Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Gượng dậy từ chông chênh
Cập nhật ngày: 04/09/2009

Những tâm hồn bị tổn thương liên tục làm tổn thương người khác, những lỗi lầm dắt dây từ thế hệ trước sang thế hệ sau… Không gian trong Bé không tên của mẹ (*) ngột ngạt, uất ức vì cảm xúc kìm nén nơi mỗi nhân vật cứ chực trào ra ngoài.

Helen chưa tròn mười tám. Mẹ lạnh lùng, cha hời hợt, thiếu thốn tình cảm, Helen lúc nào cũng muốn được yêu thương. Kết thúc những ngày thi cuối cấp, chờ đợi cô bé là cổng trường cao đẳng âm nhạc Hoàng gia, một địa chỉ tuyệt vời để rèn giũa và phát huy tài năng…


Helen chưa tròn mười tám. Mẹ lạnh lùng, cha hời hợt, thiếu thốn tình cảm, Helen lúc nào cũng muốn được yêu thương. Kết thúc những ngày thi cuối cấp, chờ đợi cô bé là cổng trường cao đẳng âm nhạc Hoàng gia, một địa chỉ tuyệt vời để rèn giũa và phát huy tài năng…


Chris sắp xong trung học. Sống với người cha ít nói và đứa em vô lo, Chris vẫn không ngừng nghĩ về người mẹ ích kỷ, đã bỏ cha con cậu để đi theo tiếng gọi tình yêu. Chăm chỉ học hành, con đường đến trường đại học của cậu thênh thang…


Không như cách ứng xử chung của giới trẻ khi lâm vào tình trạng chông chênh trong tình cảm, hai nhân vật ấy không chọn rượu, thuốc lá, ma tuý hay những bữa tiệc tùng thác loạn để người lớn chú ý. Họ thu mình lại với những câu hỏi tại sao và chấp nhận sự lạnh lùng của đấng sinh thành. Bắt gặp được sự cô đơn của người kia, họ dành tất cả tình cảm cho nhau, như một sự bù đắp và cũng là cách kiếm tìm sự ấm áp cho mình. Yêu thương ngọt ngào nên chuyện gần gũi nhau đến tự nhiên. Đáng tiếc, đón nhận một chuyện cũng tự nhiên không kém, gắn liền với tình dục, là con trẻ thì đôi bạn này lại chưa sẵn sàng. Thế cho nên, hàng đêm, Helen vẫn cầu xin mầm sống của mình: “Hãy để ta được yên. Ta chả muốn có mi đâu…” Và, Chris, vẫn chỉ đau đớn vì quan hệ giữa mình và Helen rạn nứt chứ chẳng nghĩ đến số phận sinh linh mà mình đã tạo nên.


Mặc những lời van vỉ, mặc luôn cả cú ngã ngựa cố tình, tựa như những giọt nước từ một chiếc van rỉ cứ âm thầm nhỏ xuống, bào thai trong Helen lớn dần, án ngữ tương lai của hai người trẻ và lôi cả người lớn vào cuộc. Nó buộc người làm cha, làm mẹ phải nhìn lại cách sống của chính mình, trách nhiệm với con cái… Tám năm sau khi ra đi, chẳng về thăm con một lần, mẹ Chris đã gửi thư động viên và tiền nuôi dưỡng cháu nội của mình. Bà ngoại, mẹ Helen cũng dám nhìn thẳng vào số phận “con hoang” của mình mà vun vén cho cô bé… Lúc này, họ hành động bằng trách nhiệm, khác với kiểu yêu thương cam chịu “mũi dại, lái chịu đòn”.


Amy, tên của bé không tên, nghĩa là được yêu thương. Đáp lại những đắng cay của mẹ, bé hoá thân thành sợi chỉ mong manh rút ra từ một bộ y phục cũ có khả năng khâu vá lại những vết thương lòng. Bi kịch lẫn kết cục không mới nhưng vẫn làm hài lòng người đọc dù ở lứa tuổi nào. Kết hợp với cách kể chuyện mềm mại xen lẫn tự sự thông qua những lá thư, độc giả có thể nắm bắt được toàn bộ biến chuyển tâm lý của giới trẻ. Điều này đã góp phần mang đến cho Berlie Doherty danh hiệu Carnegie Medal, giải thưởng văn học uy tín của nước Anh. Đáng tiếc, phần chuyển ngữ khá nhí nhảnh dễ gây thất vọng nơi độc giả.


Vẫn nghĩ, người phương Tây thoáng về tình dục. Điều đó không sai. Khi chủ nghĩa cá nhân được đề cao thì những phút thăng hoa trong tình yêu sẽ là thứ đáng trân trọng. Thế nhưng, đồng hành với nó, là nhận thức và khả năng chịu trách nhiệm. Hai vế của mệnh đề này, hình như, giới trẻ Việt Nam chỉ mới “học tập” hăng say một nửa.


(*) Nguyên tác: Dear nobody, tác giả: Berlie Doherty, NXB Trẻ ấn hành


Phương Quyên

Nguồn: Sài Gòn tiếp thị

Các Tin Tức Khác