Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Park Tae Joon - Công nghệ sắt thép - Phần 4
Cập nhật ngày: 04/02/2010

Ở trường trung học Bắc Iyama có một giáo viên dạy toán hết lòng thương yêu Park Tae Joon. Người giáo viên này đặc biệt xem trọng tài năng toán học của cậu học sinh Triều Tiên có gương mặt thông minh và cương nghị nên đã dồn hết tình thương và sự quan tâm ấm áp cho cậu như nuôi dưỡng một người nối nghiệp. Người giáo viên muốn dạy những nguyên lý trong thế giới toán học thông qua các bài toán khó. Park Tae Joon cũng tỏ ra rất hứng thú với những giờ giải toán như đang chơi trò tìm đường trong mê cung.

Khi Park Tae Joon bước vào năm hai trung học, với chiêu bài xây dựng “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á”, Nhật Bản tiến hành xâm chiếm các nước Đông Dương thuộc Pháp. Ngay lập tức, Mỹ phản ứng bằng cách phong tỏa tài sản Nhật kiều ở Mỹ, ngăn cấm toàn bộ việc xuất khẩu dầu lửa, sắt thép đối với Nhật Bản. Ngày 8 tháng Mười hai năm 1941, sau một thời gian dài âm ỉ căng thẳng, Nhật Bản bất thần đánh úp Trân Châu cảng, chính thức khơi mào cho cuộc chiến Thái Bình Dương.

 Tiếng hoan hô chiến thắng của Nhật Bản dành cho trận không kích Trân Châu cảng cũng ầm ầm như trận oanh kích, nhưng đây chỉ là một lễ hội có phần ngắn ngủi như là trận oanh kích đó. Trong một cuộc chiến trường kỳ, sự thiếu thốn nguồn nhân lực và sự nghèo nàn về nguyên liệu là báo hiệu của một sự thất bại thảm hại. Sự thiếu hụt nhân lực ở chỗ mặc dù đã tuyển thêm những binh lính thiếu niên trong số các học sinh trung học của đất nước vẫn không đủ nên những thanh niên Triều Tiên cũng bị đẩy ra chiến tuyến. Sự thiếu hụt về nguyên liệu cũng đặc biệt rơi vào nguồn sắt thép để chế tạo vũ khí nên Nhật Bản đã ra sức vơ vét đến cả những chén, muỗng, đũa bằng đồng thau của người dân Triều Tiên.

Vào học kỳ mùa thu của năm hai, Park Tae Joon đã thấy bốn, năm học sinh cùng khối được chọn vào Trường thiếu niên Lục quân. Được biết họ sẽ được đưa vào Trường sĩ quan Lục quân trong tương lai. Vào năm ba, cậu lại thấy khoảng hơn mười học sinh cùng khối vào Trường phi công thiếu niên hay Trường thiết giáp thiếu niên. Được biết không bao lâu nữa họ sẽ lái những máy bay nhỏ hoặc thiết giáp ra chiến trận. Nghe những tin tức như vậy, cha mẹ của Park Tae Joon quyết tâm phải tìm cách nào đó để không phải gửi cậu con trai trưởng đến những nơi như thế.

Trong thời kỳ Nhật Bản khốn đốn bởi sự thiếu hụt về sắt thép, vào năm thứ tư trung học, lần đầu tiên trong cuộc đời Park Tae Joon được điều động vào lao động phục vụ tại một nơi chế tạo sắt. Nhà máy mà cậu phải dành thời gian suốt từ sáng sớm đến giờ ăn trưa là Công ty cổ phần nung kết quặng sắt Nhật Bản. Nung kết, nói một cách đơn giản là quặng sắt nhân tạo. Trong công đoạn nung chảy, bụi quặng sắt rất khó tan đi nên người ta phải kết hợp đá vôi để hình thành nên một loại có hình thái than gọi là quặng sắt nhân tạo. Quá trình đó gọi là thiêu kết, thiết bị để làm ra nó gọi là lò thiêu kết. Nhà máy này là một công ty đảm trách riêng một công đoạn độc lập của một nhà máy thép liên hợp.

Nhà máy có mười hai lò thiêu kết với đường kính 3m. Mỗi một lò thiêu kết sẽ được bố trí một công nhân lành nghề và hai học sinh. Park Tae Joon vẫn chưa có mối quan tâm sâu sắc đến sắt thép. Cậu chỉ dừng ở mức độ biết đến cái tên Andrew Carnegie của nước Mỹ, người đã trở thành nhà tài phiệt trên thế giới nhờ sự nghiệp chế tạo sắt thép. Nhưng cậu thích công việc ở lò thiêu kết. Nếu xem nhiệt độ là một ẩn số thì sẽ lập ra một phương trình như thế nào đây? Phản ứng hóa học nào đã xảy ra? Lòng hiếu kỳ khoa học trong sáng và nghiêm túc đó đã giúp cậu thoát khỏi cảm giác buồn chán của công việc cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày. Điều đó cũng ảnh hưởng đến việc tăng năng suất và cậu cũng từng được chọn là người đứng đầu về sản lượng hàng tháng.

“Thật là một học sinh có năng khiếu trong công việc ở lò thiêu kết!”

Người quản lý Nhật Bản thi thoảng lại khen ngợi Park Tae Joon. Nhưng cậu không quan tâm đến điều này. Bởi cậu đã có một mục tiêu rõ ràng. Đó là việc mỗi ngày chỉ ngủ bốn tiếng rồi học để chắc chắn sẽ học lên Đại học Bách khoa thuộc trường Đại học Waseda. Lao động phục vụ, các giờ lên lớp, trở về nhà, tự học, và bốn tiếng để ngủ. Từ ngày trở thành học sinh năm 4 của trường trung học, cậu sinh hoạt một cách có quy tắc theo thời gian biểu của bản thân không ngơi nghỉ một ngày nào. Rất nhiều những học sinh cùng cấp thường ngó nghiêng các quán cà phê hay chòng ghẹo các học sinh nữ, nhưng nguyện vọng phải học lên Đại học Bách khoa Waseda để nhận được sự hoãn quân dịch đã ngăn cậu khỏi sự cám dỗ của bất kỳ những cái liếc nhìn nào.

Ngày 1 tháng Mười năm 1943, Nhật Bản công bố Luật đặc biệt tạm thời về việc hoãn quân dịch trong sinh viên. Đó là luật cắt giảm đi rất nhiều những trường hợp ưu tiên được hoãn mà trước đây đã cấp cho tất cả sinh viên đang học tại các trường cao đẳng, đại học, nay chỉ dành cho sinh viên các trường tự nhiên và sư phạm. Đây là chính sách mang tính cân nhắc đồng thời giữa việc cung cấp binh lực thiếu hụt và việc bảo hộ nhân tài cần thiết cho sự nghiệp tái thiết sau chiến tranh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yanagawa Heisuke đã từng nói: “Cũng như chính sách của Thống chế Hitler đối với người Do Thái, tôi thiết nghĩ nên cách ly tất cả những Bất sính Tiên nhân (từ dùng của chính phủ quân phiệt Nhật chỉ những người Triều Tiên bị cho là nguy hiểm về mặt chính trị, không chịu phục tùng theo Nhật) đến một hòn đảo nào đó rồi trừ khử toàn bộ là một cách làm tốt. Nếu làm vậy thì Bất sính Tiên nhân sẽ không còn nữa và sau này cũng không thể xuất hiện”. Thế nhưng Nhật Bản không phải đưa những thanh niên của nước thuộc địa Triều Tiên đến “một hòn đảo nào đó” mà là ra chiến trường. Tuân theo Luật đặc biệt nói trên, Phủ khâm sai Triều Tiên từ tháng Mười năm 1943 đã phát động chiến dịch tổng động viên học sinh - sinh viên trên một quy mô lớn. Mệnh lệnh của Phủ khâm sai Triều Tiên rằng những học sinh - sinh viên đang học hoặc đã tốt nghiệp ở các trường cao đẳng và đại học phải nộp đơn xin gia nhập quân ngũ cho tư lệnh quân đội ở những vùng nằm trong phạm vi quyền hạn đến hết ngày 20 tháng Mười một năm 1943 và phải gia nhập quân ngũ vào ngày 20 tháng Giêng năm 1944. Tổng số du học sinh Triều Tiên tại Nhật và học sinh - sinh viên Triều Tiên tại kinh đô là 6.300 người thì chiếm 70% trong số đó, 4.385 người đã nộp đơn gia nhập quân đội. Dĩ nhiên, đại đa số là sự động viên cưỡng ép trái với ý định của các đương sự. Trên thực tế, một nửa trong 4.385 người đó đã cự tuyệt việc gia nhập quân ngũ. Họ đã trốn tránh hoặc ngụy trang thành người lao động để cứu lấy tính mạng mình.

Ngày 20 tháng Giêng năm 1944, hàng loạt sinh viên Triều Tiên đã bị sung vào quân đội Nhật. Con đường để du học sinh Triều Tiên tại Nhật thoát khỏi tấm lưới của việc trưng binh được chia ra làm hai ngả. Một là gấp rút bỏ trốn khỏi Nhật, hai là rời khỏi Nhật Bản một cách hợp pháp. Cũng có một con đường thứ ba hết sức đặc biệt, đó là con đường bị bắt vào làm binh lính học sinh - sinh viên rồi đào ngũ.

Trốn tránh trưng binh

Ở trường học có một viên sĩ quan quân đội Hoàng gia, người luôn đứng trên bục giảng với thanh gươm kè kè bên quân phục. Những câu chuyện chiến tích từ con người ấy, viên sĩ quan đã từng chiến đấu trong chiến trận chinh phạt Mãn Châu và xâm lược Trung Quốc, luôn kết thúc giống nhau.

“Nếu ta có được đôi ba ngày xả trại thì tất cả mọi thứ trên vùng đất rộng lớn kia sẽ là của ta.”

 Từ giọng nói và tiếng cười, Park Tae Joon có thể soi thấu ruột gan của hắn ta. Cái mà hắn oang oang khoe mẽ là “tất cả mọi thứ” kia thật ra là dã tâm tước đoạt đến tận cùng, có thỏa sức cướp bóc cũng chả sao, có hãm hiếp bừa bãi cũng thây kệ. Phần kết của viên sĩ quan luôn chẳng khác nhau.

“Ngay từ bây giờ, bọn bây cũng cần phải tập trung để được huấn luyện cho bài bản. Phải như vậy khi ra trận mới có thể đánh thắng. Nếu thắng, bọn mày cũng sẽ giống như ta, có thể chiếm hữu được mọi thứ. Phần thưởng đó không đáng để bọn mày ghen tị hay sao? Sớm ngày nào hay ngày ấy, bọn bây hãy nhanh chân vào quân đội Hoàng gia đi! Hãy vào đó, đánh trận, và chiến thắng! Sau đó thì cứ thỏa sức mà chiếm hữu!”

Cuối xuân năm 1944, đó là thời điểm các giáo viên chú tâm nhiều hơn việc hướng nghiệp cho mỗi học sinh. Park Tae Joon bị gọi lên gặp viên sĩ quan quân đội Hoàng gia. Đã đến tuổi thanh niên, cặp lông mày trên khuôn mặt của cậu giờ đen rậm lên một cách lạ thường.

“Mày sẽ vào trường sĩ quan Lục quân chứ!”

Hắn cứ vô cớ lớn tiếng ép buộc. Bị đứng bất động, nhưng Park Tae Joon nhanh trí.

“Trường sĩ quan Lục quân thì cha em không cho phép ạ.”

Cha của Park Tae Joon không hề mảy may suy nghĩ rằng sẽ gửi đứa con trai cả đi làm bia đỡ đạn cho Thiên Hoàng, bản thân cậu cũng không gợn chút suy nghĩ nào cho cái lý tưởng vì phụng sự Thiên Hoàng mà chịu chết xuống âm phủ.

“Trường sĩ quan Lục quân là con đường trở thành lính Hoàng gia danh dự nhất của Thiên Hoàng hoàng đế.”

Park Tae Joon kiếm cớ.

“Nếu em nói sẽ vào trường sĩ quan hải quân thì cha mới cho ạ!”

“Gì chứ? Giờ này mà mày dám đùa tao đấy hả!”

Viên sĩ quan đứng bật dậy, mặt đỏ gay. Cũng đáng để hắn phẫn nộ. Cánh cổng để các học sinh thuộc địa bước vào trường sĩ quan hải quân từ lâu đã bị khóa chặt. Họ không được đón nhận vì lo sợ sẽ bỏ trốn trong thời gian dài lênh đênh khắp nơi ngoài biển.

Trốn tránh sự cưỡng ép gia nhập trường sĩ quan Lục quân, Park Tae Joon đã nếm hình phạt bị quất roi vào mông, vẫn chưa đủ, cậu còn phải chịu hình phạt khác nặng hơn nhiều. Tuy vậy, từ lâu, tình hình chiến sự đã dự báo sự thất bại thảm hại không thể nào xoay chuyển nổi của Nhật Bản. Tháng Bảy năm 1943, việc ba nước Anh - Mỹ - Trung Quốc cảnh cáo Nhật phải đầu hàng vô điều kiện tại hội nghị Postdam đã không đơn thuần là một lời tuyên truyền tâm lý chiến.

Cuối thu năm 1944, với nếp sinh hoạt nghiêm khắc mỗi ngày chỉ ngủ đúng 4 giờ, Park Tae Joon đã chuẩn bị tất cả để vào trường Đại học Bách khoa Waseda. Thế nhưng, một vật cản nghiêm trọng đã chắn ngang con đường phía trước của cậu. Nhật Bản lúc bấy giờ đang đẩy mạnh hơn nữa việc thanh lọc tư tưởng đối với các học sinh Triều Tiên muốn vào trường đại học Nhật Bản, chỉ xác nhận tư cách cho những người có được sự bảo lãnh từ một số đoàn thể mang danh nghĩa quần chúng Triều Tiên thân Nhật ở Tokyo. Riêng ngành tự nhiên và sư phạm sẽ không nhận học sinh Triều Tiên.

Park Tae Joon và cha cậu phải lo nghĩ. Park Bong Kwan cảm thấy khổ tâm. Nếu cậu con trai trưởng không thể vào Đại học Bách khoa Waseda và chẳng mấy chốc có thể bị bắt vào quân đội Nhật Bản thì công lao hơn mười năm trời vất vả ở Nhật sẽ một sớm một chiều trở thành dã tràng xe cát.

Duy chỉ có một người Nhật đã lắng nghe tâm sự của Park Bong Kwan. Đó là giám đốc Someya, người mà từ trước đến nay vẫn trước sau như một, sống với ông không chút câu nệ và luôn giữ tín nghĩa. Park Bong Kwan cắp chai rượu sa-kê hảo hạng lập cập tìm đến bạn để kể lể nỗi lòng. Hai người ngồi đối mặt nhau trên bàn rượu. Park Bong Kwan đã thổ lộ sự lo lắng của mình một cách chân thành. Trầm ngâm lắng nghe nỗi niềm của bạn, Someya cạn chén rượu.

“Anh cũng biết rõ rồi đấy, từ trước đến giờ tôi vẫn xem và đối đãi với Tae Joon như con trai trong nhà... Tuy còn đang to nhỏ râm ran, nhưng ở tình trạng đất nước phải hứng chịu bom pháo không chừa một nơi nào như thế này, thế hệ như chúng tôi giờ đây phải chuẩn bị cho thời kỳ sau bại trận.”

Trông ông như thể một người đang chờ xem giờ phút lâm chung của Nhật Bản. Park Bong Kwan như nín thở.

“Nếu ngày mai Nhật Bản đầu hàng, anh sẽ tính sao đây?”

Park Bong Kwan cúi xuống. Ông không thể nhìn thẳng vào ánh mắt u sầu của người bạn trí thức tốt bụng.

“Trong thời gian sớm nhất có thể, tôi sẽ đem cả gia đình về quê.”

“Nếu như ngày mai Nhật Bản đầu hàng nhưng Tae Joon lại đang học ở Waseda, anh tính sao với Tae Joon đây?”

“Tôi sẽ đem cháu đi cùng ạ.”

“Nếu nói vậy, không phải sự an toàn tính mạng của Tae Joon và việc đậu vào Waseda là ưu tiên hàng đầu hay sao?”

“Phải rồi!”

“Vậy anh cứ làm theo lời tôi. Hãy gửi Tae Joon làm con nuôi của tôi đi.”

“Gì ạ?”

Park Bong Kwan tròn xoe mắt, nhưng người bạn vẫn điềm tĩnh.

“Chỉ gửi nó như con nuôi của tôi trên giấy tờ thôi, khi có điều kiện, anh lại đem nó về. Bây giờ, ngoài cách này ra thì không còn cách nào khác để có thể gửi Tae Joon vào Đại học Bách khoa Waseda. Nên dù có phiền phức đến mấy anh cũng ráng mà đưa nó về với tôi. Chắc cũng ít phức tạp hơn chuyện Sáng thị cải danh1 ở Triều Tiên đấy. Gửi con nuôi là một cách ngụy trang thôi. Chuyện liên quan đến tương lai và sự sống còn của một nhân tài mà. Nghĩ lại tình bạn lâu năm của chúng ta, tôi cho rằng chí ít tôi phải làm như vậy mới đúng đạo lý làm người chứ!”

Park Bong Kwan muốn đứng bật dậy để xá ông một cái lạy lớn. Ông muốn dập trán vào đầu gối của vị ân nhân đã mở ra con đường để đứa con trai trưởng học lên đại học và giúp nó có thể thoát khỏi tấm lưới trưng binh. Người trí thức đang nâng chén rượu một cách tao nhã trước mắt ông kia chẳng khác nào một người anh em Triều Tiên cùng cốt nhục.

Điều kỳ diệu sau đợt đại không kích

Hạ tuần tháng Hai năm 1945, Park Tae Joon chuyển đến Tokyo, nơi con tim của chủ nghĩa quân phiệt đang thình thịch nhịp đập. Vừa được đến Tokyo, vừa được hoãn quân dịch, “đứa con nuôi ngụy trang” thuê trọ tại một căn hộ chung cư gần trường Đại học Waseda. Cách đó không xa là một cơ sở huấn luyện kỵ binh thiết giáp của Lục quân Nhật Bản.

Tiết xuân vẫn còn phảng phất, nhưng trên đường phố Tokyo nỗi lo lắng và bất an cứ lẫn khuất như những bóng ma. Còi báo động máy bay thường réo lên bất thình lình. Nhật Bản ương bướng cự tuyệt sự đầu hàng khiến những chiếc chiến đấu cơ B29 của không quân Mỹ, thứ mà người dân Nhật Bản co rúm lại trong cơn khiếp hãi vẫn gọi là “chú B”, liên tục dội bom xuống những thành phố lớn trên đất nước thù địch. Có vẻ Mỹ rắp tâm muốn bình địa hóa những thành phố của một Nhật Bản không chịu quy hàng. Năm 1945, mùa xuân của Tokyo là mùa của địa ngục.

Có một tư liệu ghi lại những con số thống kê về tình hình chiến sự đương thời. Từ tháng Mười một năm 1944 đến tháng Tám năm 1945, 17,5 ngàn lượt chiếc B29 đã xuất kích, 16 ngàn tấn bom đã được ném xuống, 350 ngàn người chết, 420 ngàn người bị thương, 2,21 triệu ngôi nhà bị thiêu cháy, 9,2 triệu người là nạn nhân.

Trong ý thức của những sinh viên Nhật Bản được hoãn quân dịch, trách nhiệm “dẫu sao cũng phải học cho ngày mai” vẫn lập lòe như ánh nến của đạo đức. Park Tae Joon, người đã quen với những cuộc oanh tạc và việc trú ẩn, thầm nghĩ phải chăng đó là đốm lửa mà những cụ bà Nhật Bản đã gieo vào đầu óc của họ.

Còi báo động réo lên, già trẻ gái trai tất cả đều hối hả nối nhau chạy về các hầm trú ẩn. Ngay tức thì, những quả bom Mỹ dội xuống rồi nổ ầm ầm như một cơn địa chấn làm rung chuyển địa cầu. Nhưng bên trong hầm trú ẩn, rất nhanh chóng, một trật tự đã được sắp đặt. Công việc này thường do những người già, đặc biệt là các cụ bà đứng ra đảm trách.

“Tất cả thanh niên vào phía trong đi. Chỗ nguy hiểm thì để chúng tôi đỡ.”

“Sao cháu lại không mang sách theo? Dù là đi trú ẩn cũng nhất định phải mang sách theo chứ!”

“Ai đem theo sách thì mở ra học đi!”

Chẳng mấy chốc, miệng hầm được che lại bởi tấm bạt. Tận trong cùng, chỗ các thanh niên đang tập trung, một hai ngọn nến cũng được thắp lên.

“Chuyện ta thua thì ta cũng biết cả rồi. Dù có quyết tử chiến đấu thì bại trận cũng chỉ là vấn đề thời gian. Dù vậy, không lẽ phải chịu mất đất, mất nước hay sao? Sau này, ai sẽ tái thiết đất nước này đây? Chính là chúng cháu, những người trẻ tuổi, đặc biệt là các sinh viên phải đi tiên phong trong mọi lĩnh vực. Cho nên phải học chứ, tại sao lại bỏ sách vậy?”

Park Tae Joon có được một sự cảm hóa lớn từ lời trách mắng nghiêm khắc của những cụ bà đang đứng trước cái chết. Trong trái tim của người sinh viên thuộc địa, những lời lẽ đó đã làm thức dậy một tình cảm trách nhiệm đối với Tổ quốc.

Có lẽ là khuya ngày 10 tháng Ba, sau khi chui vào giường theo chế độ kiềm chế ánh đèn, Park Tae Joon giật mình bởi tiếng báo động không kích liền nhảy vào hầm trú ẩn. Khoảng 20 phút đã trôi qua, thời gian căng thẳng đã hết rồi sao?! Chợt dội lên những tiếng nổ ầm ầm xé tai. Lần này cũng vậy, các cụ bà dồn những học sinh vào bên trong. Park Tae Joon cũng đang nhắm mắt như cầu nguyện. Đợt ném bom thật dai dẳng. Phải đến ba tiếng đồng hồ trôi qua, còi báo yên mới hụ lên. Nhưng chưa ai dám bước ra ngoài. Trong hầm bao trùm một nỗi im lặng kinh hoàng dự cảm những chết chóc và sự tàn phá rùng rợn. Một vài người vừa bước ra ngoài đã đổ quỵ xuống. Một buổi bình minh thảm khốc với mùi thi thể cháy khét lẫn mùi bom đạn tràn lan như hồn ma của sự nguyền rủa.

Theo tài liệu ghi chép, ngày hôm đó, trong suốt 2 giờ 40 phút, 334 chiếc B29 đã rải thảm 190 ngàn cân Anh bom cháy xuống nội thành Tokyo. Đặc biệt, đối với các công trình bằng gỗ truyền thống của Nhật Bản, đợt không kích bom cháy như dội lửa đó thực sự là một đòn chí mạng. Chỉ trong ba bốn ngày, riêng số thi thể được chuyển vào sân đền hay những bãi đất trống đã lên đến 72.439 xác chết. Cũng không thể đếm hết những thi thể vương vãi trên đống đổ nát của các tòa nhà bị cháy đen hoặc vỡ vụn.

Oda Makoto, nhà văn cấp tiến Nhật Bản từng trải qua cuộc oanh tạc tương tự của không quân Mỹ xuống thành phố Osaka vào đúng mùa địa ngục đó khi ông còn là một học sinh trung học đã tưởng thuật lại:

Từ cuộc cải cách Minh Trị đến năm 1945, nếu nói một cách thẳng thắn, lịch sử cận đại trước chiến tranh của Nhật là lịch sử mà Nhật Bản – đất nước đã nuôi dưỡng thế lực bằng phú quốc cường binh”, đã gieo rắc lịch sử giết sạch, đốt sạch, cướp sạch” gây đau thương cho biết bao người dân châu Á mà khởi đầu là sự xâm lược Triều Tiên, thống trị thuộc địa. Về sau là lúc chiến tranh đại Đông Á” đi vào giai đoạn cuối, lịch sử mà tự thân Nhật Bản đã phải kinh qua những cảnh bị giết chóc, bị cướp bóc, bị đốt cháy” với dáng dấp quả báo của tất cả những nỗi thống khổ mà người dân châu Á đã phải gánh chịu. (Sách Chiến tranh hay hòa bình)

Park Tae Joon, người may mắn không bị thương trong cuộc báo thù ghê gớm do Mỹ gây ra, trong buổi sáng sớm của sự hoang tàn bên cạnh những con người đã quên tiếng khóc, cậu đã chứng kiến một cảnh tượng đầy kinh ngạc. Lạ thay, chỉ riêng chung cư mà cậu ở trọ vẫn còn đó nguyên vẹn. Dường như cậu đang là nhân chứng cho một điều thật kỳ diệu. Bỗng nhiên, hai dòng suy nghĩ trái ngược nhau lướt qua trong tâm trí. Một dòng rất lạnh lùng là cái suy nghĩ ớn lạnh rằng: “Dù không bị bắt lính vào chiến trường nhưng để giữ được mạng sống cũng không dễ chút nào!”; một dòng khác là mơ hồ trong suy nghĩ ấm áp rằng “có vẻ vận số về sau của mình sẽ không tệ!”.

Ngày 2 tháng Tư, Park Tae Joon đội chiếc mũ tốt nghiệp trung học. Dưới cây bạch quả to lớn phía trước cổng trường, cậu cùng các bạn đứng kề nhau để chụp hình kỷ niệm. Cậu cũng chụp “hình thẻ với chiếc mũ tốt nghiệp” để gởi về gia đình. Và rồi, hai ngày sau lễ khai giảng đại học, các bài giảng lại bắt đầu vang lên. Thế nhưng bầu không khí vẫn rất hoang mang. Vào tháng Năm, tin Đức đầu hàng và tin đồn Hitler tự sát đã lan đi khắp nơi. Ở trường đại học, cậu như loáng thoáng cảm nhận được một điều gì đó. Tin tức về sự đầu hàng của Đức quốc xã, một đế chế tưởng chừng là to lớn, hùng mạnh hơn Nhật Bản, đã lan truyền trong giới sinh viên bằng mối giao cảm như những vòng sóng của một cú sốc.

Một buổi trưa, khi những người dân Tokyo đang cởi bỏ những chiếc áo choàng để thay bằng những chiếc áo ngắn tay, Park Tae Joon đã nghe tin tại công viên Hibiya sẽ đăng đàn một “buổi diễn thuyết Yasuoka1”. Cậu đã nghe danh tiếng của Yasuoka, một nhân vật rất được tôn kính trong xã hội Nhật Bản như là một bậc thầy về Dương Minh học1. Rất đông đảo quần chúng không kể già trẻ gái trai hôm đó đã kéo đến công viên có kiến trúc phương Tây đầu tiên của Nhật Bản nằm ngay cạnh hoàng cung. Park Tae Joon chăm chú lắng nghe từng lời nói sang sảng của người đàn ông vóc dáng thấp nhỏ trên diễn đàn. Dù không dùng từ ngữ “bại trận” nhưng tiêu điểm diễn thuyết của ông là đức hạnh của người lãnh đạo sau chiến tranh.

“Đức hạnh hàng đầu của người lãnh đạo đất nước là dẹp bỏ tính tư lợi. Dẹp bỏ tính tư lợi là việc khó nhất và cũng là quan trọng nhất. Người lãnh đạo không dẹp bỏ được tính tư lợi sẽ không thể nào nhất quán được giữa sự hiểu biết, tầm nhìn với hành động của bản thân.”

Dẹp bỏ dục vọng tư lợi là điều kiện tiên quyết của người muốn trở thành nhà lãnh đạo. Lời nói này gây ra một cộng hưởng trong lòng Park Tae Joon. Buổi giảng kết thúc, người nghe tản ra với vẻ mặt không khác gì những khán giả vừa rời khỏi rạp chiếu của một bộ phim thật cảm động. Park Tae Joon sải bước nhẹ nhàng. Cảm giác như cậu vừa có một sự giác ngộ vô cùng to lớn.

Các Tin Tức Khác