Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Vết thương thứ 13
Cập nhật ngày: 01/09/2011

Tôi sanh năm 1924, năm nay (2011) đúng tám mươi bảy tuổi, bắt đầu viết sau ba mươi tuổi, như vậy tuổi đời và tuổi nghề khá cao nhưng số lượng tác phẩm lại quá mỏng: chưa đầy hai mươi bài thơ, khoảng trên dưới nửa trăm truyện ngắn, chừng bốn hay năm tiểu thuyết, truyện vừa in nhiều kỳ trên nhật báo, tuần báo, tạp chí tại Sài Gòn trước 1975 với các bút danh Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Minh Phẩm, Vũ Ái Văn...

Trước 1954, thời chống Pháp có một bài thơ dài chưa đủ tầm vóc trường ca nhan đề Thanh gươm tháng 8, ký Song Diệp in trên phụ trang báo Nhân Dân của Trung ương Cục miền Nam. Thời chống Mỹ, trong vùng căn cứ của đặc khu Sài Gòn - Gia Định có một số truyện ngắn: Bên miệng hố bom đìa, Hột bụi, Quê hương thứ hai của người du kích, Anh Thơm râu rồng, Vui nhỏ trên đường dây... với bút danh Phạm Võ. Trong số các bài viết được in của các thời đoạn kể trên, có một số truyện ngắn, bút ký bị thất lạc, rất ít hy vọng tìm lại được.

Sau 1975, những tác phẩm được in thành sách là những tập truyện ngắn với bút danh Trang Thế Hy, mỗi quyển có nhan đề khác nhau, và lần nào quyển in sau cũng có in lại những truyện đã in rồi. Một người bạn đọc đã “ghẹo vui” rằng tôi lấy đầu heo cũ đã luộc rồi nấu cháo đầu heo mới bưng ra chợ văn báo mà không dám mạnh miệng chào hàng cho nên không có quyển sách nào của tôi có bài tựa của tác giả.

Nhưng trong lần in này, Nhà xuất bản Trẻ đề nghị tôi nên viết Lời tựa. Đề nghị này gợi tôi nhớ lại cuộc tọa đàm bàn tròn về tập truyện Nợ nước mắt, Nhà xuất bản Hội nhà văn in năm 2001. Cuộc tọa đàm được tổ chức ngày 23 tháng 5 năm 2002 tại Hà Nội. Bài tường thuật cuộc tọa đàm tôi tìm lại chưa được nhưng tôi nhớ rất rõ rằng một số bạn viết như Lê Minh Khuê, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Khắc Trường và vài nhà phê bình như Trần Đình Sử, Trịnh Đình Khôi đều có một nhận xét chung rằng vài bài viết có mang tính tuyên ngôn của tôi về cách nhìn cuộc sống và xác định chỗ đứng của tôi trong cuộc sống “lắm người nhiều ma” ấy (xin mượn chùm chữ của Nguyễn Khắc Trường). Niềm cảm thông đồng điệu quý giá ấy khích lệ tôi rất nhiều trong nghề nghiệp nhưng cho đến nay tôi chưa có dịp nào bày tỏ lòng biết ơn.

Vậy nên khi ngồi viết những dòng chữ Thay lời tựa trong tập truyện ngắn Vết thương thứ mười ba này, tôi xin mạo muội và trân trọng cầu mong rằng nồi cháo đầu heo mới nấu bằng đầu heo cũ đã luộc rồi của ông đầu bếp già “lão lai tài tận” này được đón tiếp bằng một nhận xét bao dung: “Còn ăn được!”

Thay lời tựa - Trang Thế Hy


Trang Thế Hy – nhà văn của vùng đất Nam Bộ đã dẫn dắt người đọc theo cái lối rất riêng, rất nhẩn nha, cà kê để rồi bỗng chốc ta nhận ra mình đang đối diện ngay trân giữa cái khốc liệt mà chẳng hề có được lời cảnh báo trước.

Mỗi vết thương là chứng tích của niềm vinh quang và nỗi đau đớn. Nhưng nỗi đau sẽ òa vỡ khi vinh quang phải đánh đổi bằng sự cay đắng và nhục nhã âm thầm. 

Các Tin Tức Khác