Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Tác phẩm của chú đã giúp tôi vượt qua giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời
Cập nhật ngày: 08/07/2013

Tôi rất xin lỗi vì nếu bài viết này có thể bị loại vì vi phạm quy chế cuộc thi nhưng hôm nay, trong thời điểm tôi rất buồn chán và thất vọng về cuộc sống thì đọc được thông tin về cuộc thi. Tôi không kiềm chế được nên mới viết những dòng này. Vì thế, cứ coi như đây là những dòng tôi tâm sự cùng chú Ánh. Giống như cách đây 16 năm, lúc ấy tôi 18 tuổi, đã say mê đến mức ngơ ngẩn khi đọc truyện của chú, đã bị những trận đòn thừa sống thiếu chết của bố khi ăn cắp tiền của mẹ đi mua truyện của chú.

“Còn chút gì để nhớ”, “Mắt biếc”, “Đi qua hoa cúc”, “Bồ câu không đưa thư”… còn rất nhiều truyện nữa mà tôi không nhớ hết tên, chỉ biết là nhờ những cuốn truyện này mà tôi có đủ dũng cảm cũng như hy vọng, cố gắng  thay đổi cuộc sống của mình. Nó làm một thằng con trai 16, 17 tuổi đầu như tôi khi ấy thấy cuộc sống còn rất nhiều ý nghĩa.

Thời điểm ấy, cuộc sống của tôi tương đối tệ. Bố mẹ tôi làm thương nghiệp. Trong cái năm 1997, 1998 ấy có thể nói là tương đối có tiền. Nhưng vì mải làm ăn nên bố mẹ tôi gần như chẳng để ý đến việc học hành của con cái.

Lúc ấy tôi như bao trẻ con khác, mải ăn, mải chơi… nên học rất dốt. Lên lớp 9, vì dốt quá nên thi trượt cấp 3. Bố tôi không nói lời nào, lôi tôi ra đánh cho một trận và nói: “Tại sao mày ngu thế”.

Bố tôi là một người gia trưởng. Ông học giỏi. Tốt nghiệp Đại học Thương mại, làm đến Phó Giám đốc công ty Thương nghiệp. Nhưng về sau tôi mới biết, ông bất mãn với chế độ nên bỏ về quê. Từ đấy ông ghét chính trị và chuyện học hành.

Lúc ấy tôi chả biết gì cả. Chỉ im lặng. Chịu đòn…

Sau trận đòn ấy, bố mua 200 con gà Tam Hoàng và bốn con lợn. Tất cả cộng với tôi dồn hết vào căn nhà cấp 4 và nói: “Loại như mày thì ở nhà mà nuôi gà nuôi lợn thôi con ạ… Học làm gì…”.

Lúc ấy tôi cũng chẳng nói gì, và cũng không biết nói gì cả.

Ngày ngày, tôi nuôi gà, nuôi lợn và… đọc truyện của chú.

Bây giờ, ngoài 30 tuổi rồi tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên đọc truyện của chú. Cảm giác khó diễn tả khi đọc truyện “Còn chút gì để nhớ”. Lúc đọc xong truyện ấy tôi đã khóc. Một thằng con trai 18 tuổi, chưa hiểu đời, chưa biết chuyện tình cảm khi đọc đến đoạn nhân vật Trâm gửi lá thư cho Chương, tôi ngồi khóc. Nhân vật Chương khóc thì nước mắt của tôi cũng rơi ướt hết cả mấy trang truyện.

Lúc ấy, tôi chưa hiểu nhân vật là hư cấu. Đối với tôi, nhân vật trong truyện của chú là thật, vì thế tôi khóc…

Đọc xong truyện ấy, tôi dùng hết tiền để dành  mua truyện của chú. Tôi nhớ thời điểm ấy, cứ thứ năm là có truyện của chú. Nhà tôi cách thành phố 20km. Cứ thứ năm là tôi đạp xe vào thành phố. Vội vàng vào hiệu sách rồi lại vội vàng đạp xe về. Sợ bố tôi biết.

Trong thời gian ấy, đối với tôi ngày thứ năm là ngày quan trọng nhất. Cho dù quên cho gà, lợn ăn, cho dù có sợ những trận đòn của bố thì tôi vẫn phải mua bằng được truyện của chú. Hết tiền mua truyện, tôi lại lấy cắp tiền của mẹ. Nhà tôi bán hàng, tiền để trong ngăn kéo, mỗi ngày tôi lấy một nghìn, một tuần là mua được một quyển. Tôi nhớ lúc ấy một cuốn truyện có giá 5 nghìn.

Mua truyện về, tôi phải giấu thật kĩ, đợi nửa đêm thắp một cái nến vào trong tủ quần áo, mở cửa tủ he hé rồi thò đầu vào đọc. Nhiều hôm, trời mùa hè, đọc được mấy trang lại thò đầu ra để lau cái đầu ướt đẫm mồ hôi. Có mấy lần đang đọc truyện, bố tôi bắt gặp, xé hết và cho tôi một trận đòn…

Từ khi đọc truyện của chú, tôi lại muốn đi học, muốn giống như những nhân vật trong truyện, được cắp sách tới trường, được yêu đương, được vui đùa… chứ không muốn mãi mãi ở nhà nuôi gà, nuôi lợn…

Cũng vì những nhân vật, những miêu tả về cuộc sống trường học trong truyện của chú, tôi đã can đảm phản kháng với bố tôi để xin đi học. Nhờ quyết định ấy, sau trận đòn thừa sống thiếu chết của bố và những giọt nước mắt của mẹ, cuối cùng tôi cũng được đi học.

Hai năm học bổ túc văn hóa, là hai năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Ở đây, tôi đã có những kỉ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời.

Hai mươi tuổi, tôi tốt nghiệp. Truyện của chú lúc nào cũng được tôi mang theo bên người trong những năm đi học. Lúc buồn, lúc vui, lúc chán nản…

Truyện của chú đã đặt những bước đầu tiên trên đường đời của tôi. Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại tôi lại cảm thấy mình may mắn vì những năm tháng đó được đọc những tác phẩm của chú. Vì những tác phẩm ấy đã giúp tôi vượt qua được giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời.

Nếu không có những cuốn truyện của chú, có lẽ giờ đây tôi là một người yên phận, không học hành, cả đời chỉ biết đến những con gà, con lợn và giá cả hàng hóa của miền quê nghèo mà thôi…

Nhờ những câu chuyện của chú, tôi đã vượt qua được chính mình.

Những lời tôi viết bây giờ là những lời tận đáy lòng. Có lẽ chẳng ai có thể biết được cả. Vì nó đã qua lâu lắm rồi. Nhưng tôi không thể quên được .

Tôi hy vọng có một ngày nào đó được đứng trước mặt chú và nói với chú rằng : “Chú Ánh ơi! Cháu cảm ơn chú nhiều lắm”…

LÊ MẠNH TÂN

Các Tin Tức Khác