Ruby và Michael nằm trên cầu tàu bằng kim loại bên bờ hồ, nhìn lên trời. Chân họ gác lên mô đất mềm trên mép nước, lưng trên nền kim loại. Họ lặng im, nhìn lên trời sao và nghe nhái kêu trong bụi cỏ đâu đó về bên phải. Hàng đêm hàng đêm, những tiếng ộp oạp này, âm thanh đều đều và xa xăm của lũ ếch nhái này, mà như người ta nói, là chúng đang làm tình.
Có thiệt là chúng đang làm tình? Ruby không chắc là cô tin vào điều đó, nhưng cô hình dung ra nhiều nhiều ếch, xếp hàng ở trên bờ, chồm lên người nhau, đâm thọt những cơ quan sinh dục vào nhau, từng con một, ngay hàng. Ộp uông, ộp uông, tiếng kêu rên liên miên và không dứt, cứ đều đều một âm điệu. Lũ ếch nhái có chất giọng tốt và chúng thiệt chán ngán, Ruby nghĩ, ngay cả khi chúng làm tình. Ộp uông, ộp uông – á a, á a...
Lũ ếch nhái làm tăng thêm chất hài hước cho những đêm không ngủ của Ruby và Michael bên bờ hồ, vốn đã trở nên nghiêm túc và thường xuyên, gần như là hàng đêm. Một trong hai người sẽ thốt ra câu gì đó thiệt buồn hay sâu sắc về cuộc đời, về ái tình, một câu nào đó họ chưa từng thổ lộ với ai, và họ sẽ nhìn nhau, trong khi dưới kia là ếch nhái – ộp uông, ộp uông – để thấy là họ nghiêm túc đến dường nào. Một trong hai người, thường là Ruby, sẽ la lên, sẽ hỏi Michael tại sao tại sảo tại sào, và lũ ếch nhái sẽ trả lời cô: ộp uông, ộp uông, ộp.
Có lẽ đây là lý do họ quay lại bờ hồ mỗi đêm. Đã thành địa điểm lựa chọn, cho dù trước khi đặt chân đến đó họ cũng đã qua đêm trong những hý viện, nơi cả trại tập trung vào những tối thứ Sáu cho lễ Shabbat, một vài đêm khác trong nhà tạm bằng gỗ dùng cho lễ hành hương Sukkah gần nhà Ruby, và một đêm trên những bậc thang của nhà ăn Chadar Ochel, một nơi họ sẽ không trở lại vì nhìn thấy một tên đáng khinh qua lại trước mặt mình. Lúc này, khi Ruby gặp Michael bên ngoài nhà gia súc trong khi đám con gái còn lại đều sẵn sàng đi ngủ, chưa hề có bàn bạc họ sẽ đi đâu. Tự nhiên mà gặp gỡ, tự nhiên mà chân tìm chân, và họ lần đến đó.
Họ vẫn còn e thẹn với nhau, cho dù (hay bởi vì) sự thân thiết ngày một đậm hơn của những đêm bên nhau. Ban ngày họ là trại viên và chỉ huy – Michael hai mươi mốt tuổi, là trưởng nhóm của Ruby, là tên của nhóm, là thằng nhóc già nhất trong trại, còn Ruby thì mười sáu, chỉ là một trại viên nữa mà Michael quản lý. Nhưng khi đêm xuống, họ nói lên những bí mật buồn nhất và bối rối nhất cho không gian đêm dịu nhẹ. Ruby sẻ chia với Michael như chưa từng với ai khác, và càng lúc càng khó kiềm chế tình cảm mà cô dành cho anh, thiệt khó mà xem nó chỉ như một mối quan hệ bạn bè nữa.
Trên bến cảng, ban ngày là một dải cát nắng cháy, bóng râm duy nhất nơi rìa bãi cát và là nơi các nhóm trại viên sắp hàng trước khi ra hồ và Estelle, người phụ nữ dẫn dắt, đọc diễn văn về việc ứng xử phải phép, “Bevakasha, bevakasha, bevakasha!1” Trại viên nóng nực và nóng nảy, trại viên khát nước, khăn choàng qua cổ và đùi, những chóp ngực và vú và cổ và các vùng riêng tư khác phập phồng, bị hạn chế, nhưng có đó cái khát khao được chạm vào nhau, được khám phá, được giao hòa. Các cầu cảng được các nhóm trưởng tuần tra trong bộ đồ tắm màu đỏ, chân dập vào kim loại kêu inh ong, cộng với tiếng trại viên chạy huỳnh huỵch, và các nhóm trưởng theo sau, la lớn: Đừng chạy! Đừng có chạy! Người ta đứng nhểu nhại dòm quanh, người ta chạm vào da thịt ướt mem của nhau và cười khúc khích, người ta cà cát vào lõm bàn chân và bắp vế. Những đứa nhóc lắc đầu quầy quậy khóc lóc, cứ muốn thoát ra khỏi các trại trưởng; những đứa nhóc nhất đứng trong chỗ nước cạn, với áo phao vàng trên hai cánh tay, những phụ nữ lớn tuổi ngồi xung quanh chúng trong nước ngập tới lưng.
Ruby không thích cầu cảng. Cô chưa từng thích những nơi không có chỗ cho mình tránh nắng, và cô ghét ép mình phải bơi, bơi mà ép thì đâu có vui. Cầu cảng làm cô liên tưởng tới những vết rộp ở da khi cô còn nhỏ, tại cha bắt cô phải học bơi, có người ẵm cô trên mặt nước, cảm thấy cơ thể mình ngượng ngùng sao ấy, nó mong manh, nó bực bội, bối rối và rắc rối. Cô không thích bơi trong hồ, vì có những thứ mềm mềm không biết là thứ gì cứ cạ vào chân cô. Cô bơi cũng chẳng giỏi giang gì, không giống như các bạn gái khác đứa nào cũng muốn làm cứu hộ để trưa trưa phơi mình trên cát; cô thiệt không biết tại sao cứ phải bơi qua bơi lại giữa hai cầu cảng chi cho mệt vậy. Cô không hiểu tại sao cha lại cho đó là việc quan trọng, ông thường viết thư hỏi thăm khi cô đi trại, Việc bơi lội ra sao? Con biết không cha nghĩ biết bơi quan trọng lắm đó. Cô cứ mong sao cho trời mưa để hủy cái sự bơi và tập trung vào nhà ăn Chadar Ochel đặng xem phim về an toàn trong nước, trải khăn lên nền nhà dơ tối và nằm lên đó. Cô còn mong sao cho mình có kinh đặng cô có thể nhìn Estelle ra dấu và được phép ở lại bờ đọc sách, hay viết thư cho bạn bè, bất cứ việc gì khiến cô không phải thay quần áo và nhúng xuống nước. Có khi, nhất là hè năm nay, cô còn nói dối nữa chứ: cô nhìn Estelle ra dấu cho dù thiệt ra đâu có kinh, nhưng cũng có khi cô có kinh mà trời lại mưa nữa thành ra kinh nguyệt của cô bị lãng phí, thành ra cô nợ một ngày nghỉ phép.
Nhưng về đêm, đêm của cô và Michael, cầu cảng thiệt huyền diệu và êm đềm, cứ như họ được lồng vào một bức tranh lãng mạn ấy chứ. Khi họ đến nơi quen thuộc, mặt hồ hiện ra trước mắt họ như trong truyện cổ tích, tấm biển hiệu đặt ở lối vào ghi mấy chữ CẦU CẢNG ĐÓNG CỬA lại giống như bảng cảnh báo trước một lâu đài ma ám. Ruby thấy mình tĩnh lặng, khi họ đến gần; không khí thì tinh khiết và mát mẻ, cái nóng của ban ngày đã biến mất cùng với những người ngợm và tiếng ồn. Mặt hồ trải bình yên, những hoạt động biến mất cứ như không khí xì ra khỏi lốp xe. Chỉ có ếch nhái, kêu rên và kêu rêu, và ánh trăng trên nước, trên chiếc bè nhô ra từ cầu cảng xa tít bên kia. Sóng lăn tăn, tiếng sóng vỗ rất mơ hồ, rất mơ màng khi con sóng này gối lên con sóng khác.
Đây mới là lúc mặt nước gọi mời đối với Ruby. Nằm kế bên Michael trên cầu cảng, cô tưởng tượng mình có thể đi ra trên mặt nước, có thể nằm lêu bêu trên đó để cho nó quấn quanh mình như tấm chăn, và nước sẽ ru cho cô ngủ. Cô hình dung nước như một thân nhiệt hoàn hảo, cô tưởng tượng nhúng mặt mình xuống để cho nước chạm vào mí mắt, làm dịu tâm hồn, nước vào hai tai chảy quá óc làm chó nó sạch bong, ru cô vào giấc ngủ. Cô tưởng tượng hai người, cô và Michael, ra chiếc bè kia; tưởng tượng Michael leo lên trước, nhoài ra nắm lấy tay cô, ánh trăng lấp lánh trên thân thể anh khi anh ở trên bè, nước da anh trở nên óng ánh, và nước rớt hột từ đó cứ như những vẩy cá vi diệu. Cô thấy ánh trăng chiếu lên hai người, ở ngoài chiếc bè kia, ánh trăng và mặt hồ ngoài kia, kết nối hai người, chiếc bè bập bềnh lên xuống theo con nước, hai người cứ nằm sát vào nhau trên đó và chiếc bè chìm xuống đáy nước rồi vút lên không trung, nhưng vẫn còn trong nước, không hiểu tại sao, trong nước và ánh trăng và không khí cũng như là nước, hai thân thể quyện vào khí và nước, thịt da quyện vào bình yên.
Ruby gặp Michael Fischer hồi đầu mùa hè, cho dù đã nghe về anh ấy nhiều trước khi có trại. Anh ấy là anh họ thứ nhất của một trại viên mà cô rất thân, tên là Noah Baum, mà cô đã quen biết từ hồi học trường Do Thái và cũng là một phần lý do ba năm nay cô ưa đi trại (lý do kia là năm mươi đô mà cha cho cô để tiêu vặt). Michael ai cũng biết là thông minh, khả ái và đẹp trai, lại là dân đi trại nữa, thành viên của khóa Kerem 89, được xem là kỳ trại lý thú nhất từ trước tới giờ. Một vài tháng trước kỳ trại anh ấy đã gửi thư thiệt là ấn tượng; thư viết rất khéo, rất khôn và chỉ hơi cao xa một chút. Anh ấy khuyên mọi người nên đọc cuốn Chiếc lá bay bay, nhưng chẳng ai chịu đọc hết, nhưng hễ anh chàng nào ưa khuyên người ta đọc cái này cái kia là Ruby khoái liền.
Cái hôm mẹ chở cô đi trại là tuần lễ cuối tháng Sáu gần ba tuần sau khi Nathan mất. Đã có những bàn bạc – Cô có nên đi không? Có gian nan quá không? Có sớm quá chăng? – nhưng với Ruby cô không thấy có vấn đề gì cả. Không đi trại thì đi đâu? Bỏ lỡ kỳ trại mùa hè năm cuối và nằm nhà ngẫm nghĩ về những chuyện đã xảy ra ư? Cô không chủ động được thời gian, cô không làm chủ được gì cả, cô chỉ có thể đi tới sao cho tốt đẹp nhất. Thành ra cô xin đi.
Hôm đó khi họ đi qua cổng, như mọi khi có nhiều người tới đón, những người mặc áo sơmi trắng có phù hiệu trại đính lên, những người có nụ cười tươi nhoài ra từ cửa sổ nói hello, nói welcome, và nói cho Ruby biết lều của cô ở đâu, đặng mà đổ xe và giở đồ xuống. Ruby thiệt vui khi trở lại; mọi người thân quen và khỏe khoắn và họ nói “Hey! Ruby!” khi nhìn thấy cô, và khi mẹ cùng cô chạy qua cổng cô liền thấy mình như về nhà. Đây là một nơi cô biết ngoài gia đình và những bi kịch của nó; ở đây cô tìm thấy tự do trong khi ở với chúng bạn ở nhà thì không, ngay cả khi với Jill hay với Tim cũng không, cho dù Tim biết nhiều về cô, hay qua nhà cô chơi rồi ngủ qua đêm, tới sáng mới về nhà mình. Ở đây cô đơn giản là Ruby, một người hoàn toàn độc lập với gia đình hay thậm chí một mái ấm.
Mẹ và cô đang leo ngược con dốc, đi ngang văn phòng trại, về phía phòng ăn, thì có người chạy bộ về phía họ, mỉm cười, mặc áo sơmi trắng và một chiếc còi lủng lẳng trên cổ áo cuối sợi thừng đen dày, anh ta giơ tay kêu họ dừng lại. Anh ta vòng qua xe dòm vào cửa xe Ruby.
“Tôi là Michael Fischer”, anh ta nói. “Tôi đã nghe nhiều về em; thiệt hay là sau cùng đã gặp em”. Hai tay anh rám nắng trên cửa kính, đôi mắt anh xanh xuyên tim, và anh nói, “Sẽ là một mùa hè hay lắm đó, rất mừng là em đã đến”.
Họ nói họ cũng mừng được gặp anh ấy, và Ruby nhìn lớp da mặt anh ấy, thiệt là mịn màng và hồng hào, sau đó mẹ lái xe về lán trong khi Michael nhỏ dần nhỏ dần trong kính chiếu hậu. Mẹ Ruby nói, “Chà, cái thằng xinh trai!” và Ruby thấy thiệt là ấm áp; cô đã lựa chọn đúng, mùa hè phía trước như một chồng quà sinh nhật bọc trong giấy kiếng.
Tối hôm đó, sau khi mẹ cô đã giở đồ khỏi xe và chất đồ lên giường, và mẹ đã ôm thiệt chặt và hôn lên má, nói rằng bà rất yêu cô, nói rằng hãy gọi nếu có việc gì cần, sau khi Ruby cùng các bạn đã thay đồ đi ăn tối và xếp hàng trước cột cờ lần đầu tiên và dòm ngó đám con trai xem ai là được nhất trong kỳ hè này; sau khi ăn tối xong, cá nướng que chấm muối; sau khi Rebecca, trại trưởng, ra thông báo đầu tiên về kỳ hè, nói rằng gặp lại các em cô mới vui làm sao, và bảo một người dành một tràng pháo tay cho Kerem 94, là những trại viên lớn nhất trong kỳ hè này; sau khi cả trại vỗ tay, bởi vì năm nay họ là chỉ huy – sau hết tất cả những việc này, cả trại rời khỏi nhà ăn Chadar Ochel đến sân chơi đốt lửa trại. Một số nhóm trưởng đã có mặt ở đó, củi đã chất thành đống chờ được đốt, cả trại quây quần, các nhóm trưởng sắp đặt chỗ ngồi từ lớn tới bé, đứa nhỏ ngồi trước, suỵt cho chúng im miệng, bắt chúng ngồi thành vòng tròn. Ai đó đốt lửa, ngọn lửa bùng lên và mọi người reo hò, và rất chậm, rất chậm, mặt trời lặn tắt, mọi người trầm lắng hơn, không còn nói sôi nói nổi, những tia lửa bắn ra như pháo hoa, bay lên, bay cao tán loạn, dật dừ và nổ lốp bốp.
Đêm tối rồi. Có tiếng dế nỉ non từ khu rừng kế bên và muỗi vo ve bên mắc cá chân và không khí thì dịu mát, và Ruby ngồi với các bạn mình chống tay sau lưng và ngả người ra sau. Cô nghiêng mắt nhìn trời và nhắm mắt một tí và thở thiệt sâu để cho các âm thanh tràn qua cô: âm thanh của trại hè thân quen này toàn những bạn Do Thái vây quanh một đống lửa. Ai đó bắt một bài hát; bài hát tiếng Do Thái, các nhóm trưởng hát theo trước tiên, dần dà mọi người cùng hát theo, tiếng lửa reo bị chìm xuống nhưng ở giữa ngọn lửa vẫn cứ vươn cao. Ruby không hát; thay vào đó cô ngẩng đầu dõi theo ngọn lửa. Cô nhìn ngọn lửa từ phía sau các mái đầu trại viên, ngọn lửa như một thứ chất lỏng trong suốt chảy ngược lên trên trời. Cái nhìn của cô đi vào ngọn lửa réo rắt tưng bừng, tiếng hát hò của trại hè theo cô vào bên trong đó. Cô nhìn thấy lửa, nhìn thấy những ngọn lắc lư và chập chờn, tỏ mờ nơi chóp cuối. Trong khi cô đang ngạc nhiên về sự tỏ mờ này – có cái gì đó hình tượng về sự mờ dần này chăng? – thì có ai đó vỗ lên vai trái.
Cô quay lại và nhìn thấy Michael Fischer, chồm chồm trên cỏ phía sau lưng. “Anh nói chuyện với em một giây được chứ?” anh ấy nói dịu dàng.
Tim phập phồng, cô gật đầu, và sau đó cô cùng Michael rời khỏi đống lửa cùng đám đông hát hò, rời khỏi những ngọn lửa vươn cao.
Họ bước ra sân chơi phía sau khu đốt lửa. Chỉ đi thêm có vài bước mà trời tối hẳn lại và im lặng hẳn; những tiếng nói cười vọng lại như từ một nơi xa xôi lắm. Michael dẫn đường, bước thiệt nhanh, rồi đột nhiên anh dừng lại nhìn cô. Cô nhìn thấy mắt anh trong ánh trăng, và anh mỉm cười. “Hi”, anh nói.
“Hi”, cô thì thầm. Cô cảm thấy rất thẹn thùng, như thể anh ấy đang mời mình khiêu vũ.
Anh ngoái nhìn lại đống lửa. “Anh muốn nói với em một điều, Ruby à”, anh ấy bắt đầu. “Anh rất tiếc phải kéo em ra một chỗ riêng như vầy, nhưng thiệt tình anh không biết làm cách nào khác”. Anh quay sang cô. Cô cố gắng theo dõi nét mặt anh nhưng cảm thấy hai gò má nóng bừng lên thành ra phải cúi xuống.
“Anh chỉ muốn em biết một điều”, anh nói, “rằng anh biết chuyện gia đình em ra sao và anh nghĩ gì về chuyện đó. Anh muốn nói là có anh ở đây, cho em nói chuyện, hay bất cứ điều gì em cần. Anh không tưởng tượng được em ra sao khi đến đây”, anh dừng một chút, “hay là ở nơi khác cũng vậy”.
Cô nhìn lên và mắt họ gặp nhau. Cô tin chắc hơi nóng đang phả ra từ anh, cũng như từ ngọn lửa kia. Tự nhiên mà ở đây trong bóng tối với Michael lại ấm hơn là ở trong kia ngay trước đống lửa.
“Anh cũng muốn nói với em rằng”, anh ấy lắp bắp, “anh cũng mất cha cái hồi anh đi trại, lúc đó mới mười lăm”. Anh ấy đổi chân trên cỏ, chìa cái chân phải ra như muốn chạm phải cái gì đó. “Ông ấy bị đột quỵ, trong khi anh ở trại. Rất là bất thình lình”.
Ruby nghĩ tới hai mùa hè trước, cái hôm cha cô chẩn bệnh, cô mới vô trại có hai ngày. Adam, nhóm trưởng nhóm con trai, đã nhổ củ trong vườn và đang trao cho cô thì Nathan và Aaron chạy xe tới đón. Cô còn nhớ tiếng loa trại kêu rêu, “Bevakasha, bevakasha, mời Ruby Bronstein tới văn phòng có người nhà cần gặp”, và cô biết là có chuyện gì liền, mấy tuần nay cha đau bệnh rất kỳ lạ mà trước giờ cha có đau gì đâu. Cô còn nhớ thấy lòng nặng trĩu ra sao khi nghe thông báo, ngay đó trên sân bóng rổ, và sau đó khi xuống đồi tới văn phòng chân cô như đeo chì.
Michael đang nhìn cô. Những tiếng hò la từ trại lửa dấy lên, họ đang hát một bài mà Ruby biết, một phần tâm trí cô chạy theo chữ nghĩa cho dù không biết nó nói gì. “Không phải là anh có ý so bì với em”, Michael nói, “chỉ muốn nói với em là anh hiểu hết. Anh muốn mùa hè này trôi qua dễ chịu cho em, Ruby à. Anh mừng là em đến đây, anh sẵn sàng cho những gì em cần. Em đừng ngại khi muốn hỏi han này nọ”. Làn da anh ấy trong bóng đêm láng mịn ghê. “Chỉ có thế”.
Ruby tức khắc nhận thấy liền: cô đang ở trại hè, cô đang ở ngoài sân với Michael Fischer, một người xa lạ nhưng lại biết rất rõ về gia đình cô, có nghĩa chuyện này là có thiệt. Nathan chết rồi, cha cô cũng chết rồi, mẹ thì ở nhà với ông anh khùng Abe, Aaron đâu đó ở Chicago, còn Ruby thì ở đây, trên cánh đồng này, với bên phải là một đống lửa trại tung tóe lên trời. Tức thì cô có mặt trong cơ thể, như thể từ đâu đó trên cao rớt xuống. Cô ở đây, ngay chốn này, còn lúc trước ở đâu ai biết. Đầu gối yếu ớt. Bầu trời toàn sao. Thân thể cô ấm nóng và dưới bàn chân trần cô cảm nhận những đầu ngọn cỏ. Cô ngước nhìn Michael còn anh ấy chờ cô lên tiếng.
“Cám ơn anh”, sau cùng cô nói, cảm xúc tuột mất. “Thiệt đó, cám ơn anh”.
Michael gật đầu. “Anh thiệt lòng đó”, anh nói. “Bất cứ cái chi chi. Miễn em muốn nói chuyện”.
“Cám ơn”, cô thì thầm, bởi vì cô không chắc mình có không bật khóc hay không nếu như nói lớn. Cô cố gắng mỉm cười. “Rồi em sẽ nói”.
Dĩ nhiên là ngay tối hôm sau, cô nói hết.
Cha đi chẩn bệnh khi cô đang ở trại, mùa hè năm kia, chỉ ba tuần sau khi trở về từ chuyến đi Tiệp Khắc. Cũng vì chuyến đi ấy, cũng vì dĩ vãng của cha và những gì cô nhìn thấy, cũng vì cái trại tập trung Do Thái mà cô đến thăm, mà Ruby đặt niềm tin vào Chúa.
Mỗi buổi sáng, trước giờ điểm tâm, cả trại tập trung trong phòng Ben Tzvi, một phòng đa dụng phía bên kia nhà ăn nơi tổ chức các nghi lễ và màn trình diễn, nơi mọi người tụ họp xung quanh chiếc rương thánh, họ ngồi trên những chiếc băng dài lỏng chỏng khắc bao nhiêu là tên họ trên đó, và họ cầu nguyện. Những lời nguyện cầu ngày nào cũng như ngày nào, năm nào cũng như năm nào – bài Shema, bài Amida, bài Viahavta – những nguyện cầu mà Ruby nhớ nhưng không dịch ra được, những nguyện cầu cô đã tụng đọc từ ấu thơ: những ngày thứ Bảy cùng gia đình, trong trường Do Thái, ở lễ thọ giới Mitzvahs, và rồi, trong ba kỳ hè, ở trại.
Lúc trước khi chưa xuống văn phòng nhận tin cha, trong giờ nguyện cầu buổi sáng, Ruby thường đọc tụng vô tâm và ưa nghĩ tới điểm tâm được ăn món gì, không biết hôm nay có mưa không, nếu có chắc sẽ hủy cái sự bơi, ưa nghĩ tới cảm giác dễ chịu làm sao khi Ari Nussbaum đặt tay lên eo cô khi họ hát bài “Rad Ha Yom”; nhưng tự nhiên mà cha sinh bệnh, tự nhiên cha lên giường bệnh, trong khi vẫn còn bao nhiêu là nhiệt huyết.
Cô về nhà hai ngày. Cô đi bệnh viện với Nathan và Aaron, hai người đã đi máy bay về nhà, nhìn thấy cha bị giữ sau các thanh sắt giường bệnh, cha van xin được về nhà. Cha bảo cô cứ quay về trại đi; ông nhìn mẹ Ruby và nói Ruby phải quay về trại ngay, Nathan thì nên quay về trường, còn Aaron thì trở lại chỗ làm đi. Và họ nghe theo.
Khi cô quay về trại, buổi lễ sáng đã có thêm bài nguyện cho người bệnh, tự nhiên thấy có ý nghĩa, có lẽ những lễ nghi này có ý nghĩa của chúng, có lẽ vậy. Ruby nghe tên cha cô được thầy tế đọc tụng, tên cha cô lọt thỏm giữa một hai phút tiếng Do Thái, và mọi người đứng nghiêm nói “Amen” trong khi cúi đầu. Mọi người trong trại gởi lời nguyện cầu lên Chúa xin chữa lành cho cha Ruby, lúc này đang ở nhà với một khối u não, và cô tin chắc nếu thiệt có Chúa, hẳn người phải nghe thấy. Một trại bao nhiêu người cùng cầu nguyện cho cha cô, mà cũng chính cha gửi cô lên đây, chừng đó hẳn phải có gì đó. Phải có một linh nghiệm nào đó. Cô nghe lời cha nói, Sự sống là điều tốt lành nhất, và cô biết mình đang làm điều gì cho cha: lựa chọn sống. Nguyên cả trại, bao nhiêu người xung quanh lựa chọn sự sống cho cha cô.
Trong ba tuần tiếp theo sáng nào đi cầu nguyện cô cũng ráng tỉnh giấc, giấc ngủ lau sạch khỏi mí mắt, sẵn sàng gửi nguyện cầu lên Chúa, sẵn sàng gửi trọn niềm tin. Chuyến đi châu Âu mới đây cũng nằm trong chuyện này – khi đến trại hè kinh nghiệm đó vẫn y nguyên, và chứng kiến một trại hè toàn những người Do Thái trẻ, tự tung tự tác, tung hô Do Thái giáo, thở hơi thở của đời sống Do Thái, đồng thanh hô xướng vang trời, là một cột mốc cảm xúc mới mẻ đối với cô vì nó tương phản với những gì mà chính cô – chứ không phải các anh trai, chỉ có riêng chính cô – đã nhìn thấy mới đây thôi: những thị trấn nhỏ ở Tiệp Khắc xóa sạch bóng người Do Thái; những hầm ga; những lò thiêu cô đã dòm vô coi có còn lại tro cốt gì không; những quần áo tù nhân vẫn còn đính theo những ngôi sao vàng Do Thái. Nơi đây, trong trại hè mà cô cho là bình thường, là minh chứng cho sự sống trường tồn, Do Thái giáo còn đó; là lý do tại sao cha muốn cô tới đây, lý do ông hạnh phúc thấy cô quay lại đây. Cô nghĩ là mình đã hiểu điều ông không thể, không cần phải giải thích nữa. Có một sức mạnh nơi đây, và cô là nhân chứng – sức mạnh của thế hệ, của lịch sử, của truyền thống, của ký ức.
Thành ra khi lời nguyện cầu cho cha cô cất lên, cô nhắm mắt lại và hình dung như một sợi dây chữ nghĩa loẳng ngoẳng loằng ngoằng ra khỏi nhà Ben Tzvi và lên tận trời cao, vượt khỏi tầm mắt của cô. Cô hình dung cha như lần cuối cùng cô nhìn thấy ông, trên giường bệnh, to lớn giữa những chấn song, hai tay vịn hai bên, và cô tập trung vào hy vọng rằng lời nguyện cầu còn y nguyên nguyện lực khi lên đến Chúa. Cô hy vọng Chúa sẽ nhận những chữ ngoằn ngoèo, sẽ nhận lấy và tách chúng ra và lưu tâm đến sự thỉnh cầu của đông đảo chúng dân trong phòng, đám đông Do Thái cầu xin sức khỏe cho cha cô, cha của cô, của Ruby Bronstein, bao nhiêu là nguyện cầu chỉ dành cho một người. Nếu có Chúa trên cao, hẳn Người phải nghe những nguyện cầu, hẳn Người phải đáp trả. Cô hình dung cả lịch sử Do Thái đang cầu xin, trong lời nguyện cầu của đám trại sinh này có tất cả những cầu xin của bao nhiêu người Do Thái mất tích từ nơi cô đã đến cùng cha, bao nhiêu người Do Thái đã tự hỏi Chúa ở đâu. Đây là lúc để Người thị hiện và bù đắp cho nỗi kinh hoàng mà Người đã cho phép xảy ra.
Ở trại ai cũng nói với Ruby rằng họ tin – ai cũng nói, “Mình biết là cha cậu sẽ khỏi”, và ôm cô an ủi – và khi trại tan vào tháng Tám và Ruby về nhà, cô hơi sợ sợ rằng khi không còn những nguyện cầu mỗi sáng sợi dây kết nối với Chúa sẽ yếu đi, biết đâu sẽ đứt luôn, rồi biết ra làm sao? Nhưng thầy tế gặp riêng cô bữa cuối cùng và nói ông sẽ tiếp tục nguyện cầu, mọi người sẽ tiếp tục, Chúa sẽ không bỏ rơi cô, cho dù chuyện gì, và cô nghe như nuốt vào tim, cô tự nhủ mình đúng là như thế. Chúa sẽ không bỏ cô. Chúa đã từng bỏ cha cô một lần trong đời ông, Chúa đã từ bỏ cha cô, ông nội cô cùng với người Do Thái. Nhưng Chúa sẽ không bỏ rơi ông ấy lần nữa đâu.
Nhưng ngay tháng Tám đó, cha cô mất, và từ đó về sau, cô tự nhủ mình, giữa cô với Chúa coi như hết. Như một lời thề với cha mình, người mà Chúa đã bỏ rơi: cô sẽ không còn tin vào Chúa nữa. Sẽ không cho Chúa một kính nể nào, sẽ không thèm buồn giận vì Chúa đã vắng mặt, hay tủi thân rằng Ngài đã làm ngơ trước những nguyện cầu của cô, những nguyện cầu của hết thảy; thay vào đó cô sẽ tin rằng Ngài không hiện hữu, rằng những nguyện cầu là vô ích và mù quáng, như đâm đầu vào đá. Cô hình dung những nguyện cầu, cuộn thành xoáy trôn ốc thiệt to, bay lên mây và biến mất, và vỡ vụn, và hao mòn, và rã đám, như phi cơ gặp nạn, văng miểng trên không trung, cánh rơi lả tả. Không có ai đón nhận những nguyện cầu, chưa từng có ai như vậy. Cô đã lựa chọn sự sống nhưng nó vẫn bị tước đoạt. Cô đi vào mùa tử biệt của cha mình với trái tim sắt thép vì nỗi oán hận, hận mình đã bị bỏ qua và bỏ rơi.
Đây cũng là tâm trạng của cô khi Nathan lâm bệnh vào tháng Tư; nếu như sau cái chết của cha, quan hệ giữa cô và Chúa coi như hết, thì tới phiên Nathan, tình cảm của cô với Ngài thiệt là trống rỗng và rối bời đến mức không chạm vào được. Những lời nguyện cầu hay những bài thánh ca trở nên phi lý, mất hết liên lạc với những điều gì còn có ý nghĩa.
Một đêm, khoảng vài tuần sau kỳ lửa trại, khi đường đi lối về giữa hai người đã trở nên đáng tin cậy, Ruby và Michael ra cầu cảng. Ruby đưa mắt nhìn các vì sao, ếch với nhái cứ ộp uông, còn Michael nằm cạnh cô. Họ thường im lặng rất lâu trước khi mở miệng, im lặng giữa năng lượng của ngày và trầm mặc của đêm.
Ruby nhìn trời sao. Càng nhìn lâu chừng nào càng thấy nhiều sao chừng đó: có cái sáng rực dễ thấy, có cái dính chùm và khó thấy, như thể bị ai đó gôm tẩy. Cô hình dung trời sao như một mái vòm, như một quả cầu tuyết ôm trùm lấy cô.
“Anh có nghĩ mọi thứ đã được định sẵn hay không?” cô nói, chữ nghĩa văng vào đêm đen.
Michael không đáp. Cô cảm nhận suy nghĩ của anh. “Ý em muốn nói gì?” cuối cùng anh nói. “Có phải chuyện gì đến là ắt nhiên nó phải đến. Vì nó đã được sắp đặt?”
“Ờ”, cô nói. “Đôi khi em hay tự hỏi như vậy”.
“Anh cũng thế. Nhưng anh không tin”.
“Đôi khi em nghĩ”, Ruby nói, vẫn nhìn lên trời sao, “rằng có thể có một loạt những thực tại song song – mỗi chúng ta có một kho những thực tại khả dĩ. Nó cũng giống như ‘Hãy tự chọn cuộc phiêu lưu của bạn’, anh biết đó, và ngẫu nhiên mà chúng ta ở trong thực tại này, nhưng ngay lúc này đây có đến năm mươi hai Ruby Bronstein khác sống trong những phiên bản khác của cuộc đời em”.
Michael mỉm cười, rồi dừng lại, ngẫm nghĩ. “Ờ há”, anh nói.
“Kiểu như, trong bất kỳ một sát na nào, cũng có nhiều cách thức cho nó thị hiện, và khi nó hiện hữu theo cách này cho em, nó thị hiện theo những cách song song cho các Ruby khác. Em không biết nữa. Đôi khi em hay nghĩ như vậy”.
“À, nếu như vậy thì không chỉ có năm mươi hai Ruby thôi đâu”.
Cô mỉm cười. “Đúng như vậy đó, em nghĩ vậy. Con số đó là vô tận”.
Bên kia hồ, tiếng chó sủa.
“Cái chuyện này lạ quá”, Ruby nói. “Bởi vì khi đó anh tự hỏi, tại sao em lại là Ruby này, anh hiểu chứ? Tại sao cô Ruby sống qua khoảnh khắc này lại là em?”
“Ờ. Và liệu có tồn tại khả năng chuyển đổi giữa các Ruby hay chăng? Có một dòng chảy nào đó chăng?”
“Phải đó”.
Thân thể Michael sát bên cô trong bóng đêm. Ruby cảm nhận được hơi nóng trên cánh tay anh, chỉ cách cô có một phân.
Anh ấy nói, “Nhưng anh nghĩ điều khó cảm hơn là chỉ có duy nhất một mình mình. Mọi thứ mình trải nghiệm, mình cảm nhận, cũng chỉ là của riêng mình mà thôi”.
Ruby không trả lời, nhưng cô cảm nhận sức nặng của câu nói này. Trời sao, nguyên cả một vòm sao như thấp xuống một vài tầng cho gần cô hơn; nó lởn vởn lờn vờn rất ư là gần.
“Đó là lý do tại sao mình nghĩ tới những khả năng khác, em hiểu chứ?” Michael nói. “Tại sao mình nghĩ đến những cái tôi song hành, hay là giác ngộ, hay là Chúa, hay bất cứ cái chi chi. Bởi vì lựa chọn còn lại, hay hiện thực, thiệt quá sức chịu đựng”.
Lời nói của anh bay lên trời cao. Cho dù Michael gần bên, cô cảm thấy cô đơn làm sao, như thể chỉ có mình cô là có thiệt còn lại là một phim trường, dựng nên bằng giấy.