Hồi còn nhỏ, tôi có thói quen hay mon men tờ báo Thanh Niên mẹ mua vào lúc sáng sớm, chủ yếu là coi những tin về học đường. Nhưng một ngày nọ tôi bắt gặp một mục khác có tựa đề là “Kẻ thần bí – truyện của Nguyễn Nhật Ánh”. Tôi lập tức bị cuốn hút bởi cái tựa đề không kém phần huyền bí đó. Càng đọc tôi càng thấy hấp dẫn bởi cách viết cực kì hóm hỉnh cũng như tính cách độc đáo của Quý ròm, nhỏ Hạnh,… Và tôi đã rất thất vọng khi đọc dòng chữ cuối ở kì 21: “Vì tác giả bận đi công tác xa nên tập tiếp theo của bộ truyện Kính vạn hoa sẽ đăng trên báo Thanh Niên khi thuận tiện”. Kể từ lúc đó tôi chăm đọc báo hẳn lên, cốt lõi cũng chỉ để tìm phần tiếp theo của bộ truyện Kính vạn hoa theo lời hứa hẹn ở kì cuối.
Cho đến một ngày
kia, khi tôi đang rảo bước trong nhà sách thì bắt gặp tấm áp-phích “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh- Nguyễn Nhật
Ánh” . Tôi cảm thấy ngờ ngợ vì mình cảm thấy cái tên đó nghe quen quen,
nhưng rồi tôi nhớ ra ngay đó là tác giả của truyện Kẻ thần bí hôm nào mình vẫn say mê. Như một bản năng, tôi mua ngay
một cuốn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh về
đọc, và một lần nữa tôi lại bắt gặp giọng văn dí dỏm nhưng không kém phần hấp dẫn,
lôi cuốn của tác giả.
Kể từ lúc đó tôi
như cục sắt, sách của chú Ánh như nam châm; nam châm đi đâu, sắt đi tới đó. Tôi
bắt đầu sưu tầm truyện của chú. Đầu tiên là bộ sách viết cho tuổi mới lớn có
bìa màu vàng, sau đó lần lượt là Cho tôi
xin một vé đi tuổi thơ, Tôi là Bêtô,
Lá nằm trong lá, Đảo mộng mơ, Chuyện xứ Lang
Biang, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ,
Người Quảng đi ăn mì Quảng, Sương khói quê nhà. Tuy nhiên lại không
có một cuốn Kính vạn hoa nào cả, một
phần vì tôi đã xem trên tivi, phần khác như người ta hay nói: “Cái gì hay nhất
thường để sau cùng”. Bởi thế mãi đến khi đọc xong cuốn Ngồi khóc trên cây, tôi mới có dịp sưu tầm 9 cuốn của bộ truyện Kính vạn hoa. Và tôi quyết định tới thẳng
“trụ sở” là tiệm sách Kính Vạn Hoa để tìm mua, vừa khỏi lo thiếu cuốn nào, lại
biết đâu gặp được chú thì sao!!!
Thế là cứ tầm
khoảng 18h40 thứ ba hàng tuần, tôi lại xuất hiện ở trước cửa tiệm sách Kính Vạn
Hoa. Vừa mở cửa bước vào tôi bỗng có một cảm giác là lạ, một tiếng chuông gió rất
nhẹ tựa cơn gió thổi vào tai tôi, một bầu không khí se se lạnh. Tôi có cảm giác
như mình vừa đến một vùng quê êm đềm, nhẹ
nhàng, hoàn toàn không có tiếng ồn ào, tấp nập và vội vã như bên ngoài mặc dù
chỉ cách nhau có một cái cửa kính.
Tôi rảo bước qua
các kệ sách, bất chợt cảm thấy có một cái gì đó nao nao trong lòng, cái cảm
giác thân quen kì lạ kia cứ cuốn chặt lấy tâm hồn tôi, khiến tôi nhớ đến thời
còn đang xin mẹ mua từng cuốn một, sau đó lại nhớ đến các nhân vật trong các cuốn
truyện của chú, nào là Hà Lan, Tiểu Li, Quỳnh, bộ ba Xuyến – Thục – Cúc Hương…
tất cả như một dòng sông chảy dài trong kí ức tôi. Những tác phẩm của chú chính
là những cây bút màu tô vẽ cho cảnh vật xung quanh thêm phần màu sắc và sinh động,
khiến tôi cứ thầm mong dòng sông sẽ chảy chậm lại một chút, để tôi có thể cảm
nhận chúng rõ hơn. Nhưng tôi không ở lại lâu được bởi còn phải đi học, thế là
tôi đành cầm lấy một cuốn Kính vạn hoa, tính
tiền với một tâm trạng đầy tiếc nuối, như một đứa trẻ được cha mẹ dẫn đi chơi,
đôi khi thường muốn ở lại chơi lâu hơn nhưng bị từ chối.
Tôi thở dài khi
mở cửa bước ra, lòng cứ buồn mênh mang.
Sắp tới đây tôi
sẽ nghỉ học thêm, chắc ít có cơ hội được ghé lại tiệm sách Kính Vạn Hoa. Nhưng tôi
vẫn hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ có dịp ghé qua trạm dừng chân trong tâm hồn tôi để được bồi hồi nhớ lại những điều
đã qua.
NGUYỄN QUANG
THIÊN VINH
(TPHCM)