Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Thế giới tươi đẹp của Marcelo - Trích đọc chương 2
Cập nhật ngày: 08/02/2012

Trên đường tới Paterson, tôi cứ nghĩ về chín chú ngựa con giống Haflinger tôi sẽ chăm sóc suốt mùa hè này. Tôi nhớ đến từng cái tên, tuổi và ngày sinh của chúng. Tôi biết những khó khăn khi huấn luyện chúng, khi nào nên cho chúng ăn, khi nào thì cho uống. Tôi thậm chí còn biết những chú ngựa của mình thích được chải lông ở vị trí nào. Làm việc trong chuồng ngựa nghĩa là phải giữ cho chuồng sạch sẽ, theo cái cách mà Harry muốn, là như li như lau ấy. Những sinh viên tương lai và bố mẹ của họ có thể đến đây bất cứ lúc nào để xem mấy chú ngựa, nên Harry muốn cả ngựa lẫn chuồng trông phải luôn luôn láng bóng. Đó cũng là điều tôi muốn, nên công việc này quả đúng dành cho tôi.

Nhưng chăm sóc mấy chú ngựa không chỉ đơn thuần là cho ăn cho uống. Tôi cần phải biết chúng thật sự muốn gì. Những huấn luyện viên và bác sĩ thú y chuyên về ngựa sẽ dạy tôi cách nhận ra chú ngựa nào thì hợp với đứa trẻ bị dị tật nào. Thật ra thì, tất cả ngựa ở đây đều được huấn luyện để có thể chơi đùa với mọi đứa trẻ, dù chúng có bị bệnh gì đi nữa. Kể cho đó là suy giảm chức năng nghe nhìn, tự kỷ, bại não, liệt hệ thần kinh, nứt đốt sống, bị down, rối loạn kiểm soát, những chú ngựa con vẫn luôn thân thiện, thậm chí khá là điềm tĩnh. Harry từng bảo tôi rằng, cái khó không phải là lựa con ngựa nào thích hợp nhất, mà là tìm ra chú ngựa nào đứa trẻ sẽ thích nhất. Và Harry nghĩ rằng tôi có khả năng đặc biệt trong chuyện này.

“Con đang mong làm việc trong chuồng ngựa lắm, đúng không?” Tôi nghe tiếng mẹ Aurora hỏi mình. Thường thì bà chẳng hỏi những câu như vậy. Dĩ nhiên là tôi đang mong chờ công việc này, cũng như mong chờ học năm cuối ở Paterson. Tôi sẽ làm cho đến năm sau, lúc đó tôi mới được thật sự huấn luyện bầy ngựa, chứ không chỉ là chăm sóc chúng. Fritzy đã sẵn sàng cho đợt huấn luyện vào đầu mùa thu này. Giúp những chú ngựa làm bạn với tụi nhóc bị khuyết tật. Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy tuyệt vời. Nếu được huấn luyện tốt, lũ ngựa sẽ không làm đau mấy đứa trẻ.

Đó chính là lý do tại sao việc học ở trường Trung học Oak Ridge lại làm tôi bực mình đến vậy. Nó không thể xảy ra. Bố Arturo cần phải biết rằng cách tốt nhất khiến tôi bình thường như bao người khác là tiếp tục học tại Paterson, nơi tôi có thể tự làm chủ cách học cũng như tính độc lập và trách nhiệm của mình. Đó chẳng phải là tất cả những gì ông ấy muốn hay sao.

“Aurora đã biết câu trả lời. Vậy sao còn hỏi?” Nghe có vẻ hơi bất lịch sự, nhưng với mẹ Aurona thì tôi thấy thoải mái và nói chuyện khi nào cũng tự nhiên, không gò bó.

“Chỉ là...”. Mẹ Aurora không nói tiếp. Theo những gì tôi học được từ môn Giao tiếp Xã hội ở trường Paterson, thì chuyện dừng đột ngột khi đang nói nghĩa là người ta định nói một cái gì đó có thể làm tổn thương người đối diện. Ngực tôi bất chợt đập thình thịch – nghe rất nghịch tai, giống như là tiếng dây đàn guitar bất chợt đứt khi bài hát đang chơi giữa chừng.

“Arturo.” Tôi muốn hỏi tại sao, nhưng lại không diễn tả được.

Mẹ Aurora không trả lời. Tôi cũng bỏ cuộc. Chúng tôi đang lái xe vào vùng đất của Paterson, và như mọi khi, vào đến đây thì tôi thấy lòng nhẹ nhàng hẳn. Học ở Paterson từ năm lớp 1,đến bây giờ, với tôi đây vẫn là nơi duy nhất tôi không cần gấp gáp.

Phía bên trái đường xe chạy vào là một dãy những ngôi nhà gạch một tầng, dựa vào nhau trông như trò chơi ô chữ. Chúng được nối với nhau bằng những vỉa hè, và được thiết kế để nhìn từ xa ai cũng dễ nhận ra nhà nào là nhà nào, dù đó là người đi xe lăn hay bị khiếm khuyết về mắt đi nữa.

Phía bên tay phải là những sân chơi lớn nhỏ. Có hàng cây sồi và cây du chạy dọc theo từng khoảnh sân, tỏa bóng râm suốt cả mùa hè. Xa xa đằng kia là chuồng ngựa và đường cho xe chạy.

Mẹ Aurora dừng xe ở khu vực chuồng ngựa. Jane, một trong những bác sĩ chuyên khoa, đang dẫn con Gambolino và một cô bé tôi chưa từng thấy bao giờ đi trên đường. Có những tuyến đường lớn hơn, hình vòng cung, thì không có ai đi. Sau vài ngày nữa, những tuyến đường này sẽ rộn ràng nào là huấn luyện viên, mấy ông chuyên gia, tình nguyện viên và mấy đứa nhóc. Những ngày trong đợt huấn luyện mùa hè đều kéo dài từ 8 giờ sáng tới 6 giờ chiều. Đằng xa trước kho thóc, Harry đang vẫy tay chào chúng tôi.

“Đến đây nào con trai, ta muốn cho con thấy cái này!” Chú Harry kêu lớn. Tôi bắt đầu chạy. Mẹ Aurora chạy theo phía sau. Thật ra tôi đã biết mình sẽ được cho xem cái gì, nên tôi chạy băng qua chú, lao thẳng vào chuồng ngựa. Bên trong là một chú ngựa con mới chào đời đang bú mẹ, tên Frieda.

“Cậu chàng này mới chui ra lúc nửa đêm qua. Thậm chí chẳng cần đến bác sĩ thú y. Xuất hiện dễ dàng cứ như mặt trời buổi sớm vậy.”

“Nó thiệtttt là dễ thương!” Mẹ Aurora nói.

Tôi vẫn chưa hết sửng sốt. Đã từng thấy mấy chú ngựa giống Haflinger mới sinh trước đây, nhưng lần này thì... tuyệt. Còn tuyệt hơn cả tuyệt.

“Chú đã định gọi con tối qua để con tới đây liền, mà vậy thì đột ngột quá. Lúc 11 giờ chú kiểm tra thì mọi sự vẫn bình thường. Frieda thở có vẻ hơi nặng nhọc, nhưng chú nghĩ là do con ngựa con ra muộn một tuần, hoặc cái gì đó tương tự vậy, như bác sĩ nói. Đến chừng nửa đêm thì có tiếng con Romulus sủa, và khi chú tới nơi thì cu cậu đã lòi ra một nửa, đầu ra trước và phần còn lại cứ từ từ theo sau.”

Con Romulus, một giống chó chăn cừu ở Đức, là quà của Hector – cậu tôi tặng cho trường Paterson. Nó đang nằm cạnh ngăn chuồng của con Frieda, trông chừng chú ngựa mới ra đời. Tôi nhìn Romulus, nó nhìn lại tôi, hấp háy mắt.

“Anh đặt tên cho nó chưa?” Mẹ Aurora hỏi.

“Uầy. Mấy đứa nhóc thậm chí đã đặt tên cho con ngựa này từ khi tụi tôi quyết định phối giống bố mẹ của chúng, là con Fred và Frieda. Theo truyền thống đặt tên của người Phổ, thì tên của nó là Fritzy. Sẽ là Fredricka, nếu nó là con cái.”

“Fritzy,” tôi la lớn.

“Thật ra thì tôi thích mấy cái tên kiểu như Shanny, ngắn gọn hơn là Shannon.”

“Đúng kiểu tên Ailen,” mẹ Aurora gật gù.

“Nhưng giống ngựa Haflinger có nguồn gốc từ Phổ. Và ở Mỹ thì người Amish nuôi mấy con ngựa này.” Tôi nhấn mạnh.

“Và chúng mà làm việc thì không giống ngựa nào bằng. Tụi này có thể cày từ sáng tới tối. Nhìn mà xem, cái lưng rộng thế này rất dễ giữ thăng bằng khi mang hàng hóa.”

“Cháu thăm con Frieda một chút được không ạ?” Tôi hỏi.

“Được,” chú Harry đồng ý ngay lập tức. “Nó vẫn chưa ra gió được. Có con bên cạnh chắc nó sẽ đỡ hơn”

Tôi mở cửa chuồng và cố đi thật khẽ, đến ngồi cạnh Frieda. Nó đang nằm nhoài ra, hai đầu gối gập lại. Fritzy đang ngơ ngác tìm một đầu vú khác để bú. Tôi ngồi gần con Frieda đủ để chạm vào nó, nhưng tôi không làm vậy. Không cần thiết phải chạm vào loài vật, bởi nếu chúng muốn, chúng sẽ ra hiệu cho con người bằng nhiều cách: chúng tiến tới bạn, ngẩng đầu lên, hoặc đơn giản là qua cái cách mà chúng nhìn bạn. Tôi nhắm mắt và khoanh tay lại để cảm nhận được mùi thơm của rơm rạ, và của Fritzy. Loáng thoáng đâu đó tôi nghe tiếng mẹ Aurora hỏi chú Harry rằng liệu có thể nói chuyện riêng với chú một lúc được không.

 

Trên đường về nhà, tự nhiên tôi cảm thấy một cái gì đó không hay sẽ xảy ra, và tôi cố gắng nghĩ xem vì sao mình lại có linh cảm này. Mẹ Aurora hỏi tôi có sao không và chờ tôi trả lời, nhưng tôi chỉ im lặng. Bà không hỏi nữa. Mẹ Aurora biết nếu tôi muốn, tôi sẽ tự lên tiếng khi nào nghĩ là thích hợp.

Chúng tôi đã đi được nửa đường về nhà và bây giờ thì tôi đã dần định hình được cái cảm giác lạ lùng này. Giống như khi bạn đang mò mẫm xuống cầu thang trong bóng tối, và bạn không biết bậc cấp cuối cùng nằm ở đâu. Tôi biết nguyên nhân của sự lo lắng này. Là lúc mẹ Aurora nói với bác sĩ Malone rằng bố Artuto muốn tôi học trung học ở trường Oak Ridge. Là lúc mẹ tôi dừng không nói hết câu khi chúng tôi bàn về công việc ở trại ngựa. Là lúc mẹ Aurora hỏi Harry liệu hai người có nói chuyện riêng với nhau một chút được không. Tôi nhớ tất cả những gì đang diễn ra, những gì tôi để ý tới dù trông tôi không có vẻ như vậy. Điều khó khăn nhất là tổng hợp tất cả những dữ liệu đó trong một lần suy nghĩ. Nhưng thỉnh thoảng, tôi có thể làm được điều đó. Như lúc này đây. Kết luận cuối cùng cho những gì tôi tổng hợp được từ nãy đến giờ là kế hoạch học và làm việc ở Paterson vào năm tới của tôi sẽ bị thay đổi.

Khi chỉ còn cách nhà một dãy, mẹ Aurora hỏi, “Con đang nhớ lại chuyện gì à?”

“Nhớ lại” là một từ mẹ Aurora và tôi dùng để chỉ lúc tôi đang lắng nghe tiếng nhạc trong đầu mình, hoặc khi tôi đang cố nhẩm lại một đoạn trong cuốn sách mà mình yêu thích. Hồi tôi còn nhỏ và hay cáu bẳn, mẹ Aurora thường dẫn tôi đi đến nơi nào đó yên tĩnh để “nhớ lại”. Nghe nhạc hoặc đọc Kinh thánh luôn giúp tôi bình tâm. Bây giờ tôi có thể “nhớ lại” bất cứ khi nào tôi muốn, dù đó là lúc tôi đang tức giận hay không. Thật ra, khi mẹ hỏi tôi về việc nhớ lại, thì nghĩa là bà biết có cái gì đó đang làm tôi không vui.

Sau một hồi tôi nói, “Bố đã sai.”

“Lâu lắm rồi mẹ mới nghe con gọi bố là ‘Bố’. Bố sai về chuyện gì?”

“Về chuyện con sẽ học ở trường Trung học Oak Ridge vào năm tới. Marcelo biết mẹ không muốn nói chuyện đó với Marcelo. Nhưng Paterson là nơi Marcelo thuộc về. Ở đây, Marcelo sẽ học được tính độc lập và hoàn thiện các chức năng bình thường như Artuto muốn.”

“Bố sẽ nói chuyện với con khi chúng ta về nhà. Con cứ sẵn sàng nghe những gì bố nói. Biết đâu bố đúng thì sao?”

“Marcelo đã sẵn sàng. Marcelo thậm chí đã suy nghĩ về chuyện này nhiều hơn là mẹ tưởng. Nhưng việc bố quyết định mang Marcelo ra khỏi Paterson là không đúng.”

“Ông ấy không hề thích việc con học ở Paterson, nhưng con đã ở đó từ năm lớp một. Ông ấy phản đối chuyện con cứ hàng tuần đi thăm Rabbi Heschel, nhưng rồi năm năm nay tuần nào con cũng đi. Ông ấy không ủng hộ cuộc gặp của con với bác sĩ Malone. Ông ấy cũng không hề muốn con cứ ở trong cái ngôi nhà cây. Nhưng rốt cuộc, bố vẫn cho con làm tất cả những điều đó, dù ông không hề muốn.”

“Bố cũng đã nghĩ sai về lợi ích mà những thứ đó có thể mang lại cho Marcelo.”

“Ý mẹ là có lẽ đã đến lúc con nên một lần tin tưởng bố. Hoặc ít ra hãy cởi mở một chút. Và lắng nghe bằng niềm tin. Con có tin bố của mình không? Con có niềm tin rằng bố luôn muốn điều tốt đẹp cho con không?”

“Niềm tin” là một trong những từ rất trừu tượng mà tôi vẫn không sao hiểu được. Thay từ “niềm tin” bằng “tin tưởng” có lẽ sẽ dễ dàng hơn. Tôi có đang tin tưởng rằng bố luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho tôi? “Có.” Tôi trả lời. “Nhưng dù sao đi nữa thì bố vẫn sai.”

(Còn tiếp)

Trích THẾ GIỚI TƯƠI ĐẸP CỦA MARCELO - Tác giả: Francisco X. Stork
Các Tin Tức Khác