Ở đời, ai mà chẳng thế. Ai mà chẳng có những bí mật không thể chia sẻ được với bạn đời. Ai mà chẳng lảng tránh không đề cập tới những tình tiết khó xử hay tảng lờ những chuyện mà bạn đời mình không nên biết. Ai mà chẳng thuê một căn phòng con con ở đầu bên kia thành phố để trốn chạy khỏi cuộc sống con mọn mệt mỏi, nhàm chán. OK, câu vừa rồi có lẽ chỉ đúng với mình tôi thôi.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi cuộc hôn nhân có một cách tồn tại riêng. Adolf Hitler và Eva Braun cưới nhau, cùng nhau sống một ngày dưới hầm trú bom rồi rủ nhau tự sát. Ổn thôi, nếu đó là cách tốt nhất cho họ, chúng ta có quyền gì mà phán xét? Mỗi cặp vợ chồng lại có những cách thức, luật lệ lạ lùng, thói quen ngớ ngẩn giúp họ gần gũi nhau hơn. Thường thì những lối sống này được duy trì và phát triển cho đến khi chúng trở nên quá sức lố bịch thì thôi. Bố mẹ Catherine là một ví dụ điển hình. Hai ông bà thường lôi nhau ra vườn để bắt ốc sên rồi nghiền nát chúng bằng chày và cối, rắc xác lên đám hoa hồng. Họ cho rằng như thế là hoàn toàn bình thường. “Em vừa bắt được một con, Kenneth.” “Đợi chút em yêu, em nhặt cả con rết nữa kìa. Bọn tao không muốn nghiền nát mày, phải không anh chàng bé bỏng!”
Có lần, hai vợ chồng tôi đi nghỉ cùng một đôi khác. Đêm cuối cùng, qua bức tường mỏng, chúng tôi nghe lỏm họ nói chuyện về mình. Họ bảo không bao giờ lại chọn một ai kỳ dị như Catherine hay tôi. Họ nghĩ rằng cách sống của bọn tôi là quái gở. Sau đó, chúng tôi nghe giọng phụ nữ thì thào: “Anh có lên giường ngay không thì bảo, lớp nylon quấn này làm em nóng chảy mỡ ra rồi.” Và sau đó là giọng người đàn ông: “Được rồi, được rồi, cái khóa kéo ở bộ quần áo thợ lặn này đang bị tắc đây.” Mỗi cuộc hôn nhân đều kỳ bí nếu chúng ta nhìn sâu dưới bề mặt của nó.
Hiển nhiên là có hàng loạt các cuộc hôn nhân không có những chiến lược phát triển phù hợp và hiển nhiên là không thể kéo dài. Bố mẹ tôi chia tay nhau khi tôi mới năm tuổi. Lúc đó tôi nghĩ, tại sao bố mẹ không thể giả vờ vẫn là vợ chồng nhỉ. Là nạn nhân của những lời nói cay độc, của lối cư xử ngoại giao giả tạo sau cuộc li hôn ấy, tôi đã thề rằng bố mẹ của con tôi phải sống cùng nhau trọn đời. Chính vì cuộc hôn nhân của tôi quan trọng đến thế, tôi đã luôn cố giữ cho mối quan hệ này được tươi trẻ và thư thái. Cuộc sống nhọc nhằn với con mọn bỗng dưng đổ ập xuống cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ, tạo nên những căng thẳng, thù địch nhỏ nhen và những vết rạn nứt khó hàn gắn nổi. Thú thật là tôi đã tự tìm ra giải pháp cho một vấn đề chung mà quên không bàn bạc với vợ. Nhưng tôi cũng không thể thú nhận rằng tôi muốn có thời gian sống cách xa khỏi lũ con nhỏ. Đó không phải là cái để những người đàn ông đưa ra khoe khoang trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. “Các vị biết đấy, đôi khi, tôi muốn được một mình dạo bước bên bãi biển. Cảnh vật bao la là một minh chứng cho những điều thần kỳ mà Chúa trời đã tạo nên và nhắc nhở chúng ta hãy gìn giữ và góp phần tạo dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng hơn hết, đây là cơ hội hiếm hoi để tôi thoát khỏi đám quỷ con ở nhà.” Tôi yêu Catherine, Millie và Alfie nhưng đôi khi ba mẹ con làm tôi phát điên. Thà tôi trốn đi một tuần vài ngày để giải tỏa bớt những áp lực, còn hơn là để lũ trẻ không có bố cả bảy ngày trong tuần nếu bố mẹ chúng chia tay!
Vì vậy, tôi cũng không cảm thấy áy náy lắm. Chắc chắn là tôi vẫn sẽ chuẩn bị bồn tắm thơm tho cho vợ, cho dù tôi có thực sự cày cấy cật lực như vợ tôi vẫn tưởng. Tôi lấy chai rượu vang ra và nhặt lấy tờ tạp chí Hello! Có lẽ vợ tôi đã mất thói quen đọc sách rồi. Tôi rót ra hai ly rượu và đưa cho vợ một, trong khi nàng vịn cổ tôi xuống và trao một cái hôn nồng nàn.
“Bọn trẻ đang làm gì đấy anh?”
“Millie đang xem băng Postman Pat, cái tập mà Pat đi bắn tứ tung ở Greendale. Còn Alfie thì bị buộc trên ghế, bận ngồi quan sát chị.”
“Được rồi, miễn là anh có bật tivi. Không thể để lũ trẻ ở một mình không có ai trông được!”
“Mà em không thể đoán được anh đã nhìn thấy gì hôm nay đâu. Hugo Harrison biến mất sau cánh cửa của một nhà chứa.”
“Thật á? Lúc ấy anh ở đâu?”
“Hiển nhiên là anh vừa đi xuống cầu thang, vừa đi vừa kéo lại khóa quần rồi!”
“Lão ta có vợ rồi phải không? Anh có nhớ là mình gặp bà vợ rồi chứ? Chẳng hiểu lão có thú nhận với vợ không nhỉ?”
“Tất nhiên là không rồi. ‘Anh có một ngày làm việc tốt đẹp chứ?’ ‘Tốt lắm, cảm ơn em. Lúc chiều anh còn tranh thủ đi thăm được một cô gái làng chơi nữa.’ ‘Thế hả, ổn nhỉ! Mà bữa tối sắp xong rồi đấy’.”
“Khổ thân bà vợ. Thử tưởng tượng xem nếu bà ấy phát hiện ra nhỉ.”
“Anh cũng hơi bực. Anh muốn gặp lão để xem lão đánh giá thế nào về đoạn nhạc anh vừa bàn giao, thế mà lão lại bận đi thăm nhà thổ.”
“Thế cuối cùng thì anh có biết được liệu lão có khoái không?”
“Hừm, ai lại hỏi chuyện ấy.”
“Về đoạn nhạc của anh ấy chứ.”
“À, có. Lão gọi điện cho anh bảo chất lượng đỉnh lắm.”
“Em không hiểu tại sao anh lại có thể làm giỏi như thế được. Lại phải thức đến 4 giờ sáng à?”
“Không đến nỗi muộn đến thế.”
“Tại sao anh không làm đủ giờ mỗi ngày như những người bình thường khác và bảo khách hàng đợi thêm một chút nữa?”
“Bởi vì họ sẽ kiếm người khác làm nhanh hơn và chúng ta sẽ thành nghèo xác nghèo xơ, anh sẽ phải ở nhà chăm con để em đi làm trong mấy cái nhà chứa, phục vụ những kẻ như Hugo Harrison.”
“Không thể tưởng tượng nổi – anh ở nhà trông con.”
Chúng tôi cười ngặt nghẽo rồi tôi hôn vợ một lần nữa. Thật tuyệt khi gặp lại nhau sau mấy ngày xa cách. Đó quả là những giây phút hoàn hảo của chúng tôi.
Catherine có làn da trắng mịn màng, cái mũi hếch và đôi mắt nâu, to tròn. Tôi cố gắng nhìn thẳng vào đôi mắt ấy trong khi nàng loay hoay thay đổi tư thế ngồi trong bồn tắm. Nàng luôn phủ nhận mỗi khi tôi khen nàng đẹp chỉ vì một ám ảnh quái gở rằng những ngón tay của nàng quá ngắn. Đôi khi tôi bắt gặp nàng mặc áo len dài trùm tay và tôi biết thừa rằng nàng làm như vậy vì nghĩ rằng mọi người đều chăm chú nhìn và nghĩ: “Hãy nhìn vào cô nàng kia, cô ấy sẽ đẹp lắm nếu không có những ngón tay cũn cỡn ấy.” Tóc vợ tôi dài và đen. Cho dù nàng không có kiểu tóc đặc biệt gì nhưng vì một vài lý do gì đó, mỗi lần cắt tóc là Catherine lại phi xe hàng mấy chục cây đến ông thợ cắt tóc quen thuộc đã chuyển cửa hàng sang vùng khác. Nàng nhất quyết không để một thợ nào khác chạm vào đầu mình. Tôi thấy mừng là ông thợ cắt tóc không nhập cư sang Paraguay, không thì cứ mỗi tám tuần chúng tôi sẽ khốn khổ về khoản vé máy bay cho mẹ của các con tôi.
Điều mà tôi thực sự muốn bây giờ là chạy vào bồn tắm cùng vợ và dụ vợ ái ân trong cái bồn tắm đầy bọt ấy nhưng tôi không dám nói ra vì sợ bị từ chối. Quan trọng hơn, tôi biết thừa rằng trong nhà không còn sót lại một bao cao su nào, mà tôi thì không dám liều, nhỡ thêm một nhóc tì nữa. Đến hai đứa mà tôi còn chưa làm tròn trách nhiệm nữa là.
“Lần đầu” của chúng tôi đã kết thúc bằng màn tắm chung như thế này đây. Trong cuộc hò hẹn thứ nhất, Catherine bảo có biết một chỗ uống nước hay ho lắm và lái xe đưa tôi đến một khách sạn sang trọng ở Brighton mà nàng đã đặt trước. Trên đường đi, nàng bị cảnh sát dừng xe vì tội chạy vượt quá tốc độ. Khi hạ cửa sổ xuống, viên cảnh sát tiến tới gần và nói: “Chị có biết là mình vừa đi 80km một giờ trong đoạn đường tối đa là 60 không?” Và với vẻ mặt dạy đời, anh ta chờ đợi xem nàng sẽ phản ứng thế nào.
“Pardonnez-moi; je ne parle pas l’anglas donc je ne comprends pas ce que vous dites...”
Viên cảnh sát hoàn toàn choáng. Và nhất là với trình độ tiếng Pháp không qua nổi A level, nàng cũng suýt lừa được tôi. Viên cảnh sát bèn quyết định rằng tiếng Anh có lẽ sẽ dễ hiểu hơn nếu được quát to lên và dùng sai ngữ pháp một cách nghiêm trọng: “Chị vượt tốc độ. Chị đi nhanh quá. Bằng lái?”
Nhưng nàng chỉ trả lời bằng cái nhún vai ngây ngô rất Pháp: “Pardonnez-moi; mais je ne comprends rien, monsieur.” Viên cảnh sát giận dữ nhìn sang tôi và hỏi: “Anh có nói được tiếng Anh không?” và tôi thấy mình buộc phải trả lời: “Er - non!” với giọng Pháp cực tệ. Tôi không thể đánh lừa được cảnh sát như Catherine. Vốn tiếng Pháp của tôi quá nghèo nàn. May quá, Catherine nhảy vào cứu thế trước khi tôi lộ tẩy, nhưng lần này nàng tìm được vài từ tiếng Anh: “Mais Gary Lineker
1 – eez very good!” Viên cảnh sát mềm giọng hẳn khi lòng yêu nước của anh ta được ve vuốt. Anh ta quyết định thả chúng tôi, không quên nhấn mạnh quá mức lời cảnh cáo: “Thôi được rồi – đi đi và lái chậm thôi.”
“D’accord”, Catherine nhoẻn miệng cười và viên cảnh sát không thèm để ý tới sự bất bình thường khi nàng chào tạm biệt bằng tiếng Đức: “Auf Wiedersehen.” Vài trăm thước sau đó, chúng tôi phải dừng xe ven đường để cười cho thỏa chí. Nếu không thì thể nào Catherine cũng sẽ đâm xe mất.
Chúng tôi gặp nhau lần đầu khi nàng diễn trong một mẩu quảng cáo mà tôi phụ trách phần âm nhạc. Catherine vừa lấy bằng diễn viên từ Đại học Tổng hợp Manchester và đây là vai diễn chuyên nghiệp đầu tiên của nàng. Nàng vào vai một hộp sữa chua cùng với bốn người khác nữa. Catherine là sữa chua vị hoa quả rừng nhiệt đới và hiển nhiên là nàng đóng đạt nhất. Tới giờ tôi vẫn không hiểu sao cái cô đóng vị cam và chanh dây lại trở thành ngôi sao trong East Ender
2. Sau đó, Catherine còn có vài vai phụ trong mấy bộ phim truyền hình nhỏ và đóng vai chính trong một đoạn tuyên truyền về An toàn Sức khỏe nữa. Nàng nhắc nhở người xem rằng họ không nên bước xuyên qua cửa kính mà phải mở cửa trước. Tôi cực kỳ phấn khích khi nghe tin nàng nhận được vai Sarah McIssac trong bộ phim truyền hình cỡ vừa, tên là: Vụ án kỳ lạ của Sarah McIssac. Nàng cho tôi xem kịch bản. Trang đầu tiên diễn biến thế này: Một phụ nữ ngồi làm việc muộn trong văn phòng ở London. Một người đàn ông bước vào và nói: “Cô có phải là Sarah McIssac không?” Người phụ nữ trả lời: “Phải” và anh ta rút ngay khẩu súng bắn chết người phụ nữ. Thế nhưng, đó vẫn là vai diễn được nhắc đến trong tên phim và hiển nhiên là một tiến bộ rõ rệt.
Sau đó, nàng nhận được một vai khá ổn trong một vở kịch ở West End, ý tôi là ở phía Tây của Essex ấy chứ không phải ở London
1. Tối nào tôi cũng lái xe đến Nhà hát Kenneth More ở Ilford để chiêm ngưỡng nàng hóa thân trên sân khấu lộng lẫy. Lúc đầu, nàng rất cảm kích trước sự nhiệt tình của tôi nhưng sau một thời gian, tôi đoán là nàng cũng thấy mất tập trung vì tôi cứ ngồi hàng ghế đầu, lẩm nhẩm theo từng câu, từng chữ trong lời thoại. Nàng có nhiều cảnh một mình trên trên khấu và rất gây chú ý cho khán giả, cho dù tôi rất không thích cái kiểu những thằng đàn ông khác cứ chằm chằm nhìn vào người yêu của tôi như thế.
Nhưng tài diễn xuất của nàng chỉ thực sự thăng hoa trong đời sống hàng ngày. Nàng có thể khóc òa nếu như người lái xe bus không cho lên xe vì thiếu tiền lẻ mua vé hay sẵn sàng ngất xỉu xuống ghế nếu như tiếp tân ở trạm xá không cho nàng vào gặp bác sĩ. Có một lần, người bán hàng ở cửa hàng cho thuê băng đĩa nhất quyết không cho chúng tôi thuê hai phim vào một thẻ. Bỗng dưng mắt nàng sáng lên như nhận ra người quen:
“Ôi trời ơi, cậu là Darren Freeman phải không?”
“Vâng, sao cơ?” Anh ta nói, đầy vẻ ngạc nhiên.
“Cậu có nhớ mình không, chúng mình từng học cùng trường đấy?”
“Ờ, cũng hơi hơi...”
“Trời, ngày xưa cậu mê phim ảnh lắm, trách gì bây giờ chẳng làm ở đây. Giời ạ, Darren Freeman. Cậu còn nhớ ông thầy địa lý dở hơi không? Tên ông ấy là gì ấy nhỉ?”
Và thế là bọn họ ba hoa chích chòe chừng mười phút. Hóa ra Darren lập gia đình với Julie Hails, cô bạn mà Catherine rất quý. Anh ta cho chúng tôi lấy cả hai phim. Khi trao đĩa, tôi thấy trên ngực anh ta có tấm biển nhỏ: “Tên tôi là Darren Freeman, tôi có thể giúp gì được quý khách?”
Hai đứa chúng tôi đều không quan trọng hóa chuyện đùa cợt, nói dối. Khi Catherine hỏi tôi bao giờ làm đám cưới, tôi nhìn nàng cảnh giác xem liệu mình có bị lừa không. Tôi luôn tưởng tượng ra cảnh mình là ông lão 90 tuổi, đang lụ khụ bên quan tài vợ thì bỗng dựng tóc gáy vì vợ ngồi bật dậy, cười ha hả: “Hà hà, lừa được chồng rồi nhé!” Vì vậy, với người ngoài cuộc, kiểu sống hai mặt của tôi có vẻ đáng trách nhưng tôi vẫn tự nhủ rằng, đó cũng chỉ là một phần trò đùa của chúng tôi mà thôi. Có điều là, với trò chơi này, tôi không biết đâu là điểm kết thúc nữa.
Cuộc sống giả tạo của tôi bắt đầu định hình khi Millie ra đời. Vợ chồng chúng tôi đã sống rất hạnh phúc và hòa hợp mấy năm trời và tôi không bao giờ nghĩ rằng có lúc mình muốn chạy trốn khỏi cái tổ ấm ấy. Nhưng rồi vợ tôi như thể phải lòng người khác. Có lẽ đó là điều mà tôi luôn sợ hãi. Có lẽ đó là lý do khiến tôi luôn cố trì hoãn việc có con suốt một thời gian dài. Tôi chưa bao giờ bảo mình không muốn có con, tôi chỉ nói là mình chưa muốn có con vội. Tất nhiên là trước sau gì thì tôi cũng phải có con, cũng như trước sau gì thì tôi cũng chết, nhưng tôi chẳng bận lòng về điều đó làm gì. Nhưng vợ tôi thì suốt ngày nói về những đứa con tương lai như thể chúng sẽ tòi ra ngay lập tức. Nàng không muốn mua xe hai cửa vì như thế sẽ không tiện cho việc bỏ ghế ngồi của trẻ sơ sinh vào. Ghế sơ sinh quái quỷ nào cơ chứ? Tôi chỉ muốn quát lên như thế. Rồi mỗi lần đi phố là nàng lại chỉ chỏ vào quần áo trẻ sơ sinh bày bán bên cửa sổ hai bên đường. Nàng còn gọi cái phòng trống của chúng tôi là “phòng em bé”. “Ý em là phòng Thu âm của anh á?” Tôi luôn phải đính chính ngay. Đôi khi, những gợi ý của nàng không được tế nhị cho lắm: “Sinh con vào mùa hè là đẹp nhất anh nhỉ?” Nàng nói đúng vào thời điểm cách mùa hè chín tháng. Các Chủ nhật, nhà tôi đầy khách tới chơi. Toàn là các cặp vợ chồng với con mọn và tôi phải tỏ vẻ quan tâm khi các ông bố bà mẹ trẻ say mê trao đổi về chuyện ỉa đái của các cô các cậu.
Thực không hiểu sao có những dạng bố mẹ coi đây là chủ đề có thể chấp nhận được nhỉ. Đây không phải là chuyện mà người lớn đề cập đến khi hỏi thăm sức khỏe nhau:
“Xin chào Michael, dạo này thế nào?”
“Cảm ơn anh, cũng bình thường thôi. Sáng nay tôi làm một bãi to tướng nhưng sau đó lại ra một bãi nhỏ hơn, nhưng không được rắn cho lắm. Có thể có cái gì đó không ổn vì bình thường tôi chỉ đi có một lần một ngày thôi.”
Những hoạt động cơ thể của lũ trẻ được bàn đi bàn lại không biết chán vì thật ra cũng chỉ có chừng đấy chuyện để nói. Chúng ăn, chúng trớ, chúng ị, chúng ngủ, chúng khóc và cứ thế mà lặp đi lặp lại. Và dẫu rằng chẳng có gì hơn để nói về các hoạt động của trẻ sơ sinh, các bậc bố mẹ không thèm nói về chuyện gì khác. Nếu có một phép lạ nào đó khiến những vị khách mời từ Baby Planet ngừng trao đổi về hệ thống tiêu hóa của trẻ con thì câu chuyện lại xoay sang cơ thể của các bà mẹ. Đến lúc này thì ít nhất một vài ông bố cũng biết điều mà cảm thấy xấu hổ và ngượng nghịu, trong khi vợ tôi và các chị em khác lại được thể buôn chuyện về máy hút sữa và mổ đẻ. Những ông bố này quả là không thể cứu chữa nổi. Những ông bố mà tôi thực sự ghét là những kẻ đã bị con cái biến thành những thằng ngốc, nói năng lảm nhảm. Những thằng hề tự nguyện này sẽ lăn long lóc trên thảm nhà tôi, thổi phù phù vào bụng bọn trẻ để gây tiếng động và lảm nhảm những từ vô nghĩa chỉ để gây chú ý: “Ooh, baba, bumbum.” “Ôi, cô nàng khoái lắm đấy,” bà mẹ sẽ dạm lời với nụ cười động viên. Công nhận baby có thích thật vì nó vừa nháy mắt đấy – có thể – dù chỉ đúng một lần thôi.
Một lúc sau, thế nào bà mẹ cũng trừng phạt tôi vì tội không chịu hòa nhập vào đám đông bằng một gợi ý:
“Michael, bế cháu một tí nhé?”
“Ồ, tuyệt quá!” Tôi buộc phải trả lời và giang tay nâng đứa bé, thoải mái như Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ireland vừa nhận được một gói quà bí ẩn khi đang đi thăm vùng Tây Belfast
1. Trong khi đó, cả ông bố lẫn bà mẹ đều luẩn quẩn quanh tôi, không rời nửa bước. Người giơ tay đỡ đầu, kẻ đỡ lưng, đỡ chân em bé, chỉ để chứng tỏ họ tin tưởng tới mức nào khả năng tôi không làm rơi đứa bé nặng gần bốn cân trong mười hai giây tôi bế nó.
Những ông bố bà mẹ này làm tôi nhớ đến các tín đồ Thiên chúa giáo vừa cải đạo. Họ có một vẻ cao ngạo và kẻ cả, coi tôi như một con người không hoàn thiện vì tôi không biết gì về đạo trẻ con. Tôi chỉ có thể hoàn thiện một khi gia nhập giáo hội của họ, những bậc cha mẹ hạnh phúc, đi nhà thờ mỗi tuần một lần để cao giọng hát những bài hát trẻ con và vỗ tay đồm độp. Họ tin chắc rằng trước sau gì thì tôi cũng bị cải đạo. Rồi tâm hồn tôi sẽ được cứu rỗi và tôi sẽ đón nhận những sinh linh bé bỏng vào cuộc đời mình. Đây chính là kế hoạch của Catherine, lấy sự dễ thương của baby để tấn công tôi ồ ạt. Nhưng nếu nàng muốn thuyết phục tôi có con, chẳng phải việc giới thiệu tôi với thế giới con mọn là biện pháp sai lầm nhất hay sao? Nhưng cuối cùng thì tôi cũng phải đầu hàng. Liệu tôi còn có thể làm gì khác được nữa. Bổn phận của tôi là đem lại hạnh phúc cho người phụ nữ tôi yêu và tôi không thể từ chối nàng mãi được.
Tôi chấp nhận rằng chúng tôi nên cố có con vào một trong những ngày sẵn-sàng-làm-tất-cả-cho-tình-yêu. Đó là thời điểm mà hai bên cảm thấy yêu thương dạt dào, muốn đồng tình với bất kỳ điều gì người kia nói. Nếu bạn định cãi rằng Hotel California là một bài hát cực kỳ dở hơi, bạn sẽ phá vỡ hoàn toàn không khí lãng mạn ấy, nên bạn sẽ gật đầu và mỉm cười nói: “Hừm, đó cũng là một trong những giai điệu yêu thích của anh đấy!” Đó là một trong những thời khắc mà tôi bị mê hoặc vào ý tưởng trở thành ông bố trẻ. Tôi đã chấp nhận cả cuộc đời làm cha chỉ để không làm hỏng một buổi chiều thơ mộng!
Thật không tài nào hiểu nổi những người đàn ông luôn kêu ca rằng vợ chồng họ phải cố mấy năm trời mới có được một mụn con. Tháng này qua tháng khác của những lần ái ân không mệt mỏi? Catherine có bầu ngay trong tháng đầu tiên. “Anh thật là thông minh,” nàng nói và ôm lấy tôi âu yếm. Đáng lẽ tôi phải tỏ ra tự hào vì chúng tôi đã đạt được mục tiêu thật nhanh chóng nhưng thực tình thì tôi thầm rủa: “Chó chết, thế là toi rồi à? Sao không cố tiếp vài đêm nữa cho chắc chắn.” Vợ tôi đi tiểu vào một cái que nhỏ và chúng tôi ngắm nó đổi màu. Theo hướng dẫn thì nếu nó chuyển qua màu hồng tươi thì nàng không có bầu còn nếu nó chuyển sang màu hồng nhạt thì nàng đã mang thai. Cái que chuyển sang màu hồng. Cái màu nửa đậm nửa nhạt, dạng hồng hồng với một chút hồng. Vợ tôi đi gặp bác sĩ. Đó là cách duy nhất để chắc chắn liệu nàng có thai chưa. Và sự khởi đầu tốt đẹp nhất của các bà mẹ tương lai là ngồi đợi một tiếng rưỡi đồng hồ trong căn phòng chật chội, nóng bức, hít hà đủ các loại vi khuẩn của vô số các thể loại bệnh truyền nhiễm trên đời.
Trước khi đứa trẻ ra đời, tôi còn chuẩn bị chu đáo hơn cả vợ. Tôi đọc ngấu nghiến các sách báo nói về quá trình mang thai, nghiên cứu xem đâu là loại ghế ngồi ô tô cho trẻ sơ sinh tốt nhất và kiểm tra chặt chẽ quá trình tăng cân của vợ bằng một biểu đồ dán trong tường phòng bếp. Tôi tự ái lắm khi vợ tôi gỡ cái biểu đồ đó xuống trước khi mời khách tới ăn cơm. Tôi tưởng đó là minh chứng cho cả thế giới biết rằng tôi đã quan tâm và chăm sóc vợ chu đáo đến mức nào? Lần sinh nở này là một dự án mới của tôi, là một mô hình doanh nghiệp, một kỳ thi mà tôi sẽ qua nếu ôn bài cẩn thận. Tôi đã học thuộc lòng các chỉ dẫn dành cho các ông bố trong tương lai.
“Anh chị muốn con trai hay con gái?”
“Con gì cũng được, miễn là khỏe mạnh.”
Một câu trả lời đúng.
“Anh chị định đẻ theo phương pháp nào?”
“Càng tự nhiên càng tốt, nhưng chúng tôi cũng không loại trừ các biện pháp can thiệp nếu cần thiết.”
Một câu trả lời đúng.
Tôi tưởng sự quan tâm đặc biệt của mình đến vấn đề này sẽ làm tôi thấy tầm quan trọng của bản thân được nâng lên vài bước nhưng càng ngày thì tôi càng thấy những dấu hiệu cảnh báo ngược lại. Phụ nữ có thai chứ không phải đàn ông, không ai có thể phủ nhận được điều đó.
“Đây không phải là chỗ của chúng ta, các bố ạ”, một ông bố tương lai đã phát biểu như vậy tại lớp học chuẩn bị sinh con. Cho dù tôi có chịu khó đến dự các buổi học, tỏ ra thông cảm và gật gù lắng nghe như mọi ông bố khác với khuôn mặt đỏ dừ vì xấu hổ thì tôi vẫn không thể không nghĩ: Thực ra thì bổn phận của tôi là gì? Trong khi các bà mẹ lo hít vào thở ra đúng bài, đi đi lại lại cho dễ đẻ, tập trung đo khoảng cách giữa các cơn co giãn để không nhập viện quá sớm thì các ông bố phải làm gì?
Hiển nhiên câu trả lời là: Chuẩn bị sandwich. Đó là hướng dẫn duy nhất mà tôi ghi lại vì chắc chắn đó là chỉ dẫn dành cho tôi. Thực tình thì chuẩn bị sandwich là việc thứ hai trong cả quá trình chửa đẻ chín tháng trời cần tới sự tham gia của cánh đàn ông. Khởi đầu là một tinh trùng và kết thúc bằng phomát và hành muối. Nhưng sự phấn khích của tôi không vì thế mà suy giảm. Nếu đây là tất cả những việc tôi cần làm thì tôi sẽ thực hiện một cách hoàn hảo. Giáo viên hướng dẫn quay lại giảng giải về những dấu hiệu trở dạ, không hề để cho tôi một gợi ý thêm gì về việc làm sao tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, vì thế, tôi giơ tay xin đặt câu hỏi:
“Quay lại vấn đề sandwich một chút, xin cô cho biết nhân gì thì tốt nhất cho phụ nữ đi đẻ?”
“Hừm, cái gì đó dễ tiêu hóa, nhưng tốt nhất là loại thức ăn mà vợ anh thích.”
“Tôi tưởng khẩu vị của phụ nữ bị ảnh hưởng bởi hoócmôn hay cái gì đó nên khi đau đẻ họ thường thèm ghê gớm một loại thức ăn đặc biệt nào đó chứ?”
“Tốt nhất là anh nên chuẩn bị một loạt các sandwich khác nhau. OK, một khi cổ tử cung đã mở đủ 10 cm...”
“Bánh mì trắng hay bánh mì đen?”
“Sao cơ?”
“Nên chọn bánh mì trắng hay đen để làm sandwich? Cô biết đấy, tôi muốn những điều tốt nhất cho đứa trẻ nên phân vân không biết loại bánh mì nào thì tốt nhất cho mẹ nó. Vẫn biết bánh mì đen thì nhiều chất hơn nhưng liệu có dễ tiêu hóa hơn không? Có lẽ tôi nên chọn bánh mì đen nếu chúng tôi quyết định đẻ thường?”
Một trong những ông bố khác cũng góp lời và gợi ý rằng chúng tôi nên chuẩn bị nhiều loại nhân khác nhau với cả bánh mì trắng lẫn bánh mì đen. Nghe có vẻ hợp lý phết. Nhưng vừa lúc đó thì một người phụ nữ với cặp kính to đùng lên tiếng, xin lỗi nếu như cánh đàn ông các anh không quen dự các cuộc họp mà các anh không được chủ trì nhưng liệu các anh có thể câm mẹ cái mồm đi được không và đừng nói về các loại sandwich chết tiệt nữa vì các anh làm chúng tôi ngán đến tận cổ rồi. Giáo viên hướng dẫn đành phải dành nốt thời gian còn lại để nói về quan hệ vợ chồng, âm đạo, cách cho con bú, những vấn đề vẫn làm mặt cô ta đỏ dừ vì ngượng.
Do có một số vấn đề phức tạp về phụ khoa, vợ tôi được chỉ định đỡ đẻ bởi một bác sĩ chuyên ngành ở bệnh viện St. Thomas. Đây quả là một điều khốn khổ với vợ tôi. Vốn là một người ở bắc London, vợ tôi chẳng thích thú gì khi bị bảo phải đi gặp bác sĩ ở tận phía nam thành phố. Nhưng thực ra thì vấn đề cũng chẳng có gì nghiêm trọng, trừ việc tôi phải lái xe nửa vòng London trong giờ cao điểm với vợ quằn quại đau ở ghế sau để đến bệnh viện. Khi đến nơi, Catherine thực hiện mọi chỉ dẫn, cũng thở, cũng rặn, cũng nghỉ, rồi lại rặn tiếp và kết quả là một tiểu thư dễ thương ra đời. Tôi thực hiện đúng bài của mình nhưng chẳng cái sandwich nào được lôi ra khỏi túi. Tất nhiên tôi còn vỗ trán và động viên vợ: “cố lên em,” “tốt lắm,” đại loại như thế nhưng bằng cái giọng rất khác nên nghe có vẻ không chân tình lắm. Chứng kiến một vật thể xa lạ lòi ra từ bụng vợ tôi quả là một trải nghiệm lạ lùng nhất mà tôi từng biết. Em bé được trao cho mẹ và ngay lập tức, Catherine đón nhận nó một cách thật tự nhiên và thoải mái. Niềm vui sướng tột đỉnh của nàng chuyển thành dòng sông nước mắt. Và cho dù thật xúc động, tôi vẫn cảm thấy tội lỗi vì thực sự không có được cảm giác sâu sắc như của vợ tôi. Vì vậy, tôi mỉm cười gượng gạo, lúng túng không biết mình nên an ủi vợ hay khóc cùng nàng. Tôi nghĩ mình thực sự đang bị sốc nặng.
Mặc dù đó là khoảnh khắc chính thức trở thành bố, nhưng tôi thực sự không cảm thấy gì cho tới vài giờ sau đó. Catherine ngủ thiếp trên giường còn tôi thì gà gật bên chiếc ghế da bên cạnh. Có tiếng ho khe khẽ từ trong nôi. Không muốn đánh thức vợ dậy, tôi run rẩy nhấc con lên. Đứa bé thật mỏng manh và bé bỏng. Tôi nâng con đi về phía ghế ngồi, thận trọng như nâng một cái bình cổ vô giá.
“Xin chào công chúa bé bỏng, bố của con đây,” tôi nói. Và suốt một tiếng sau đó, tôi bế con trên tay, mắt không rời khỏi cái cơ thể bé bỏng hoàn thiện ấy. Bỗng dưng tôi cảm nhận được trách nhiệm lớn lao của mình. Đứa bé hoàn toàn phụ thuộc vào Catherine và tôi. Chúng tôi chưa hề tham dự một kỳ thi hay phỏng vấn nào, vậy mà giờ đây, chúng tôi bỗng có trách nhiệm nuôi nấng một đứa bé. Tôi thấy thật xúc động, sung sướng, phấn khởi nhưng hơn hết là sợ hãi. Khi ngồi ngắm con, tôi nhớ tới các ông bố bà mẹ đầy tự hào từng mang con họ đến chơi nhà tôi. Tôi mỉm cười nghĩ sao mà họ ngốc thế. Họ luôn chắc mẩm rằng con cái họ là những đứa trẻ xinh đẹp nhất trên đời, trong khi rõ ràng là đứa bé trên tay tôi mới là thực thể tuyệt vời nhất mà thế giới từng thấy. Tôi cam đoan tất cả mọi người sẽ đồng tình khi nhìn thấy con gái tôi. Bé thật ngây thơ, tinh khiết và mới mẻ. Cùng một lúc, tôi vừa muốn bảo vệ con khỏi mọi hiểm nguy trên đời, vừa muốn chỉ cho con những điều kỳ diệu trên thế giới này. Khi con gái bắt đầu cựa quậy khó chịu, tôi đứng dậy, bế con về phía cửa sổ. Từ bệnh viện St. Thomas, tôi nhìn xuống thành phố, bình minh vừa rạng trên bầu trời London.
“Con yêu ơi, kia là sông Thames,” tôi khẽ nói, “và kia là tòa nhà Quốc hội. Tháp đồng hồ kia là Big Ben và cái vật to lớn màu đỏ đang di chuyển trên cầu kia gọi là xe buýt. Con nói đi, ‘buýt’.”
“Buýt”, một giọng trẻ thơ phát ra làm tôi giật mình kinh ngạc. Hoặc tôi là cha của một thần đồng hoặc là Catherine vừa thức giấc và đang quan sát tôi. Khi em bé có vẻ rất khó chịu, Catherine giơ tay ra đón con, đặt đứa bé vào bầu vú, thành thạo như thể hai mẹ con đã quen nhau từ thủa nào rồi.
Vài tuần trước, hai vợ chồng tôi đã nhất trí nếu sinh con gái, sẽ đặt tên con là Millie. Nhưng giờ đây, khi thực sự có con gái, tôi lại muốn lấy tên người mẹ đã khuất đặt cho con. Tôi chia sẻ ý nghĩ này với vợ và nàng rất tử tế gật gù:
“Mẹ anh có vẻ là một con người tuyệt vời và em luôn ao ước giá như mình gặp nhau sớm hơn để em được gặp mẹ. Lấy tên bà đặt cho con quả là một hành vi rất cảm động và thơ mộng. Chỉ có mỗi điều, ông chồng yêu quý của em ạ, tên mẹ anh là Prunella.”
“Anh biết.”
“Anh không nghĩ rằng thế giới này chưa đủ thách thức cho một sinh linh bé nhỏ hay sao mà còn bắt nó mang cái tên Prunella nữa?”
Chúng tôi chấp nhận tạm quên ý tưởng đó đi và đón Millie về nhà sau đó hai ngày.
Khi về đến nhà, chúng tôi đặt em bé giữa phòng khách và tôi giật mình, bây giờ phải làm gì đây? Đó cũng là lúc tôi chợt nhận ra rằng mình mới chỉ chuẩn bị mọi thứ cho đến thời điểm này thôi. Chúng tôi chỉ chú trọng đến kỳ sinh đẻ mà quên đi rằng điều gì sẽ xảy ra sau đó. Tôi không biết rằng con nhỏ sẽ làm gián đoạn cuộc đời tôi. Cho dù các ông bố bà mẹ mà tôi quen biết có giảng giải cho tôi rằng con cái sẽ là một ảnh hưởng lớn đến cuộc sống đến thế nào thì tôi cùng không thể hình dung ra mức độ ghê gớm của nó. Có con cũng như có một người họ hàng khó tính nhất và hay đòi hỏi nhất đến ở cùng suốt đời. Kể ra thì phải đối phó với bà dì 90 tuổi của tôi còn dễ hơn nhiều, vì dù bà có đến giường của tôi lúc 3 giờ sáng thì ít nhất bà cũng về ngủ lại sau một, hai tiếng đồng hồ.
Khi thực sự cảm nhận được mình đã làm bố, cảm xúc của tôi đã chậm hơn vợ chừng hai tiếng. Nhưng giờ đây, khoảng cách đó càng ngày càng nới rộng. Tôi thấy mình như một người thừa. Bình thường nếu Catherine muốn gì, tôi vẫn là người lôi vật đó ra khỏi hộp và trao cho nàng. Nhưng khi đưa con gái về nhà, tôi là kẻ vô dụng, hoàn toàn không có một ý tưởng rằng mình sẽ phải làm gì. Dường như không có một logic hay hệ thống nào để làm theo cả. Đôi khi Millie ngủ, đôi khi bé khóc cả đêm. Đôi khi bé ăn và đôi khi bé nhất định không chịu bú. Không có một quy luật hay lề thói gì, không một nhịp điệu hay thuyết minh gì. Lần đầu tiên trong đời, tôi đối đầu với một vấn đề không có giải pháp. Cuộc sống hoàn toàn bị đảo lộn. Tôi không biết khi con khóc là nó muốn gì và mình phải làm thế nào, trong khi Catherine dường như biết mọi chuyện. Vợ tôi có thể nói vanh vách khi nào thì con bị lạnh, nóng, đói, khát, cáu kỉnh, mệt mỏi, buồn chán hay bất cứ tâm trạng gì. Cho dù con bé chẳng có vẻ giảm khóc đi tí nào sau khi đã được vợ tôi thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng tôi cũng chẳng bao giờ dám tra vấn sự tự tin và khả năng phỏng đoán của nàng. Lẽ ra Millie phải đem lại cho tôi niềm vui và cảm giác trọn vẹn, nhưng cảm giác rõ rệt nhất mà tôi thấy là nỗi lo âu cao độ. Ngay từ đầu tôi đã thấy lo rằng mình ngại chăm con hơn là yêu con. Với Catherine, đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Đó là một tình yêu tuyệt vời, đằm thắm, vô tận. Mọi suy nghĩ của nàng đều hướng về Millie.
“Cẩn thận cái xe đỏ trước mặt,” tôi hoảng hốt nói khi vợ đang vừa lái xe vừa liếc mắt nhìn con ngồi trong ghế baby ở ghế sau.
“À, Millie nhà mình có cái mũ giống màu đỏ này đây”, nàng nói một cách mơ màng.
“Ui, anh vừa làm đứt tay bằng cái dao cắt bánh mì.”
“Ồ, cho Millie xem, con chưa bao giờ nhìn thấy máu đâu.”
“Em có đọc bài báo về bọn Mỹ ép các nước châu Âu phải nhập khẩu chuối từ các quốc gia châu Mỹ không?”
“Millie thích ăn chuối lắm.”
Vợ tôi còn để cả tên Millie vào máy trả lời điện thoại tự động. “Hello, xin hãy để lại lời nhắn cho Catherine, Michael hay Millie sau tín hiệu này.” Mới chỉ là một đứa trẻ, tất nhiên chưa biết dùng điện thoại thậm chí còn chưa biết nói, chẳng có gì là ngạc nhiên khi Millie không hề nhận được một tin nhắn nào.
Mọi thứ đều quay về con gái. Khi ở trong cửa hàng tìm mua thiết bị âm thanh, Catherine nói: “Em nghĩ anh nên mua mấy cái loa này vì chúng có bộ loa siêu trầm rất tốt, giúp con bé được thư giãn.” Hóa ra tiêu chí quan trọng nhất khi tôi đi mua thiết bị là chọn cái nào giúp cho con gái được thư giãn tốt nhất. Tôi đã chủ tâm chọn một đôi loa khác nhưng có Chúa chứng giám, đời nào tôi lại không đặt nhu cầu của con lên hàng đầu. “Đôi này tốt hơn,” tôi nói, “các cạnh của nó tròn trịa hơn, nếu con có bị ngã vào cũng sẽ không đau.” Và Catherine đương nhiên là nhất trí hoàn toàn với sự lựa chọn của tôi.
Bỗng dưng, tôi không còn được làm những gì mà mình yêu thích nữa. Tôi chợt nhận ra điều đó trong kỳ nghỉ đầu tiên sau khi có con. Thực ra đó hoàn toàn không phải là một kỳ nghỉ. Ngồi nhìn Millie bò lổm ngổm xung quanh căn nhà mà chúng tôi thuê, với những bậc cầu thang quá dốc không có cửa chắn, những ổ cắm điện hở hoang hoác và lò củi cháy tanh tách còn căng thẳng hơn là ngồi nhìn Millie tống những đồ chơi bị gặm lởm chởm vào đầu video. Kỳ nghỉ đầu tiên kể từ khi làm bố đã biến tôi thành một cậu bé mới lớn như thủa nào, cáu kỉnh vì bị lôi đi thăm hết sân chơi trẻ em đến trang trại với các vật nuôi. Thật là ngớ ngẩn, vô dụng và đáng ghét. “Nhìn kìa, Millie, con lạc đà đang ăn cỏ kìa.” Ừ, để Millie liếc nhìn con lạc đà là đã đáng công lắm rồi. Tại sao chúng tôi không ở lại London đi? Tôi chẳng nề hà gì việc thỉnh thoảng đưa con ra ngoài cửa nhà và nói: “Nhìn kìa, Millie, nhìn con chó đang tè bậy trên vỉa hè kìa.” Đối với Millie, thế cũng sẽ chẳng kém ấn tượng gì. Nhưng không, chúng tôi phải lái xe cả một chặng đường dài tới tận Devon và ở trong một ngôi nhà lạnh cóng để đứa bé chưa biết định hướng khốn khổ thức dậy cứ mỗi hai tiếng đồng hồ để rồi bị buộc vào ghế ngồi lên ô tô để đi thăm trang trại nơi có con lạc đà ăn cỏ, nơi không có đủ ghế ngồi cho trẻ con và có mấy cái đu quay giống hệt mấy cái ở cuối phố tôi. Tất cả những nỗ lực đó không phải dành cho em bé mà dành cho bố mẹ. Chúng tôi phải cố hết sức chỉ để an tâm rằng mình đã hy sinh đủ cho con.
Và hiển nhiên là có những thay đổi về ban đêm nữa. Hai vợ chồng tôi vẫn thường ôm chặt nhau để ngủ thiếp đi. Thế rồi Millie ngủ cùng chúng tôi, đúng nghĩa là xen vào giữa hai chúng tôi. Chúng tôi đã cố đặt con vào cái nôi ở chân giường nhưng Catherine cảm thấy an tâm hơn khi nằm cạnh con, để nàng không phải tỉnh dậy thảng thốt mỗi khi nghe thấy tiếng ho, nấc hay thậm chí vì quá im lặng. Em bé ngủ thiếp đi hoặc tỉnh dậy khi vẫn ngậm ti mẹ – bầu vú mà tôi không còn được phép chạm vào nữa, còn tôi thì nằm trơ không tài nào ngủ được. Thực tình! Con tôi thật không biết bầu ngực ấy dành để làm gì?
Tôi thấy sao mà khó ngủ thế khi mà em bé hết đạp lại trở mình, trong khi tôi bị đẩy ra tít rìa đệm. Đã có đôi lần, tôi ngã tùm xuống, mặt đập vào sàn gỗ. Giờ mới phát hiện ra rằng ngủ trên sàn cũng khó.
“Shhh, anh đánh thức con dậy bây giờ,” Catherine thầm thì khi tôi lồm cồm bò dậy kiểm tra xem có bị chảy máu mũi không. Sau một vài đêm mất ngủ, vợ tôi gợi ý tôi xuống dưới tầng ngủ trên sofa. Thế là giờ nàng không ngủ với chồng yêu nữa mà ngủ với tình yêu mới, con gái. Vợ tôi dường như trở thành vô cảm với tất cả mọi thứ, trừ đứa con. Nàng hoàn toàn bị ám ảnh và bỏ bùa mê. Giống hệt ngày xưa nàng mới yêu tôi. Chỉ có điều lần này không phải là với tôi.
Millie đã đẩy tôi ra. Nó đẩy tôi khỏi chỗ trên giường, khỏi vị trí của tôi trong xã hội và khỏi cuộc đời của Catherine. Thậm chí nó còn cướp đi ngày sinh nhật của tôi nữa. “Quả là món quà sinh nhật quý giá,” tất cả mọi người đều nói vậy với tôi khi Millie ra đời đúng vào ngày tôi tròn ba mươi tuổi. Đó cũng là lễ sinh nhật cuối cùng của tôi. Một năm sau đó, vào “lễ sinh nhật chung,” Millie được tặng một hộp đồ chơi phân loại các hình, một quả bóng nảy theo nhiều hướng khác nhau, một xe đẩy với đầy các mẩu xếp hình, một đồ chơi trong bồn tắm, một tấm thảm nằm chơi, một quyển sách phát tiếng động và khoảng ba chục các con thú nhồi bông. Tôi thì nhận được một quyển album ảnh để nhét ảnh của Millie. Chúc mừng sinh nhật, Michael! “Xin lỗi chồng nhiều nhiều, em không có thời gian để đi mua sắm,” Catherine nói trong khi đang cố nhét đống giấy bọc quà của Millie mà nàng đã cất công đi mua vào túi rác đầy tràn.
Tôi thì muốn hai vợ chồng đi ăn vào tối đó nhưng Catherine bảo, chẳng lẽ lại để Millie ở nhà vào sinh nhật đầu tiên. Tôi phải chỉ ra rằng không những Millie đã ngủ say sưa từ lâu rồi, nó còn hoàn toàn không có ý thức rằng hôm nay là sinh nhật đầu tiên, và nếu con có tỉnh dậy thì cũng sẽ để mẹ Catherine ru ngủ lại ngay. Nhưng Catherine cương quyết rằng nàng sẽ không cảm thấy thoải mái và chắc tôi cũng thế. Vì vậy, chúng tôi ở nhà và xem một chương trình về làm vườn.
Đã thế, Catherine còn sai tôi ra siêu thị mua bỉm cho con. Vì đây là ngày sinh nhật, tôi tự mua cho mình hai lon bia và một gói bim bim Cheesy Wotsits. Nhưng khi quay về, tôi để ý thấy đèn đóm tắt cả. Ngay lập tức, tôi đoán được kế hoạch của Catherine. Vợ tôi, Chúa phù hộ nàng, đã bí mật tổ chức một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho tôi. Nhờ tôi đi mua bỉm chỉ là cách để đuổi tôi ra khỏi nhà. Qua gương xe, tôi kiểm tra lại tóc tai rồi mở cửa vào nhà, nhón chân vào phòng khách và giơ tay chuẩn bị bật đèn, sẵn sàng tỏ vẻ ngạc nhiên và vui sướng nếu mọi người nhảy xổ ra hò hét: “Mừng sinh nhật Michael!” Tôi nín thở và bật đèn. Có lẽ trông tôi sững sờ thật. Phòng khách trống trơn. Phòng bếp cũng thế. Tôi đi lên tầng và thấy Catherine ngủ thiếp trên giường. Tôi thất thểu vác thân quay xuống, nằm thượt ra sofa, uống một lon bia và lướt qua các kênh tivi. Trong gói Cheesy Wotsits của tôi có một cái card Star Wars, cũng là an ủi phần nào. Một quảng cáo trên tivi bảo: “Hãy sống hết mình,” thế là tôi uống nốt lon bia thứ hai trước khi đi ngủ.
Tôi đã tưởng tuổi trẻ và tự do của mình sẽ luôn tồn tại. Khi tròn mười tám tuổi, tôi rời nhà và thuê một căn hộ ở chung cùng vài người khác, nghĩ bụng, cuối cùng thì tôi cũng được tự do và từ giờ cho đến cuối đời tôi muốn làm gì thì làm. Không ai bảo với tôi rằng sự giải phóng đó chỉ là tạm thời, rằng tôi chỉ được hưởng tự do trong một thời gian rất ngắn ngủi của cuộc đời. Tuổi thơ của tôi trôi qua bằng những việc mà bố mẹ muốn tôi phải làm và giờ đây, cuộc đời còn lại của tôi bị bao phủ bởi những việc mà con cái tôi muốn làm. Một lần nữa, tôi lại bị giam trong bình, nhà tôi biến thành nhà tù. Tôi không còn được tự do ra vào nữa: cửa sổ trên tầng bị thêm song sắt, cầu thang lắp thêm cửa an toàn, rồi khóa, thiết bị báo động, màn hình theo dõi khắp nơi, sắp tới còn có thể có thể cái bô chình ình trong nhà nữa. Đứa bé mới ra đời vừa đóng vai cai tù, vừa là đầu gấu trại giam. Nó không cho tôi ngủ quá 6 giờ sáng. Sau đó, tôi trở thành người đầy tớ, là cửu vạn, lấy thứ này, bê thứ kia ra để làm vui cho con. Nó còn hành hạ tôi bằng cách vứt thìa dĩa xuống sàn rồi bắt tôi nhặt lên, sau khi làm xong rồi thì nó lại tiếp tục vứt thêm vài cái nữa.
Tù nhân nào cũng mơ được trốn thoát. Đối với tôi thì đó tiềm thức. Tôi nằm trong bồn tắm và ngâm mặt dưới nước để tiếng khóc lóe chóe và gào thét tức giận trở thành một âm thanh xa vời. Có một lần, khi Millie đã ngủ gà gật trong xe đẩy, tôi tự nguyện đẩy con đi dạo quanh Hampstead Heath để Catherine có thể nghỉ ngơi trong ngôi nhà yên tĩnh. Khi đẩy xe lên xuống cái đồi cao duy nhất ở London, tôi bỗng nhận ra rằng lý do mà tôi đưa ra lời đề nghị giúp đỡ nhiệt tình này chẳng qua là để có chút thời gian cho chính bản thân mình, vì chính tôi cũng cần trốn thoát khỏi Catherine. Vợ tôi làm cho tôi cảm thấy như bất kỳ việc gì tôi làm cũng sai. Tôi nhằm hướng quán Bull & Last và uống hai vại bia ngoài trời, cảm giác thảnh thơi và vô lo như chưa bao giờ được như vậy. Millie vẫn ngủ ngon trong suốt quãng thời gian chúng tôi đi chơi. Chẳng mấy lâu, mọi ưu phiền và căng thẳng của tôi được rửa trôi bởi các đợt sóng màu bọt bia. Khi về đến nhà, tôi thấy sao mà thanh thản và yêu đời đến thế, cho tới khi khuôn mặt cáu kỉnh của Catherine ló ra ngoài cửa sổ, ném phịch tôi về hiện tại. Giời ạ, tôi lại làm gì sai nữa đây? Tôi thầm nghĩ. Tôi quyết định tảng lờ vợ, nhưng khi tôi phơi phới sải bước vào nhà, hai tay đút trong túi áo thì vợ tôi đã đứng chặn ở tận cửa.
“Millie đâu?” vợ hỏi.
“Millie?”
“Vâng, con gái tôi mà anh đưa đi dạo trên đồi...”
Bây giờ thì tôi biết mình có thể chạy từ nhà đến Bull & Last chỉ trong bốn phút và bốn mươi bảy giây.
Chắc lần này thì tôi phải chịu một ít trách nhiệm. Hầu hết trách nhiệm. Nhưng Catherine còn tìm ra lỗi với bất kỳ việc gì tôi làm với bọn trẻ. Tôi không dùng đúng khăn lau mặt, không dùng đúng nước để pha sữa, bôi quá nhiều kem lên mông chúng. Tôi có cảm tưởng Catherine thấy tốt hơn và nhanh nhất là tự làm mọi việc. Tôi luôn lăng xăng bên cạnh nàng khi cần thay quần áo, cho con ăn, cho con tắm, hy vọng rằng tôi có thể giúp được việc gì đó nhưng nói chung là tôi chỉ tổ làm vướng đường. Tôi muốn bắt tay vào việc nhưng thực tế thì tay tôi chỉ buông xuôi hai bên, vụng về chẳng biết dùng vào việc gì. Trong vương quốc của con gái, vợ tôi là nữ hoàng, còn tôi chỉ Hoàng thân Philip
1, lượn lờ ngượng nghịu đằng sau lưng, nói lảm nhảm những câu ngớ ngẩn.
Liệu các ông bố khác có như thế không? Có phải vì thế mà hàng ngàn năm qua, đàn ông luôn ít hơn phụ nữ, để đỡ trở thành nhân vật số hai? Chẳng bao lâu sau đó, tôi càng cố tìm cớ để vắng nhà. Tôi giả vờ phải họp muộn, tôi không còn hối hả về nhà sớm để bị mắng sa sả do nhét thìa nhựa vào máy rửa bát. Nếu tôi phải làm việc ngoài London, bao giờ tôi cũng chọn chuyến tàu cuối ngày để về nhà khi Catherine đã ngủ say.
Một hôm, tôi về nhà muộn và nhón chân bước vào căn phòng mà tôi vẫn cố đấu tranh để giữ lại thành phòng làm việc. Và tôi nhìn thấy nó. Cả bức tường bị bao phủ bởi giấy dán tường của các nhân vật trong phim hoạt hình trẻ con Thế giới thần tiên. Thay vào chỗ vốn là bức poster của ban nhạc Clash với Jack Strummer dang tay đập nát cây ghita, bây giờ là hình vẽ Ratty, Mole và các bạn. Đó cũng chính là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, là giây phút tôi biết mình thực sự bị đẩy ra ngoài.
Chúng tôi đã từng thống nhất rằng một khi em bé được chuyển vào “phòng riêng,” tôi sẽ phải thuê một chỗ nào đó bên ngoài để làm việc, nhưng đó là một trong những việc mà tôi thà không để trong đầu. Đồng tình không có nghĩa là tôi sẽ thực sự bắt tay vào làm. Tôi bảo vợ rằng tìm được một chỗ thích hợp không phải dễ dàng gì.
Một hôm, vợ tôi, vốn luôn chu đáo và đi trước tôi vạn dặm, nói: “Có căn phòng trống ở nhà ông anh của Heather ở Balham, anh có thể thuê tạm một thời gian ngắn.” Cuối tuần sau đó, chúng tôi gói ghém những đồ mà tôi sẽ cần trong Phòng thu mới và một vài thứ linh tinh khác. Cuối buổi sáng, cả hành lang tầng một chật ních những hộp to nhỏ, đựng đầy ký ức tuổi thanh xuân của tôi. CD, băng nhạc, tạp chí âm nhạc, mũ bóng chày có chữ ký của Elvis Costello và cả bộ cốc uống trà cổ lỗ sĩ mà tôi sưu tập trước khi chuyển về ở chung với Catherine. Hai sinh nhật trước đây, tôi tặng vợ một cái giá đựng CD hình cây ghita điện. Cái giá ấy giờ đây cũng ung dung xuất hiện luôn ở cửa trước. Cảm tưởng như cứ cái gì có phần của tôi là Catherine mong muốn bỏ ngay ra khỏi ngôi nhà ấm cúng của con gái.
“Ồ, mà anh chắc phải cần cái gương Beatles trong Phòng thu mới chứ. Treo ở đấy là vừa đẹp, hơn nữa để trong phòng ngủ của mình cũng không hợp lắm,” Catherine nói và gỡ cái gương xuống một cách hơi quá phấn khích.
Và thế là tôi bắt đầu đi lại tới căn phòng nhỏ ở phía nam London. Chỉ nửa tiếng tàu điện ngầm trên Northern Line mà tưởng như đó là cả một thế giới khác. Nếu Catherine cần nói chuyện với tôi, nàng có thể gọi vào mobile, trừ những khi tôi thực sự không muốn nói chuyện và tắt máy. Có vẻ như tôi không thường muốn nói chuyện lắm. Không có gì cải thiện cuộc hôn nhân của chúng tôi bằng việc xa nhau. Tôi càng ở Phòng thu nhiều, chúng tôi càng yêu quý nhau hơn. Tôi vẫn thường xuyên làm đêm làm hôm, và với cái sofa kiêm giường có thể mở ra gấp vào được, bên cạnh là các thiết bị âm nhạc, tôi thấy thật tiện dụng. Theo Catherine thì tôi càng ở lâu trong đó thì càng làm việc cần mẫn. Nàng tự hào vì có người chồng làm việc chăm chỉ và vẫn về nhà với vợ con và hết lòng vì gia đình.
“Anh lấy đâu ra mà nhiều năng lượng thế?” nàng hỏi khi đang nằm trên giường sau khi đã tắm xong và nhìn tôi nhấc bổng Millie đu đi đu lại. “Hừm, một thay đổi cũng đáng giá như một sự nghỉ ngơi,” tôi nói một cách khiêm tốn, thầm nghĩ giá mà vừa được thay đổi vừa được nghỉ ngơi thì còn tốt hơn nhiều. Tôi cho lũ trẻ đi tắm qua trong bồn tắm vẫn còn thơm phức của mẹ nó trong khi vợ tôi vẫn nằm trên giường, uống nốt chai vang. Nàng cam đoan với tôi rằng nàng vẫn còn đủ tỉnh táo để đọc truyện cho Millie trước khi đi ngủ và bắt đầu đọc rất tử tế, chỉ tội làm rách mất hai cái tờ gấp trong quyển Pocahontas. Chẳng bao lâu sau, cả Millie và Alfie đều thiếp vào giấc ngủ và ngôi nhà được yên ắng, thanh bình. Catherine nằm trên giường ngủ, cuốn chặt trong chiếc khăn bông to quá khổ, mềm mại, thơm mùi phấn rôm và vẫn hồng hào sau khi ngâm mình trong nước ấm. Nàng ngước nhìn tôi.
“Nếu chúng ta định làm thêm một đứa nữa thì nên đẻ luôn cho chúng gần nhau, anh nhỉ?”
Mánh khóe này không được đề cập đến trong bất cứ quyển sách gợi tình nào. Nàng nhìn thật hấp dẫn, nhưng hai đứa con đã là quá đủ cho tôi.
“Hừm, Alfie mới được có chín tháng, việc gì phải vội,” tôi nói, tránh không to tiếng. Nhưng Catherine luôn khăng khăng rằng nàng sẽ có bốn đứa con và nàng muốn chúng tôi cố luôn một đứa nữa ngay bây giờ, với lý do rằng nàng đã sẵn sàng đợi tôi trên chiếc giường mềm mại. Chúng tôi không quan hệ với nhau đã ba tuần và bốn ngày rồi, và giờ đây, nàng ép sát người vào tôi, trao cho tôi những nụ hôn ướt át. Tôi không giả vờ rằng mình không bị lôi cuốn, nhưng tự bảo mình phải kiên quyết. Không dùng một biện pháp tránh thai nào quả là quá mạo hiểm. Tôi không thể vì vài phút sung sướng mà hy sinh hàng đêm mất ngủ, những căng thẳng trong quan hệ vợ chồng và tiếp tục lừa dối, trốn tránh vợ khi một đứa con nữa ra đời. Nhìn từ bất kỳ khía cạnh nào, thật chẳng đáng để làm việc ấy. Tôi sẽ không thèm năm phút khoái lạc với cô vợ xinh đẹp của mình.
Hóa ra là chỉ phần cuối câu vừa rồi là đúng – nó chỉ kéo dài một phút rưỡi. Tôi nguyền rủa sự mềm yếu của mình khi ôm ghì lấy vợ và cảm xúc trào dâng. Phần lớn bọn đàn ông sẽ gào lên những lời lẽ tục tĩu vào lúc này, còn tôi thì chửi đổng, “ôi, mẹ nó!” Không phải trong ngữ cảnh là, “Wow, sướng quá” mà là “Ôi, mẹ nó, mình vừa làm gì thế này!” Sex là tội ác và tôi vừa nuốt đi lời hứa danh dự. Tôi đã duy trì hai cuộc sống cùng một lúc thế này như một biện pháp tạm thời, hy vọng rằng khi bọn trẻ đã lớn hơn một chút thì tôi có thể trở về thành một người chồng, người cha bình thường. Thực may mắn là cơ hội để Catherine có bầu khá mỏng manh. Nàng vẫn cho con bú một lần một ngày, nên tôi nghĩ rằng chắc mình sẽ an toàn.
Hai tuần sau đó, Catherine báo cho tôi biết nàng đã lại có bầu.