Xin phép không nhắc lại đây tên tuổi của những thầy thuốc được vinh danh trong Những thiên thần áo trắng. Không phải sợ thừa, mà chính vì sợ thiếu, sợ không đủ sức nhắc hết những gì Kim Sơn đã viết cho từng cái tên riêng ấy...
Nghề báo đã dành cho Kim Sơn gần nửa đời người một cơ duyên lớn: được gặp gỡ, được trò chuyện, được khám phá cái thinh lặng bên trong của những con người mà nghề nghiệp buộc chặt vào chuyện sinh tử mỗi ngày của cõi nhân gian. Ai cũng thấy Kim Sơn người nhỏ bé, dáng mỏng manh. Có vẻ như tâm sức và tinh lực của chị được dồn cho ngòi bút. Trước hết, cho việc nhận ra, gọi ra từ cái thinh không ấy chất ngọc của hành trình phần nhiều gian khó, có khi đơn độc, để chống lại thói kiêu ngạo và sự cám dỗ, thái độ vô cảm và sự dốt nát: hành trình cống hiến cho y học và chiến đấu vì y đức... Liền theo đó là những nỗ lực không mệt mỏi để khắc chạm nên bằng ngôn từ, những phù điêu, những tượng tròn - chân dung của những thầy thuốc được đo sáng từ bệnh nhân, từ đồng nghiệp, từ chuyện nghề.
Các thầy thuốc nơi đây, có người hiện ra như những ông giáo già một đời tận tụy, có người chính là một nhà khoa học say mê và quên mình, có người sống và làm việc với tinh thần của người lính, có người chứa chất sức quyết đoán và tinh thần trách nhiệm của nhà quản lý, có người gắn bó với nhà thương như chính ngôi nhà mình, có người như nhà đạo học, ung dung tự tại trước chuyện nhân sinh...
Chữ TÂM là một chữ có mặt nhiều trong tập sách này. Thật ra, không chỉ để ca ngợi, nó còn được dùng để kỳ vọng, để gửi gắm, để nhắc nhớ, để gieo trồng... Nó đồng thời nói giúp cái hạnh phúc của người làm báo, mà cũng là cái mạnh mẽ, bền bỉ, cứng cỏi của một cây bút nữ của Tuổi Trẻ: cây bút Kim Sơn.
DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
(Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)