Khoảng trống sau Sơn Nam không ai thay thế được
Cập nhật ngày:
28/12/2012
Đó là nhận định của nhà văn Nguyễn Đông Thức tại buổi tọa đàm “50 năm Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam đến với bạn đọc” do NXB Trẻ phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 27.12 tại TPHCM. Lần đầu tiên, NXB tổ chức kỷ niệm tuổi đời của một tác phẩm nhằm tri ân tác giả đã đóng góp một cuốn sách để đời.
Từ tháng 3.2003 đến nay, sau khi mua toàn bộ bản quyền trọn đời các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, NXB Trẻ đã phát hành tổng cộng 120.000 bản in sách của ông. Trong đó, riêng cuốn “Hương rừng Cà Mau” (HRCM), từ 2003 - 2008 in được 6.500 cuốn bìa cứng và từ 2008 đến nay in được 10.500 cuốn bìa mềm (3 tập). Đặc biệt, bộ sách này trước chỉ có 2 cuốn, nay bổ sung những truyện ngắn do độc giả sưu tầm về sau để in thêm cuốn thứ 3.
Nhà văn Vũ Đức Sao Biển ví Sơn Nam như một “quý ông” - một quý ông hào sảng của vùng đất Nam Bộ, người tự coi mình như “hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” (thơ của Sơn Nam). Chính những tác phẩm của ông đã dựng lên hình ảnh Nam Bộ một thời mà những ai đã đọc sẽ không thể nào quên.
Ông giáo già Đinh Công Tâm hễ thấy bất cứ tác phẩm nào của nhà văn Sơn Nam là lưu lại và cất vào bộ sưu tập của mình. Ông “gặp” HRCM vào năm 1962, còn giữ bản gốc đầu tiên đến tận bây giờ, nhưng mãi 30 năm sau mới gặp được tác giả. Ông Tâm cho biết: “Trong 18 truyện, tôi thích nhất là truyện ngắn “Tình nghĩa giáo khoa thư” và truyện ngắn này đã đưa tôi đến với nhà văn, gắn bó thân thiết với ông trong mối duyên văn học. Lối viết bình dị, dân dã mà mang lại bài học vô giá, ngòi bút tải đạo đó đã giúp tôi tự rèn giũa và viết sách về giáo dục về sau”. Tại buổi tọa đàm, ông Tâm đã tặng lại cho NXB Trẻ cuốn HRCM bản in năm 1962, cùng một số cuốn sách Sơn Nam in chung khác.
Lý giải vì sao chàng thanh niên nhà quê nghèo như Sơn Nam lại trở thành nhà văn mang hào khí Nam Bộ và viết thành công đến như vậy, nhà thơ Kiên Giang nhấn mạnh: “50 năm kết bạn với Sơn Nam, ngay từ thời trẻ, Sơn Nam đã ấp ủ: “Xứ mình nghèo quá, mình định đi học, để làm sao cho người ta biết đến xứ mình”. Còn vì sao Sơn Nam viết về Nam Bộ hay đến như vậy, đọc ai cũng chảy nước mắt, thì chính là vì nhà văn hay “la cà” (gần gũi với dân). Sơn Nam còn viết báo về những vấn đề sân khấu rất hay và chính ông đã khuyến khích các tác giả Hà Triều - Hoa Phượng bước vào nghề viết kịch bản sân khấu. Không chỉ có HRCM, ông để lại cho đời 60 tác phẩm có giá trị, trong đó có nhiều cuốn viết về Sài Gòn xưa.
Song song với cuộc tọa đàm, NXB Trẻ tổ chức chương trình 50 ngày sách Sơn Nam từ 29.12.2012 đến 17.2.2013 tại nhiều cửa hàng (Nhân Văn, Cửu Đức, Minh Khai, Fahasa...), bán trọn bộ HRCM với giá 100.000 đồng (giá bìa 177.000) và giảm 50% tất cả tựa sách còn lại của Sơn Nam.
Minh Thi
(Nguồn: Lao Động)