Mới đây, sau khi biết thông tin tác phẩm của mình bị làm giả, nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Haruki Murakami tỏ ra thận trọng, e dè khi đối tác xuất bản ở VN đề nghị mua bản quyền các tác phẩm tiếp theo.
|
Từ trước tới nay, nhiều người quy đồng chuyện sách giả và sách lậu là một. Song cần phân biệt giữa sách lậu và sách giả. Ngày trước, nhiều nhà xuất bản xin giấy phép một ngàn cuốn nhưng lại in lên ba ngàn. Hai ngàn cuốn in thêm gọi là lậu. Nhưng, sách lậu chưa chắc đã giả. Ngày nay, với các đơn vị in ấn thuộc nhà nước, để giữ uy tín với khách hàng, hầu như không in thêm, in "nếm" để kiếm lời. Với các công ty tư nhân, việc đó hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên, các công ty truyền thông lớn và các NXB rất cẩn thận trong việc lựa chọn đối tác in, vì thế, sách lậu ít có mặt trên thị trường, mà là sách giả. Một cuốn sách bị làm giả đồng thời sẽ bị nhiều người cùng tham gia làm giả, làm giả nhiều lần, mỗi lần in không dưới một ngàn cuốn. Sách giả hẳn nhiên rất dễ tìm và được bày bán công khai. Hai trung tâm lớn của sách giả Hà Nội nằm trên đường Phạm Văn Đồng và Nguyễn Quốc Hoàn. Đến đó biết chắc là chỉ để mua sách giả, song vẫn tấp nập người mua kẻ bán. Ngoài ra sách giả có mặt đa phần ở các chiếu sách vỉa hè tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố, thị xã khác trong cả nước.
|
Người tiêu dùng tự vào tròng
Người tiêu dùng có thói quen nghĩ: mua sách giả đồng nghĩa với giá rẻ, nhưng kỳ thực, họ đã bị lừa!
Người làm rượu giả thì cũng phải dùng chai thật đựng (vừa sợ cơ quan chức năng, vừa dễ lừa người tiêu dùng), chứ nhìn sách giả, một người chỉ hơi thích đọc sách, mua sách cũng có thể phân biệt được ngay. Khổ sách giả nhỏ hơn sách thật, phông chữ sách giả khác sách thật, thường là in chữ nhỏ, chữ in bị rạn, các chữ sát vào nhau, khi đọc bị rối và nhức mắt. Bìa sách giả mỏng, chữ in mờ, nhòe, khó đọc, không có tay sách. Lật vào trang trong tên NXB thường bị đánh sai. Như cuốn Kiếp sau của Marc Levy, NXB Hội nhà văn bị chuyển thành NXB Văn hóa, hoặc NXB Hội văn học. Sờ tay vào giấy in thì mỏng, sắc tối do làm từ giấy thứ phẩm hoặc giấy tái chế. Mực in thì lật vài trang sách thì thấy chữ… bay và đen đầu ngón tay, không những thế mực in chất lượng kém còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người đọc.
Đã mua sách, tâm lý người đọc là muốn giữ sách. Tuy nhiên, với sách giả, mua về mà giữ thì như nằm mơ giữa… ban ngày. Nếu sách thật, gáy sách được khâu chỉ cẩn thận sau đó ép keo nóng vào gáy bìa, đảm bảo độ chắc chắn của sách, thì sách giả đơn giản chỉ là phay gáy, sau đó phết keo lên. Vì vậy, sách giả chỉ dùng trong một thời gian rất ngắn là bị bung.
Nếu nói về giá thành lại càng kỳ khôi. Theo thực tế, mua sách giả được khấu trừ đi 20% giá bìa. Ví dụ như cuốn Chỉ cần có nhau (Anna Gavalda, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2008) giá bìa là 100.000 đồng. Khi mua sách giả, được trừ còn 80.000 đồng. Tuy nhiên, cũng vẫn với 80.000 đồng này vẫn có thể mua được sách thật, nhất là khi đến với các phố sách như Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội). Ở đây, sách thật vẫn được chiết khấu từ 10 đến 30% giá bìa, thậm chí với sách thật nhưng hơi cũ, chiết khấu còn lên tới 40-50%.
Nhanh như... sách giả
Thời gian qua, dư luận xôn xao vụ cuốn sách mới toanh: Ăn, cầu nguyện, yêu - cuốn tự truyện xuất sắc của Elizabeth Gilbert (Nhã Nam & NXB Phụ nữ, 2009) vừa mới ra ngoài hiệu sách được bốn ngày đã có sách giả xuất hiện. Nhưng tốc độ nhanh nhạy ấy vẫn chưa là gì so với cuốn tự truyện Lê Vân, yêu và sống (NXB Hội nhà văn), sau một ngày đã có sách giả.
Việc làm sách giả thời nay quả có khác với trước kia. Cái thấy rõ nhất chính là tốc độ. Trước, cuốn nào bán chạy mới làm. Nay, cuốn nào có dấu hiệu bán chạy (thông qua dư luận trên các phương tiện truyền thông, qua họp báo…) chắc chắn sẽ xuất hiện sách giả. Ngoài ra, những tay làm sách giả tinh vi hơn: dựa vào thương hiệu. Ba thương hiệu hiện nay bị làm giả nhiều nhất là: NXB Trẻ, Nhã Nam và First News. Trong hai năm (từ 2007 đến 2009), NXB Trẻ có đầu sách bị làm giả số lượng lên đến 45 (chưa kể riêng bộ Harry Potter đều bị làm giả 7 tập, bộ Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi: 6 tập). Còn Nhã Nam, chỉ 3 tháng đầu năm 2009 đã có 5 đầu sách bị làm giả.
Cần phải làm gì? Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News): Nên nâng tội danh sản xuất, tiêu thụ sách lậu Đỗ Tuấn (ghi) Nhà văn Dương Thụy: Phải chăng giá sách còn cao?
Có một vài độc giả viết e-mail xin tôi bản thảo Oxford thương yêu cho họ xem vì họ mua sách in giả, mất nguyên các chương sau. Thu nhập từ sách của tác giả vốn đã quá bọt bèo, nay còn bị nạn sách giả. Như vậy, công sức của nhà văn thực sự bị ăn cướp. Sách lậu, sách giả từ lâu đã bị lên án nhưng không thấy có một động thái nào cụ thể để thay đổi nên vẫn ảnh hưởng rất tiêu cực đến tác giả, NXB và dĩ nhiên là cả độc giả. Cá nhân tôi chưa bao giờ mua sách giả. Tôi không am hiểu lắm về quy trình phát hành sách nhưng tôi nghĩ giới làm sách giả tiêu thụ được hàng nhờ đánh vào tâm lý ham rẻ của độc giả. Thế có nghĩa là phải chăng giá sách hiện nay còn khá cao ?
Theo tôi biết, để in một quyển sách, NXB phải đầu tư khá nhiều cho biên tập, in ấn, phát hành, quảng bá, trả nhuận bút cho tác giả. Khi bị làm sách giả, NXB phải chịu thiệt hại đầu tiên. Ở vị trí người mua, ai cũng thích được sở hữu một sản phẩm với giá rẻ. Tuy nhiên, nếu biết trước là sách giả, giá rẻ mấy, tôi cũng không mua. Dù không gây hậu quả tức thời như thuốc giả hay thực phẩm giả, nhưng sách giả thường hay có lỗi kỹ thuật, in sai, mất trang, mất đoạn… Đang trong mạch đọc mà vấp phải những lỗi này thì vô cùng khó chịu! Cát Khuê (ghi) |