“Thay đổi” vì sao lại khó khăn đến vậy? Là bởi trong mỗi chúng ta, luôn tồn tại song song một Người Quản Tượng nhỏ bé và cả một… Con Voi “nặng tới sáu tấn”, hay e sợ và thích chần chừ…
Hai tác giả Chip Heath và Dan Heath đã lí giải như thế trong cuốn sách mới nhất có tựa đề THAY ĐỔI. Người Quản Tượng đại diện cho nghị lực, quyết tâm, lí trí, còn Con Voi, không gì khác, chính là mặt cảm xúc và bản năng của chúng ta.
Tuy các tình huống mà hai tác giả đưa ra đều có những nét đặc trưng riêng, nhưng hình mẫu thành công đều rất nhất quán: Cho Người Quản Tượng một định hướng thay đổi, tác động về mặt cảm xúc với Con Voi, và dẫn nó đi đúng Con Đường.
Một ví dụ rất hay về Người Quản Tượng nằm trong câu chuyện của Jerry Sternin đến từ tổ chức Save The Children. Sứ mệnh của ông là “hỗ trợ cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em” tại Việt Nam. Sternin gây bất ngờ khi ông không hề tiếp cận vấn đề từ chỗ vĩ mô như “thay đổi nguồn nước” hay “xóa đói giảm nghèo”, ông trực tiếp xem xét “chế độ nấu nướng của các bà mẹ bản địa”, bởi rõ ràng, có những em bé vẫn ăn uống khỏe mạnh, đủ chất, dù trong hoàn cảnh eo hẹp và thiếu thốn của địa phương.
Ông chọn lọc những “điểm sáng”, phân tích những yếu tố làm nên sự khác biệt và đem nhân rộng. Trẻ hoàn toàn có thể thoát được hiểm họa suy dinh dưỡng chỉ bằng những công thức nấu nướng đơn giản và thực tế, ví như tôm nấu với rau lang, và chút gạo sạch.
Vai trò của Người Quản Tượng trong Sternin nằm ở chỗ: ông thấy được điểm tích cực cần bảo lưu và lấy nó làm điểm tựa cho những thay đổi chi tiết khác.
Còn “Con Voi cảm xúc” lại rất rõ ràng trong ví dụ về các lập trình viên ở hãng Microsoft. Họ viết ra những đoạn mã “tuyệt vời” và hoàn toàn chắc chắn về hiệu quả của sản phẩm. Nhưng phản hồi lại chẳng hề như ý… Những lập trình viên ấy ban đầu tỏ ra tức giận và bất phục, họ cho rằng những kẻ thử sản phẩm của mình chỉ là “đồ ngốc”. Cho đến khi họ được bí mật quan sát phản ứng thực tế của người sử dụng phần mềm.
Chính mắt chứng kiến các đối tượng phải vật vã xoay xỏa với những công cụ “kém thân thiện”, các lập trình viên lập tức “thông cảm” và định kiến “người dùng ngu ngốc” bị xóa tan. Ở đây, Con Voi đã được tác động sâu sắc, và sự thay đổi vì thế cũng trở nên dễ dàng hơn.
Tuy vậy, Con Đường thay đổi chẳng hề bằng phẳng. Bởi suy cho cùng, đó chính là quá trình tự phân thân và sửa đổi những nhận thức và hành vi độc hại đã ăn sâu bám rễ trong mỗi con người. Và dù nỗ lực đến mấy, trong quá trình thay đổi ấy, mỗi người sẽ đều phải đối mặt với những lúc chán nản và thậm chí là cả những bước thụt lùi.
Đó chính là lí do bạn không nên ảo tưởng về một biến đổi “toàn diện và mang tính đột phá”. Thay đổi là một con đường dài cần được chia thành nhiều chặng, mỗi chặng lại có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng. Đó cũng không phải là phép cộng đơn thuần của những “thắng lợi nhỏ”, mà là một “vòng xoáy ốc của hành vi tích cực”.
Cũng giống như việc đứng trước một căn nhà “bừa bộn như đống rác”. Thay vì sợ hãi, bạn nên bắt tay ngay vào căn phòng nhỏ nhất. Thử dọn thật sạch và ngắm nhìn thành quả xem, bạn đã thấy có động lực hơn để “thanh toán” nốt đống lộn xộn còn lại chưa?
Vài điều trên đây chỉ là những nét chấm phá rất nhỏ trong một cuốn sách tràn ngập những ví dụ thiết thân và sinh động. Chip Heath và Dan Heath thể hiện khả năng tung hứng tài tình với các thông tin từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau (nào y tế sức khỏe, quản lý, thời trang…), tất cả được trình bày với giọng điệu nhẹ nhàng và hài hước, thể hiện qua một bản dịch chỉn chu,với ngôn ngữ trong sáng và rất tinh tế.
Cuốn sách xứng đáng là một nguồn khích lệ lớn khi bạn đang khát khao một thay đổi tích cực nào đó cho cuộc sống của mình!
Lạc Nguyên
(Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn)
Thông tin sách
Thay Đổi (Bí quyết thay đổi khi thay đổi trở nên khó khăn)
Tác giả: Chip Heath & Dan Heath
Người dịch: Vương Mộc
NXB Trẻ ấn hành, Tháng 9/2011