Khi Steve Jobs để những kỹ sư giỏi nhất của anh thực hiện dự án phát triển iPhone tối mật, anh đã phải tiến hành một cuộc chiến. Cố gắng tạo ra điện thoại di động là nỗ lực phi thường đối với một công ty không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Một trong những lý do lớn nhất khiến Steve đón nhận thách thức không chắc thành công ấy là vì theo đánh giá của anh mọi điện thoại di động anh đã từng nhìn thấy đều quá sức phức tạp khó sử dụng: một thách thức hoàn hảo với một người quá chuyên chú vào chi tiết, vào chất lượng cùng tính đơn giản của sách hướng dẫn.
Steve Jobs giới thiệu chiếc điện thoại "một nút bấm"
Vì vậy ngay từ đầu Steve đã quyết định chiếc điện thoại di động đang được phát triển tại Apple sẽ chỉ có duy nhất một nút bấm.
Trong các buổi họp xem xét công việc được tổ chức một hoặc hai lần mỗi tuần, các kỹ sư của Steve cứ nói đi nói lại mãi rằng không thể nào điện thoại di động chỉ có một nút bấm. Bạn sẽ không thể tắt và mở máy, điều chỉnh âm lượng, chuyển chức năng, lên mạng và sử dụng những tính năng khác mà chiếc điện thoại có, nếu bạn chỉ có duy nhất một nút.
Steve làm ngơ trước những lời phàn nàn của họ. Anh cứ đòi hỏi: "Chiếc điện thoại sẽ chỉ có duy nhất một nút bấm. Hãy tìm cách đi".
Dù trải qua bao năm làm người giải quyết vấn đề thần kỳ và người sáng tạo ý tưởng tài tình cho tất cả những sản phẩm được phát triển dưới sự chỉ huy của mình, Steve vẫn không biết chiếc điện thoại phải được thiết kế thế nào để nó chỉ cần một nút bấm. Nhưng là người tiêu dùng cuối cùng, anh biết đó chính là điều anh cần. Steve cứ bảo các kỹ sư của anh quay về kèm yêu cầu họ phải nghĩ ra giải pháp hợp lý.
Bạn đã biết kết cuộc: chiếc iPhone đầu tiên có một nút điều khiển duy nhất.
Sản phẩm sát thủ
Steve bị mê hoặc bởi khả năng kỳ diệu của bàn tay con người, hoàn toàn bị hấp dẫn bởi bàn tay và cách nó phối hợp với cánh tay.
Thỉnh thoảng trong cuộc họp tôi để ý thấy anh đưa một bàn tay lên trước mặt rồi chậm rãi xoay qua xoay lại, trông hoàn toàn mê mải với cách cấu tạo và khả năng bàn tay làm được những gì. Trong khoảng 10 hoặc 15 giây, dường như anh chìm đắm trong động tác này. Bạn phải thấy Steve làm vậy một hai lần mới hiểu được ý nghĩa của chúng: những ngón tay có thể đưa ra chỉ dẫn cho máy tính tốt hơn "mổ" lên bàn phím rất nhiều.
Sau những hiểu biết có được từ những chuyến thăm PARC, Steve thường nói bàn tay con người là một công cụ kỳ diệu, và anh hay bảo: "Bàn tay là bộ phận được sử dụng nhiều nhất trong cơ thể để thực hiện những gì bộ não chúng ta muốn". Và, "Nếu có thể mô phỏng được bàn tay thì đó sẽ là một sản phẩm sát thủ". Sau mới thấy, đây là một nhận xét phi thường về một chi tiết dẫn đến cả dàn sản phẩm Apple hiện nay, từ máy tính Mac, đến iPod, đến iPhone và đến iPad.
Steve đã yêu cầu nhóm dự án Mac thử nhiều loại thiết bị đầu vào khác nhau để điều khiển con trỏ trên máy tính, một cái thì giống cây bút, và cái khác tôi thấy ít nhiều giống chuột cảm ứng (touchpad) của laptop ngày nay. Phải mất khá lâu Steve mới bị thuyết phục rằng không có công cụ nào hiệu quả bằng chuột máy tính. Mọi thứ từ những thanh lệnh thả dọc cho tới lệnh chỉnh sửa như cắt-và-dán đều có thể thực hiện được nhờ khả năng di chuyển con trỏ.
G.K(lược trích)
Nguồn: Thanh Niên
--------
Con đường Steve Jobs, tác giả: Jay Elliot - Bill Simon, người dịch: Lại Hoàng Hà - Trần Thị Kim Cúc, NXB Trẻ.