Trước nay đã có rất nhiều tác giả viết về những nhà chinh phục vĩ đại, những danh tướng thời cổ đại đã trở thành huyền thoại như Cyrus đại đế của Ba Tư; Alexander đại đế của Hy Lạp; Hannibal của xứ Carthage; Caesar của La Mã... Mới đây nhất, Steve Forbes và John Prevas - một người là chủ tịch Forbes Media và người kia là giáo sư lịch sử cổ đại - đã cho ra đời cuốn sách khá độc đáo về những con người kiệt xuất này, dưới tựa đề: Quyền lực, tham vọng và vinh quang (Power Ambition Glory, xuất bản năm 2009(*).
Gọi là “độc đáo” bởi khác với nhiều cuốn sách từng xuất bản, hai tác giả không đơn thuần làm công việc khảo cứu sử học hoặc tiểu thuyết hóa các nhân vật này như thường thấy, mà đặt một dấu nối giữa những người khổng lồ Cyrus, Alexander, Caesar, Hannibal... trong thời cổ đại với 24 nhà lãnh đạo các đế chế kinh doanh của thời hiện đại để so sánh, xác định những điểm tương đồng (hoặc trái nghịch) trong quá trình tạo dựng và quản lý, điều hành đế chế của mình, qua đó rút ra những bài học dẫn đến thành công và cả thất bại.
Thực ra, so sánh thường khập khiễng, nhất là khi hai đối tượng được so sánh sống và hành động cách nhau cả hàng ngàn năm, trong những hoàn cảnh chính trị, xã hội rất khác biệt. Thế nhưng, theo các tác giả, nếu xem họ như những nhà lãnh đạo tài giỏi trong lĩnh vực của mình thì rõ ràng họ có cùng động cơ (quyền lực, tham vọng, vinh quang), theo đuổi cùng mục đích (sự giàu có, thành tựu, sự thừa nhận và uy tín) và có cùng chiến lược để thực hiện mục đích ấy. Từ căn bản xuất phát đó, những kết nối mà các tác giả tạo ra không rơi vào chỗ khiên cưỡng hay bất tương xứng.
Ở thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, Alexander - vị vua trẻ xứ Macedonia - đã khởi đầu sự nghiệp chinh phục bằng việc thống nhất các thành bang Hy Lạp, rồi dẫn quân đánh chiếm đế quốc Ba Tư, và sau đó đánh tới các tiểu vương quốc Ấn Độ. Giấc mộng bá chủ phương Đông khiến Alexander say sưa chinh phục mà không biết dừng lại, củng cố đế chế của mình. Thất bại ở Ấn Độ, Alexander phải rút quân về lại Babylon và bị sát hại tại đây. Tài năng, tham vọng đã tạo nên một vị đại đế, nhưng “cái tôi” ngạo mạn, bất chấp giới hạn cũng từ đó lớn dần, dẫn đến kết thúc bi kịch. Câu chuyện của Alexander cũng không hiếm thấy trong thế giới kinh doanh hiện đại. Trường hợp của Warner Bros với nhà lãnh đạo Steve Ross và sau đó là Gerald Levin là một dẫn chứng. Cả Ross và Levin đều say sưa bành trướng đế chế qua các cuộc thôn tính mà không chú trọng quản lý phát triển nó. Cuối cùng, Times Warner trở thành người khổng lồ ì ạch, suy yếu vì gánh nợ quá lớn. Người kế nhiệm, Richard Parsons, đã phải tập trung giải quyết nợ và tháo giỡ một đế chế đổ nát.
Cũng là một nhà chinh phục vĩ đại nhưng Cyrus đại đế (576-530 trước Công nguyên) của Ba Tư lại tạo dựng được một đế chế hùng mạnh trải dài từ phía tây Thổ Nhĩ Kỳ đến Pakistan, từ Ai Cập đến Nga và cai trị thành công gần 30 năm. Thành công của Cyrus đại đế không chỉ do tài năng quân sự, ở tầm nhìn chiến lược mà quan trọng nhất chính là các chính sách cai trị hòa hợp và khoan dung đối với những vùng đất mà ông chinh phục. Cyrus thường khoan thứ và thậm chí thu dụng kẻ thù, và trong nhiều trường hợp, cho phép giữ lại hình thái chính quyền và luật lệ cũ cũng như văn hóa, tập quán của dân bản địa, không tàn phá các vùng đất đã chiếm.
Thời hiện đại, lãnh đạo của một số tập đoàn như Gannett, Procter & Gamble cũng thực hiện chính sách sáp nhập trong êm thắm, hòa hợp và giữ vững đế chế kinh doanh của mình. Gannett, một tập đoàn báo chí lớn của Mỹ, đã tiến hành nhiều cuộc mua lại, sáp nhập trong đó có cả tờ báo nổi tiếng USA Today. Frank Gannett và các người kế vị luôn có cách tiếp cận từ từ và khi mua lại, sáp nhập, họ vẫn tôn trọng vai trò của các người chủ trước cũng như tính độc lập trong biên tập nội dung của tờ báo cũ. Procter & Gamble cũng rất khôn ngoan khi thực hiện các vụ “thôn tính” mà vẫn giữ lại các nhân vật chủ chốt để làm việc cho họ. Đến năm 2005, Giám đốc điều hành A. G. Lafley đã mua Gillette với giá 57 tỉ đô la Mỹ và họ đã không sa thải nhân viên bán sỉ, không cắt giảm chi phí cho nghiên cứu và phát triển chỉ để thúc đẩy lợi nhuận ngắn hạn.
Lấy cổ soi kim, từ chính trị - quân sự nhìn sang kinh doanh, các tác giả đã nêu ra những bài học bổ ích cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay. Và thực ra, nào phải chỉ riêng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Đọc Quyền lực, tham vọng và vinh quang, người đọc không chỉ hiểu thêm lịch sử thế giới cổ đại với các nhân vật kiệt xuất qua cách kể chuyện mạch lạc, hấp dẫn, mà còn hiểu thêm về nguyên nhân thành - bại của những người khổng lồ trong kinh doanh. Cái hay của các tác giả là đã khéo léo, linh hoạt đan xen các sự kiện xưa - nay, chiến trường, chính trường - thương trường để tạo nên một dòng chảy nhất quán về nội dung.
_________
(*) Dịch giả Vũ Thanh Tùng, NXB Trẻ xuất bản, giá bìa 85.000 đồng.
Thư Hoài
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)