Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Phụ nữ Việt ở lứa tuổi nào cũng ẩn chứa sự kiêu hãnh
Cập nhật ngày: 19/04/2014

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam Lorenzo Angeloni là một nhân vật hết sức thú vị. Mặc dù nắm giữ chức vụ ngoại giao quan trọng, nhưng ông nhiều lần xuất hiện trên truyền thông với những vai trò đặc biệt, hồi năm 2012 ông tham gia trình diễn như một người mẫu trên sân khấu thời trang Việt - Ý với vai trò… Vedette, và mới đây nhất, tại hội chợ sách cuối tháng 3.2014 tại TPHCM, ông tham dự buổi ra mắt với vai trò là nhà văn ngay khi cuốn tiểu thuyết tâm lý “Phía sau mỗi người” được NXB Trẻ ấn hành.

Là một nhà văn chuyên nghiệp, Lorenzo Angeloni là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết khác là “Ở Dafur” và “300 năm”. Bề ngoài, ông vừa có dáng vẻ hào hoa, phong nhã của một nghệ sĩ, vừa có vẻ lịch lãm, chuẩn mực của một nhà ngoại giao. Sau sự kiện này, ngài đại sứ đã dành cho báo Lao Động một cuộc phỏng vấn xoay quanh cuốn sách.

 

 Thưa nhà văn Lorenzo Angeloni, lần đầu tiên tác phẩm văn học của ông được dịch và phát hành ở Việt Nam, một đất nước mà ông đang trong nhiệm kỳ ngoại giao của mình. Ông cảm thấy thế nào?

 

- Tôi rất xúc động khi thấy cuốn sách của tôi được xuất bản với một ngôn ngữ khác. Đó không chỉ là một bản dịch sang ngôn ngữ nào khác mà lại là chính ngôn ngữ của đất nước mà tôi sống và làm việc từ 3 năm nay. Tôi càng thêm xúc động và hạnh phúc khi chứng kiến những người xung quanh mình đang đọc nó.

 

 Điều gì đã khiến ông viết cuốn sách tâm lý tình cảm thuần túy thay vì một cuốn sách có chủ đề về ngoại giao quốc tế?

 

- Trên thực tế thì tôi đã bắt đầu viết và xuất bản các tiểu luận và phóng sự gắn chặt với hoạt động ngoại giao của tôi. Sau khi tôi kết thúc nhiệm kỳ tại Sudan vào năm 2007, có một điều đã xảy ra: Sau khi thực hiện một bài phóng sự, tôi tự nhủ rằng mình nên chia sẻ rộng rãi hơn với công chúng những điều đã viết, không chỉ giới hạn đối với những người làm việc trong ngành hay những chuyên gia quốc tế. Và thế là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi đã ra đời. Từ đó tôi đã viết các câu chuyện, một phần gắn với cuộc sống quanh tôi và một phần gắn với trí tưởng tượng của mình. Đó chính là con đường dẫn tôi đến với nghiệp văn chương.

Trong “Phía sau mỗi người”, ông đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật là đan cài các bức thư giữa hai nhân vật Giorgio và Michi, mới đầu thư đầy lời lẽ yêu đương, càng về sau càng gia tăng độ mâu thuẫn. Liệu giữa hai người đang yêu thì có còn cần đến khái niệm ngoại giao nữa hay không, vì người Việt có câu “Vợ chồng cũng phải trọng nhau như khách”?

 

- Câu này rất hay và cũng chứa đựng nhiều sự khôn ngoan. Giữa hai người đang yêu, tính ngoại giao thường lại rất khó được áp dụng, vì cảm xúc thường cháy bỏng và chỉ một chuyện nhỏ thôi cũng đủ để làm cháy rụi những khía cạnh của một tính cách.

 

 Trong quá trình viết, ông cảm thấy điều gì là khó khăn nhất?

 

- Thời gian. Đó là một thử thách không ngừng. Tôi làm công việc đại sứ toàn thời gian và tôi có một gia đình. Điều này nói lên rằng nếu tôi dành chút thời gian cần thiết để nghỉ ngơi thì thời gian rỗi của tôi còn rất ít. Nhưng tôi vẫn phải tìm cách sắp xếp thời gian và cố gắng tối ưu hóa cả những ngày cuối tuần, đôi khi thậm chí vào ban đêm.

 

 Các nhà ngoại giao cao cấp mặc dù được sống ở nhiều quốc gia, nhưng môi trường của họ lại thường là một căn biệt thự thật đẹp nhưng kín đáo, di chuyển bằng xe hơi theo một cung đường cố định, đối tượng giao tiếp là các quan chức cao cấp của nước sở tại. Với một nhà văn thì chính cuộc sống đời thường mới là tư liệu quý giá nhất. Làm cách nào để ông có thể tìm kiếm những tư liệu đời thường như vậy?

 

- Tôi quan sát rất nhiều. Tôi tận dụng mọi cơ hội đến với tôi, kể cả khi di chuyển bằng ôtô từ cuộc họp này đến cuộc họp khác. Tôi có thói quen hay ngồi phía trước, ngay cạnh lái xe cũng bởi với lý do này, để từ đó tôi có thể dễ dàng quan sát những gì đang diễn ra trên đường phố xung quanh. Tôi đặt rất nhiều câu hỏi với tất cả những người Việt Nam tôi gặp. Đấy, tôi thử làm như vậy để bù đắp lại thời gian và những công cụ truyền thống của một nhà văn.

 

 Cuốn sách vừa có sự lãng mạn, cuồng nhiệt của người Ý, vừa có sự gần gũi với người Việt về mặt tâm lý và đặc biệt là cách xử lý những bức thư tỏ tình, cả những bức thư cãi cọ giữa hai người đang yêu nữa. Liệu trong đó có bức thư nào là của nhà văn hay không?

 

- Tôi đã viết rất nhiều thư khi tôi còn trẻ, đó là những bức thư để trong phong bì được dán với nước bọt và nhét vào thùng thư với hy vọng tràn trề. Có thể nói đó là thành phần tự truyện của câu chuyện.

 

 Thưa nhà văn Lorenzo, đây là cuốn sách đặc tả về tâm lý, điều luôn là một thách thức đối với một nhà văn, viết để cho hấp dẫn được càng khó. Nhưng trong quá trình đọc cuốn sách thì tôi nhận ra một điều rằng tâm lý người Ý rất giống người Việt Nam. Còn với nhiều năm sống và làm việc ở Việt Nam thì ông so sánh thế nào giữa người Việt và người Ý?

 

- Quả vậy, có rất nhiều điểm tương đồng trong cách sống, nhất là qua con mắt của tôi về Việt Nam ngày nay, sự bùng nổ kinh tế đã hình thành một tầng lớp trung lưu và trên một khía cạnh nào đó đã gợi lại về nước Ý của những năm 1960, thời kỳ tôi mới chập chững những bước đi đầu tiên. Chúng ta đều là những dân tộc sống về phía nam lục địa mà trong mỗi gia đình đều có sự tương tác giữa các thành viên với nhau.

 

 Ông có định viết một cuốn sách về điều đó không?

 

- Có, tôi đã có một dự án về chủ đề này, một cuốn sách về sự tương đồng Ý - Việt mà tôi hy vọng có thể được xuất bản song ngữ Ý - Việt trước khi năm Giáp Ngọ kết thúc.

 

 Đó là một cuốn sách thể loại phi hư cấu?

 

- Đúng vậy, nhưng ngoài ra tôi cũng đang viết một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh tại Việt Nam thời kỳ dịch SARS. Đó là câu chuyện về cuộc đời của nhân vật nam người Ý tới Việt Nam gần như tình cờ và đã trở lại đây sau nhiều năm, và điều này đã tái hiện là những câu chuyện xảy ra trong quá khứ của anh ta. Tôi không biết khi nào tôi sẽ viết xong, nhưng thực sự tin rằng sau khi cuốn sách được xuất bản tại Italia sẽ là một điều thú vị hơn nữa nếu nó được dịch sang tiếng Việt để phục vụ công chúng Việt Nam.

 

 Trong cuốn “Phía sau mỗi người”, tác giả có rất nhiều nhận xét tinh tế về tâm lý phụ nữ, vậy trong suốt thời gian sống ở Việt Nam, ông có nhận xét thế nào về phụ nữ Việt?

 

- Phụ nữ Việt ở lứa tuổi nào cũng ẩn chứa sự kiêu hãnh. Đặc biệt tôi rất thích quan sát những người phụ nữ đã có tuổi, đó là một hình ảnh cao niên thanh thản và ổn định, như thể thời gian đã tôi luyện, rèn giũa làm cho họ mạnh mẽ thêm lên. Tinh thần của họ vẫn không thay đổi, luôn tươi trẻ và đầy kiêu hãnh cho dù cơ thể đã trải qua nhiều năm tháng cuộc đời. Rất, rất đẹp.

 

 Có người nói rằng người phương Tây luôn muốn thay đổi hoàn cảnh, vì vậy họ dễ phá vỡ cái có sẵn, cụ thể là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc hoặc một môi trường sống không ưng ý để tạo dựng một cái mới, còn người Việt có xu hướng thích nghi với hoàn cảnh và dễ dàng chấp nhận nó. Ông nghĩ thế nào về quan điểm này?

 

- Tôi nghĩ rằng, cả hai đều phải dựa trên thực tế và cần phải hiểu rằng các mối quan hệ giữa con người với con người là rất giá trị. Trong thực tế, tôi không nghĩ rằng có một công thức định trước đúng cho tất cả. Đôi khi kiên nhẫn và củng cố mối quan hệ là tốt, đôi khi xu hướng đổi mới lại có thể mang lại ý nghĩa và phẩm giá cho cuộc sống.

 

 Người Việt Nam có hạn chế gì, theo ông?

 

- Tôi không biết đó có phải là một hạn chế hay không, vì có đôi lúc tôi thấy họ quá tự tin trong việc cho là mình đúng và rất khó để làm họ thay đổi ý kiến của mình.

 

 Và chắc thời gian 3 năm ở đây đủ để ông có một vài phác họa về văn học Việt Nam?

 

- Tôi thấy chất thơ dào dạt trong văn học Việt, theo cái nghĩa là cho dù nội dung câu chuyện có chua xót và đau thương nhưng vẫn được truyền tải một cách duyên dáng và bao dung.

 

 Sau khi hết nhiệm kỳ, liệu ông có còn muốn quay lại Hà Nội vì một lý do nào đó?

 

- Chắc chắn là có và tôi hy vọng rằng sẽ có cơ hội trở lại Việt Nam nhiều lần, chẳng hạn như để giới thiệu cuốn sách khác nào đó của tôi được dịch sang tiếng Việt.

 

- Xin cảm ơn ông!

Theo  NỘI HÀ - Báo Lao Động

Các Tin Tức Khác