Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Trích đọc SUỐI NGUỒN - Lời giới thiệu
Cập nhật ngày: 13/12/2007

Nhiều người đã hỏi, tôi cảm thấy thế nào khi cuốn Suối nguồn vẫn được tái bản trong suốt 25 năm qua. Tôi không thể nói tôi cảm thấy điều gì đặc biệt, ngoại trừ một cảm giác thỏa mãn lặng lẽ. Về điều này, xin trích một câu nói của Victor Hugo để diễn tả thái độ của tôi với công việc viết lách của mình: “Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi.”

Một số nhà văn – trong đó có tôi – không sống, nghĩ, hoặc viết chỉ cho một thời điểm. Tiểu thuyết – theo nghĩa hợp lý của từ này – không nên được viết để rồi biến mất trong một tháng hoặc một năm. Việc tiểu thuyết ngày nay rơi vào bi kịch trên – chúng được viết và xuất bản như tạp chí, để rơi vào lãng quên cũng nhanh như một bản tạp chí – là điều đáng buồn nhất của văn học đương đại, đồng thời là bản cáo trạng rõ ràng nhất đối với quan điểm nghệ thuật mà văn học ngày nay theo đuổi: thứ chủ nghĩa hiện thực tủn mủn, mang tính báo chí vốn đang đi vào ngõ cụt trong sự hoảng loạn không lời.

Mặc dù không phải là đặc trưng riêng, sự trường tồn là đặc trưng cơ bản nhất của một trường phái văn học hầu như không còn tồn tại ngày nay: văn học lãng mạn. Tôi không định trình bày về bản chất của văn học lãng mạn ở đây; vì thế, tôi chỉ xin được nhấn mạnh một điều này thôi – với mục đích ghi lại cho mình và cho những người chưa từng phát hiện ra điều này: chủ nghĩa lãng mạn là trường phái nghệ thuật hướng tới nhận thức (the conceptual school of art). Nó không giải quyết những vấn đề vụn vặt hàng ngày của đời sống mà hướng tới những vấn đề và giá trị vĩnh hằng, cơ bản, chung nhất của đời sống con người. Nó không ghi âm hay chụp ảnh; nó sáng tạo và định hướng. Theo ngôn ngữ của Aristotle thì văn học lãng mạn không quan tâm tới thế-giới-như-nó-đang-là (things as they are), mà tới thế giới như nó có thể làphải là (things as they might be and ought to be).
 
Đối với những người cho rằng những gì xảy ra trong thời đại hiện tại cũng có tầm quan trọng đặc biệt, tôi xin được nói thêm rằng thời đại mà chúng ta đang sống đây chính là thời đại mà con người càng cần một sự định hướng về cái thế giới như nó phải là.
 
Tôi không có ý nói rằng vào lúc tôi đang viết Suối nguồn, tôi đã biết cuốn sách sẽ còn được tái bản trong 25 năm tới. Tôi không hề nghĩ tới một khoảng thời gian cụ thể nào. Tôi chỉ biết cuốn sách này phải sống. Và nó đã sống.
 
Nhưng việc cách đây 25 năm, tôi biết cuốn sách phải sống – biết điều này ngay trong lúc bản thảo Suối nguồn bị mười hai nhà xuất bản từ chối, một số trong đó tuyên bố rằng nó “quá triết lý”, “quá nhạy cảm” và sẽ không thể bán được vì không tồn tại độc giả cho nó – lại chính là phần đau lòng trong lịch sử cuốn sách: đau lòng cho tôi khi nghĩ đến. Tôi kể lại nó ở đây để chia sẻ với những nhà văn có cùng quan điểm viết như tôi – những người có thể sẽ phải đối mặt với trận chiến tương tự; chia sẻ để khẳng định một thực tế là chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc chiến này.
 
Tôi sẽ không thể nói về Suối nguồn hoặc bất cứ phần nào trong lịch sử của cuốn sách nếu tôi không đề cập đến một người đã giúp tôi viết được cuốn sách này: chồng tôi – Frank O’Connor.
 
Trong một vở kịch tôi viết vào những năm đầu tuổi 30, vở Lý tưởng1, nhân vật nữ chính trong vở kịch – một ngôi sao điện ảnh, đã nói thay tôi bằng những lời thế này: “Tôi muốn thấy bằng xương bằng thịt, trong lúc tôi còn sống, cái chiến thắng mà tôi đã tạo ra như một viễn tưởng. Tôi muốn thấy nó có thực. Tôi muốn biết là ở đâu đó, có một ai đó cũng mong muốn điều đó. Nếu không, có nghĩa gì cái việc nhìn thấy nó, làm việc và đốt cháy mình cho một hình ảnh không có thực? Một linh hồn cũng cần năng lượng nuôi sống nó. Một linh hồn cũng có thể cạn kiệt.”
 
Frank chính là nguồn năng lượng đó. Anh đã mang lại cho tôi, vào những thời khắc thực trong cuộc sống của tôi, cảm giác thực về cuộc sống như tôi vừa nói – cái cảm giác đã sáng tạo ra Suối nguồn; và anh giúp tôi giữ được nó trong suốt nhiều năm, ngay cả khi xung quanh chúng tôi không có gì ngoài một sa mạc xám xịt những con người và sự kiện chỉ gợi lên sự khinh bỉ và kinh sợ. Điều cốt lõi nhất trong mối dây liên hệ hai chúng tôi chính là việc cả hai chúng tôi đều không bao giờ muốn hoặc bị cám dỗ vào sống trong bất cứ thế giới nào khác ngoài thế giới như trong Suối nguồn. Chúng tôi sẽ không bao giờ.
 
Nếu trong tôi có bất cứ biểu hiện nào của một nhà văn hiện thực – tức là người ghi chép lại các lời thoại trong “cuộc sống thực” để dùng cho tiểu thuyết – thì điều đó chỉ xảy ra trong giao tiếp với Frank. Ví dụ, một trong những lời thoại ý nghĩa nhất trong Suối nguồn là lời thoại ở cuối Phần Hai: trả lời câu hỏi của Toohey “Sao anh không nói thẳng cho tôi biết anh nghĩ gì về tôi,” Roark đã trả lời “Nhưng tôi không nghĩ về ông.” Câu nói của Roark chính là câu trả lời mà Frank đã dành cho một loại người khác, trong một hoàn cảnh tương tự. Hoặc như Frank đã nói với tôi về quan điểm làm việc của tôi: “Em đang vung vãi vàng ngọc mà chẳng thu lại được chút vụn cám.” Câu này, tôi để cho Dominique nói trong phiên tòa xử Roark.
 
Tôi hiếm khi cảm thấy nản lòng, và nếu có nản lòng thì thường cảm giác đấy chỉ qua một đêm là hết. Nhưng có một buổi tối, trong lúc viết Suối nguồn, tôi cảm thấy phẫn nộ một cách sâu sắc với thực trạng của cái thế-giới-như-nó-đang-là đến mức tôi cảm thấy tôi không bao giờ có năng lượng để tiến thêm một bước nào về phía cái thế-giới-như-nó-phải-là. Đêm đó, Frank nói chuyện với tôi nhiều giờ liền. Anh làm cho tôi hiểu vì sao người ta không thể bỏ mặc thế giới cho những kẻ mà mình khinh bỉ. Đến khi cuộc nói chuyện kết thúc, sự nản lòng của tôi tan biến. Nó không bao giờ còn trở lại mạnh mẽ như lần đó nữa.
 
Tôi vẫn thường phản đối thói quen đề tặng sách: tôi đã luôn giữ quan điểm rằng một cuốn sách cần được dành tặng cho bất cứ độc giả nào xứng đáng với nó. Nhưng đêm đó, tôi nói với Frank rằng tôi sẽ đề tặng Suối nguồn cho anh bởi vì anh đã cứu sống nó. Và một trong những giây phút hạnh phúc nhất của tôi đã đến vào khoảng hai năm sau đó, khi tôi thấy nét mặt của Frank lúc anh trở về nhà vào một ngày bình thường và nhìn thấy bản in thử của cuốn Suối nguồn; trang đầu tiên của nó in đậm, rõ nét mấy chữ: Tặng Frank O’Connor.
 
Có người hỏi tôi trong 25 năm qua, tôi có thay đổi không. Không, tôi vẫn là con người đó; thậm chí càng giống thế hơn. Các quan điểm của tôi có thay đổi không? Không. Kể từ lúc tôi bắt đầu nhớ được thì tất cả những niềm tin và quan điểm cơ bản nhất của tôi về cuộc sống và con người không hề thay đổi; tuy nhiên, nhận thức của tôi về phạm vi áp dụng những quan điểm ấy đã mở rộng ra cả về tầm vóc và tính chất. Tôi đánh giá thế nào về cuốn Suối nguồn ở thời điểm này? Tôi vẫn tự hào như tôi đã tự hào vào cái ngày tôi viết xong cuốn sách.
 
Cuốn Suối nguồn có được viết để trình bày các quan điểm triết học của tôi không? Trả lời câu hỏi này, tôi xin trích lại từ bài viết Mục đích văn chương mà tôi đã trình bày ở Đại học Lewis và Clark vào ngày 1-10-1963: “Động cơ và mục đích của tôi khi viết văn là khắc họa hình ảnh con người lý tưởng. Mục tiêu rốt ráo nhất của tôi là khắc họa một mẫu người lý tưởng về đạo đức; tất cả các giá trị triết học, giáo dục, hay nhận thức trong tiểu thuyết chỉ là phương tiện để đạt mục tiêu rốt ráo ấy.
 
“Tôi xin được nhấn mạnh điều này: mục đích của tôi không phải là khai sáng độc giả về mặt triết học. Mục đích của tôi – mục đích cơ bản và rốt ráo nhất – là khắc họa chân dung Howard Roark (hoặc các nhân vật chính trong Atlas vươn mình1) như cái đích tự thân.
 
“Tôi viết – và đọc nữa – vì lợi ích của câu chuyện. Phép thử đơn giản nhất của tôi cho bất cứ câu chuyện nào là: Liệu tôi có muốn gặp các nhân vật và chứng kiến những sự kiện kia trong đời thực hay không? Câu chuyện này có vẽ ra một kinh nghiệm đáng trải qua hay không? Niềm hạnh phúc được suy tưởng về các nhân vật này có đủ là mục đích tự thân hay không?...
 
Các Tin Tức Khác