Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Về những 'thành phố đi vắng'
Cập nhật ngày: 20/12/2012

Tập truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Thị Thu Huệ có tựa “Thành phố đi vắng”. Và chị tỏ ra bi quan về nhiều thứ cũng đang “vắng đi” trong lòng người.

Nguyễn Thị Thu Huệ

Chị - nhan sắc có, tiếng tăm có, vật chất dư giả, con cái trưởng thành. Nếu có cơ sự gì xảy đến chắc tiếc đời lắm nhỉ?

Mấy hôm nay, chuyện “Ngày tận thế” được nhiều người quan tâm. Cơ sự xảy ra ở đây là chuyện đó? Với tôi, không phải bây giờ mới nghĩ đến chuyện này, mà lâu rồi.

Có nhiều bộ phim, cuốn sách nói về sự diệt vong, biến mất… và mình cảm nhận được điều đó qua các số phận nhân vật. Chưa bao giờ mình nghĩ, đến một ngày con người trên trái đất này lại nói về điều đó với những hoài nghi và tinh thần đối mặt.

Nói thế nào nhỉ, nếu tất cả cùng biến mất…, không có gì lấy làm tiếc, vì đã hóa hư không tất cả. Đời sống này lâu nay thử thách con người, đến và đi là “ở trọ trần gian” mà.

10 năm trước đi Mỹ cùng chị 1 tháng, thấy chị thật là con người sắc sảo mạnh mẽ. Giờ vẫn thế hay đã anh hùng thấm mệt?

Không phải thấm mệt, mà mệt toàn phần. Một tinh thần hoang mang, lo lắng về sự bất an đang bao phủ, những niềm tin dần mất và sự bất lực trước cuộc sống. Một thân xác tẩm đầy độc tố của bất cứ cái gì ăn, uống vào người mỗi ngày…

Khi trẻ, ta ít bị lôi kéo, xô đẩy. Ta có thể làm những điều ta muốn. Nửa đêm có thể lao ra biển, hay men theo bờ vực mà lên núi cao. Ta có quyền mơ mộng, và ước muốn. Nhiều quyền lắm.

Người già, không còn chọn lựa, cũng chẳng có quyền nhiều, ngay cả với chính cái đời mình.

Đã già đâu? Nhưng mới đây thấy chị trả lời báo Công An, về nhà văn nữ và nữ tính. Chị khen nhà văn ta ai cũng nữ tính và đáng trân trọng về tài đức. Chị khéo từ bao giờ vậy?

Từ nhỏ, tôi không phải là người khéo. Những điều tôi trả lời phỏng vấn là suy nghĩ của những năm tháng này. Chị thật tinh ý khi nhận ra sự thay đổi đó, dù chỉ trong những câu trả lời phỏng vấn, ở hai thời gian cách khá xa nhau.

Ở mỗi tuổi, tôi ứng xử với bản thân và xung quanh mỗi khác. Ngày trước mỗi lần tôi trách mẹ chuyện gì, mẹ nói ngắn gọn Bao giờ Huệ bằng tuổi mẹ, Huệ sẽ hiểu.

Ngày đấy tôi 30, trách mẹ 55 sao thế này sao thế nọ, ngày trước mẹ có làm thế đâu. Bây giờ, dù chưa tới tuổi 50, tôi đã đi đúng con đường của mẹ. Bình thản hơn, yêu quý những điều nho nhỏ và…nhạt nhẽo hơn.

Chị nói về một số truyện của mình trong tập “Thành phố đi vắng” mới xuất bản: “buồn lắm”. Nỗi buồn về sự vô cảm, suy đồi, sa lầy của con người? Trong tập, tôi thích nhất truyện “Sống gửi thác về”, đầy lão luyện,
trải đời.

Đó là nỗi buồn đan xen cảm giác bất lực trước cuộc sống khi thấy con người tự hủy hoại bản thân, hủy hoại ngày tháng sống quý giá của mình vì những điều vụn vặt, tầm thường, đôi khi là hèn hạ.

Xã hội ngày càng phân hóa đẳng cấp, và náo loạn về văn hóa, đảo lộn về đạo đức… Những ám ảnh đó thấm vào người viết mỗi ngày.

Mới đây, hai nhà văn Trần Đức Tiến và Đình Kính gọi điện, trong nhiều chuyện nhân tình thế thái, chuyện xã hội mà bọn nhà văn chúng tôi quan tâm, có thông tin về việc Hãng khảo sát quốc tế Gallup công bố cuối tháng 11, chỉ có 40% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ trải qua nhiều cảm xúc trong một ngày, và người Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước ít xúc cảm nhất thế giới. Điều này nghe đau lòng, dù biết nó đang phủ trùm lên đời sống những năm tháng này.

Thành phố đi vắng với khoảng 2/3 số truyện trong tập, tôi chìm vào những câu chuyện về sự vô cảm. “Ngu, tham, hèn, ác” là bốn đặc tính tồi tệ nhất của con người. Chỉ cần có 1 trong số 4 tính, cũng đủ biến người đấy thành đáng sợ. Vậy mà số người sở hữu cả bốn đặc tính đó ngày càng nhiều hơn, nhan nhản khắp nơi, mọi lứa tuổi.

Nhà văn Hồ Anh Thái thường khuyên bạn bè “cứ xác định mình mà chết đi thì đứa khóc duy nhất là con mình, mà có khi còn chưa chắc”, ý nói không nên ảo tưởng về sự tồn tại của bản thân, ý nghĩa của bản thân đối với xung quanh. Anh Thái cưới không mời ai, đại tang không báo vì sợ làm phiền mọi người, nhưng là người bạn cực kỳ. Một người quảng giao như chị có thể nghĩ khác?

Xã hội chúng ta, những người không muốn làm phiền xung quanh ngày càng ít, nhỉ? Xem ra, ai cũng tự cho mình cái quyền nhảy bổ vào đời người khác, dạy khôn, phán xét, bình luận như chính họ đang thu lu trong túi áo người kia vậy!

Với sức khỏe vô biên, trí tuệ hạn chế và một đời sống cá nhân nghèo nàn đến nỗi nếu không nhảy vào đời người khác, họ không biết tiêu tốn năng lực và thời gian sống vào đâu.

Càng ngày tôi càng nhiều quan điểm trùng với anh Thái. Chơi với nhau hơn 30 năm, có những điều anh ấy nói ngày trước, tôi không để ý, vì nó chưa vận vào mình.

Mỗi tuổi qua đi, bây giờ gặp chuyện này chuyện khác, thấy anh lại nói đúng bởi điều đó được rút ra từ chính kinh nghiệm sống của anh, và những người xung quanh.

Một người bạn lớn là người không bao giờ xuất hiện khi mình không chuẩn bị gặp, và có mặt khi ta thấy cần. Một người mình luôn nhớ về họ vào những dịp đặc biệt.Và trên hết, là không bao giờ làm phiền ta.

Càng có tuổi lẽ ra chúng ta càng phải thích nói thật hơn nhưng như Bùi Ngọc Tấn đã nói “chúng ta đã quen nghe những lời nói dối để qua đó biết được sự thật”?

Thế hệ của bác Tấn không thoải mái nói thật, sống thật nên mỗi người phải tự sàng lọc những thật giả để thích nghi. Ngày đấy, nhiều khi người ta phải nói dối từ những chuyện rất nhỏ bé.

Thời chúng ta, “nói dối” biến thái sang dạng cao cấp, nhiều tầng lớp hơn. Người ta có thể khóc nức nở, xả thân giúp người khác thiếu nước chết thay được, nhưng đôi khi vẫn là giả dối. Thế nên, câu của bác Tấn lại càng đúng.

Dương Phương Vinh

(Nguồn: Tiền Phong)


Các Tin Tức Khác