe tim mình rạo rực, tôi thao thức và hạ quyết tâm sáng tác bài hát và được đặt tên Đánh về thành.”. Có thể thấy, với tính chiến đấu và cảm xúc mạnh mẽ của người chiến sĩ – nhạc sĩ, ý muốn sáng tác của Xuân Hồng như đã đến lúc phải bật ra, hưởng ứng khẩu hiệu Chuẩn bị tổng phản công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trên tinh thần dấn thân vì quê hương, đất nước, anh đã mạnh dạn sáng tác phục vụ kịp thời, tiếp tục cho ra đời vài bài hát nữa như Chiến khu Trà Vông (1950), Chiều trên rẫy (1953)…
 
Với tính cách “hai trong một”, nên mỗi bài hát của Xuân Hồng ra đời phần lớn đều kèm theo một “lý lịch” đặc biệt. Điển hình như vào giữa năm 1961, khi anh được điều động về làm chính trị viên Đại đội 40 và một dịp may đã đến: đích thân anh dẫn nửa tiểu đội của mình đến U.60 (cơ quan Quân trang) để nhận quân trang. Xuân Hồng đã tâm sự: “Trong khi chúng tôi còn cách xa ngôi nhà ấy hằng mấy chục thước thì nghe có tiếng rào rào giống như tiếng mưa rơi chạm vào lá trong những đêm mưa rừng. Khi bước vào nhà, mấy chục chiếc máy may còn mới tinh được xếp thành hai hàng thẳng tắp đang tấu lên một thứ nhịp điệu vừa sôi nổi rộn ràng vừa nhẹ nhàng thánh thót… Người cắt thì nhìn qua, ngắm lại; người may thì thận trọng từng đường kim mối chỉ; người xếp thì đôi tay mềm mại vuốt dọc, gấp ngang. Tất cả đều thể hiện qua đôi mắt tin yêu, dịu dàng và ẩn chút ước mơ thầm kín”. Và thế là Bài ca may áo của anh được sáng tác trong hoàn cảnh và niềm cảm hứng như vậy!
 
Trong quá trình tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác, Xuân Hồng đã xác lập cho mình cách suy nghĩ cũng như quan điểm thẩm mỹ rõ ràng. Anh đã nhận xét: “Theo tôi, sự thành công của một tác phẩm âm nhạc do rất nhiều yếu tố như nhận thức đường lối, quan điểm, phương pháp, vốn liếng, tay nghề… nhưng đôi khi có đầy đủ các yếu tố ấy mà vẫn không đạt được thành công chính vì thiếu sự rung động chân thật và một khi người sáng tác không có được điều ấy thì chắc chắn tác phẩm không có sức truyền cảm, không thể gạt được người nghe”. Và anh khẳng định: “Trên đời này có những thứ đồ giả, nó không tốt, không đẹp bằng thứ thiệt nhưng có thể dùng tạm được, còn âm nhạc dỏm thì khó mà gạt gẫm được ai”.
 
Những gì mà Xuân Hồng để lại cho đời, không chỉ là những bài ca bất hủ vẫn sẽ vang mãi trong lòng mọi người, mà đó còn là một sự tinh cất, chắt lọc từ trong những gì tích tụ đọng lại đã tạo nên một tài năng, một tâm hồn, một nhân cách! Anh đã từng trăn trở, giãi bày: “Tôi cho rằng, cảm hứng có khi là sự bất chợt, nhưng cái bất chợt ấy chính mình phải đi tìm lấy. Cảm hứng sáng tác, dù hết sức quan trọng, nhưng cũng chỉ là cái nút bấm mở ngỏ, khơi dòng tuôn chảy cho một tiềm năng đã được tích tụ”.
 
Để kỷ niệm 80 năm ngày sinh (1928-2008) và 12 năm ngày mất (1996-2008) của nhạc sĩ Xuân Hồng, Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh đã quyết định tiến hành công trình về nhạc sĩ Xuân Hồng do Lư Nhất Vũ – Lê Giang chủ biên cùng với Nhóm thực hiện. Trong thư của chị Lê Giang gởi cho tôi ngày 26.6.2007 được mở đầu bằng “Thuần ơi! Thật là đáng mặt anh hào: Ba Mực!”. Hoàn toàn đúng, vì tính cách chiến sĩ của Ba Mực rất dũng cảm, kiên cường cũng như bản chất nhạc sĩ của Xuân Hồng lại rất lãng mạn, lạc quan. Bất chợt làm tôi nhớ đến những gì mà nhà văn lãng mạn Đức thế kỷ thứ 18 – Jean-Paul Richter đã viết: “Nghệ thuật không phải là bánh mì mà là rượu của đời!”.
 

Xin trân trọng giới thiệu công trình về nhạc sĩ Xuân Hồng với bạn đọc gần xa – những ai đã từng yêu mến Xuân Hồng và sẽ yêu mến Xuân Hồng mãi mãi! Đây là một kỷ niệm trân trọng, đáng nhớ gởi đến anh Ba Xuân Hồng – một người anh trong “đội hình” của Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh.

… “Lần đầu tiên trong đội hình anh tụt lại phía sau lưng

Mà cứ ngỡ anh vẫn đang phía trước”…

                                                Bài Nhớ Xuân Hồng của Lê Giang

TP. Hồ Chí Minh tháng 10-2007
C.L.T

Các Tin Tức Khác