Một số đơn vị làm sách đang nỗ lực tìm lại những giá trị cũ cho văn học bằng cách phát hành các tác phẩm của những tác giả vang bóng một thời
NXB Trẻ vừa công bố dự án tủ sách Cánh cửa mở rộng (sẽ phát hành đợt sách đầu tiên vào ngày 11-11 tới), mở đầu sẽ là các tác phẩm dung hòa giữa hai tiêu chí “80% sách tiếp cận được với số đông độc giả và 20% sách dành cho chuyên môn”. Các đầu sách trong tủ sách này đều được sự cố vấn, thẩm định của GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt. Cánh cửa mở rộng được kỳ vọng sẽ là tủ sách với những tác phẩm có giá trị đúng nghĩa, thật sự là “tinh hoa văn học” trong giai đoạn sách phát hành ồ ạt nhưng cũng lẫn lộn những giá trị thật giả như hiện nay.
Gầy dựng tinh hoa
Văn học dịch với đủ đề tài, thể loại, quốc gia có mặt trên thị trường sách Việt nhưng không nhiều tác phẩm có giá trị vượt thời gian. Càng lúc văn học dịch càng thiếu vắng những tác phẩm đồ sộ, mang tầm vóc thời đại như đã từng có. Văn học Việt cũng vậy, không còn những tác phẩm đủ để có thể gọi là làm “xôn xao văn đàn”. Và những giá trị cũ gần như đang dần được “tái tạo” trong sự “chuyển dòng” của độc giả.
Bên cạnh việc xây dựng giá trị cho các đầu sách nước ngoài ở tủ sách Cánh cửa mở rộng, NXB Trẻ cũng “mở lối về” cho những tác phẩm vang bóng một thời với tủ sách Mỗi nhà văn – Một cuốn sách, khởi đầu bằng tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ - cho biết: “Ngay sau 3 tháng phát hành, tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh đã được tái bản với 2.000 bản. Đây cũng là một tín hiệu vui để đơn vị tiếp tục giới thiệu đến độc giả những tác phẩm tiếp theo trong tủ sách: Đất lửa của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Vết thương thứ 13 của Trang Thế Hy, Thời xa vắng của Lê Lựu, Chất ngọc của Vũ Hạnh, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng.
Nhà thơ Ngô Thị Hạnh, chuyên viên khai thác bản thảo của Công ty sách Phương Nam, cũng cho biết song song với việc xây dựng tủ sách Tinh hoa văn học, đơn vị cũng khai thác văn học Việt, trước mắt tập trung vào mảng văn học sử.
Trong hành trình “gầy dựng tinh hoa”, NXB Trẻ cũng sẽ mở rộng “mạng lưới trao đổi thông tin” với độc giả. Ông Nguyễn Minh Nhựt nói rằng không chỉ thông qua sự cố vấn, giới thiệu của GS Ngô Bảo Châu, NXB cũng sẽ đón nhận thông tin giới thiệu sách hay từ độc giả, từ đó sẽ thẩm định và lên kế hoạch xuất bản những cuốn sách cũ có giá trị cho thế hệ độc giả hiện nay.
Tìm lại thước đo giá trị
Không kể đến những tác phẩm ăn khách và có giá trị đúng nghĩa, có ảnh hưởng sâu rộng đến độc giả tạo được diễn đàn quan tâm suốt một thời gian dài như Rừng Nauy, Harry Potter, Twitlight, Mật mã Tây Tạng…, văn học dịch hiện nay đang trong tình trạng bão hòa khi có quá nhiều đầu sách được chuyển ngữ xuất bản nhưng nội dung nhạt nhòa; cái mác best-seller được gắn tràn lan trên mỗi bìa sách khiến cho thước đo giá trị cũng bị lẫn lộn.
Ngày càng nhiều các đơn vị làm sách tư nhân chen chân trong “cuộc chiến bản quyền”, đơn vị cũ đã có “mối quen” thì có cơ hội mua được bản quyền những đầu sách đang là “hiện tượng” của thế giới. Các đơn vị đi sau chấp nhận làm “bà đỡ” cho những tác phẩm chưa thật sự gây sốt. Tuy nhiên, có thể thấy sự nở nồi của quá nhiều đơn vị làm sách tư nhân cũng chính là nguyên nhân khiến cho sách văn học dịch trở nên bão hòa, thiếu hẳn những tác phẩm ấn tượng. Bắt đầu xuất hiện khái niệm “sách thị trường” khi cả văn học trong lẫn ngoài nước đều đang đi vào những câu chuyện giải trí hời hợt, những chuyện tình cảm ướt át, ủy mị và cũng dễ lãng quên.
Nhiều người trong giới làm sách chia sẻ rằng nếu không tạo dựng cho một diện mạo riêng sẽ rất khó thu hút độc giả trong thời buổi hiện nay. Một cuốn sách ra đời trong sự đón nhận lạc lõng của độc giả và rơi vào im lặng là một thất bại của người làm sách. Việc tìm về các tác phẩm kinh điển, những cuốn sách vang bóng một thời cũng là cách đánh thức các giá trị cũ và gầy dựng chiến lược quảng bá sách trong thời buổi sách cũng đã rơi vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.
Lạm dụng cái mác best-seller