Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Tuổi 20 nghĩ và viết
Cập nhật ngày: 30/03/2014

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 5 vừa hết hạn nhận bản thảo. Trong khuôn khổ Hội sách TP.HCM lần 8 năm nay.

Nhà xuất bản Trẻ vừa tổ chức cuộc tọa đàm "Văn học tuổi 20: Tuổi 20 nghĩ và viết" hôm 29-3 thu hút rất nhiều ý tưởng từ công chúng đến người trong cuộc.

Có ai chứng kiến đám đông bạn trẻ bình thản ngồi trong nhà chuyên đề tại Hội sách TP.HCM với cái nóng lên gần 400C để nghe và trao đổi về "Văn học tuổi 20" mới biết văn chương vẫn còn là niềm tha thiết đối với nhiều người trẻ.

Loay hoay?

Một bạn đọc đến từ một công ty sách cho rằng khi đặt vấn đề tuổi 20 nghĩ gì và viết gì chính là thực trạng đang loay hoay của tuổi 20 hiện nay. Ðây cũng là lý do thu hút bạn đọc đến buổi tọa đàm càng lúc càng đông. Không hẳn vì có nhiều người muốn biết các nhà văn hiện nay đang viết những gì, công việc sáng tác của những nhà văn trong đời thực ra sao, mà có rất nhiều bạn đọc muốn chen vào tranh luận cùng người viết.

Trong tư thế một "người đọc chuyên nghiệp", nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn nêu nhận xét thẳng thắn về tình trạng viết của các cây bút tuổi 20 hiện nay "mang tính xu thế quá, không ai trội lên đủ thành nét riêng. Có tác giả tuổi 20 bảo rằng thế hệ chúng tôi suy nghĩ nhiều quá mà hành động ít quá. Nhưng suy nghĩ ấy cũng chỉ quẩn quanh trong tâm trạng của cá nhân mình thì không sâu. Nếu tư tưởng tâm hồn của mình không đủ lớn thì nên nhìn ra những thân phận xung quanh. Vả lại, viết văn là nghệ thuật kể chuyện, nhưng nhiều bạn chỉ quanh quẩn trong cái tôi nhạt nhẽo, nông cạn của mình thành ra đánh mất độc giả vì không có những câu chuyện thú vị".

Phản biện ý này, tác giả Khiêm Nhu cho rằng khi viết văn cô chú trọng đến ngôn ngữ và nghệ thuật hành văn hơn là cốt truyện hay các cách thắt nút, mở nút. Dù vậy, ông Thanh Sơn vẫn cho rằng nếu nghệ thuật hành văn tốt để kể một câu chuyện thú vị thì vẫn hấp dẫn hơn.

Và, mặt trái của sự đa dạng trong độc giả cũng phần nào thể hiện sự loay hoay. Dù chỉ giới hạn trong độ tuổi 20, thói quen đọc của người đời vẫn là chuyện rất khó chiều lòng. Bạn đọc tên Thùy Dương cho biết mình thích đọc các truyện huyền ảo, và vì thế nên xa lạ với văn học VN. Bạn Thanh Hoa nêu ý kiến rất muốn các nhà văn viết về những ngóc ngách trong nội tâm của những người xung quanh chứ không chỉ là nội tâm của chính các nhà văn. Còn ở một sở thích khác, bạn Như Quỳnh đến từ miền Trung tâm sự cô chỉ thích đọc những sách có nội dung mới lạ, có cái gì đó thử thách người đọc, nhất là khả năng truyện ám ảnh được mình, thôi thúc, khiến mình khâm phục và cũng muốn viết văn.

Từ phía nhà văn Võ Diệu Thanh khi được hỏi điều gì làm nên những trang viết gai góc của mình, cô thú thật rằng khi viết thì không để ý đến chuyện gai góc hay không gai góc, mà chỉ viết những gì ám ảnh. Viết văn như tự mình trải qua cơn ác mộng, nhiều khi cũng tự thấy sao mình... khùng quá, cứ theo đuổi một đề tài hoài nhiều khi cũng tự thấy sợ chính mình. Ðơn giản hơn, nhà văn Trương Anh Quốc cho biết anh có lợi thế về không gian biển với những chuyến hải hành, nên "tôi xem đây là một kinh nghiệm quý, là mảnh đất để khai thác lâu dài".

Gặp nhau ở chỗ đọc

"Nhà văn nào cũng bắt đầu việc viết bằng việc đọc", Hải Miên diễn đạt ngắn gọn là điểm chung giữa các nhà văn. Ðồng ý với điều này, Nguyễn Hoàng Vũ, tác giả quyển Ở trọ Sài Gòn, cho biết quá trình rèn cách viết của anh chính là đọc sách: bắt đầu từ chỗ thích đọc sách, tôi thấy người ta viết hay quá, đến khi cầm bút mình cũng tự cố gắng làm sao cũng phải viết được như vậy. Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình cũng thừa nhận chính những tháng ngày tuổi thơ đọc ké sách của ông ngoại và của người cậu, rồi đến tuổi teen được đọc báo Hoa Học Trò mới nảy ra ý nghĩ: viết thế này chắc mình cũng viết được, và sự nghiệp viết văn của cô bắt đầu từ đó.

Việc đọc không đơn giản chỉ là đọc sách. Ðọc để viết văn còn là khả năng đọc vị người đọc của mình. Một cán bộ nghiên cứu Viện Văn hóa nghệ thuật cho rằng nhà văn phải viết đúng nội tâm của thế hệ những người đọc gần gũi với mình. Vì "thật khó hiểu nếu người viết không nắm được sở thích của những người sẽ mua sách mình để đọc. Nếu chỉ viết cho mình anh thì đó là nhật ký cá nhân. Còn văn chương luôn hướng đến đại chúng với các giá trị được nhiều đối tượng bạn đọc chia sẻ". Ý này được nhà văn Hải Miên chia sẻ, cô cho rằng chính việc đọc Chekhov đã khiến cô bước vào con đường viết văn, rằng "chính Chekhov đã xúi bẩy tôi". Nhưng chuyện viết, theo Hải Miên, ngoài tài năng của mỗi người ra thì với cô "viết gì cũng không ra khỏi thân phận con người".

Từ phía nhà xuất bản, ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng điểm gặp nhau của mọi người trong một cuộc tọa đàm thuần văn chương như vậy chính là cảm hứng từ đề tài văn học tuổi 20. Câu chuyện văn chương và giải thưởng lần này vẫn còn phía trước.

Theo LAM ĐIỀN - Báo TT

 

 

“Ngây ngây mà sầu”

Một ý kiến mang tính “ngược dòng” được nêu ra tại buổi tọa đàm chính là đến từ NXB Trẻ. Ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ - khẳng định: NXB Trẻ không chọn làm các sách ngôn tình, vì tự thấy không thích hợp chứ không có ý phản đối dòng sách này. Điều này có lẽ không làm hài lòng những bạn trẻ đang yêu mến dòng truyện này. Nhưng với nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, ngôn tình là dạng truyện “ngây ngây mà sầu, rầu rầu mà khóc”, viết về tình cảm nhưng chưa đủ sâu để đánh động lòng người như văn học lãng mạn. Quan trọng hơn, nhiều người cho rằng tiểu thuyết ngôn tình không gắn với phong cách, bản sắc VN nên từ góc độ người viết, nếu mong muốn góp thêm giá trị văn chương vào bức tranh của toàn thế giới, thì những nhà văn VN cần trình chính những giá trị của VN.

Các Tin Tức Khác