Marcelo là một cậu bé 17 tuổi mắc chứng tự kỷ nhẹ - dạng rối loạn chức năng nhận thức. Để Marcelo có thể hòa nhập vào đời sống, cha cậu đã thu xếp đưa cậu vào làm việc tại phòng văn thư trong công ty luật của ông suốt kỳ nghỉ hè. Tại đây, cậu bé Marcelo nhút nhát - vốn chỉ thoải mái khi chơi với bầy ngựa con, lắng nghe tiếng nhạc trong đầu và ngủ một mình trong ngôi nhà cây - lần đầu tiên tiếp xúc với một thế giới rộng lớn. Nơi đó có những cô thư ký xinh đẹp và đỏng đảnh, gã sinh viên luật Harvad suốt ngày chỉ nghĩ đến những chuyến du hí trên thuyền buồm, những luật sư tận tụy lẫn cơ hội chỉ biết tranh thủ mọi quyền lợi về mình… Đặc biệt, thế giới của Marcelo gần như thay đổi khi bắt gặp tấm ảnh của Ixtel – nhân chứng, kẻ bị hại bí ẩn của một vụ kiện gần như đã rơi vào quên lãng. Với sự mách bảo của trái tim mình, cộng với sự giúp đỡ tận tình của cô văn thư xinh đẹp Jasmine, cậu bé Marcelo tự kỷ nhưng có tâm hồn trong sáng, hướng thiện đã giúp Ixtel tìm lại công lý. Và đó cũng là cách để cậu khám phá những tiềm năng của mình, nhìn thấy ý nghĩa cuộc đời, nhận chân những giá trị mà trước đây cậu chưa hề biết… Thế giới dưới góc nhìn của cậu bé Marcelo gởi đến cho bạn đọc những thông điệp về giá trị sống, tình yêu thương, sự trung thực và niềm tin. Đó là một thế giới tươi đẹp mà tất cả chúng ta đều có thể góp một tay vào xây dựng nếu có một tâm hồn vị tha, hướng thiện, yêu thương cuộc sống và quý trọng chính bản thân mình – dù có những lỗi lầm hay khiếm khuyết. Mời bạn cùng đọc đoạn trích chương 1
“Marcelo, cháu đã sẵn sàng chưa?”
Tôi khẽ đưa ngón tay cái của mình lên. Vậy nghĩa là tôi đã sẵn sàng.
“Tốt, ta sẽ đưa cháu vào ngay bây giờ.”
Và vị bác sĩ đẩy tôi vào bên trong hầm máy. Tôi thích cái cảm giác bên trong này. Mắt tôi nhắm lại, dù ánh sáng chẳng đủ gây tổn hại gì.
“Ngay khi cháu nghe tiếng nhạc trong đầu, đừng quên đưa ngón tay của mình lên.” Tiếng bác sĩ Malone vọng ra từ cái loa trong hầm.
Tôi chờ tiếng nhạc cất lên. Khi nào cũng vậy. Phần khó nhất là phải nhớ đưa ngón tay lên. Bác sĩ Malone và Toby có thể quan sát tôi từ phòng điều khiển, qua một cái camera nhỏ xíu.“Marceo, Marcelo.” Tôi nghe thấy tiếng Toby từ đâu đó. Tôi thích Toby. Mặt chú đầy tàn nhang. Toby là bác sĩ y khoa, như bác sĩ Malone, nhưng chú ấy chẳng bao giờ cho tôi gọi chú là “bác sĩ”. Một lần tôi gọi như vậy, chú sửa lại và bảo, “Chỉ cần gọi chú là Toby thôi.”
“Sẵn sàng nghe nhạc ‘thật’ chưa?” Chú ấy hỏi khi đẩy tôi ra.
“Rồi ạ.” Tôi trả lời. Nhạc “thật” với chú ấy là nhạc ở trong cái loa của máy. Còn tiếng nhạc trong đầu tôi nãy giờ không được xem là “thật”.
Toby đang cầm một tờ giấy liệt kê nhiều loại nhạc “thật”. “Hôm nay mình chọn từ mặt này nhé?”
“Được ạ,” tôi nói. Ở cuối trang giấy có rất nhiều bài nhạc rock. Loại nhạc yêu thích của Toby. Tôi không biết bất kỳ bài hát hay nhạc sĩ nào trong số đó. Cuối cùng, tôi chọn đại một bài của Santana, đơn giản vì tên nhạc sĩ này nghe giống tên của tôi, Sandoval. Tôi cũng thích cái tựa bài hát, The Calling. “Tuyệt,” chú Toby nói. Nụ cười trên gương mặt chú cho thấy tôi đã chọn đúng bài hát. “Santana và Clapton hát cùng nhau. Tuyệt.”
Tuyệt, tôi lẩm bẩm. Tôi sẽ ghi nhớ từ này để diễn đạt khi mình thích một cái gì đó.Một lát sau Toby quay lại với tờ danh sách. Chú cau mày. “Cháu phải chọn từ mặt này. Lão kia nghĩ là nhạc rock sẽ làm cho vấn đề của cháu tệ hơn.” Toby đưa mắt nhìn lên bác sĩ Malone, đang đứng ở phòng máy và loay hoay với mấy cái nút điều khiển. Tôi thật sự không hiểu chính xác nét mặt của chú Toby có ý nghĩa gì.
Tôi nhanh chóng chọn Largo của Beethoven trích từ bản giao hưởng số 3 cho Piano. Tôi thích những giai điệu đơn giản. Và hơn nữa, tôi biết nó chỉ ngắn có mười phút.
Toby đẩy tôi vào lại bên trong hầm máy.
“Tiếng nhạc trong đầu cháu như thế nào?” Bác sĩ Malone hỏi khi tôi ra khỏi hầm máy. Tôi dừng buột dây giày để suy nghĩ về câu hỏi. Nhưng không thể diễn tả được tiếng nhạc ở trong tôi như thế nào. (Tôi thích dùng từ “trong tôi” hơn là “trong đầu” khi đề cập đến âm nhạc. Sự thật là tiếng nhạc đó, gọi ngắn gọn là IM[1], ở trong đầu tôi không có nghĩa là đầu tôi tạo ra nó.) Tiếng nhạc trong đầu cháu như thế nào? Đã bao lần bác sĩ Malone hỏi tôi câu đó, và đã bao lần tôi không thể trả lời được? “Tuyệt,” tôi trả lời. “Nó rất tuyệt.” Tôi nhìn tìm Toby, nhưng chú ấy đã ở trên phòng điều khiển.
“Ý cháu là nó nghe dễ chịu? Tiếng nhạc làm tai cháu dễ chịu?”
“Cháu không nghe bằng tai.” Và tôi nhận ra rằng “tuyệt” không phải là từ chính xác. Tiếng nhạc làm tôi dễ chịu, đúng vậy, nhưng không chỉ dừng ở đó.
“Nếu không phải tai, thì cháu nghe bằng cái gì?”
Sao tôi có thể diễn tả được? Nó giống như là nghe nhạc bằng tai nghe với âm lượng rất lớn. Tiếng nhạc dường như chỉ phát ra từ trong trí óc của tôi. Nhưng là một cảm giác rất thật. “Nó như là...” Tôi nói với bác sĩ Malone. Bất chợt một hình ảnh hiện ra trong đầu tôi. “... một quả dưa hấu lớn.”
“Cái gì?” Một trong những lý do tôi thích bác sĩ Malone là vì nét mặt của ông rất rõ ràng và dễ hiểu. Như lúc này đây, là một ví dụ cho “sự thất bại”.
Tôi nói rõ thêm về hình ảnh trong đầu mình. Đây là lần đầu tiên tôi kết nối hình ảnh như thế này, nên không chắc là nó sẽ dẫn tôi đến đâu. “Khi tiếng nhạc trong Marcelo cất lên, Marcelo là một trong những cái hạt. Nhạc chính là phần còn lại của quả dưa hấu.” Bác sĩ Malone cau mày lại. Chính xác hơn là vừa-cau-mày-vừa-cười, như là ông đang cố gắng giữ vẻ nghiêm túc trên gương mặt vậy. “Cháu có biết là cháu đang cố gắng diễn tả chính xác cái từ đó là gì không? Rất tốt. Cách đây một năm, cháu không làm được vậy. Paterson đúng là một nơi tốt cho cháu.”
Paterson. Tôi nhìn đồng hồ. Sau khi gặp bác sĩ Malone, mẹ Aurona sẽ lái xe đưa tôi đến Paterson để xem chú ngựa con mới đẻ ngày hôm qua. Harry (tên thường gọi của ông Killhearn, chủ chuồng ngựa ở Paterson) gọi sáng nay và báo cho mẹ Aurona rằng chú ngựa đã ra đời lúc 2 giờ 35 phút sáng. Tôi đã năn nỉ Aurona chở tôi đi hôm nay dù mẹ làm việc suốt cả ngày ở bệnh viện. Tôi có lẽ phải đợi hai ngày cho đến thứ Hai, khi tôi bắt đầu công việc chăm sóc ngựa mùa hè này, nhưng làm sao mà chờ được chứ. Tôi đã mong được ở đó biết bao khi chú ngựa ra đời, và từng giờ hôm nay trôi qua như cả tuần vậy. Còn nửa tiếng nữa thôi là xong cuộc hẹn với bác sĩ Malone, tôi nhủ thầm trong bụng. Thỉnh thoảng vẫn quá giờ, và tôi phải chắc chắn lần này không được như vậy. Bác sĩ Malone nói tiếp. “Quay lại với vụ nhạc nhẽo. Vậy thì âm nhạc trong đầu cháu có nội dung gì? Nghe có giống nhạc bình thường không? Và có giai điệu không?”
“Có và không,” tôi trả lời. Tôi ghét phải trả lời mơ hồ thế này. Giải thích một cách mơ hồ trong trường hợp này rất giống (và phản ứng nhanh) như là tôi biết chính xác nội dung vậy.
“Được rồiii,” bác sĩ Malone nghiến răng. “Chỗ nào nghe giống nhạc bình thường?”
Tôi nhắm mắt lại và mường tượng ra hình ảnh một cây đàn violon to như Trái đất và cái vỹ dài như dải Ngân Hà, kéo từng sợi dây đàn lúc chậm lúc nhanh.
Giọng của bác sĩ Malone vọng lại từ đâu đó. “Âm nhạc là phải có giai điệu, nhịp phách. Tiếng nhạc cháu nghe trong đầu có chút gì như vậy không?”Bây giờ thì tôi lại nghĩ về công việc trong hè và tôi sẽ xoay xở như thế nào bên lũ ngựa suốt cả ngày dài. Quay lại với bác sĩ Malone và những câu hỏi của ông ta. Tôi tự nhủ thầm, mình được trả tiền nếu trả lời câu hỏi. Mình phải làm nhanh hết sức có thể. Hơn nữa, tôi cũng không ghét gì bác sĩ Malone và chú Toby.“Cũng không hẳn ạ.”
“Cháu nhẩm theo được không?”
“Không ạ.”
“Vậy thì đó không phải là âm nhạc rồi.”
“Đó là những cảm giác về âm nhạc mà không có âm thanh.” Chính xác. Đó chính xác là cách thể hiện ngôn ngữ mà bác sĩ Malone muốn.
“Cảm giác như thế nào?”
Tôi chẳng biết gọi cảm giác đó là gì. Thỉnh thoảng nhạc nhanh và sôi động, tôi gọi đó là “hạnh phúc”. Thi thoảng nhạc chậm hơn và trầm hơn, tôi gọi là “buồn”. Nhưng đa phần thì nhạc yên ả một cách lạ thường. Tuyệt. Tôi thích từ đó.
“Marcelo! Tỉnh táo lại nào. Chúng ta gần xong rồi. Những cảm giác về âm nhạc mà không có âm thanh này luôn ở sẵn trong đầu cháu phải không?”
“Dạ. Khi cháu tìm chúng. Khi Marcelo tìm kiếm những cảm giác đó, chúng luôn luôn hiện hữu ở đó.”
“Cháu tìm ở đâu?”
“Ở đây.” Tôi sờ vào sau ót, phía trên cổ.
“Có khi nào những âm thanh này đến với cháu khi cháu không muốn hay vẫn còn tồn tại khi cháu không muốn chúng tồn tại?”
Tôi suy nghĩ về câu hỏi. Thật sự là âm nhạc luôn luôn ở trong tôi. Như lúc nãy thôi, khi tôi cố gắng diễn tả cho bác sĩ Malone, tôi đã muốn đắm chìm vào âm nhạc trở lại. Và khi đã theo rồi, thì thật khó để dứt ra. Nhưng đây không phải là những gì tôi trả lời bác sĩ Malone. Tôi không chắc mình có tìm được đúng từ để diễn đạt những suy nghĩ này không. Thay vào đó, tôi nói, “Nếu điều đó xảy ra, Marcelo sẽ rất tức giận, đúng không?”
Bác sĩ Malone vừa cười vang vừa gật gật đầu. Ông luôn luôn thử nghiệm, nghiên cứu, trong khi vẫn phải để mắt xem sức khỏe tinh thần của tôi thế nào. Dù ông đưa ra những câu hỏi khó nhằn và hài hước tẻ nhạt, tôi vẫn không phiền chút nào khi đến gặp ông. Thật ra tôi đã làm điều này sáu tháng một lần từ hồi năm tuổi, tức là cho đến bây giờ, khi tôi đã mười bảy tuổi, tôi đã gặp bác sĩ Malone hai mươi lăm lần. Thường thì mỗi lần gặp kéo dài hai tiếng đồng hồ, và chỉ để làm ba việc: Một, bác sĩ cần chắc chắn rằng não của tôi vẫn hoạt động bình thường. Hai, thu thập những thông tin để giúp đỡ những người thật sự cần đến nó. Và cuối cùng, kể từ năm ngoái, tôi được trả ba trăm đô mỗi lần gặp theo quy định của khoản tài trợ mà ông được nhận.
Ông tiến đến phòng điều khiển và tôi đi theo sau. “Thật kinh ngạc!” Ông thốt lên sau khi quan sát kĩ càng hai màn hình máy tính. “Tới đây nào, ta muốn cháu xem cái này.”
Tôi lách vào, đứng giữa bác sĩ Malone và Toby. Bác sĩ Malone hồ hởi: “Đây là hình ảnh của não cháu khi cháu nghe tiếng nhạc trong đầu mình, và còn hình này là khi cháu đang nghe, hoặc ghi nhận thông tin ta đưa vào, từ nhạc thật. Cháu thấy không?
Tôi nhìn hai bức hình chụp não tôi. Mỗi hình đều có những đốm xanh đỏ rải đều khắp nơi. “Khi cháu nghe nhạc “thật”, cả hai phần não ở thái dương đều tiếp nhận thông tin”. Bác sĩ Malone chỉ vào mảng sáng đỏ tươi trên phần não chụp ra ở màn hình máy tính. “Nhưng nhìn bên này xem, khi cháu nghe nhạc trong não mình, có thứ gì đó gợn lên trong trung khu điều khiển thân nhiệt, cháu biết đó, đó là phần não nguyên thủy mà tổ tiên chúng ta phản ứng trước xung đột hoặc tự vệ.”
“Toàn bộ trung khu thần kinh xung đột với nhau như một trận pháo hoa vậy. Ở khoảng này này!” Toby vừa nói, vừa chỉ vào bức hình não ghi nhận IM.
Bác sĩ Malone nhìn tôi chằm chằm: “Cháu mải mê với thứ gì đó, chứ không phải cháu đang ‘nghĩ’”. Rồi ông nói với Toby, “Toby, tìm xem trong đống thử nghiệm với mấy con mèo nào, cậu biết rồi đó, kiểm tra lại những bài kiểm tra người ta thực hiện đối với những con mèo ấy. Mấy mẫu kiểm tra mà ở đó người ta chiếu chúng trong khi một người đung đưa sợi dây trước mặt chúng. Tôi nghĩ trung khu điều khiển thân nhiệt cũng bị ảnh hưởng ở đó”
Tôi không ngăn nổi mình nở một nụ cười. Tôi thích cái ý nghĩ so sánh não mình như của mèo! Nó làm tôi nhớ đến chú Hector của tôi cái lần chú ấy đang dạy tôi tập tạ. Chú yêu cầu tôi tập trung vào các cơ bắp mà tôi đang gồng lên như con sư tử theo dõi kẻ đột nhập tới gần hang ổ của nó.
Mẹ Aurora đợi tôi ở hàng ghế đợi. Tôi bước chậm rãi về phía bà, hy vọng sao bà đừng tốn thời gian hỏi han quá nhiều với bác sĩ Malone những câu hỏi quá cũ. Tôi muốn tới Paterson ngay lập tức. Harry không phải là mẫu người kiên nhẫn. Ông đã hứa giao cho tôi công việc chăn chuồng ngựa khi có lần trông thấy tôi xoay sở khá ổn với mấy con ngựa giống Pony, chăn thả chúng sau giờ học. Nhưng nhiều đứa trẻ khác ở Paterson khát khao có được công việc này, dĩ nhiên, một công việc quá ngon lành cho mùa hè tuyệt vời ấy chứ! Điều này càng làm tôi căng thẳng vì lo không đến được đúng giờ.
Dù chân tôi đã chạm cửa, mẹ Aurora vẫn điềm nhiên đợi bác sĩ Malone đi ra.
“Ừm...” Bà dợm hỏi, “Hôm nay được gì không hả bác sĩ?”
“Hoàn toàn không.” Bác sĩ trả lời. Đột nhiên tôi nhận ra rằng mình đã cao hơn ông.
“Bố nó muốn gửi nó đến trường trung học bình thường đầu năm tới.” Mẹ Aurora dợm chuyện.
“Không!” Ngay lập tức tôi la lên, tiến ngay đến chỗ hai người.
“Con trai, ta hiểu cảm giác con thế nào.” Giọng mẹ Aurora đều đều. “Ta muốn nghe ý kiến của bác sĩ đây nữa”
Bác sĩ Malone thoáng chút ngập ngừng. Ông biết tôi sẽ phản ứng thế nào nếu buộc phải rời Paterson để đến một ngôi trường xa lắc xa lơ nào đó. “Dĩ nhiên là cậu ấy đã sẵn sàng. Đáng ra cậu bé nên học trường thường từ lớp mẫu giáo rồi ấy chứ. Dĩ nhiên... dĩ nhiên rồi.” Rồi ông nhìn vào mắt tôi, nói, “Ta xin lỗi con, cậu bé ạ”
Tôi dán mắt vào cái lỗ nhỏ xíu dưới sàn khi cố tìm ra lý do để chống chế rằng trường thường ấy hoàn toàn không hợp với tôi. Aurora ra chiều an ủi tôi, “Đó mới là ý định thôi, chỉ có thể là con sẽ phải học ở đó. Con đã sẵn sàng, không có nghĩa là chúng ta sẽ làm ngay. Mình sẽ bàn bạc lại nữa cơ mà”
“Nhưng con đã mười bảy rồi!” Tôi ngập ngừng.
“Thì sao?” Mẹ Aurora nhíu mày.
“Nghĩa là con được quyền quyết định cho mình!” Tôi tập trung hết dũng khí nhìn thẳng vào mẹ Aurora rồi sang bác sĩ Malone. “Con được phép chọn cho mình tiếp tục học lại trường ở Paterson, nơi mà con thuộc về.”
“Chà, ta nghĩ là ta cần phải nói điều này...” Bác sĩ Malone nói.
“Liệu con có thực sự lớn lên đúng độ tuổi giống như những-đứa-mười-bảy-tuổi-khác không chứ gì?” Tôi vẫn nhìn thẳng vào bác sĩ.
Ông gật đầu. “Độ tuổi lớn? Chẳng có nghĩa lý gì cả. Mỗi người là một cá thể khác biệt. Nếu phải nhận xét, ta thấy có khi con già dặn hơn những đứa trẻ bằng con bây giờ.”
Mẹ Aurora mỉm cười.
Bác sĩ Malone luôn như vậy, ông chả bao giờ trả lời dễ dãi đối với những câu hỏi phức tạp chỉ để người khác cảm thấy thoải mái. Điều quan trọng, ông biết cái gì thực sự cần cho tôi – Ở lại Paterson!
“Sẽ tốt hơn nếu có nhiều trải nghiệm khác biệt ở nhiều môi trường khác nhau.” Mẹ Aurora vẫn cố vớt vát.
“Bà biết tôi nghĩ gì mà.” Bác sĩ nói với mẹ Aurora “Tôi không tin tưởng lắm vào sự chịu đựng. Bởi nếu một đứa trẻ đang hạnh phúc thực sự, hiểu biết và được trông đợi, nó sẽ sống hết mình vì điều đó. Paterson luôn là nơi mà Macrelo cần tới. Hãy xem những kết quả khảo sát đi.”
Tuyệttttt!! Cám ơn bác, bác sĩ Malone. Tôi nhủ thầm.
“Mmm...” Mẹ Aurora định nói gì, nhưng vừa thốt lên lại thôi.
“Mmm’ nghĩa là sao hả mẹ?” Tôi phập phồng nhìn mẹ Aurora, rồi sang bác sĩ Malone.
Cuối cùng, bác sĩ Malone quyết định trả lời thẳng vào câu hỏi, “Con hỏi đúng nơi rồi, ở khoa này ai cũng hiểu được sự chần chừ ấy của mẹ con. ‘Mmm’ ấy chính là sự cân nhắc của bà khi còn quá nhiều điều con cần phải học, và, nếu được chọn con sẽ chọn những cái mà con cần đến. Phải điều này làm bà đang lưu tâm đến, đúng không?”
“Phải.” Mẹ tôi trả lời.
“Mmm...” Lần này thì tôi bắt chước mẹ. Không có nghĩa là tôi đang vui.
[1]. IM: initial music – một loại nhạc chỉ xuất hiện trong não những bệnh nhân bị rối loạn ảo giác .
Còn tiếp