Sáng tạo là một từ quá hoa mỹ và có vẻ bị lạm dụng trong thế kỷ vừa qua, thế kỷ mà tất cả các giá trị nghệ thuật của vài ngàn năm trước bị đặt lên bàn cân và xét lại không thương tiếc. Tuy nhiên, người ta vẫn phải nói đến sáng tạo. Nó là một điều không thể phớt lờ hay có thể nói dối. Cho đến đầu thế kỷ mới này, sáng tạo không còn là mối bận tâm của riêng người nghệ sĩ, nó là ý thức về sự tồn tại của nhân loại. “Suối Nguồn” (The Fountainhead) của nữ văn sĩ Mỹ gốc Nga Ayn Rand xuất bản lần đầu năm 1943 đã vượt qua hình thức của một tiểu thuyết văn học ly kỳ gay cấn, trở thành một tác phẩm kinh điển chứa đựng những thông điệp cơ bản nhất về thiên chức của người nghệ sĩ, về tự do cá nhân trong quan hệ với cộng đồng, về cả những giá trị tinh thần vốn dĩ được các thiết chế xã hội đề cao. Song Ayn Rand với giọng văn sắc bén, với quan điểm thực tế mà bà gọi là “vị thân” - đề cao cái tôi sáng tạo trong hoàn cảnh đám đông a dua theo thời thượng, đã xô đổ những giáo điều sáo rỗng đầy độc hại núp bóng sau những lập luận bảo thủ và mị dân. Một bức tranh điển hình của một xã hội công nghiệp đang lên như diều gặp gió là mảnh đất màu mỡ cho câu chuyện đầy hấp dẫn của Ayn Rand. Trong 60 năm qua, “Suối Nguồn” đã bán được 6 triệu bản trên thế giới.
Sức hấp dẫn ấy có được là nhờ
Nói “Suối Nguồn” sống động có lẽ chưa đủ, đây thực tế là một tiểu thuyết luận đề với những tuyên ngôn nghệ thuật đầy ấn tượng. Nhưng điều khiến cho “Suối Nguồn” vẫn còn được đón nhận ngày nay là sự mãnh liệt của niềm tin vào sự sáng tạo không ngừng nghỉ của con người.