Lúc 13 giờ ngày 28.5.1948 được ghi nhận là thời điểm lịch sử đánh dấu bước trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam, lần đầu tiên trong đội quân “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” có người lính tiên phong được thăng quân hàm Đại tướng.
Lúc bấy giờ, sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lịnh 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ. Buổi lễ được tiến hành cạnh con suối thơ mộng, trong hội trường làm bằng gỗ, phên nứa, lợp tranh. Sát vách gian giữa là bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm, hai bên là hai băng khẩu hiệu “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” và “Thống nhất độc lập nhất định thành công”, Bác Hồ và cụ Bùi Bằng Đoàn -Trưởng ban Thường trực Quốc hội - đứng hai bên, phía trước là nhân viên tập thể nhân viên Chính phủ đứng xếp hàng dọc.
Bước đến phía trước bàn thờ Tổ quốc, Bác Hồ tay cầm Sắc lệnh và gọi ông Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Bằng giọng nói trang nghiêm, Bác nói: “-Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân...”, rồi bỗng ngừng lời, rút khăn lau nước mắt. Ai nấy đều xúc động. Lát sau Bác nói tiếp: “-Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi trao chức vụ Đại tướng cho chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân đã giao phó...” Bên ngoài hội trường tiếng suối réo ầm ầm như tiếng vọng của lịch sử đang vọng về. Bác nói tiếp: “-Các thế hệ đi trước chiến đấu cho độc lập mà sự nghiệp không thành, nhắm mắt vẫn chưa thấy độc lập, tự do. Chúng ta ngay nay may mắn hơn, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Nghĩ tới hàng nghìn, hàng vạn người ngã xuống cho ngày hôm nay, chúng ta càng phải cố gắng giành cho được độc lập, tự do để thỏa mãn vong linh những người đã khuất...”.
Sự kiện này đã được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Một phóng viên phương Tây hỏi Bác đã dựa vào tiêu chuẩn nào để phong quân hàm, Bác nói: “-Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; đánh thắng Trung tướng phong Trung tướng; đánh thắng Đại tướng phong Đại tướng”. Sau đó, trong Hội nghị Quân sự lần lần thứ năm, Bác đã dặn dò “tư cách một người tướng” phải có “Trí, Dũng, Nhân, Trí, Liêm, Trung”.
Suốt một đời cầm quân vâng tạc lời dạy của Bác trong tâm khảm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm tròn sứ mệnh của một người lính mà quốc dân đã giao phó. Ông sinh ngày 25.8.1911 tại làng An Xá, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trong một gia đình trung nông, bố là nhà giáo, mẹ là cháu ngoại của một lãnh Cần Vương. Ngay từ nhỏ ông đã được bố giáo dục tinh thần yêu nước qua bài vè Thất thủ Kinh đô- nói về cuộc kháng chiến của Tôn Thất Thuyết và được mẹ kể về gương hy sinh của chiến sĩ Cần Vương. Năm 14 tuổi, ông thi đậu vào trường Quốc học Huế và được cụ Phan Bội Châu giáo dục tinh thần yêu nước qua những lần nghe cụ diễn thuyết. Năm 1927, lúc ông mới 16 tuổi, phong trào học sinh ở Huế do ảnh hưởng của cách mạng Nga và Trung quốc nên phát triển mạnh mẽ. Là lớp thanh niên háo hức đi tìm chân lý, họ thường lên Bến Ngự hầu chuyện với cụ Phan để nghe cụ phân tích về tình hình thế giới. Ấn tượng khó phai trong tâm trí của Võ Nguyên Giáp là thấy trong nhà cụ Phan có treo ảnh Lénin cạnh ảnh Tôn Dật Tiên và Thích Ca Mâu Ni. Thời gian này, ông cùng các bạn thân như Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Nguyễn Chí Diểu... thành lập câu lạc bộ bàn về thơ văn yêu nước, sau đó bí mật chuyền tay nhau đọc những sách, báo từ hải ngoại chuyển về như Bản án chế độ thực dân Pháp, Le Paria, Việt Nam hồn...