Thế là chị Hoa bỏ làm, mấy cái áo dài đi dạy cho vào một bao, bỏ thêm cục băng phiến
chống gián nhấm. Thằng Vũ được thừa hưởng cái xe đạp tốt, rảnh là lăng nhăng đi khắp nơi. Con Thảo may thêm mấy cái áo hoa li ti, buổi chiều kêu lên vội vàng: “Bà Hoa nấu cơm giùm tôi!” rồi nhảy lên xe bồ, chạy mất. Chị Hoa viết vào nhật ký: “Ngày... tháng...
năm... Mình đã bỏ trường...” Cái trường chỉ có một tầng, với những dãy phòng học thấp lè tè, tường trắng, cửa nâu, chạy zic-zăc trong sân; dưới những cây bạch đàn cao lênh khênh, cứ những ngày đầu năm học lại thổi từng đợt hoa vàng li ti, hăng hắc xuống đầu lũ học sinh ngồi sinh hoạt dưới cờ. Ngày chị rời trường, bác bảo vệ
nói: “Thôi, chào cô, cầu mong cho bà nhà mau mạnh để cô đi dạy lại!”, chị chỉ biết nói “vâng”, nghĩ đã đi thì phải đi luôn, thời này việc làm có dễ tìm đâu mà người ta để dành cho mình.
Mấy tuần trước, bà Năm “đứt gân máu” lại. Lại xụi chân tay, lại xệch miệng, trí não mơ màng không nhận ra ai. Nhà không có người, ông Năm hay đi làm xa, con Thảo may cho xí nghiệp, tính nóng và ẩu; thằng Vũ đang phải luyện thi... có nghĩa là không ai có thể chăm sóc được người bệnh, ngoài chị Hoa. Từ khi có chị ở nhà, mỗi sáng con Thảo có thể ung dung nằm nướng trên giường thêm một lúc, nghe tiếng máy bơm nước bơm rù rù, rù rù, tiếng nước sôi được rót vào bình thủy, tiếng chổi lạt sạt ngoài sân, tiếng dép chị Hoa cố gắng nhẹ nhàng đi qua các phòng... Thảo ước lượng tất cả các việc ấy đã xong thì bật dậy, ra dáng tất tả chuẩn bị đi làm. Chị Hoa ở cái tư thế người ở nhà, không dám đề nghị con em cùng làm mọi việc chung như trước nữa.
Chị Hoa bắt đầu tập mặc nguyên đồ bộ mà chạy ra chợ, mặt không phấn son; mua thật nhanh một ít rau, một ít thịt cá, một bịch bún xào cho bà Năm ăn sáng, rồi lại vội vàng đạp xe về. Ngày nào cũng thế, bà Năm ngồi trên một cái ghế to trước cửa, mọi tình cảm lướt qua mặt thật chậm chạp đủ để làm nên cái vẻ đăm đăm, hơi ngớ ngẩn. Khi chị Hoa đi chợ về, bà kêu lên nho nhỏ, lắp bắp, đại ý sao mà đi lâu thế! Chị Hoa chỉ cười, lẳng lặng dọn cho bà ăn, đeo cho bà cái khăn ở cổ. Bọn trẻ con hàng xóm, hồi đầu còn tò mò thò đầu qua hàng rào xem, giờ cũng đã quen, thôi chỉ trỏ. Từ ngày chị Hoa ở nhà, bà Năm tỉnh hẳn lên, chị cũng mập ra trông thấy. Trông chị đẹp lắm, nhưng mà buồn. Nhất là vào giờ mấy đứa nhỏ trong xóm đến trường, áo dài lướt thướt đến rủ nhau... Chị Hoa lại nhớ khoảng này, mình đang ở phòng giáo viên, uống một tách nước con, sửa lại áo quần, nhìn qua cửa sổ thấy mấy đứa tổ trực vội vội vàng vàng quét lớp. Một lần, chị đã dại dột nói cho con Thảo nghe những điều này, con Thảo vừa dán mắt vào mảnh gương con nhổ lông mày, vừa gắt: “Mệt bà quá đi, tưởng nhớ ông nào, nhớ mấy chuyện lẻ tẻ đó không mà cũng nhớ!”. Chị Hoa cười ngượng nghịu: “Tao mà có ông nào!”. Rồi nhìn bà Năm, âu yếm cười: “Bây giờ lại càng không nên có ông nào”. Thảo vứt mảnh gương vào bóp, kêu lên hờ hững: “Khổ quá, bà ơi!” rồi vơ quần áo vào nhà tắm. “Thế là - chị Hoa nghĩ - chẳng ai hiểu mình cả”. Chị lại giá sách, giở quyển giáo khoa, từng trang, từng trang, càng mở càng não lòng. Đây, đến bài này đây, hôm ấy nhỏ Lynh đang đứng lên đọc ngân nga thì gió nổi đùng đùng, bụi bay tứ tung, Lynh kêu lên: “Em mù rồi, cô ơi!”, hai tay nó ôm mặt, thật thảm. Rồi bài này, bài thơ dài này, cả lớp tranh nhau trả bài, chỉ cần học thuộc lòng thôi, cô giáo hứa đó sẽ là một cột điểm dự trữ khi “túng thiếu”... Chúng nó ra sao rồi nhỉ? Sắp lễ rồi, chắc lại họp nhau rủ đi chơi, đi một tí đường lại lạc nhau, lại đứng chờ... Chị Hoa chợt mỉm cười, mình quen cảnh này biết bao, mà bất cứ giáo viên chủ nhiệm nào cũng thế thôi, à mà không, đâu phải ai chủ nhiệm cũng được bọn nó rủ đi chơi, thật ra, thẳng thắn và nhạy cảm nhất là trẻ con, chúng nó chọn ra trong đám người lớn, ai bạn, ai thù, không bao giờ lầm cả. Chị Hoa đóng rất nhiều cọc, trên gác tầm vông, cố cột dây thép cho chặt, như cái giá để trẻ con tập vũ ba-lê mà chị nhớ mang máng, kéo dài từ cửa nhà ra đến tận vườn xa, cứ khoảng mười thước, chị lại đặt một cái ghế dựa to bè, chắc chắn. Ông Năm cuối tuần về thăm nhà, hỏi: “Con làm cho má à?” Ông nhìn những mối dây siết chưa cứng, ông lắc cái cọc thấy nó còn nghiêng ngả, rồi quát thằng Vũ: “Mày để chị làm hết một mình, phải không?”. Bà Năm tuy bệnh vẫn giữ thói làm nũng chồng, chê hết món này đến món kia, mới tập đi một tí đã kêu đau mình, con Thảo lấy làm bực bội, hết đi vào lại đi ra, hễ thấy bố vắng mặt là gằn giọng mắng mẹ, bà Năm sắp mếu, nó vội chạy sang hàng xóm chơi. Chị Hoa biết tất cả các chuyện này, bà Năm đợi lúc chị tắm cho thì lắp bắp mách lại. Chị bảo:“Tại má hay nhõng nhẽo ba quá mà!”. Rồi lại phì cười: “Con sau này mà có bệnh không biết lấy ai mà nhõng nhẽo đây!”. Chị đã băm ba rồi, đó là mới tính theo tuổi tây, mà mấy bà ác dạ lại cứ nhè tuổi ta để tính. Nhiều lúc nhìn con Thảo bồn chồn đợi bồ, chị nghĩ: “Ừ, sao mình đẹp nhất nhà, hiền nhất nhà mà chưa một đời bồ nào trải qua, tuổi xuân mình trôi qua khi nào nhỉ?”. Rồi chị nhớ tới anh Lĩnh, thầy thể dục của trường, đó là anh trai tân duy nhất còn sót lại, bạn bè cũng muốn gán đôi. Anh ta cũng cao to. Cũng có lúc chị định nghĩ nhiều đến anh, rồi lại thôi, thấy ngán ngán cái cảnh anh chạy chạy trên sân trường, hay nhảy xa bình bịch xuống hố cát, trông có vẻ thiếu nghiêm túc so với môn chị dạy. Cứ thế, ngày tháng đi qua.
Một hôm, thằng Vũ vừa ăn cơm, vừa kể chuyện lớp cãi nhau vì việc mua cho thầy cô quà không thực tế. “À! 20-11 rồi đây”, chị Hoa nghĩ, ngày mà học trò nhìn cô giáo, mắt long lanh, vẻ bí mật, rồi hoa, rồi quà, có khi là cả một cái tượng thạch cao mà thầy cô dở khóc dở cười không biết để đâu trong nhà. Thằng Vũ bực bội kể tiếp: “Thầy cô nghèo mà tụi nó cứ đòi mua tặng bức tranh. Mà tranh vẽ gì? Phải vẽ cảnh lớp học đã vui, đây vẽ vườn dừa, mấy con chim bay, tui hỏi tụi mày có nhà đứa nào dám treo không mà đem tặng?”. Cả nhà cười ồ, bà Năm lại lắp bắp, cau có: “Nói gì mà nhanh, tao không nghe kịp”. Chiều 20-11, một đám choai choai lấp ló cổng vườn. Chị Hoa đi mua trứng bắc thảo về, cảm động suýt rơi bịch trứng trên tay. Tụi nhỏ e dè nhìn cô giáo, thấy tất tả như hàng trăm bà nội trợ khác, mà thương. Tụi nó nói, “tụi em luôn nhớ cô, nhất là sáng nay vào trường, nhìn lên hàng ghế giáo viên ai cũng có hoa, thằng Tấn bảo sáng nay nếu cô đi chợ, cô thấy cảnh học trò mua hoa, chắc cô buồn lắm”. Rồi chúng nó ỉ eo, bảo cô về trường lại đi, “tụi em sẽ làm đơn xin trường, rồi ký tên, tất cả học trò học cô sẽ ký tên, chúng em chắc chắn thế...” Chị Hoa nhìn sang bà Năm, thấy bà lắng nghe, lo lắng, chị bèn nói to, cốt là cho bà: “Không, chắc cũng còn lâu, cô phải ở nhà chăm bác, chừng nào bác khỏe hẳn, cô trở lại trường...” ... Học trò đã về hết rồi. Bà Năm cũng đã ngủ rồi. Con Thảo sau khi cãi nhau với bồ cũng đã hầm hầm ngủ mất. Chị Hoa lại đến giá sách, nghĩ bụng: “Chắc mình không thể bỏ hẳn đâu!”. Những trang sách sột soạt giữa những ngón tay, chị Hoa nghĩ ra một thời khóa biểu từ ngày mai, “để khi trở về trường, học trò sẽ thấy là mình đã
không quên gì cả!”
Phan Thị Vàng Anh