1. Đang lướt web thì chị bỗng dưng nhớ đến mẹ và bật khóc tu tu giữa đêm khiến chồng chị lo lắng, còn các con thì trố mắt nhìn mẹ như nhìn một người xa lạ. Lần đầu tiên cả nhà thấy chị khóc.
Đúng là đồ... đàn bà. Chồng chị bật cười sau khi biết nguyên nhân. Số là chị đang lướt web đến đoạn Pax Thiên không về thăm nhà. Nhà của cậu là Trung tâm Tam Bình ở đâu đó trong Nam mà giờ đây có lẽ cả thế giới đều biết vì nó là nơi nuôi dưỡng cậu bé bị bỏ rơi may mắn nhất hành tinh. Tất nhiên, chị không ghen tị với cậu. Chị nghĩ bất cứ đứa trẻ bất hạnh nào như cậu đều xứng đáng được bù đắp như thế.
Nhưng việc cậu về nước mà không về thăm nơi đã nuôi dưỡng cậu thì không được. Mà cũng tại cái bà mẹ nuôi vô tâm của cậu ấy kia, chứ cậu ấy mới có tí tuổi, chưa bằng thằng lớn nhà mình, thì đã biết nghĩ gì đâu? Đã thế báo Tây lại đăng tin vịt là cậu được hội ngộ với bà ngoại. Trên mạng, chuyện này bị “còm” (comment) nhiều lắm. Mà sao không ai nói đến chuyện cho cậu được gặp mẹ đẻ nhỉ. Mẹ cậu vẫn sống sờ sờ ra đó cơ mà. Mẹ cậu lúc khó khăn đã phải gửi cậu vào nhà tình thương, nhưng là người mang nặng đẻ đau ra cậu, chắc mẹ cậu cũng nhớ cậu lắm. Mẹ cậu cũng là người biết nghĩ và biết mình có lỗi với cậu nhiều, nên chẳng thấy lên tiếng đòi hỏi điều gì.
Lẽ ra Pax Thiên phải được về thăm mẹ, chị kết luận.
2. Thế thì có gì chị phải khóc tu tu lên? Ấy là vì, chị chợt nhớ ra, đã cuối tháng Mười một dương rồi, nghĩa là đã suýt soát 1 năm, từ Tết, chính chị cũng không về thăm mẹ lần nào, dù quê chị chỉ cách có bảy tám chục cây số.
Chị lại sực nhớ ra là một lần gần đây nhất, nhận được điện thoại của mẹ, ít nhất cũng phải nửa tháng rồi, đúng lúc đang họp, nên chị không nghe máy. Và khi thấy cái số điện thoại ở quê cứ gọi nhằng nhẵng, chị phải thưa máy, nhưng chỉ nói gọn lỏn một câu với mẹ: Chờ con gọi lại.
Tất nhiên, mẹ chị không chờ, bởi không thể chờ máy đến cả nửa tháng.
Trong cơn xúc động vì chuyện Pax Thiên không được về thăm mẹ, chị bỗng thấy nghẹn ngào nhớ mẹ mình, nhớ quê. Đúng là lâu lắm chị không về, cũng không hỏi han gì đến mẹ – người mẹ ruột thịt đã đẻ ra mình, đã không bỏ rơi mình ngày nào cho đến khi mình trưởng thành và tự bỏ rơi mẹ.
Công việc của chị bận thật, nhưng bận gì thì bận, nếu muốn về, giữa đêm chị cũng có thể về được. Lái xe về quê chị bây giờ chỉ mất có 2 tiếng. Nhưng chị đã không về.
Nhớ hồi mới “bỏ mẹ” xuống thành phố lập nghiệp, chị chỉ ao ước ở nhà có điện thoại, để tối tối chị được ôm máy tỉ tê với mẹ. Rồi khi điện thoại tràn lan, internet rẻ như bèo, chị lại nghĩ hôm nào lắp internet, cài thêm mấy cái webcam ở nhà, cả trong phòng khách lẫn trong bếp, để ngồi ở đâu chị cũng có thể truy nhập vào đó quan sát căn nhà thân yêu của mình ở quê và có thể nhìn thấy mẹ đang lụi cụi nấu nướng hay xem tivi.
Nhưng rốt cục, đến một cú điện thoại của mẹ, chị cũng không kịp trả lời. Rất nhiều khi đêm khuya, giở máy ra thấy mấy cuộc gọi nhỡ từ quê, chị cũng không gọi lại. Chị tặc lưỡi nghĩ, chắc ở quê đã ngủ.
3. Sau khi đã sụt sịt một hồi, chị ôm máy vào phòng, đóng cửa lại để gọi về quê. Đầu dây bên kia, mẹ chị nghe máy. Sau một hồi hỏi thăm, chị thấy yên lòng khi ở nhà mẹ vẫn bình an, chẳng ai đau yếu. Chị hứa tuần tới sẽ về.
Nhưng đầu dây bên kia, mẹ chị cứ một mực bảo phải về ngay. “Con bận lắm, mẹ phải thông cảm cho con chứ”, – chị dằn dỗi, gác máy.
4. Nhưng suốt cả đêm câu chuyện về Pax Thiên vẫn khiến chị khó ngủ. Chiều hôm sau, chị lái xe về quê trong tâm trạng buồn bực. Càng bực hơn, khi về đến quê, thì nhà cửa đóng im ỉm.
Bà hàng xóm chạy sang bảo:
- Bà ấy khăn gói ra ga tàu về quê ngoại từ sáng nay rồi. Rõ khổ, bà ấy cứ như ngồi trên đống lửa từ khi nghe tin cụ ngoại ốm. Bà sụt sịt thở than rằng phận gái đi lấy chồng xa, vất vả, cả đời chẳng được về quê chăm mẹ mấy lần, đến nay thì mẹ đã gần đất xa trời rồi cũng chẳng có ai đưa về.
Đến lúc này chị mới nhớ ra rằng mẹ chị cũng có mẹ ở quê, để nhớ và để về thăm... Chị lục tìm trong sổ, nhưng ở vùng quê ngoại heo hút, xa xôi, không có số điện thoại, không biết mẹ lọ mọ đi một mình qua mấy chuyến tàu xe như thế, đến mấy giờ đêm mới về đến nơi?•