"Yêu người ngóng núi" là những suy cảm, ngậm ngùi rất thuần hậu về người nông dân long đong trong cơn đô thị hóa, những mất mát trong đời sống tinh thần con người thành thị, về phố và quê, về những cái đang còn và đang mất trong cuộc sống hôm nay.
Làm mẹ
Tập sách là những trăn trở của một người phụ nữ làm mẹ, lo lắng khi đưa con mình vào một thế giới "sợ muôn ngàn nỗi". Sợ cả những thứ tưởng rất an toàn, hay lẽ ra phải an toàn cho con trẻ.
Chị dặn: "Nên em, trót làm phụ nữ Việt, sẽ trở thành anh hùng ngay khi đứa con cất tiếng khóc chào đời... Gặp nhau ngay lúc xa nhau, sum họp đúng lúc chia lìa, trái tim mẹ bắt đầu ngơ ngác, ngổn ngang, ngơ ngác".
Chị gọi con là "bạn". Phải rồi, mỗi người sinh ra trên thế gian này đều nên là bạn của ta, kể cả một người do ta sinh ra. Nếu coi là bạn rồi, thì mới có chuyện "lùi ra xa" một chút, bớt áp đặt, và để đứa nhỏ được phát triển tự do.
"Bạn không cần giỏi vì sự hãnh tiến của tôi... Tôi không muốn phổng mũi vì bạn giỏi giang hay buồn bực vì bạn chậm chạp".
Thế nên phải chọn lựa: "Giữa một bà mẹ và một bà mẹ hãnh tiếng. Giữa bà mẹ và bà mẹ yếu đuối. Và sự yếu đuối này sẽ trả giá bằng tuổi thơ bị vắt kiệt của bạn, với tấm giấy khen... đánh đổi cả thời thơ ấu".
Cái nhân sinh quan giản dị vậy, mà hiếm gặp.
Khi người phụ nữ làm mẹ, cũng là lúc hiểu mẹ mình nhất. Rồi mới rất thành kính mà viết ra: "Đêm được vẽ lại bởi những người đàn bà thao thức. Hàng ngàn đêm trong cuộc đời. Họ ngủ nhưng những tiếng ho khan của người già, tiếng cười khẽ ủa đứa trẻ trong mơ, con chó sủa, bầy vịt rộ, mưa giông bên ngoài... đã chẻ vụn những chiêm bao".
Bấy nhiêu thôi, cũng đủ gọi nên linh hồn của cả dải đất yêu mến này. Những bà, những má, những chị... cứ hết lớp người này đến lớp người khác san sẻ yêu thương và níu giữ những điều tốt đẹp còn lại cho cuộc sống.
Nghe sao ngậm ngùi...
Nhưng đọc hoài, thấy Nguyễn Ngọc Tư cứ ngậm ngùi, cứ xót xa. Ai bảo chị cứ nhìn thấy ngay cái "số-ít-gì-cũng-có" và một "đám-đông-nhỏ-bé".
Chuyện ở Tam Đảo, có những người lao động đã được (hay bị!) chuyển hết xuống khu dân cư phía dưới chân núi, có ông già cắp thùng nước đá đi về gần mười cây số để kiếm sống.
Chuyện ở những nơi mà người nông dân ở vùng quy hoạch treo sống và chờ đợi. Chạy xe ôm và chờ đợi. Cuốc đất trông rau và chờ đợi. Những người nông dân bị lấy mất ruộng bị quên lãng...
Chuyện ở vùng quê có ông bố bồi hồi chờ khu công nghiệp sắp được xây dựng trên vùng đồng rừng heo hút của mình, để thằng con trai được có công ăn chuyện làm trong nhà máy. Nhưng những người mới "đến từ đất nước của Tiểu Yến Tử, của vua Càn Long, của Võ Mỵ Nương... sớm chiều phát trên truyền hình" đã thay thế họ trên chính mảnh đất xương thịt của họ.
"Bỗng buồn không kể xiết, cầm như cha con ông đã bị phản bội rồi".
Có lẽ nào lại thế?
Chị rút ra tinh thần của cuộc sống từ những thứ rất nhỏ như cục kẹo, như bãi lau sậy, như cốc nước ép bưởi... nhưng rồi lại ngậm ngùi vì thấy cả cái tâm hơn thua của người này hơn người khác, vì sự nhẫn tâm và lạnh lẽo của con người được che đậy rất vụng về.