Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

HÀNH TRÌNH XƯƠNG THUỶ TINH - Kỳ 3: Những ngày đẹp như mơ
Cập nhật ngày: 21/08/2008

 
 
Mẹ đã cầm giấy chủ quyền nhà để vay 20 triệu đồng truyền thuốc cho con. Mẹ đã quen xoay xở với chuyện tiền bạc rồi nên không đáng lo lắm đâu con ạ. Nhưng đêm nay mẹ không thể ngủ, ánh mắt con và tiếng đám trẻ giễu cợt “Cái thằng què...” cứ làm lòng mẹ thổn thức.

Vầng trăng cho con

Ánh trăng hắt qua song cửa làm mẹ bừng tỉnh: sắp trung thu. Mẹ sẽ biến đêm trung thu này thành một đêm hội của “chú bé tí hon”, mẹ sẽ kéo đám trẻ lại bên con.

Sáng ra, mẹ hồ hởi: “Này các con, chuẩn bị tinh thần, mẹ Hương sẽ làm tiệc trung thu đấy!”. Vừa nghe, bé Khoa đã mừng rỡ nhảy cẫng lên, hỏi như reo: “Mình sẽ làm những gì hả mẹ?”, nhưng con vẫn ngồi im, khuôn mặt đượm vẻ buồn phiền.

Mẹ vạch ra một kế hoạch: sân nhà đằng trước sẽ giăng dây kẽm để gắn đủ thứ lồng đèn với màu sắc rực rỡ, những sợi kim tuyến lấp lánh. Tự tay con sẽ gấp những con hạc trắng và mẹ sẽ làm cho chúng phải bay lên. Cuối bữa tiệc, ta sẽ hái tất cả làm quà cho đám trẻ con, lại phát thêm những ngọn nến hồng. Hai bức tường màu xanh mát dịu sẽ làm phông, chúng sẽ vẽ bằng chì, bằng mực, bằng than tất cả những gì chúng thích. Mẹ con mình sẽ cùng làm “giám khảo”, giải thưởng là những cuốn tập Vĩnh Tiến. Mẹ đi mời bác Mười phụ giúp chuyện thức ăn: khoai chiên, chuối chiên, đậu phộng rang và thêm một ít bánh, nước ngọt.

Để kế hoạch trở thành cụ thể, mẹ ra tiệm vàng chia tay với đôi bông tai nhỏ. Hai cái tai mẹ chỉ nghe nhẹ đi một chút, nhưng bù lại tay mẹ lại xách nặng những bánh quà, giấy màu, tập vở. Buồn cười nhất là bố. Bố cứ tròn mắt: “Em làm thật đấy à?”. “Sao lại không, chiều nay em ra bờ sông chặt tre, ngày mai anh hãy cùng em làm mọi thứ”. Chiều mẹ mang một bó tre về. Bố cũng nhiệt tình xông vào công việc. Nhà mình nhộn nhịp như một công trường. Khi mọi việc sắp xong, mẹ gom vỏ bao thuốc lá và cắt thành những cái thiệp trắng xinh xinh, viết “Mời con tới dự tiệc tại nhà anh Minh Hội”, mang đến từng nhà có trẻ em trong xóm.

Hôm đó đám trẻ con kéo đến nhà mình rầm rập, đứa nào cũng nhếch nhác, lấm lem. Chúng hát, chúng vẽ lên tường đủ thứ, bố phải chạy đi mua thêm bút màu và giấy khổ to. Hò hát thỏa thuê, con lăng xăng sai em Khoa bê đồ ăn phụ mẹ. Tan tiệc, cả bọn cùng lục tục thắp nến rước lồng đèn. Đám trẻ về mang theo những tiếng lao xao và vẻ mặt hồng hào dưới ánh trăng và ánh nến. Cả xóm mình vui ơi là vui, nét mặt con chưa bao giờ tươi như thế. Bọn trẻ con ngoái lại hẹn hò: “Anh Hội ơi, mai tụi em lại đến chơi nữa nghen!”.

Cuộc đời tặng mẹ
Đang trong kỳ điều trị mà không chịu nghỉ ngơi, con cứ bò lên ghế ngồi dán mắt vào màn hình máy vi tính. Con cặm cụi viết gì thế mà thỉnh thoảng lại nhìn trộm mẹ thế kia? Viết được rồi con loay hoay tìm địa chỉ của một tờ báo: báo Tuổi Trẻ. Mẹ hỏi, con có vẻ ngượng ngùng, ấp úng nói: “Con viết bài dự thi”. “Ôi trời ạ! Cái thằng bé này bày đặt thi với cử - mẹ thầm nói - Thôi mặc, cứ để nó vui, nó làm gì thì mặc nó”.

Trước giờ mẹ mua báo cốt chỉ để xem quảng cáo về nhà đất, cũng chỉ xem ở mỗi quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn thôi, vì nó liên quan đến sinh kế của gia đình mình. Mẹ đang vùi đầu vào nỗi lo không trả được nợ thì người ta sẽ đến xiết nhà, lo bố đi làm, mẹ và con đi truyền thuốc, ở nhà ai chăm sóc cho Khoa... Vậy mà con lại đang viết bài gửi đến một tờ báo.

Mẹ lại nghĩ con thích thì viết cho vui, báo chí còn bao chuyện đại sự, ai chú ý đến chuyện của một đứa trẻ mà quanh nó chỉ toàn những chuyện gãy xương, quắt quay với tật bệnh, đói nghèo. Thế nhưng mẹ đã lầm. Một lá thư điện tử từ tòa soạn Tuổi Trẻ gửi đến cho con. Họ khen, họ động viên, họ bảo con viết chi tiết hơn, họ bảo con cho số điện thoại… Rồi một bác phụ trách cuộc thi “Chuyện đời tự kể” gọi điện thoại lại thật. Bác nói chuyện với con, ân cần hỏi mẹ  về cuộc sống của chúng ta, về căn bệnh của con.

Con vui thích lắm, mắt con sáng rỡ, cười nói huyên thuyên. Bác hướng dẫn mẹ, mẹ hướng dẫn con, con đã viết đi viết lại hai lần và lại gửi. Một ngày sau bác điện tới báo tin: “Bài của con ổn rồi, sẽ đăng Hội ạ”. Vậy là sự mừng rỡ tăng gấp mấy lần trong con, đến mức cái tay mỏi nhừ vì bị tiêm thuốc hôm qua con cũng không để ý.

Con chẳng đi ngủ sớm giống như mọi khi, con thức mãi và hào hứng ghi vào nhật ký: “Sau nguyên một ngày chờ đợi, tôi đã có tin vui. Bác gọi điện tới nói sẽ đăng bài của tôi. Trời ơi, tôi muốn chết giấc luôn á! Thiệt luôn! Bài của tôi mà được đăng! Ha! Và bác ý cũng khen bài của mẹ! Tôi đấm ngực sung sướng... Tôi la hét hỉ hả... Tôi... tôi... tôi còn làm nhiều thứ điên khùng nữa cơ... Uh... Nếu mà tôi có tiền (tôi đã nghĩ đến món tiền nhuận bút) tôi sẽ làm gì nhỉ? Tất nhiên rồi, tôi sẽ mua sắm nè, tôi tặng quà cho ba mẹ và Khoa nè... Thỏa bao nhiêu là ước mơ nè... Và tôi sẽ mua màu nước để vẽ được nhiều tranh hơn nè... Tôi sẽ vẽ những con mèo... há... á... há!!! Lần đầu tiên tôi thấy tôi có ích trong đời! Kể cũng sung sướng...”.

Mẹ thì khác, cố tỏ ra bình thản không bộc lộ cảm xúc như con, nhưng lòng mẹ vui sướng và xúc động vô cùng. Bố đi làm về lấy làm ngạc nhiên lắm: “Hội được đăng báo thật đấy à?”. Riêng mẹ, có một điều làm mẹ day dứt rất lâu là ngoài việc quan tâm đến bài báo của con, bác ấy còn quan tâm đến việc điều trị bệnh của con nữa. Bác hỏi về thuốc, về thời gian truyền, và bất ngờ bác còn điện thoại tới ngay khi con nằm điều trị để trò chuyện cho con vui, động viên con. Thì ra mẹ đã sai khi luôn cảnh giác, lạnh lùng, hoài nghi với mọi người sau những đau đớn phải chịu đựng trong đời. Mẹ đã kéo cả nhà ta vào một hàng rào kín mít do mẹ lập nên. Mẹ sai lầm quá, Hội à. 

Cả nhà ta cứ náo nức đợi ngày báo Tuổi Trẻ đăng bài của con. Và báo đã đăng. Hôm ấy là ngày 15-9-2006. Chúng ta cùng nhau say sưa đọc. Vui là thế! Con, bố, mẹ và cả bé Khoa nữa tranh nhau đọc, đọc đi rồi đọc lại, nhưng đọc rồi, nhìn nhau, mắt ai cũng nhạt nhòa nước mắt. Thời gian vẫn trôi, cuộc sống của gia đình ta lại trở lại nếp bình thường. Chúng ta vẫn lo làm, lo ăn, lo việc chữa bệnh tật. Có khác là cái dư âm ngọt ngào của những chuyện lạ lùng kia vẫn kéo dài thêm mãi.

Giấc mơ biến thành hiện thực

Sau khi bài báo đăng, điện thoại nhà ta đổ chuông liên tục: người ở khắp nơi gọi đến, ôi thôi, phụ nữ, đàn ông, có cả trẻ con, người già, có cả những người tu hành nữa... Ôi nhiều người hỏi chúng ta lắm. Có cả một cô ở tận nước ngoài, đâu tận Bắc Mỹ. Cô ấy tên là Trần Thị Như Ý, có một lòng tốt vô cùng: cô nói sẵn sàng giúp đỡ con nếu căn bệnh kia có khả năng chữa trị.

Lại còn có cả hai mẹ con cô kia nữa: hỏi địa chỉ và tìm đến tận nhà chúng ta vì con nhỏ của cô (mới có 1 tuổi) cũng bị bệnh y như con vậy. Cô trẻ tuổi ngồi khóc: Bác sĩ bảo thằng nhỏ sẽ chết thôi... Mẹ bảo: Chết là thế nào? Đừng quá tin lời bác sĩ. Bé Hội đã bao nhiêu lần người ta cũng bảo chết đó thôi, mà vẫn sống 16 năm rồi đấy! Và cả tờ báo Tuổi Trẻ nữa. Họ đăng cả địa chỉ lên để bạn đọc quan tâm đến thăm. Họ trao tiền nhuận bút, món quà quý giá ấy mẹ đã góp vào mua một cái máy in cho con. Con mò mẫm dán lên chiếc máy một cái logo Tuổi Trẻ và dòng chữ: “Đây là quà của báo Tuổi Trẻ”. Những ngày đó trôi qua đẹp như một giấc mơ!

Báo Tuổi Trẻ báo tin Hội được giải ba cuộc thi “Chuyện đời tự kể”, và mời Hội chuẩn bị đến dự buổi lễ công bố và phát giải cuộc thi, chao ôi là vui mừng, là hạnh phúc. Niềm vui, niềm hạnh phúc của nhà mình lan ra tới tận quê ngoài Bắc. Bác cả ở Hà Nội điện vô. Ông bà nội, ông bà ngoại cũng điện vô nữa...

Có ai mà ngờ chứ, cái thằng bé Hội tí hon, nói nhanh ơi là nhanh, suốt ngày mẹ nó bế bồng đi bệnh viện vì bị gãy xương liên tục, vậy mà giờ nó được lên báo lên phim, được lãnh giải thưởng của một tờ báo lớn, đầy uy tín nữa! Lại còn hàng xóm! Trời ơi, hàng xóm cũ của mười lần chúng ta dọn nhà đến rồi dọn nhà đi, họ hỏi nhau, người thì điện thoại, người thì tìm đến tận nhà ta... Câu đầu tiên ai cũng hỏi: “Thật là mẹ con Hương hả?”.

Thật là vui quá, người vui nhất là con, hình như con quên hết cả đau. Con đang ngồi kia, chải đầu vuốt tóc và còn dự tính mặc áo nào để đi lĩnh giải đây! Được rồi, mẹ sẽ mua cho con một cái áo trắng mới tinh.
 
Cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra
Mấy hôm nay con chập chững đi những bước đầu tiên, run rẩy và vẫn cần đến tay mẹ đỡ. Mấy hôm nay mẹ cũng đang tập quen với ý nghĩ rằng con đã lớn rồi. Ta thỏa thuận điều này nhé: cả nhà sẽ không gọi con là Tí Lớn nữa nhé! Con không còn là Tí và con cũng phải tập lớn dần trong tính cách, đúng không? Mẹ đã rất vui khi con nói rằng con muốn tự lập để lỡ khi không còn bố mẹ trên đời. Hội ạ, muốn là muốn thế - dẫu rằng cuộc sống không phải cứ muốn là mọi sự sẽ được - nhưng mẹ sẽ cùng con, ta sẽ cùng nhau đi tiếp những bước đi, dù nho nhỏ thôi ta vẫn sẽ đi vì cuộc sống chẳng thể nào dừng lại.
Đúng rồi đấy, con trai của mẹ, hãy cứ mang những dự tính, những ước mơ. Đừng bao giờ chỉ sống với những thực tại trần trụi. Con có thấy cuộc đời sẽ đẹp mãi nếu ta còn biết ước mơ. Không phải cứ mơ ước nào cũng thành. Nhưng không phải vì thế mà con không mơ ước. Cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Phải tiếp tục học con ạ, học tin học cũng là học. Với sức khỏe của con, tin học là chọn lựa hợp lý nhất.
 
Trích trong quyển sách "Hành trình xương thuỷ tinh"
-- Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương
Các Tin Tức Khác