Thu Giang Nguyễn Duy Cần (1907-1998): Ta lại là ta...
Cập nhật ngày:
15/04/2013
Hiếm tác giả nào có kiến quan rộng lớn và tầm ảnh hưởng nhiều thế hệ như Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Một đời người, ít nhất 24 (1) cuốn sách bao quát kim - cổ, Đông - Tây, đạo - đời... đã trở thành hành trang tri thức của bao thế hệ người Việt. Kỳ diệu thay, những tập sách của ông vẫn nằm trong số các tựa sách bán chạy nhất khi NXB Trẻ đầu tư tái bản kể từ tháng 10-2011. Một tọa đàm "Tư tưởng từ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần và vấn đề lập thân trong giới trẻ" cũng sẽ được NXB Trẻ tổ chức vào ngày 18-4 này.
Một người thầy...
Thật khó để liệt kê và diễn tả hết những cái hay, cái tinh túy mà người đời có thể học hỏi qua những tác phẩm của Thu Giang.
Có những điều ta tưởng như đã biết, nhưng rồi bỗng nhìn nhận ở một chiều sâu khác và phát hiện những nét đẹp mới. Lẽ sống của ta là gì? Chân giá trị của sự vật nằm ở đâu? Nên nghĩ sao về "lẽ trời", về vấn đề thiện ác? Thế nào là đại giác, và thế nào là tiểu giác? Con đường giải thoát nằm ở đâu? (2), Thu Giang mượn nhiều tích xưa để triết giải. Cách viết của ông súc tích, cô đọng, giàu chất văn chương, thấm vào lòng người, từ đó tạo ra sự thuyết phục và lòng kính trọng đối với một bậc tôn sư.
Hãy xem ông viết về đời người và hư danh:"Ừ! Cuộc đời rồi cũng... chẳng qua là một giấc mộng. Những cuộc doanh hư tiêu trưởng, thành đạt, đắc thất ở đời nào đâu phải chỗ sở cầu của con người mà được. Đó chẳng qua là cái luật thăng trầm, như ngày đêm tiếp tục mãi mà không thôi vậy. Hễ "vật cực tắc phản, vật cùng tắc biến", đấy là cái luật lạnh lùng của tạo hóa, không ai có thể cưỡng cầu..."(3).
Riêng số lần tái bản các tác phẩm của Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã nói lên nhiều điều: Cái dũng của thánh nhân tái bản 13 lần; Óc sáng suốt 12 lần; Thuật xử thế của người xưa 14 lần; Tôi tự học 11 lần; Thuật yêu đương 12 lần... |
Khi viết về những vấn đề tinh tế, Thu Giang Nguyễn Duy Cần không né tránh những ẩn dụ phức tạp hay tìm cách đơn giản hóa. Ông không quan tâm đến số lượng độc giả nhiều hay ít mà luôn đau đáu với việc độc giả có hiểu những gì mình viết ra hay không. Và điều thú vị là ông luôn chừa lại những mảnh đất để người đọc tự kiến giải và suy nghĩ.
Ông viết:"Một cuốn sách mà mình thích đọc là vì nó với mình có nhiều chỗ cảm ứng mật thiết với nhau. Khi cho in cuốn sách, bản tâm soạn giả bao giờ cũng muốn cùng độc giả san sẻ tư tưởng về một vấn đề nào"(4).
Đọc sách của Thu Giang thường xuyên phải suy ngẫm, mà mỗi lần đọc lại thì càng thấy thêm ý nhị, sâu sắc.Cái cười của thánh nhânkhông phải là tập hợp những chuyện vui hài. Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết:"Sức mạnh ẩn chứa trong tiếng cười có thể phá tan những giá trị sai lầm của mọi thời đại"(5).
Ta đọc một lần vẫn chưa cười nổi, rồi đọc lần hai, lần ba, cuối cùng cũng cười mỉm được rồi, thì ấy đúng là tâm nguyện của Thu Giang, đánh thức vị thánh nhân ở trong mỗi người đọc. Mà khi cầm cuốn sách của Thu Giang lên, trong ta đã có vị thánh nhân ẩn náu rồi đó thôi.
...người bạn tâm giao
Nhưng Thu Giang Nguyễn Duy Cần không chỉ viết cho người yêu thích thuật tư tưởng hay mộng làm thánh nhân. Ông viết cả những sách "học làm người". Khác với một Nguyễn Hiến Lê cặn kẽ, ân cần, mạch lạc, sách của Thu Giang có phần nghiêng về "tâm pháp" (hay về "thuật") nhiều hơn. Ví dụ, ông chỉ dẫn cho người đời biết yêu thương bằng cách giữ gìn và trân trọng những giá trị bất biến xưa nay. Đó bao gồm cả những điều bổ ích mà giới trẻ ngày nay dường như đã phần nào quên lãng trong nhiễu nhương, bộn bề của cuộc sống hiện đại.
"Lòng yêu vị tha của người đàn bà là một sự cần thiết cho giống nòi. Thiếu nó, nhân loại sẽ không bao giờ tồn tại"; "Yêu có nghĩa là hi sinh và âu yếm. Hi sinh là yếu tố căn bản, nhưng nếu thiếu âu yếm thì tình yêu không đậm đà. Yêu mà thiếu âu yếm là một tình yêu còn thiếu sót lớn đối với người đàn bà. Còn âu yếm mà không có lòng hi sinh thật là một tình yêu giả dối"(6).
Thu Giang Nguyễn Duy Cần là một người tự học. Ông chỉ tốt nghiệp bằng thành chung (tương đương lớp 9 hiện nay) nhưng chính bằng con đường tự học mà trở thành một học giả danh tiếng, được mời dạy tại nhiều trường đại học lớn và được sự trân quý của rất nhiều môn sinh, độc giả.
Ông từng viết về mình:"Tác giả là người đã vất vả rất nhiều trong con đường học vấn. Trước đây, tác giả là người rất kém về trí nhớ, lại cũng kém cả thông minh và sức khỏe... Sở dĩ sau này có được chút ít học vấn, dù nông cạn đến đâu cũng đều nhờ công phu tự học cả"(7). Hai tác phẩm chủ đề tự rèn luyện của ông (Óc sáng suốtvàTôi tự học)do đó đầy ắp những sẻ chia tâm huyết, cần thiết biết bao để lớp trẻ làm hành trang vào đời.
"Điều kiện thuận tiện nhất cho một người cố tâm học hỏi là phải có một đời sống đơn giản nhất... Đời sống đơn giản tức là cái nếp sống tổ chức theo một quan niệm nhìn thấy cái gì là chính cái gì là phụ trong đời, biết quý cái cần thiết mà bỏ qua những cái không cần thiết"(7);
"Học hỏi là một việc không biết đến đâu là cùng, còn sống ngày nào là còn phải học ngày đó"(7);"Học mà đến mức gần như quên hết cả sách vở của mình đã học, cái học ấy mới gọi được là cái học "tinh nghĩa nhập thần"(7);"Quan sát, tức là biết lựa chọn những cảm giác nào có ích cho ta, những cái vô ích đều phải biết bỏ ra ngoài vòng của trí thức. Nếu bất kỳ cảm giác nào cũng nhận thức cả, tâm trí ta càng thêm hỗn độn mịt mờ"(8).
...và là mỗi chúng ta!
Làm người thật khó. Đọc sách một đời cũng chưa chắc đi đến cái thẩm mỹ, cái chân thiện, hay... cái đạo làm người. Sẽ tốt hơn biết bao khi ta biết nên đọc gì, khi ta được người chỉ dẫn, biết lọc ra cái tinh hoa, tinh túy để hiểu cái cơ bản vận chuyển của trời đất, thế gian. Chia sẻ suy nghĩ này ta sẽ thấy tủ sách của Thu Giang Nguyễn Duy Cần chính là thứ ta cần.
Lão Tử đạo đức kinh, Lão Tử tinh hoa, Trang Tử tinh hoa, Tinh hoa đạo học Đông phương, Nhập môn triết học Đông phương, Chu dịch huyền giải...là những kho tàng kiến thức được chắt lọc, giúp cho ta mở mang nhận thức đến mức chính ta cũng khó lường.
"Khi người ta tìm TA trên cao, TA ở dưới thấp, khi họ tìm TA dưới thấp, TA ở trên cao. Khi không ai tìm TA cả, TA ở cùng khắp. Khi họ tưởng họ hiểu TA, họ không hiểu TA đâu, khi họ tưởng họ hiểu TA qua đối lập TA, họ lại càng không hiểu TA nữa. TA làm cho lý nẩy sinh trong tình, và tình nẩy sinh trong lý"(9).
Một tủ sách uyên bác, thâm thúy mà cũng gần gũi, thân thiết với ta biết bao. Và cũng giống như với bao tác giả lớn, ta càng đọc Thu Giang Nguyễn Duy Cần lại càng thấy mình nhỏ bé. Nhưng biết đâu ta thấy mình nhỏ bé chừng nào thì người khác lại càng thấy ta lớn lên chừng đấy... mà thật sự ta cũng chẳng còn quan tâm đến điều đó nữa rồi.
TUẤN VIỆT
(Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
____________
(1) 24 tác phẩm của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, xuất bản lần đầu từ năm 1935 đến năm 1974, bao gồm: Duy tâm và duy vật; Toàn chân triết luận; Thanh Dạ Văn Chung; Cổ nhân; Cái dũng của thánh nhân; Óc sáng suốt; Thuật tư tưởng; Thuật xử thế của người xưa; Trang Tử tinh hoa; Văn minh Đông phương và Tây phương; Tôi tự học; Thuật yêu đương; Một nghệ thuật sống; Lão Tử đạo đức kinh; Lão Tử tinh hoa; Trang Tử tinh hoa; Tinh hoa đạo học Đông phương; Nhập môn triết học Đông phương; Để thành nhà văn; Phật học tinh hoa; Văn hóa và giáo dục miền Nam Việt Nam; Cái cười của thánh nhân; Dịch học tinh hoa; Chu dịch huyền giải.
(2) Một nghệ thuật sống.
(3) Thuật xử thế của người xưa, phần phụ lục - Tâm sự của Khuất Nguyên.
(4) Tôi tự học.
(5) Cái cười của thánh nhân.
(6) Thuật yêu đương.
(7) Tôi tự học.
(8) Óc sáng suốt, chương thứ nhất - Thuật quan sát.
(9) Tinh hoa đạo học Đông phương, phần phụ lục - Tiếng nói của hư vô.