Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Tôi ao ước được một lần nhìn thấy chú
Cập nhật ngày: 12/09/2013

Tôi biết chú vào những ngày đầu của tuổi mười sáu đầy mơ mộng. Ngày đó niềm vui và sở thích duy nhất của tôi là được về quê mỗi khi hè đến. Về quê là cái gì đó rất tuyệt vời trong tôi. Ở đó, ngày ngày tôi được dắt ra đồng thăm ruộng, hái rau, nhổ cỏ, có hôm còn được cô dắt đi chăn trâu, thả diều, thậm chí có lần bất cẩn còn bị rơi thẳng từ trên lưng trâu xuống mặt đất mà miệng vẫn cười toe toét. Nhưng tất cả đều dừng lại khi cô tôi vào tận Sài Gòn để học. Không còn ai thủ thỉ đủ điều cho tôi nghe, cũng không còn ai dắt tôi đi chơi như trước đây nữa. Mùa hè năm đó, đối với tôi có lẽ sẽ buồn vô tận nếu như tôi không bị quẳng vào nhà sách trong lúc bà đi chợ.

Suốt mười sáu năm, chuyện sách vở của tôi đều một tay ba má lo cho nên vô nhà sách tôi chỉ có mỗi việc là lon ton theo sau, lâu lâu chồm lấy một quyển truyện tranh gì đó cho có cái để cầm thôi. Vậy nên, hôm ấy tôi cũng chỉ biết loanh quanh các kệ sách đợi bà quay lại. Và lơ ngơ lóng ngóng thế nào tôi va đổ chồng sách của người ta, lúc đó sợ ơi là sợ, nhưng vẫn kịp nhìn thấy một điều đến giờ tôi vẫn thắc mắc, rằng vì sao tên tác giả trên bìa một cuốn sách lại không viết hoa. Lúc ấy, tôi ngạc nhiên lắm, có cả tò mò nữa, nên mở ra xem thử thực hư nó ra làm sao. Thế là tôi ngồi đọc cuốn Còn chút gì để nhớ, đọc mãi đến lúc bà quay lại vẫn không chịu về. Thật sự tôi không thể tin vào chính mình được. Tôi không tin, hoàn toàn không tin những con chữ ấy lại có thể cuốn hút tôi đến thế.  Tôi đọc quên cả chuyện bà đang đứng đợi. Càng đọc càng thấy sách mỏng dần mà nội dung thì càng lúc càng mở. Đến lúc bà giục tôi mới dừng lại, lúc ấy còn luyến tiếc lắm, chẳng muốn về tí nào. Suốt ngày hôm ấy tôi chỉ mong sao bà lại đi chợ. Nhưng đời lắm chuyện trớ trêu, không những hôm ấy bà không đi mà hôm sau bà cũng ở nhà nốt. Tôi buồn, tôi sầu, tôi năn nỉ mãi vẫn không thể ra khỏi nhà.

Tôi ấm ức quay về thành phố. Tôi kiên quyết ra nhà sách lục tìm nhưng lại không có. Tôi lên thư viện trường hỏi mượn nhưng chỉ có mỗi quyển Thằng quỷ nhỏ  thôi. Tôi giận bà một tháng trời. Tôi giận cả tôi nữa, vì sao lúc đó sao không xin bà mua cơ chứ. Đang đến đoạn hay ơi là hay. Tôi trách trường tôi, tôi trách thành phố tôi, thành phố gì mà mỗi quyển sách nhỏ xíu cũng không có, thua xa nhà nội nữa. Tôi ấm ức lắm, đến mức khi ngủ tôi nằm mơ thấy mình chạy vù ra khỏi nhà sách tìm chiếc xe đạp như anh chàng Chương trong truyện vậy đó.

            Sau một thời gian tìm kiếm vẫn không có kết quả gì, tôi quay về trường mượn tạm quyển Thằng quỷ nhỏ. Tôi say sưa với từng lời, từng chữ chú viết ra. Đọc đến đâu tôi tưởng tượng đến đó. Có đôi lúc tôi phá lên cười sung sướng khi đoạn tiếp theo chú viết y chang như mình  đoán. Rồi tôi nghĩ, có khi sau này mình thành nhà văn không chừng. Tôi đem chuyện đó kể cho ba má tôi nghe thì chỉ nhận được một trận cười nghiêng ngả.

            Kể từ đó, tôi biết chắc rằng Nguyễn Nhật Ánh là tác giả, là cái tên mình sẽ  để mắt đến mỗi khi bước chân vào nhà sách. Và tôi cũng không bao giờ quên tìm kiếm quyển Còn chút gì để nhớ.

            Lần lượt Hạ đỏ, Bong bóng lên trời, Bồ câu không đưa thư, Những cô em gái, Quán Gò đi lên, Phòng trọ ba người, Trại hoa vàng, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi là Bêtô.... lần lượt đi qua đời tôi. Một danh sách dài những tên tác phẩm in đằng sau mỗi cuốn truyện dần dần được tôi lấp kín, duy chỉ có quyển giúp tôi bén duyên với chú vẫn còn dang dở và mãi đến tận bốn năm sau tôi mới thỏa ước mơ của mình. Tôi chưa bao giờ chờ đợi và tìm kiếm điều gì lâu đến thế. Và sau đấy, mỗi khi nghe tin chú sắp ra một quyển sách mới tôi lại bồi hồi như sắp được gặp người yêu vậy đó.

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác hạnh phúc của mình khi cầm trên tay quyển Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Rồi cả cảm giác sung sướng khi bị ai đó nói tôi “hâm” khi tôi bất chợt reo lên: “A, hoa vàng trên cỏ xanh kìa, chú Ánh của ta có quyển đó đó, hay lắm luôn đó” mỗi khi đi ngang một vòng xoay có bãi cỏ xanh rì đang ôm ấp những cánh hoa vàng rực rỡ. Cũng có khi đang ngồi một mình trong phòng tôi lại hét lên như vớ được vàng, chạy vội sang đưa cho ba đọc một đoạn trong cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ để ba hiểu vì sao tôi hay hỏi “vì sao”, và tôi cũng không quên cắt một mảnh giấy thật to, trang trí thật đẹp, viết lên đó dòng chữ "CÁI TÊN, SUY CHO CÙNG CŨNG CHỈ ĐỂ PHÂN BIỆT CÁI NÀY VỚI CÁI KHÁC"  dán chĩnh chệ trên tường nhà, bởi tôi hay bị la vì cái tội thường xuyên hỏi tại sao lại gọi cái kéo là cái kéo. Cũng có đôi khi tôi nhận được những ánh mắt kì lạ, ra kiểu tò mò khi tôi buông tiếng thở dài kèm theo câu "Buồn ơi là sầuuuu" - những lúc nói câu đó, tôi ước sao có người rủ tôi "Chiều nay đi nhậu một chút chăng" nhưng đến giờ, đó vẫn còn là một điều ước… Còn nhiều nhiều lắm những cung bậc cảm xúc, những kỉ niệm với các quyển sách của chú.

Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi, có lẽ là tác phẩm Nữ sinh. Cuốn sách này đã làm thay đổi rất nhiều tính cách của tôi. Từ một cô bé đằm thắm, nhẹ nhàng, trầm tính đến mức ai gặp cũng bảo tôi sao hiền như cục đất trở thành một cô nàng ương bướng, ngỗ nghịch, còn bạn bè thì chép miệng bảo tôi ngày đó uống nhầm thuốc. Còn tôi, tôi nghĩ, mình bị chú “đầu độc”, hay đúng hơn là tôi để mặc cho ba cô nàng Xuyến, Thục, Cúc Hương dẫn lối trái tim mình. Điều đó giúp tôi vui vẻ suốt ba năm trung học bên anh bạn thân là giáo sinh thực tập trường tôi, và cũng khiến trái tim tôi đau đớn đến tận bây giờ. Bởi tôi mơ mộng nhiều, tôi luôn tưởng tượng mọi chuyện sẽ êm đềm như những gì chú viết. Tôi đâu có ngờ, đời vốn dĩ không chỉ có mỗi màu hồng.

            Nhưng đó chỉ là một chút đau đớn của riêng tôi thôi, nó không là gì so với những điều chú đem lại cho tôi, cho tuổi thơ bị đánh mất của tôi. Tôi tìm tuổi thơ của mình trong sách của chú để sau này không phải hoang mang khi kể cho con tôi về những trò chơi của tuổi thơ, hoặc ít ra, tôi nghĩ, mình sẽ không cáu gắt khi nghe chúng nó hỏi: "Vì sao không gọi cái bàn là cái ghế mà phải gọi nó là cái bàn.". 

            Có thể ai đó sẽ ngạc nhiên hoặc không biết tôi viết có nhầm không khi một cô bé mười sáu tuổi lại thích thú với chuyện làng quê, rồi còn bị quản lý nữa. Nhưng thật sự tôi lúc đó là đứa cháu duy nhất trong nhà nên luôn bị giám sát. Tôi vẫn hay nói với mọi người rằng mình như búp bê được cất giữ trong lồng kính ấy. Với tôi, nghe nhạc, đọc sách là điều vô cùng xa xỉ. Tôi hoàn toàn không có khái niệm giải trí, tự do lại càng không. Nhưng thôi, đó là chuyện của tôi tám năm về trước. Giờ đây, tôi đã khác, một mình một xe chạy  hơn 800 km tôi còn làm được thì không có gì có thể ngăn cản tôi được. Một phần của sự thay đổi trong tôi là nhờ vào những quyển sách của chú.

Suốt tám năm qua, kể từ ngày đầu tiên nhìn thấy tên chú, tôi vẫn luôn mang trong mình một tình yêu chân thành dành tặng chú. Tôi ao ước được một lần nhìn thấy chú, được đứng bên chú, được nói chuyện với chú đôi ba câu, để hỏi chú vì sao tên chú chưa khi nào viết hoa trên mỗi bìa sách, nhưng có lẽ, tôi không có duyên khi lần nào cũng bỏ lỡ cơ hội được giao lưu với chú trong những đợt ra mắt sách mới. Giờ đây, tôi đã vào Sài Gòn, đã gần với chú hơn rất nhiều so với những ngày còn ở Đà Nẵng.

Tôi hy vọng ngày được gặp chú cũng sẽ không còn xa nữa.

NGUYỄN THỊ HUỲNH TRÂM

(Đà Nẵng)

Các Tin Tức Khác