Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Trò chơi tiên đoán - Kỳ cuối: Tại sao Iran và Iraq sẽ muốn hợp tác với nhau.
Cập nhật ngày: 09/07/2010

Ý tưởng rút quân đội Mỹ khỏi Iraq được dựa trên ý kiến cho rằng vào mùa hè năm 2010, Iraq sẽ có khả năng tự bảo vệ an ninh quốc gia trước những mối đe dọa trong và ngoài nước.

Trò chơi tiên đoán
Tất nhiên, giới lãnh đạo Iraq cần lưu tâm đến những người hàng xóm khổng lồ cũng như nguy cơ quân phiến loạn lại nổi lên trong nước. Một cách để giải quyết vấn đề với người hàng xóm khổng lồ, tức Iran, là phải tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa hai quốc gia. Với ý tưởng về khả năng đó, chúng ta cùng xem một loạt những thỏa thuận mà nhà nước Islam của người Shi’ite ở Iran có thể đạt được với nhà nước thế tục nhưng do người Shi’ite chi phối của Iraq. Khi tìm hiểu sự hợp tác có thể có giữa Iran và Iraq, chúng ta cần nhớ rằng người Islam Sunni và người Islam Shia thường vô cùng căng thẳng với nhau, đặc biệt ở những nước như Iraq nơi cả hai nhóm người này đều chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng dân số.
Dân số Iraq được chia thành hai nhóm, trong đó người Shia chiếm khoảng 65% và người Sunni chiếm 35%. Rất nhiều thành viên thuộc hai nhóm căm ghét nhóm còn lại. Sự chia rẽ này là nhân tố chính dẫn tới những cuộc nổi loạn ở Iraq và Mỹ phải thành lập đội quân CLC mà chúng ta đã nhắc đến ở Chương 2. Trong thời gian bạo loạn, nhiều người Shia sống ở vùng đất của người Sunni đã phải rời bỏ nhà cửa, đôi khi bị giết ngay khi bị quân Sunni nhìn thấy. Ngược lại, cư dân Sunni ở những nơi người Shia chiếm số đông cũng bị đuổi đi nơi khác hoặc bị giết. Mặc dù hiện tại tình hình đã ổn định hơn và nhiều người đã được trở về nhà, nhưng rất nhiều người khác vẫn đang sống lưu vong, và không khí thù địch vẫn đang lơ lửng giữa hai nhóm người, sẵn sàng bùng nổ ngay khi có dấu hiệu khiêu khích đầu tiên.
Không như Iraq, Iran không gặp phải vấn đề quá nghiêm trọng về mối quan hệ giữa người Shia và người Sunni. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì ở Iran có rất ít người Sunni. Tại đây, cứ mười người Shia mới có một người Sunni. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người Iran thân thiện hay thậm chí không phân biệt đối xử với dòng Islam Sunni. Hiển nhiên là Iran có mối quan hệ khá căng thẳng với các chính phủ Sunni ở Trung Đông nói riêng và thế giới Islam nói chung. Đặc biệt, quan hệ của Iran với Iraq vô cùng xấu trong nhiều năm Saddam Hussein cầm quyền ở Iraq. Giữa hai nước đã có một cuộc chiến tranh kéo dài tám năm, làm hơn một triệu người thiệt mạng, và cuộc chiến này đã đi đến chỗ sử dụng rất nhiều vũ khí hóa học. Không mấy người Iran và Iraq có thể quên sự kiện đó, và càng ít người muốn tha thứ cho nhau. Vì vậy việc bắc cầu nối hai quốc gia này với nhau là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục chia rẽ thì họ sẽ gặp rủi ro khá lớn.
Chính phủ Iraq do người Shia kiểm soát, đứng đầu là thủ tướng Nuri al-Maliki. Chính phủ Iraq coi Iran là một đồng minh tiềm năng, có tư tưởng tương đồng. Ngược lại, thủ tướng Iraq và những người thân cận nhất của ông lại coi đồng bào người Sunni của họ là một mối nguy, đe dọa chính quyền và tương lai của đất nước. Maliki muốn bảo vệ an ninh quốc gia, và theo dữ liệu mà hai sinh viên của tôi thu thập được thì ông ta thấy khi Mỹ giảm bớt hoặc rút toàn bộ quân đội khỏi Iraq thì xây dựng quan hệ đồng minh chiến lược với Iran chính là một cách giúp đạt được mục tiêu đó. Quan điểm lúc đầu của Maliki về mối quan hệ chiến lược với Iran nằm ở điểm số 80 trong bảng, tức là ông muốn Iran đảm bảo an ninh cho Iraq. Nhờ đó, Iraq sẽ có thể tin tưởng Iran sẽ hỗ trợ quân sự để chống lại mọi cuộc bạo loạn [của người Sunni] chống lại người Shia ở Iraq. Đây là sự bảo đảm mà chính phủ của Maliki rất cần.
Tuy nhiên, xây dựng mối quan hệ hợp tác này không hề dễ dàng. Ngoài những vấn đề phức tạp thường thấy trong mọi cuộc đàm phán quốc tế còn có khả năng chính phủ Mỹ sẽ không ủng hộ động thái này của Iraq về mặt ngoại giao. Ngoài sức ép từ phía Tổng thống Obama, chúng ta có thể tin chắc rằng những người đại diện cho lợi ích của người Sunni ở Iraq cũng sẽ kịch liệt phản đối thỏa thuận với Iran. Còn với Iran, một thỏa thuận với Iraq sẽ có lợi cho tham vọng trở thành cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực, nhưng chính phủ Iran vẫn sẽ phải cân nhắc rủi ro khi hợp tác với một chính phủ có khả năng rơi vào tay người Sunni. Mối quan hệ này có vẻ rất phù hợp để sử dụng khi đánh giá xem liệu rút quân hay đóng quân ở Iraq thì có lợi hơn cho Mỹ. Nói cho cùng, Obama không hề muốn Iran trở thành quốc gia có sức ảnh hưởng đáng kể lên chính sách của Iraq, và nếu hai nước có quan hệ chiến lược với nhau thì kết quả đó chắc chắn sẽ xảy ra.
Bảng trên cho chúng ta biết các cấp độ quan hệ chiến lược có thể có giữa Iran và Iraq sau này, và tất nhiên, chúng ta cần tiến hành trò chơi dự báo xem trong tương lai họ sẽ có quan hệ ở mức độ nào. Theo quan điểm của Barack Obama, Iraq không được thân thiện với Iran quá nhanh. Ông cho rằng lựa chọn nằm ở khoảng 0 điểm là phù hợp. Tức là chính phủ Mỹ muốn hai nước này vừa xa cách nhau lại vừa phải hòa bình với nhau – theo đúng điều khoản trong hiệp định được ký năm 1975. Nhưng Thủ tướng Nuri al-Maliki lại không muốn vậy. Ông chủ trương thiết lập mối quan hệ chiến lược tập trung giữa hai nước (điểm 80 trên thang điểm). Chính phủ Maliki cần có người bảo vệ; và nếu không được Mỹ bảo vệ thì ông chấp nhận người đó là Iran. Đối với ông, thiết lập quan hệ thân thiết với người hàng xóm khổng lồ của mình mang lại rất nhiều ý nghĩa. Nếu được tự do lựa chọn thì Maliki sẽ làm ngược lại những gì Tổng thống Obama muốn. Tất nhiên, cả Maliki lẫn các nhà lãnh đạo khác trong tương lai của Iraq đều không được tự do lựa chọn. Có vô cùng nhiều lực đẩy và sức ép từ mọi phía, vì vậy chúng ta thực sự cần một công cụ nào đó, như lý thuyết trò chơi chẳng hạn để giúp chúng ta biết tương lai sẽ ra sao.
Trong khi Tổng thống Obama thuyết phục Thủ tướng Maliki không thỏa thuận với Iran thì dữ liệu từ các chuyên gia cho thấy Giáo chủ Ali Khamenei của Iran – người lãnh đạo tối cao, có quyền phủ quyết mọi chính sách ở Iran – sẽ hoan nghênh mọi cơ hội thiết lập mối quan hệ thân thiết với Iraq, nhiệt tình hơn cả mong muốn của Maliki. Vì ông này cũng muốn hai nước có một thỏa thuận bảo vệ lẫn nhau. Ngoài ra, ông cũng muốn việc vận chuyển vũ khí và hoạt động tình báo giữa hai nước gần như không bị hạn chế. Có vẻ như Khamenei muốn tận dụng Iraq làm cơ sở để thu thập thông tin về các quốc gia Ả Rập quanh đó. Do đó, quan điểm của Obama về Iran và Iraq đã rất khác với mong muốn của lãnh đạo hai nước này.
 
 
VỀ TÁC GIẢ:
Bruce Bueno de Mesquita là Giáo sư Chính trị học, Đại học New York và là nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Hoover, Đại học Stanford. Là một chuyên gia trong lĩnh vực dự báo chính sách, kinh tế chính trị và chính sách an ninh quốc tế, ông có bằng tiến sỹ về khoa học chính trị ở Đại học Michigan năm 1971. Bueno de Mesquita được nhiều người coi là một trong những học giả có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực ngoại giao của Mỹ. Ông là tác giả của mười lăm cuốn sách và hơn một trăm bài báo cũng như vô số các bài khác trên các tờ báo và tạp chí lớn. Ông đã xuất hiện trên chương trình Today, các kênh tin tức ABC, NBC, CBS, Fox News, Bloomberg TV và al Jazeera International cũng như trên truyền hình ở Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan và nhiều nơi khác. Cuốn sách trước của ông có tên là Chiến lược vận động tranh cử, do ông viết cùng Kiron Skinner, Serhiy Kudelia và Condoleeza Rice đã được xuất bản vào tháng 8/2007. Bueno de Mesquita đã và đang là cố vấn cho nhiều tập đoàn trong lĩnh vực hợp nhất và sáp nhập, pháp lý, quy định, quan hệ với người lao động và thương thảo hợp đồng. Ông là thành viên sáng lập Mesquita & Roundell, LLC, một công ty tư vấn chuyên ứng dụng mô hình lý thuyết trò chơi của ông vào chính trị và kinh doanh.

NXB Trẻ

Các Tin Tức Khác