Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

NÓNG, PHẲNG, CHẬT - Kỷ nguyên năng lượng, khí hậu - Thời tiết nóng, phẳng, chật - Phần 3
Cập nhật ngày: 17/06/2009

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: Khi nhiệt độ trung bình của trái đất tăng lên, sự thay đổi này bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến khí hậu, và do khí CO2 vốn đã có trong bầu khí quyển từ hàng nghìn năm, ảnh hưởng này chỉ phát sinh khi có nhiều khí CO2 hơn được thải vào hệ thống tự nhiên. Khi chúng ta tiến vào Kỷ nguyên Năng lượng - Khí hậu, chúng ta bỏ lại phía sau một thời kỳ với suy nghĩ rằng chúng ta có thể kiểm soát và thay đổi được mọi tác động chúng ta gây ra đối với khí hậu và môi trường – ví dụ, mưa axít, tầng ozone bị suy thoái, ô nhiễm thông thường – và trước mắt là một kỷ nguyên mới trong đó chúng ta không thể kiểm soát và thay đổi được những tác động mình gây ra đối với khí hậu và hệ thống tự nhiên nữa.

Tín hiệu đèn đỏ nhấp nháy báo hiệu kỷ nguyên mới chính là cơn bão Katrina và báo cáo gần đây nhất của Liên hợp quốc vào năm 2007 – do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) hỗ trợ thực hiện – tóm tắt tác động của biến đổi khí hậu kể từ năm 1990 đến nay. Cơn bão Katrina chính là một ví dụ cho thấy biến đổi khí hậu nằm ngoài tầm kiểm soát là như thế nào. Ngày 29/8/2005, cơn bão đã tàn phá thành phố New Orleans và nhiều nhà khí tượng học tin rằng sức mạnh khủng khiếp của nó có nguyên nhân là nước ở vịnh Mexico đã ấm hơn do trái đất nóng lên. Báo cáo của IPCC nói rằng kết luận được các chuyên gia khí tượng trên thế giới đồng thuận nhất, rút ra từ vài chục ngàn nghiên cứu khoa học đã được thẩm định, là thực tế trái đất nóng lên là “hoàn toàn chắc chắn”, và có bằng chứng rõ rệt cho thấy nguyên nhân trực tiếp làm nhiệt độ tăng lên từ năm 1950 là con người phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển.

IPCC còn đi xa hơn khi cho rằng nếu không cắt giảm đáng kể phát thải CO­2 thì biến đổi khí hậu sẽ gây ra ảnh hưởng “đột ngột hoặc không thể thay đổi được” lên không khí, đại dương, sông băng, đất đai, bờ biển và các loài sinh vật. Vào buổi công bố tóm tắt báo cáo, Chủ tịch Ủy ban, ông Rajendra Pachauri đã nói với các phóng viên: “Nếu chúng ta không có hành động gì trước năm 2012 thì mọi chuyện sẽ quá muộn. Những việc chúng ta làm trong hai hoặc ba năm tới sẽ quyết định tương lai của chúng ta. Đây chính là thời điểm quyết định”.

Tình hình sẽ tồi tệ đến mức nào? Theo yêu cầu của Liên hợp quốc, tổ chức nghiên cứu Sigma Xi đã triệu tập một nhóm các nhà khoa học khí tượng trên thế giới và xây dựng một báo cáo vào tháng 2/2007 có tên là “Đối mặt với biến đổi khí hậu”, trong đó lưu ý rằng mặc dù nhiệt độ trung bình trên trái đất tăng lên rất ít, chỉ 0,8 độ C, so với năm 1750, nhưng nó cũng “dẫn đến thiên tai xảy ra nhiều hơn đáng kể so với trước như lũ lụt, hạn hán, nóng bức kéo dài, cháy rừng... Đã xảy ra hiện tượng diện tích băng trên biển Bắc cực vào mùa hè giảm mạnh, nền băng Greenland tan ngày càng nhiều hơn, nền băng Tây Nam cực có dấu hiệu không ổn định, và rất nhiều chủng loại động thực vật có xu hướng di chuyển nơi sinh sống cả về mặt địa lý và độ cao”.

Báo cáo của Sigma Xi cho biết, do chúng ta không thể chấm dứt việc phát thải CO2, chỉ cần nó tiếp tục tăng ở mức trung bình thì “nhiệt độ năm 2100 sẽ cao hơn khoảng từ 3 đến 5 độ C so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp”. Hậu quả là hiện tượng nước biển dâng, hạn hán và lũ lụt trên quy mô rất lớn, ảnh hưởng đến điều kiện sống của rất nhiều người. Mà đó mới chỉ là hậu quả của mức tăng trung bình. Nhiều nhà khí tượng học cho rằng tình hình sẽ còn xấu hơn.

Giờ đây, chúng ta đã nhận biết được điều này, thách thức của chúng ta trong Kỷ nguyên Năng lượng - Khí hậu là phải kiểm soát được những tác động “không thể tránh được”, đã có ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta, và phải tránh được những tác động thực sự “không thể kiểm soát nổi”, như Sigma Xi đã đánh giá rất rõ. Thực tế, nếu có một khẩu hiệu cho Kỷ nguyên Năng lượng - Khí hậu thì chắc chắn nó sẽ dựa trên đề xuất của Sigma Xi: Tránh những điều không thể kiểm soát và kiểm soát những điều không thể tránh.

Peter Gleick, đồng sáng lập viên và chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển, môi trường và an ninh Thái Bình Dương tại Oakland đã nói: “Có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Và bất kể tình hình tồi tệ đến đâu, nó vẫn có thể trở nên tốt hơn hoặc tệ hơn nữa. Nước biển dâng 60 cm rất khác so với khi nó dâng lên 3 mét. Nhiệt độ tăng lên 2 độ cũng rất khác so với khi nó tăng lên 5 độ – và đó là lý do tại sao cần phải suy nghĩ về những vấn đề kiểm soát được và những vấn đề không kiểm soát được, vì một tình huống có thể giết chết một triệu người, còn tình huống kia sẽ giết chết một trăm triệu”.

NGHÈO NĂNG LƯỢNG: Đã lâu nay có điện trở thành một điều kiện quan trọng sống còn, nhưng khi thế giới trở nên nóng bức, bằng phẳng và chật chội, điện càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa. Vì giờ đây, trong một thế giới ngày càng phẳng, nếu không có điện, bạn sẽ không thể vào mạng, và không thể cạnh tranh, kết nối hay hợp tác trên phạm vi toàn cầu, hay thậm chí ngay ở nơi bạn sống. Khi thế giới ngày càng nóng bức, với những mô hình trên máy tính dự báo rằng biến đổi khí hậu sẽ làm cho thiên tai trở nên khắc nghiệt hơn – mưa lớn hơn, lũ lụt nặng nề hơn, hạn hán kéo dài hơn – và những người có nơi ở tồi nhất và ít phương tiện chống đỡ nhất sẽ là những người bị thiệt hại nặng nhất. Nếu bạn không có điện để hỗ trợ xây được tường cao hơn, đào được giếng sâu hơn để có nước ngọt thì bạn cũng sẽ mất hoàn toàn khả năng thích ứng để tồn tại. Và trong thế giới chật chội này, ngày càng có nhiều người rơi vào nhóm đó – nhóm những người thiếu điện, và thiếu may mắn.

Đối với tôi, vấn đề này nổi lên qua một mẩu tin ngắn trên trang Bloomberg.com (ngày 24/1/2008): “Theo Ngân hàng trung ương Nam Phi, trong quý III năm 2007, Nam Phi đã nhập khẩu 44.590 máy phát điện so với 790 chiếc vào quý III năm 2003”.

Đằng sau mẩu tin ngắn đó là cả một câu chuyện dài: Vào quý IV năm 2007, Nam Phi và Zimbabwe, một nước lân cận phụ thuộc một phần vào điện do Nam Phi cung cấp, đã bị mất điện trên diện rộng do mạng lưới điện Nam Phi – vốn đã xuống cấp vì không được duy tu bảo dưỡng – bị quá tải trước cầu tăng cao. Tình trạng này không chỉ dẫn tới cơn sốt đổ xô đi mua máy phát điện gia đình và văn phòng mà còn phát sinh tin đồn về suy thoái kinh tế trong dài hạn khi mọi người không có điện để sản xuất.

Bản tin nói trên của Bloomberg cũng cho biết thêm: “Tuần trước, vào thời gian mọi khi là cao điểm đông khách, nhân viên nhà hàng Tre Gatti Cucina tại Johannesburg chỉ lau bàn và gấp giấy ăn trong ánh nến, nhà bếp của họ phải nghỉ vì tình trạng mất điện lâu chưa từng thấy ở Nam Phi. Theo công ty điện độc quyền Eskom Holdings Ltd. dự đoán, tình trạng thiếu điện sẽ kéo dài ít nhất là đến năm 2013, do đó sáu nhân viên phục vụ bàn và bếp nhà hàng này chắc sẽ sớm mất việc làm. Dee Kroon, chủ một nhà hàng Ý mở từ năm 2005 ở Craighall Park gần Johannesburg nói: ‘Nếu tình hình này còn tiếp diễn chắc chúng tôi phải bán cửa hàng’. Nhưng ai sẽ là người mua nếu lúc nào cũng mất điện?”

Với những người chưa bao giờ có điện thì việc cắt điện diện rộng cũng không phải vấn đề gì lớn. Nhưng với những người đang có điện và những người mà có thêm một kilowatt điện là thêm chút tham vọng, thì việc đột nhiên bị cắt điện có thể dẫn tới bùng nổ xung đột chính trị.

MẤT ĐA DẠNG SINH HỌC: Thế giới bằng phẳng và chật chội đang đưa quá trình phát triển kinh tế, thương mại, xây dựng đường sá, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản quá mức và mở rộng khu đô thị đi lên với tốc độ có thể dẫn đến phá hoại đất đai tự nhiên, rạn san hô, rừng nhiệt đới và phá vỡ hệ sinh thái, lấn dần sông ngòi, khiến cho số loài sinh vật trên hành tinh bị tuyệt chủng tăng cao chưa từng thấy.

“Với tất cả những giá trị vật chất mà phát triển kinh tế đem lại, những bệnh tật và nghèo đói mà chúng ta tránh được, những hào quang rực rỡ nhất của nền văn minh, chúng ta cũng phải bỏ ra một chi phí khổng lồ liên quan đến thế giới sinh vật, đến vẻ đẹp tự nhiên, và cần phải coi đó là tổn thất rất nghiêm trọng khi tính toán lợi ích của con người”. Hiệu trưởng Trường Khoa học lâm nghiệp và môi trường thuộc Đại học Yale, tác giả cuốn Cây cầu bắc ở nơi tận cùng thế giới (The Bridge at the Edge of the World), James Gustave Speth đã viết như vậy. “Một nửa diện tích rừng nhiệt đới và rừng ôn đới trên thế giới đã bị phá. Tốc độ mất rừng ở vùng nhiệt đới vẫn đang là khoảng một mẫu Anh mỗi giây. Khoảng một nửa diện tích đất ngập nước và rừng ngập mặn đã biến mất. Ước tính 90% các loài cá ăn thịt lớn đã bị tiêu diệt... 20% rạn san hô đã bị phá hủy, và 20% khác đang bị đe dọa nghiêm trọng. Các loài sinh vật đang mất dần với tốc độ nhanh gấp ngàn lần thông thường.

Ai cũng có thể kể lại nhiều sự kiện cho thấy chúng ta đã vượt qua điểm giới hạn của đa dạng sinh học khi thế giới trở nên nóng bức, bằng phẳng và chật chội. Với tôi, dấu hiệu thuyết phục nhất xuất hiện vào năm 2006 khi loài người chúng ta mất một người họ hàng. Chúng ta là một loài động vật có vú lớn, và lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, tự tay chúng ta đã làm cho một loài động vật có vú khác tuyệt chủng – đó là cá heo nước ngọt baiji. Còn được gọi là cá heo sông Dương Tử, loài baiji này chỉ sống ở sông Dương Tử, Trung Quốc, và là một trong rất ít loài cá heo nước ngọt trên thế giới. Baiji tuyệt chủng là một tổn thất lớn đối với thế giới chính vì sinh vật này đại diện cho một chi chứ không chỉ một loài vật. Các loài vẫn đang biến mất thường xuyên, và mỗi loài mất đi là một bi kịch. Nhưng khi bạn mất đi một chi sinh vật – có thể bao gồm rất nhiều loài – bạn đã đánh mất một lát cắt lớn trong lịch sử sự sống. Hãy coi đa dạng sinh học như một cái cây. Khi một chi sinh vật tuyệt chủng tức là bạn cắt đi cả một cành cây. Cá heo nước ngọt baiji là một cành cây lớn trong số đó.

Quỹ Baiji.org (ngày 13/12/2006) báo cáo rằng sau một cuộc thám hiểm tìm kiếm, có thể kết luận cá heo baiji sông Dương Tử đã tuyệt chủng.

Trong sáu tuần, các nhà khoa học từ sáu nước đã nỗ lực tìm kiếm trên sông Dương Tử nhưng vô ích. Các nhà khoa học đã đi bằng hai con tàu phục vụ nghiên cứu trên quãng đường sông dài khoảng 3.500 km từ Nghi Xương gần đập Tam Hiệp đến tận Thượng Hải, vào đồng bằng sông Dương Tử rồi quay trở lại với những thiết bị quang học cao cấp và micro dùng dưới nước. “Cũng có thể chúng tôi đã không phát hiện ra nếu chỉ còn một hoặc hai cá thể”, August Pfluger, giám đốc quỹ baiji.org ở Thụy Sỹ và là người đồng tổ chức cuộc thám hiểm ở tỉnh Vũ Hán nói. Tuy nhiên, có vẻ không còn con baiji nào còn sống trên dòng sông này. “Chúng ta phải chấp nhận sự thật, rằng baiji đã tuyệt chủng. Đó là một bi kịch, một mất mát không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả thế giới”.

Một năm sau tạp chí Guardian cũng có một bài báo nói về sự kiện có tính lịch sử này.

Cá heo sông Dương Tử, từng là một trong những loài bị đe dọa nhất trên hành tinh, đã chính thức bị tuyên bố tuyệt chủng sau một cuộc tìm kiếm kỹ lưỡng ở môi trường sống của loài này. Loài động vật có vú nước ngọt, ở tuổi trưởng thành có thể dài 2,4m và nặng một phần tư tấn, là loài động vật lớn đầu tiên bị con người làm tuyệt chủng trong 50 năm qua, và mới là chi động vật có vú tiến hóa thứ tư biến mất khỏi trái đất tính từ năm 1500. Ngày hôm qua các nhà bảo tồn sinh vật đã mô tả đây là một “bi kịch gây sốc”, nguyên nhân không chỉ là khai thác cố ý mà còn do đánh bắt cá thiếu bền vững và quá nhiều tàu bè đi lại bất cẩn, không được kiểm soát gây ra. Vào thập niên 1950, sông Dương Tử và các nhánh sông lân cận có hàng nghìn con cá heo nước ngọt, được gọi là baiji, nhưng số lượng cá thể đã suy giảm đột ngột từ khi Trung Quốc tiến hành công nghiệp hóa và biến sông Dương Tử thành tuyến giao thông đường thủy chính với nhiều tàu bè, hoạt động đánh bắt cá và sản xuất thủy điện quy mô lớn.

 Tất cả năm vấn đề chính nói trên – cung cầu năng lượng, sự thống trị của dầu mỏ, biến đổi khí hậu, nghèo năng lượng và mất đa dạng sinh học – xuất hiện đã nhiều năm. Nhưng tất cả đều trở thành vấn đề đặc biệt lớn, nghiêm trọng vào khoảng sau năm 2000. Hai nghìn năm trước, thế giới chuyển từ trước công nguyên sang sau công nguyên. Tôi có cảm giác sâu sắc rằng một ngày nào đó, các nhà sử học sẽ nhìn lại và kết luận rằng ngày 31/12/1999 không chỉ đơn thuần là ngày cuối cùng của một thế kỷ, một thiên niên kỷ mà còn là ngày cuối cùng một giai đoạn được gọi là công nguyên – và ngày 1/1/2000 thực sự là ngày đầu tiên của kỷ nguyên mới.

Đó là ngày 1, năm thứ nhất, Kỷ nguyên Năng lượng - Khí hậu.
 
Các Tin Tức Khác