Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Dấu xưa - Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn
Cập nhật ngày: 17/10/2011

Tốt nghiệp ngành Khoa học kinh tế Trường Kỹ thuật cao cấp Aachen (Cộng hòa Liên bang Đức) năm 1986, chị Mathilde Tuyết Trần - tác giả của Dấu xưa - Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn - làm việc tại Pháp, Bỉ và Đức trong 14 năm.

Từ năm 2000, chị “nhảy ngang” (từ của chị dùng trong thư gửi một người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh) qua các hoạt động văn hóa và nghiên cứu lịch sử. Chị tâm sự:

“Sự việc này nó tự nhiên hình thành, đưa đẩy bởi nhiều sự tình cờ, may mắn, dần dần rõ nét theo thời gian”.

Trong sự “tình cờ” ấy, không phải không có yếu tố chủ quan.

Trong trái tim mẫn cảm của người phụ nữ ấy, dù đã trải qua hơn 40 năm sống xa quê hương, vẫn luôn âm ỉ cháy ngọn lửa tình yêu đối với đất nước mình, dân tộc mình. Chị biết có nhiều người đồng hương từng sống chết trên mảnh đất mà chị đang sống, từ bậc vương giả (như các cựu hoàng Hàm Nghi, Duy Tân) cho đến các thường dân (như những người bị bỏ quên trong trại C.A.F.I.). Tại sao không đến gặp họ (hay hậu duệ của họ) để tìm hiểu những gì đã xảy ra?

Một ngày đầu Xuân, chị cùng người bạn đời lái xe vượt hơn 1000 cây số, từ vùng Picardie ở phía bắc nước Pháp xuống vùng Aquitaine ở tây nam nước Pháp. Chị đã kính cẩn thắp hương tưởng niệm nhà vua yêu nước Hàm Nghi, viếng mộ vợ và các con của cựu hoàng ở hai nghĩa trang Thonac và Vigeois, rồi trò chuyện với các hậu duệ của ngài.

Chuyến đi tuy vất vả, nhưng giúp chị khám phá nhiều điều mà cho tới nay không phải ai cũng biết. Được tận mắt ngắm một pho tượng bằng đất nung do chính cựu hoàng sáng tác trong thời gian sống lưu vong, chị không khỏi thán phục nghệ thuật điêu khắc của nhà vua tài ba.

Chị xúc động khi được biết, trước khi qua đời ở Alger (Algérie), cựu hoàng mong muốn được yên nghỉ ở quê hương. Xung quanh câu chuyện ít được biết đến này, chị đã phát hiện được hai tư liệu gốc: lá đơn đề ngày 11.4.1948 của công chúa Như Mai (còn gọi là Nhữ Mây) xin cải táng vua cha về Huế, và công văn ngày 20.4.1948 của công sứ tổng ủy viên Naegelen từ chối, viện cớ “chưa đúng lúc”. Mãi đến năm 1965, hài cốt của cựu hoàng Hàm Nghi mới được di táng về nghĩa trang Thonac, gần lâu đài Losse của công chúa.

Cũng trong chuyến đi này, chị đến thăm lâu đài Losse và tìm được nhiều tư liệu chưa từng công bố, như bảng điểm của công chúa Như Mai tại Học viện Nông nghiệp Quốc gia ở Paris (công chúa là nữ sinh viên đầu tiên tốt nghiệp thủ khoa Học viện này), văn tự mua bán lâu đài, giấy khai tử và một số hình ảnh...

Cứ thế, những chuyến đi nối tiếp những chuyến đi. Không chịu ngồi tĩnh tại trong thư viện, trong văn khố hay trong phòng làm việc để chỉ đọc và viết, chị Mathilde Tuyết Trần bỏ nhiều thời giờ để đi điền dã. Sống ở Pháp nhiều năm, thông thạo ngôn ngữ và văn hóa Pháp, biết rõ đường đi nước bước, chị không ngại vượt qua hàng nghìn cây số để đi tìm tư liệu về một nhân vật hay một sự kiện lịch sử mà chị muốn biết. Có thể gọi chị là một nhà du khảo lịch sử được chăng? Với chị, câu ngạn ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” được đổi thành “Đi một ngày đàng, biết một sàng thông tin”.

Chị kể: “Về nhà, tôi ghi lại những ấn tượng, những hiểu biết đã thu thập được trong chuyến đi. Nhiều khi tôi viết cả 10 tiếng đồng hồ trong một ngày. Có lúc, vào 3 giờ sáng, đang ngủ, tôi giật mình thức dậy, lại bật máy vi tính viết tiếp, sợ quên mất một ý tưởng hay một chi tiết nào đó”.

Dấu xưa - Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, gồm 5 chương liên quan đến triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam, là thành quả của những chuyến đi đó. Cuốn sách không có tham vọng trình bày một cách có hệ thống toàn bộ lịch sử 143 năm của triều đại này, mà chỉ đề cập đến một số khía cạnh có ý nghĩa nhất định, từ trách nhiệm để mất chủ quyền quốc gia dưới thời vua Tự Đức (chương I) đến cuộc khởi nghĩa vũ trang có sức chiến đấu bền bỉ nhất vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX (chương IV), rồi chuyện hai nhà vua yêu nước Hàm Nghi và Duy Tân bị lưu đày xa Tổ quốc (chương II và chưong III). Sự kiện kể trong chương cuối cùng (chương V) tuy bắt đầu từ 10 năm sau khi nhà Nguyễn kết thúc, nhưng nhân vật chính trong chương lại là hậu duệ của vua Minh Mạng.

Chị Mathilde Tuyết Trần là một nhà nghiên cứu “độc lập”. Trên cơ sở tư liệu thu thập được trong những chuyến du khảo (nhiều tư liệu chưa từng công bố), có tham khảo sách báo, chị đưa ra những nhận định riêng của mình.

Nhà xuất bản Trẻ trân trọng những thành quả lao động khoa học của chị. Nếu tác phẩm của chị được các nhà sử học quan tâm nhận xét và phẩm bình, đó sẽ là cơ hội để làm sáng tỏ thêm một số vấn đề trong sử học nước nhà.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi xin giới thiệu Dấu xưa - Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn của nhà du khảo lịch sử Mathilde Tuyết Trần với bạn đọc thân mến.

Nhà xuất bản Trẻ

Các Tin Tức Khác