Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Thời của phim quảng cáo - Tự vệ... trước quảng cáo(*)
Cập nhật ngày: 08/10/2008

 
Tự nhận mình là người “đã góp phần nho nhỏ vào sự ầm ĩ của quảng cáo”, tác giả Peter Barnes - một doanh nhân thành đạt đồng thời là một học giả kỳ cựu ở Mỹ - đã đưa ra một góc nhìn mới mẻ và sắc sảo về cách kiểm soát quảng cáo.

Quảng cáo là một trong những hoạt động dễ trở thành con dao hai lưỡi: cần thiết, hoặc ít ra là chấp nhận được nếu được sử dụng vừa phải; nguy hiểm nếu đi quá đà. Vấn đề của quảng cáo là nó đang gia tăng không kiểm soát được. Có sản phẩm mới nào mà không cần tự giới thiệu đâu. Ngoài ra, số lượng quảng cáo càng nhiều thì mỗi mẩu quảng cáo càng phải la thật to để át đi tiếng ồn xung quanh.

Một cuộc xâm phạm... trường kỳ

Đây là một vài số liệu thống kê để xác nhận điều ai cũng biết. Tính đến khi lên năm, trung bình trẻ em ở Mỹ đã xem một 100.000 mục quảng cáo trên tivi; cho đến lúc chết các em sẽ còn xem thêm 2 triệu quảng cáo nữa. Năm 2002, các nhà tiếp thị gửi đi 87.000 tỉ lá thư rác, thực hiện 51.000 tỉ cuộc gọi tiếp thị từ xa, và tung lên mạng 84.000 tỉ email rác. Năm 2004, một cuộc thăm dò của Công ty nghiên cứu Yankelovich cho thấy 65% người Mỹ “cảm thấy mình liên tục bị tấn công bằng quảng cáo và tiếp thị quá nhiều”.
 

Quảng cáo không chỉ là việc thỉnh thoảng có người xâm phạm vào cõi riêng của người khác; đó là một sự xâm nhập trường kỳ của một số khá ít công ty (hầu hết quảng cáo được thực hiện bởi khoảng 100 công ty) và nạn nhân là tất cả chúng ta.

Các công ty này muốn - thật ra là bị buộc phải - tăng doanh thu, và để được vậy họ phải len vào đầu óc chúng ta. Nhưng thời gian suy tư là thứ hiếm hoi. Mỗi ngày chúng ta chỉ có bấy nhiêu giờ đồng hồ, và cả đời chỉ có bấy nhiêu ngày dành cho suy tư. Vì khan hiếm nên mỗi phút suy tư bị quảng cáo chiếm đoạt là chúng ta bị bớt đi một phút dành cho những suy nghĩ và cảm xúc. Như vậy, mỗi quảng cáo đi kèm với một phí tổn về cơ hội, và phí tổn này chúng ta phải gánh chịu chứ nhà quảng cáo không thanh toán.

Quảng cáo cũng có những tác hại phụ khác. Nó làm chúng ta ưa chuộng các sản phẩm có thương hiệu đắt tiền, thích quà vặt hơn là thức ăn bổ dưỡng, và khoái tiêu hơn là để dành. Nó làm giảm lòng tự hào của chúng ta khi bảo rằng chúng ta không bao giờ có cho đủ hoặc không bao giờ trông cho thật dễ coi. Và cuối cùng, quảng cáo làm suy giảm của cải thiên nhiên của chúng ta bằng cách gia tăng ô nhiễm và làm tiêu hao tài nguyên.

Những phương cách tự bảo vệ

Trên phương diện cá nhân, chúng ta có thể làm được đôi điều để tự bảo vệ trước quảng cáo: chúng ta có thể tắt tivi, hủy email rác và liệng thư rác vào thùng rác để tái chế. Nhưng như vậy cũng chẳng làm dịu đi tiếng ầm ĩ của cả ngành quảng cáo, hoặc cũng chẳng giảm đi mấy những ngoại tổn do quảng cáo mang lại. Để làm được điều đó, chúng ta cần có những nút điều chỉnh âm lượng cho toàn nền kinh tế.

Nhưng hiện nay không có những nút điều chỉnh đó. Mặc dù sóng truyền thanh là của nhân dân, nhưng không có cơ quan công quyền nào giới hạn thời lượng quảng cáo trên tivi. Trước năm 1982, các mạng lưới phát thanh - truyền hình lớn tự nguyện tuân theo một quy định giới hạn thời lượng quảng cáo trong vòng 9 phút rưỡi mỗi tiếng trong giờ vàng. Thế rồi, xu hướng tối đa hóa lợi nhuận thắng thế và họ bỏ luôn quy định này. Ngày nay, trong một show vào giờ vàng kéo dài một giờ có 42 phút nội dung và 18 phút quảng cáo và khuyến mãi, tức là gần gấp đôi hàm lượng quảng cáo cách đây hai thập kỷ.

Giả sử chúng ta quản lý quảng cáo như chúng ta quản lý, hoặc có thể quản lý ô nhiễm chất thải thì sẽ ra sao? Nếu các công ty muốn làm ô nhiễm đầu óc của chúng ta, họ sẽ phải trả tiền để được quyền đó. Cũng như trường hợp của ô nhiễm chất thải, việc thương lượng sẽ do một quỹ tín thác làm trung gian.

Quỹ này, với nhiệm vụ bảo vệ công sản nội tâm của chúng ta, sẽ đặt hạn ngạch cho tổng số lần xâm phạm của quảng cáo và bán cho các công ty giấy phép quảng cáo có thể sang nhượng qua lại. Sau đó, những tổn hại về tinh thần của chúng ta sẽ được quy thành phí tổn tài chính và các nhà quảng cáo phải chịu. Nhờ vậy quảng cáo sẽ giảm bớt, tinh thần sẽ thanh thản hơn, và với cách phân phối thu nhập như đã nói ở trên, sẽ có thêm ngân khoản cho các chương trình phát sóng và nghệ thuật phi thương mại.

Vặn nhỏ âm lượng của quảng cáo, các hộ gia đình sẽ có thể tiết kiệm tiền bằng cách giảm mua sắm.

PETER BARNES
(Tựa do Tuổi Trẻ đặt, lược trích từ sách Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0 - Hướng dẫn cách giành lại công sản, NXB Trẻ)
Các Tin Tức Khác