Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

SBC - một lối đi của văn chương hiện đại
Cập nhật ngày: 06/02/2012

Trong khi chúng ta còn đang tranh luận về cách nói, cách sử dụng thành ngữ thời hội nhập thì văn chương đã đi trước một bước như một dự cảm. "SBC là săn bắt chuột" của nhà văn Hồ Anh Thái là cuốn sách đi trước như thế.

Cách đây chưa lâu, một cuốn sách thành ngữ sành điệu của giới trẻ xuất hiện đã nhanh chóng tạo nên những tranh luận trái chiều. Người thì cho rằng đó là sự phong phú, tung tẩy của ngôn ngữ tiếng Việt trong bối cảnh hiện nay. Nhưng cũng không ít người cho rằng thứ ngôn ngữ ấy làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Bình tĩnh nhìn nhận hơn cả có lẽ là ý kiến cần phân biệt tính giải trí và cách làm cẩn trọng, lựa chọn kỹ lưỡng hơn. Chỉ khi phân biệt như vậy thì mới xác định được giá trị, vai trò của cái mới đã và đang manh nha xuất hiện.

Đã có không ít câu hỏi được đặt ra cho văn chương về vấn đề sử dụng ngôn ngữ hiện đại, nhất là trong văn xuôi. Bởi văn xuôi là một hình thức bám sát với đời sống nhất, tái hiện, thậm chí dự báo mọi mặt của đời sống. Thế nhưng, có một cuốn sách văn chương ra đời trước cả khi cuốn sách về thành ngữ sành điệu đó xuất hiện. Độc giả có thể tìm thấy những câu thành ngữ, những cách nói giễu nhại ở khắp các trang. Cuốn sách đó làSBC là săn bắt chuộtcủa nhà văn Hồ Anh Thái. Xác định thời gian hình thành ý tưởng cho đến khi bắt tay vào viết và hoàn thành cuốn sách, nhà văn Hồ Anh Thái từIranđã gửi thông tin cho biết: “Ý tưởng về cuốn tiểu thuyết này bắt đầu hình thành từ nhiều năm trước, cho đến đầu năm 2010 thì tôi hoàn thành bản thảo. Khoảng giữa năm 2011, tôi gửi bản thảo cho NXB Trẻ. Các anh chị ấy nhận và đưa in ngay, phát hành vào cuối tháng 9-2011, không có trở ngại gì”.

Ngay từ dòng đầu của cuốn sách, nhà văn đã bắt đầu bằng một thời điểm có tính ấn định, ấy là trận lụt lịch sử của Hà Nội vào năm 2008 - tức là đã cách đây gần 4 năm. Tất nhiên, khó có thể rạch ròi và đánh đồng thời điểm 4 năm đó khởi nguồn ý tưởng, thậm chí lâu hơn, hoặc ít hơn. Nhưng điều đó để xác định, ít nhất nhà văn Hồ Anh Thái thai nghén tác phẩm từ vài năm nay và chắc chắn việc tiếp cận, thu nạp vốn ngôn ngữ hiện đại còn có từ trước nữa.

Việc bản thảoSBC là săn bắt chuộtcủa Hồ Anh Thái không có trở ngại gì trước khi in và sau khi phát hành đã cho thấy sự khác biệt khi những thành ngữ thời hội nhập (tạm gọi) dạng thô và dạng tinh. Dạng thô là chỉ một cách liệt kê đơn thuần và dạng tinh là đã có chọn lọc và sử dụng trong một văn cảnh cụ thể.

Thử liệt kê một số câu được nhà văn Hồ Anh Thái sử dụng trong cuốnSBC là săn bắt chuột:

- Ở đây tai vách mạch rừng, những điều bí mật xin đừng nói ra.

- Nói có người nghe/ Đe có người sợ? Vợ có người chăm/ Nằm có người bóp/ Họp có người ghi/ Chi có người bù/ Tù có người chạy.

-Một yêu anh có Senkô/ Hai yêu anh có Pơgiô cá vàng.

-Tôn Đản là chợ vua quan/ Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần/ Đồng Xuân là chợ thương nhân/ Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng.

- Đẹp giai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ/ không bằng đù đờ đi cúp/ không bằng anh cụt ngồi xe hơi.

- Sáu mươi thì mới trưởng thành/ Bảy mươi thì mới tập tành ăn chơi/ Tám mươi mới bước vào đời/ Chín mươi thì mới tìm nơi dạt vòm/ Một trăm tuổi hãy còn son…

Ngoài ra còn rất nhiều giai điệu bài hát có lời mới mà chúng ta thường gọi là nhạc chế, còn nhà văn Hồ Anh Thái gọi là “ý đẹp lời hay”, vớiHà Nội mùa này phố cũng như sông/ Cái rét đầu đông, chân em thâm vì ngâm nước lạnh/ Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố/ Đường Cổ Ngư xưa tràn ngập nước sông Hồng…Hài hước hơn:Sống trong đời sống cần có một cái vòng/ Để làm gì, em biết không?/ Để tránh có thai…Và bi thương thì có:Em ơi nghe chăng nhạc réo rắt/ Trong muôn xe tang/ Trong muôn cánh hoa/ Trong muôn điếu văn ngọt ngào lời yêu thương/ Nghe xong điếu văn/ Nhìn người thân nát xương…

Trong hoàn cảnh nào thì có văn cảnh ấy, phù hợp, hài hước khiến cho mạch văn sinh động, nhanh, dễ đọc, cuốn hút, không có cảm giác nặng nề. Lâu nay, chúng ta vẫn tranh cãi, thậm chí chia thứ bậc văn chương giữa giải trí và nghệ thuật. Chỉ có văn chương nghệ thuật mới đích thực là văn chương. Còn thứ giải trí nếu có khoác áo văn chương thì cũng chỉ là văn chương hạng hai!. Thế nhưng, lại xảy ra một nghịch lý, những gì hàn lâm quá lại không phải là nhu cầu của đông đảo công chúng. Còn văn chương giải trí lại được độc giả lựa chọn áp đảo, số lượng xuất bản vì thế cũng cao ngất. Thêm một lý do nữa bổ sung cho đối tượng độc giả thiên về sự giải trí là cuộc sống của chúng ta hiện nay đã có quá nhiều áp lực, họ muốn tìm đọc những thứ không quá khó hiểu, không quá dài dòng, thoải mái và nếu tìm được nụ cười thì càng quý. Sự đối lập này, đã có lúc nhiều người đặt câu hỏi, tại sao các nhà văn không dung hoà để tác phẩm của mình viết ra, bạn đọc đều có thể tìm thấy cả tính văn chương và giải trí trong đó. Một trong số những nhà văn lặng lẽ đi tìm câu trả lời cho vấn đề này có lẽ là nhà văn Hồ Anh Thái qua cuốn tiểu thuyếtSBC là săn bắt chuột.Chưa thể vội vàng dự báo liệu sự kết hợp giữa giải trí và văn chương có trở thành xu hướng của văn học trong nay mai không, nhưng rõ ràng nó đã và đang được độc giả nồng nhiệt chào đón.

Tên nhân vật được sử dụng trongSBCcũng rất thú vị, đó là tên gắn với nghề nghiệp chứ không phải tên trong giấy khai sinh; cô Báo, chú Thơ, Đại gia, Sếp, Cốp… khiến độc giả liên tưởng đến một lớp người thấp cổ bé họng trong xã hội, đó là những người bán hàng rong. Người bán kem đáng tuổi anh, tuổi chú thì được gọi: anh kem ơi, chú kem ơi. Người bán muối đáng tuổi chị tuổi bà thì gọi: chị muối ơi, bà muối ơi. Tương tự như vậy với tất cả các mặt hàng rong, có bao nhiêu thứ hàng rong thì có bấy nhiêu con người bị tước bỏ cái tên khai sinh mà nhận cái tên nghề nghiệp đường phố như vậy. Và rất tự nhiên, người gọi và người được gọi đều chấp nhận cái tên ấy không một mảy may. Giờ đây, bên cạnh lớp người thấp cổ bé họng đó là tầng lớp có địa vị trong xã hội. Họ tự mãn với cái tên gắn với quyền chức. Cái tên trong giấy khai sinh chỉ để làm những thủ tục hành chính. Kiểu thay tên đổi họ này đã và đang thịnh hành và chắc chắn sẽ còn tồn tại.

Không chỉ tìm thấy những cách nói nhại, nói giễu của Hồ Anh Thái mà với từng nhân vật, từng hành động đều có thể lấy được tiếng cười của độc giả. Nhiều chỗ tác giả hơi cường điệu, tuy nhiên không bị khiên cưỡng. Yếu tố ảo và thật đan xen nhau. Có lúc cái ảo làm nhoè mờ cái thật, rồi cái thật cũng làm nhoè mờ cái ảo và cứu cánh cho nhau khiến mọi sự kiện, vấn đề, hành động không đi đến tận cùng sự ngã ngũ; nó thật đến đâu, ảo đến mức độ nào…? Khi tác giả miêu tả và viết về chuột không ai nghĩ đó là chuột mà là người. Người đội lốt chuột hay chuột đội lốt người? Rồi có lúc lại thấy cái thế giới chuột ấy như… một trò chơi điện tử. Một trò chơi cũng giống như bao trò chơi khác đang thịnh hành của giới trẻ thời nay. Cũng phải mất ăn mất ngủ, phải mất thời gian, tiền bạc, mưu kế đối đầu mới mong chiến thắng. Thế nên, cái nhoè mờ ấy trở thành ranh giới. Nếu không có ranh giới đó thì không còn là tác phẩm văn chương, không thể hiện bản lĩnh của người cầm bút.

Hồ Anh Thái là một nhà văn đa giọng điệu.SCB là săn bắt chuộtmang đến cho độc giả thấy sự tươi mới của văn chương hiện đại, như một món ăn mới khiến người ăn có một tâm thế hứng khởi ngay từ khi ngồi vào mâm và liếc qua.

Hà Anh

(Nguồn: Vanhocquenha)


Các Tin Tức Khác