Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Nhớ người nhạc sĩ “từ nhân dân mà ra”
Cập nhật ngày: 20/05/2008

 

“Những gì mà Xuân Hồng để lại cho đời không chỉ là những bài ca bất hủ vẫn sẽ vang mãi trong lòng mọi người, mà đó là một sự tinh cất, chắt lọc từ những gì tích tụ đọng lại đã tạo nên một tài năng, một tâm hồn, một nhân cách!”. Đó là lời nhận xét của Giáo sư-nhạc sĩ Ca Lê Thuần về người nhạc sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. “Nhạc sĩ Xuân Hồng”, do NXB Trẻ vừa ấn hành mang đến cho bạn đọc một bức tranh toàn diện về cố nhạc sĩ tài năng, dễ mến này.

Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, sinh ra trong một gia đình nông dân ở Tây Ninh. Cha mẹ ông rất yêu văn nghệ, từng tham gia CLB Đờn ca tài tử ở địa phương, sử dụng thành thạo đàn bầu, đàn nhị, thuộc nhiều câu hò, điệu lý, yêu văn chương, biết điển tích, điển cố... Từ nhỏ, tâm hồn ông được nuôi dưỡng trong môi trường êm đềm, thơ mộng, nên hình thành một tình yêu âm nhạc đằm thắm. Ông được cha dạy độc huyền cầm từ khi lên năm. Rồi giữa lúc tình yêu âm nhạc được thắp lên, cha ông lâm bệnh qua đời. Nhà nghèo, để có tiền lo hậu sự cho cha, mẹ ông đi vay tiền và sau đó, ông đi ở đợ 3 năm mới có thể trả hết số tiền. Thời gian này, ông ít nghĩ tới âm nhạc. Nhưng rồi, ông kết bạn với một số bạn bè trong xóm bắt đầu học đàn những bài bản tài tử. Bởi, ông nhận ra âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn con người: “Đờn ca tài tử là cái mốt của thanh niên thời bấy giờ, nếu cậu trai nào không biết đàn coi như nghèo nàn về tâm hồn, thua kém bạn bè... Bản thân tôi không tài nào mua nổi cây đàn ghi ta, mỗi lần muốn tập là phải mượn người bạn. Khi mượn được là phải tranh thủ thời gian tối đa. Do vậy, nhiều khi tôi ngồi đàn bỏ cả cơm nước, lắm lúc bị bà già mắng mới thôi” (tr.181).

 

 Rồi cũng như bao thanh niên khác, nhạc sĩ Xuân Hồng khoác ba lô lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ông vào chiến trường, ghi lại hình ảnh chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta. Nhạc ông viết về chiến tranh và trong chiến trường đầy khói lửa ấy vẫn có mùa xuân, vẫn có màu hồng như chất xúc tác để mọi người có thêm sức mạnh, niềm tin chiến đấu thắng kẻ thù. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia đội Thiếu niên tiền phong và bắt đầu tiếp xúc với âm nhạc qua các bài hát cách mạng. Vốn yêu thích văn nghệ, nên ông thường tập hợp anh em tập tành, biểu diễn và bắt đầu sáng tác những ca khúc phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị. Năm 1969, ông học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam, sau đó làm Trưởng đoàn Văn công Giải phóng miền Nam. Sau 1975, ông làm Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam... Ông mất ngày 14-5-1996.
 
Những ngày đầu đến với âm nhạc của nhạc sĩ Xuân Hồng gian nan là thế. Nhưng chính sự khổ cực này đã trui rèn nên một Xuân Hồng sau này với sáng tác sống trong lòng khán giả. Tôi đã từng gặp một số nhạc sĩ thế hệ ông, sau ông. Ai biết ông cũng đều có nhận xét ông rất dễ mến, hòa đồng, gần gũi. Ông đi tới đâu là tiếng cười theo đến đó bằng những câu chuyện tiếu lâm, làm cho mọi người quên đi công việc cực nhọc. Với ông, mọi khó khăn sẽ được đẩy lùi nếu tâm hồn tươi trẻ. Điều này càng thấy rất rõ trong những sáng tác của ông. Những bài hát như: “Bài ca may áo”, “Xuân chiến khu”, “Chiếc khăn tay”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Hành quân đêm”, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”... không hề buồn, mà thể hiện nhiệt huyết của thanh niên dù ở hậu phương hay tiền tuyến...
 

 Hơn 12 năm kể từ ngày ông mất, bạn bè, đồng nghiệp vẫn nhớ ông. “Nhạc sĩ Xuân Hồng” ra đời vào dịp kỷ niệm 12 năm ngày mất của nhạc sĩ Xuân Hồng như tấm lòng của người ở lại, gởi đến ông những tình cảm nồng ấm nhất. Sách chia làm 4 phần: “Tác phẩm”, “Tự thuật và các bài viết”, “Mời vô đây nghe khúc nhạc hay”, “Mùa xuân còn ở lại” . Ngoài ra tuyển tập còn có các bài giới thiệu của những nhạc sĩ tên tuổi, tập ảnh của nhạc sĩ Xuân Hồng trong cuộc đời với nhiều niềm vui, nỗi buồn. Hãy đọc để biết thêm về nhạc sĩ “từ nhân dân mà ra” (chữ dùng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dành cho Xuân Hồng).

 

THẢO HƯƠNG

(Báo Hậu Giang)

Các Tin Tức Khác