Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Nghệ sĩ Mạc Can: Tôi thích chơi với chữ nghĩa
Cập nhật ngày: 19/07/2008

 
Mạc Can là một diễn viên được nhiều khán giả yêu mến, nhất là các khán giả nhí. Gương mặt dàu dàu, ủ dột của ông như một thứ của trời cho. Ông tham gia diễn xuất ở nhiều mảng như hề ảo thuật, hài, kịch, phim… nhưng hầu hết đều là vai phụ

Đóng vai phụ riết đến nỗi khi quay gần xong 13 tập phim truyền hình Xóm suối sâu của đạo diễn Quang Đại, ông mới biết mình được thủ vai chính. Đó cũng là vai chính đầu tiên của ông sau hơn 40 năm theo nghề diễn.

Ngoài nghề diễn, Mạc Can còn được biết đến với tư cách là một nhà văn. Tiểu thuyết Tấm ván phóng dao đã được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004. Sau tiểu thuyết đầu tay này, ông đã xuất bản được hai đầu sách là Phóng viên mồ côi Những bầy mèo vô sinh.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại quán cà phê nằm trong khuôn viên Hội Nhạc sĩ TP.HCM vào một buổi chiều tháng 7.

* Nhiều nghệ sĩ thường nói rằng họ tìm thấy niềm vui trong tiếng cười của khán giả. Còn ông lại tự nhận mình là “tên hề mặt hẻo”…

- Cái mặt tôi dòm rất buồn cười, tức là mình càng buồn thì người xem càng tức cười. Đôi khi tôi muốn ngồi một mình. Tôi cảm thấy rất khổ tâm khi đứng trước đám đông. Đời trái khoáy, người sợ đám đông lại thường phải đứng trước hàng trăm, hàng ngàn người, để diễn.

Khán giả cười thì mình cũng được một niềm vui be bé. Tôi còn nhớ lần đi diễn ở một tụ điểm, bữa đó tôi gặp chuyện rất rối, khuôn mặt buồn như… xác chết. Thế nhưng khi hạ màn, ông chủ tụ điểm đó lại nói “bữa nay ông diễn xuất thần, làm khán giả cười quá trời!”. Tôi buồn cho cái mặt tôi.

* Sợ đám đông nhưng, như lời một người bạn của ông kể, Mạc Can sẵn sàng đi diễn cho trẻ em không lấy cát-sê?

- Tôi mê con nít. Một phần vì thời thơ ấu của mình khá cơ cực. Phần khác, nhìn trẻ con thôi đã thấy rất dễ thương rồi. Thỉnh thoảng, rảnh việc, tôi xếp thùng đồ nghề lên xe máy, chạy qua các trường tiểu học, xin phép các thầy cô được diễn cho các em xem. Cũng may là các thầy cô biết mặt tôi, sẵn sàng tạo điều kiện cho tôi biểu diễn. Nhìn các em vui tôi thấy vui theo.

* Sau mấy chục năm lăn lộn với nghề, có vẻ như Mạc Can đã chán làm hề?

- Nghề này nó chọn mình. Thời thơ ấu tôi là thằng hề, thời thanh niên tôi là anh hề, về già tôi là ông hề. Hề vẫn hoàn hề. Thực lòng, tôi ngán ngẩm làm hề từ ngày còn bé. Cha tôi có một cái ghe hát, lênh đênh khắp vùng sông nước miền Tây. Năm lên tám, thấy cái bộ dạng tôi có vẻ láu táu, cha tôi kêu tôi làm hề phụ cho những màn ảo thuật của ông. Thế là tôi khóc. Cha tôi hỏi tại sao, tôi trả lời rằng mình không muốn làm hề. Hỏi tiếp lý do tại sao không muốn, tôi không trả lời được, chỉ khóc.

Sau khi làm hề phụ, tôi thường bị đám trẻ cùng trang lứa trêu chọc, kêu là thằng hề. Mình đâu có danh giá gì nhưng cũng ngậm ngùi chứ. Tại sao tôi phải khác tôi, phải độn bụng cho bự, phải bôi mũi đỏ, phải vận đồ sặc sỡ, phải làm những chuyện kỳ kỳ? Tôi thèm được giống như những bạn nhỏ khác, được thoải mái chơi đùa, được đến trường. Tôi khát chữ.

* Ông đã “giải” cơn khát đó như thế nào?

- Ghe hát của cha tôi thường ghé lại những khu thị tứ, bởi những chỗ như vậy mới có khán giả. Phần nhiều những nơi đó đều có trường học. Tới đâu nghe có tiếng trống trường, nếu như chưa có việc gì làm là tôi tìm đến, đứng ngoài bậu cửa sổ, dòm vào lớp xem các thầy giảng bài. Tôi nhặt ở trường này một chút, ở trường kia một chút. Sau khi biết sơ sơ mặt chữ, tôi bắt đầu tập đánh vần. Tôi đọc tất cả những gì vớ được, thường là những mảnh giấy báo mà các bà dùng để gói xôi. Năm 14 tuổi, tôi trốn khỏi gia đình.

* Xin phép được cắt ngang. Việc ông trốn đi phải chăng là vì giận người cha của mình?

- Không phải vậy. Thậm chí ngẫm lại tôi còn thấy biết ơn cụ. Nhờ cụ ép buộc mà bây giờ tôi có một cái nghề để sống. Việc tôi thoát ly gia đình là bởi muốn có cơ hội nhìn thấy những gì khác hơn trong cuộc sống. Sau khi trốn khỏi nhà, tôi theo các đoàn xiếc môtô bay, gánh hát… - nơi tôi gặp được những người thầy là các soạn giả. Các thầy cho tôi mượn khá nhiều sách. Tôi rất siêng đọc, mặc dù có những cuốn đọc xong mà tôi chẳng hiểu gì.

* Ngoài hề ảo thuật, ông còn lấn sang kịch nói, phim truyền hình, rồi tham gia dẫn game show, quay quảng cáo - từ phô mai, mì ăn liền cho đến thuốc trừ sâu. Ông chịu cày nhỉ?

- Tôi có hai thứ để bán, một là thân xác, hai là chữ nghĩa, trong đó, cái thứ nhất là nguồn thu nhập chính của tôi. Nhưng suốt đời tôi không chạy theo đồng tiền. Người ta nói tôi đóng vai này vai kia, nhưng chẳng bao giờ tôi hỏi mình sẽ được trả bao nhiêu tiền? Có lẽ là vì tôi được thừa hưởng từ cha mình cái máu phiêu bạt giang hồ. Cụ từng nói với chúng tôi rằng bữa nay liếc trong lu gạo còn nửa lon thì chẳng lo, ngày mai tính tiếp. Tôi chưa được bằng cụ, vì phải lo đến ngày mốt. Bữa nào dòm trong túi còn ít tiền, tôi đổ xăng đầy một chút, lỡ ngày kế tiếp không kiếm được tiền, tôi vẫn có thể rong chơi được.

* Ông có thể thỏa thuận thù lao tương xứng với sức lao động của mình một cách sòng phẳng. Việc đó chính đáng và ông cũng sẽ đỡ vất vả hơn?

- Thú thật, nói chuyện tiền nong tôi rất ngượng miệng. Việc tôi không định giá mình là vì tôi không biết giá trị của mình đến đâu. Thêm nữa, hồi nào đến giờ, tôi không bao giờ nghiền ngẫm kịch bản trước khi nhận lời. Thông thường, sát giờ quay, tôi mới xem kịch bản. Không phải vì làm biếng, mà là tôi muốn giữ cho cảm xúc của mình còn nóng hổi. Không đọc kịch bản thì biết thỏa thuận thế nào? Lần tham gia bộ phim Xóm suối sâu dài 13 tập của đạo diễn Quang Đại, quay gần xong tôi mới biết là mình được đóng vai chính. Đó cũng là vai chính đầu tiên của tôi.

* Có khi nào ông từ chối một vai diễn nào đó chưa?

- Chưa. Tôi không câu nệ vai nhỏ hay vai lớn. Có vai từ đầu đến cuối phim, tôi chỉ xuất hiện trong một phân cảnh, đứng quét rác đằng xa, làm hậu cảnh, tôi cũng không từ chối. Thù lao cho vai diễn đó hình như là một trăm ngàn đồng.

* Nhiều người đã quen với hình ảnh Mạc Can trên chiếc xe máy cà tàng. Dạo này thấy ông đi xe mới, hình như Mạc Can lên đời?

- Có những người nói rằng khi chạy xe Dream này thì tôi không còn là Mạc Can nữa. Xe này tôi mua đã lâu, bằng tiền từ giải thưởng cuốn tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, nhưng ít chạy lắm. Các bạn tôi khuyên không nên quá xuề xòa về hình thức. Không quá se sua nhưng cũng phải tươm tất một chút, đừng để những người quý mến mình thấy mình lùi xùi quá. Âu cũng là một cách trọng mình. Như anh thấy đấy, giờ tôi đã bỏ áo trong quần, xỏ giày đàng hoàng, chỉ chưa quen… đi vớ.

* Tấm ván phóng dao được xem như một hiện tượng của năm 2004. Sự khởi đầu của ông có vẻ như khá hanh thông?

- Thực ra tôi viết văn từ trước 1975. Hồi đó tôi trốn quân dịch, trên người không có giấy tờ tùy thân, nên bị bắt vô tù. Sẵn có chút nghề ảo thuật, tôi diễn cho “đại bàng” coi. Sau khi được thả, tôi viết Ảo thuật trong tù, đăng trên tạp chí Thời Nay, rồi gác bút. Sau năm 1975, tôi bắt đầu viết lại, nhưng các tác phẩm gửi đi đều không được đăng. Hiện tôi còn giữ một xấp hơn trăm lá thư cảm ơn từ các báo, tạp chí sau khi từ chối đăng tác phẩm của tôi. Nhưng tôi không nản. Tôi vẫn kiên trì viết. Đến truyện ngắn Người nói tiếng chim bồ câu thì tôi được đăng. Lần hồi, ngồi ở quán cà phê này, nghe các “cây đa cây đề” nói chuyện, mình cũng vỡ vạc ra thêm.

Việc Tấm ván phóng dao được trao một số giải thưởng theo tôi có lẽ là bởi thời điểm đó người ta chưa tìm được một tác phẩm xuất sắc hơn. Tôi biết vốn chữ nghĩa của mình ít ỏi. Biên tập viên nào “ôm” cuốn sách của tôi cũng đều kêu “sách của ông Can làm khó quá”. Tôi chẳng rành những động từ, danh từ, chủ từ gì cả. Người ta nói tôi giỏi về phép gián cách, truyện của tôi có màu sắc hiện thực huyền ảo…, tôi cũng chẳng hiểu người ta nói vậy nghĩa là gì.

* Mạc Can trước và sau Tấm ván phóng dao có gì khác nhau không, thưa ông?

 Cũng vậy thôi. Chỉ có điều bây giờ mà dừng viết thì tôi… chết. Tất nhiên không phải là cái chết về sinh học. Ở tuổi xế chiều, tôi thích chơi với chữ nghĩa, cho khuây khỏa. Chữ nghĩa là nguồn vui của tôi. Tôi nghĩ một khi mình không tìm thấy trên đời này có cái gì để vui thì coi như chết rồi.

* Người ta nói chơi với chữ nghĩa rất mệt?

- Đuối. Nhiều khi lúc tôi đang nằm nghỉ, chợt nghĩ ra một chữ hay, lồm cồm bò dậy, chép vô sổ tay liền. Có lần tôi làm biếng, không chép ra ngay, nên quên mất, thành ra ân hận mãi.

* Từ ngày bước vào sân chơi này, ông sợ điều gì nhất?

- Tôi sợ những ý tưởng hay mà bút lực mình không đủ với tới. Có những vấn đề người ta viết trong vài dòng, tôi phải bôi ra cả trang, có khi hơn. Thò bút cắt bớt thì lại dở. Viết dài là nhược điểm của tôi. Cũng có khi viết được năm, bảy chục trang, đọc lại không hài lòng, tôi xé hết. Giữ lại để sửa sẽ làm mình chậm đi, nên tôi chỉ giữ cái tứ để viết lại.

* Ban ngày không chạy sô thì ông cũng la cà khắp nơi. Xin hỏi, ông viết vào lúc nào?

- Tôi viết lúc nào cũng được, ở đâu cũng được. Quán cà phê, sau cánh gà, hay có khi là khoảng thời gian chờ đợi đến vai diễn của mình khi đi đóng phim, nhưng chủ yếu là viết vào ban đêm. Cũng có khi đi tới đi lui đi xuôi đi ngược, chẳng nặn ra được cái gì. Nhưng với tôi, lúc ngồi viết là khoảng thời gian sung sướng nhất trong ngày.

* Thế ông không ngủ à?

- Có chứ. Tôi thường ngủ vào lúc chiều chạng vạng, nhưng rất ít. Khoảng chín giờ tối là trở dậy, chong đèn viết đến sáng bạch thì xách xe đi. Không phải tôi bị mắc chứng mất ngủ mà có lẽ đó là thói quen hình thành trong những năm tháng xiêu bạt theo các gánh hát. Tuồng vãn rất khuya nhưng anh em hầu như không bao giờ ngủ liền. Nếu không ngồi lê la tán dóc, lai rai vài xị đế thì cũng thu dọn đồ đạc, di chuyển ngay đi nơi khác. Riết rồi thành quen. Bây giờ ai ở chung với tôi chắc bực mình lắm. Tôi đi rột rẹt, ngủ không được đâu.

* Phải chăng đó là lý do ông quyết định ra ngoài thuê nhà ở?

- Người ta nói rằng khi về già tâm tính con người quay trở lại với thời con nít, dễ hờn, dễ tủi. Điều này tôi chứng nghiệm được từ bản thân mình. Tôi đã từng có một thời thơ ấu lang thang. Giờ đây, việc gia đình đã xong, tôi muốn dành những ngày cuối đời để sống lại thời thơ ấu. Trong khi rong chơi, tôi hy vọng mình gặp được cái gì đó hay, để viết. Hiện giờ tôi đang ở trọ trong một con hẻm khá dữ dằn. Bài bạc, xì ke… đủ thứ hết. Hồi mới dọn đến tôi cũng ớn. Cũng may cho tôi là làm diễn viên, nhiều người biết mặt nên không ai làm khó mình. Dần dà rồi một số người trong hẻm trở thành bạn bè của tôi.

* Ông sẽ viết về họ chứ?

- Không. Tôi đang viết về một cô gái bán vé số. Nhân vật này tôi theo đã hai năm và bắt đầu viết được gần một năm, cũng sắp xong rồi. Cô ấy ở ngoài Bắc vô, dắt theo một người cha và ba đứa em. Nhưng khi xuống Bến xe miền Đông thì người cha mất tích. Cô vừa đi bán vé số, vừa nuôi các em, vừa tìm cha. Quan sát nhân vật này va đập liên tục với cuộc sống, mỗi ngày lại có thêm những biến chuyển khác, hay hơn những gì mình viết.

* Bây giờ nên gọi ông là diễn viên Mạc Can, ông hề Mạc Can hay nhà văn Mạc Can?

- Tôi không thích hợp với những danh xưng lớn quá. Ông hề tôi đồng ý, diễn viên tôi tạm thời đồng ý, nhưng nhà văn thì lớn quá, tôi không dám nhận.

* Khiêm tốn thái quá cũng không nên. Ông nổi tiếng lắm đấy. Những người hâm mộ ông còn lập cho ông một website trên mạng.

- Có chuyện đó à. Tôi có biết đâu. Mà họ viết cái gì trong đó? Có những cái người ta viết về tôi mà khi đọc tôi không nhận ra mình.

* Website này chủ yếu đăng lại những bài viết về ông. Mà tại sao khi có bài viết với những chi tiết chưa đúng về mình, ông không cải chính?

- Có chết thằng Tây nào đâu, cải chính chi cho mệt.

* Trong những nhà văn Việt Nam hiện nay, ông có thích cách viết của ai không?

- Tôi có thích một số người, nhưng xin phép cho tôi được giữ ở trong lòng.

* Tôi có cảm giác ông mặc cảm về thân phận của mình?

- Đúng. Tôi sinh ra không được may mắn lắm. Từ bé đã bị người khác ăn hiếp, bị khinh rẻ, bị nói bằng những lời lẽ giữa con người với nhau thì đừng nói. Chẳng hạn khi Tấm ván phóng dao được giải, có người nói “hề thì viết lách cái gì”. Mà ngộ, điều gì cứ lặp đi lặp lại nhiều lần thì có khi nó đúng thật đấy.

* Mơ ước lớn nhất của ông lúc này là gì?

- Tôi chẳng mơ ước gì.

* Vậy còn những tác phẩm mà ông đang ấp ủ thì sao, thưa ông?

- Tôi vẫn tiếp tục viết. Không kỳ vọng thì chẳng bao giờ phải thất vọng.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Theo THƯỢNG TÙNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Các Tin Tức Khác