Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Dịch Đất lửa sang tiếng Đức
Cập nhật ngày: 13/06/2011

“Mỗi nhà văn - một tác phẩm” là tủ sách mới ra đời của NXB Trẻ nhằm tôn vinh các nhà văn và các tác phẩm nổi tiếng qua nhiều thế hệ. “Mở hàng” cho tủ sách này là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh, kế tiếp NXB Trẻ sẽ tái bản một số tác phẩm khác trong tủ sách này, trong đó có Đất lửa của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và Frank Gerke bên sông nước Bến Tre - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đất lửa cũng đang được dịch sang tiếng Đức để xuất bản trong thời gian không xa tại đất nước của Goethe. TTCT giới thiệu bài viết của Frank Gerke (Trịnh Công Long), dịch giả bản tiếng Đức của Đất lửa.

Văn học VN chưa được dịch sang tiếng Đức nhiều. Và những tác phẩm, tác giả được dịch đều là nhà văn, nhà thơ sống ở miền Bắc, từ Nguyễn Du đến Tô Hoài, từ truyện cổ tích đến tiểu thuyết và truyện ngắn hiện đại. Thiếu hẳn mảng văn học Nam bộ vốn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền văn học VN. Chính vì vậy tôi đã dịch một vài truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng sang tiếng Đức (được in trên tạp chí Orientierungen của Đại học Bonn), cũng chính từ đó dẫn tôi đến với công việc đang làm: dịch tiểu thuyết Đất lửa của ông.

Cuối năm 1993 tôi sang VN lần đầu tiên để nghiên cứu ngôn ngữ và văn học VN, trong túi có thư tay của một người bạn giới thiệu tôi với nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Đầu năm 1994 tôi gặp được tác giả Mùa gió chướng, Chiếc lược ngà... ở trụ sở Hội Nhà văn TP.HCM.

Cuộc nói chuyện diễn ra rất giản dị. Biết tôi đang nghiên cứu văn học VN hiện đại, ông Sáng giải thích khá nhiều điều tôi chưa hiểu rõ, góp ý với tôi nên đọc thêm những tác giả nào, những tác phẩm gì... Chỉ có điều hơi lạ: trong suốt thời gian nói chuyện ông cứ nói giọng Bắc chứ không phải giọng Nam bộ đậm đặc quen thuộc đồng thời là đặc điểm kể chuyện trong văn chương của ông.

Hồi đó tôi không dám hỏi vì sao ông lại nói giọng Bắc, chỉ đoán có lẽ vì lý do ngoại giao, tiếp xúc với một người nước ngoài...

Bìa tiểu thuyết Đất Lửa in lần đầu (1963) do Văn Cao vẽ. 
Năm 1996 Frank Gerke tình cờ mua được bản sách này ở một hiệu sách cũ với giá 10.000 đồng - Ảnh do nhân vật cung cấp


Vì sao tôi chọn Đất lửa?

Nếu giọng điệu Nam bộ là phong cách kể chuyện của Nguyễn Quang Sáng thì con người Nam bộ là đối tượng, nhân vật chính trong tác phẩm của ông. Trong truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài của Nguyễn Quang Sáng, ông kể về đời sống, số phận, tính cách đặc sắc, tình cảm và tình yêu nồng nàn của người Nam bộ, nhất là người đồng bằng sông Cửu Long.

Ông xây dựng nhân vật và cốt truyện trên cơ sở con người, phong cảnh thiên nhiên miền Tây Nam bộ. Miêu tả tính cách và cái duyên của người Nam bộ là đóng góp riêng của Nguyễn Quang Sáng đối với nền văn học hiện đại của VN.

Cách kể chuyện của ông trong tác phẩm như thể ông đang ngồi cùng bạn bè, kể chuyện cho nhau nghe nhưng không bỏ qua chi tiết nào cả. Khi đọc Nguyễn Quang Sáng, ta có cảm tưởng đang ngồi uống nước cùng với ông, lắng nghe ông không biết mệt. Cảm hứng để ông viết nhiều tác phẩm cũng từ đó: hoặc vào quán cùng với bạn bè uống rượu, hoặc mời bè bạn về ngồi dưới gốc cây mận ngoài sân ngôi nhà cũ của ông ở quận 3, vừa trò chuyện vừa lai rai. Có bao nhiêu chuyện ông nghe ở quán rượu hoặc dưới gốc cây mận đó đã đi vào văn học VN.

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn quân đội. Nói về ông mà không nhắc tới các tác phẩm đề tài chiến tranh của ông quả là một thiếu sót. Chính trong những tác phẩm đề tài chiến tranh ta thấy rõ ràng sự công bằng và sự cẩn trọng của tác giả.

Tiểu thuyết Đất lửa là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Quang Sáng, được ông viết năm 1952 ở rừng U Minh. Khi được công bố năm 1963, tác phẩm này đã gây nhiều dư luận trái ngược nhau. Bởi tác giả mô tả một cách trung thực những sự kiện xảy ra ở một làng Nam bộ thời kỳ đầu chiến tranh chống Pháp. Đó là làng Mỹ Long Hưng nay là Mỹ Luông thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cũng chính là quê nhà của ông.

Như nhiều làng miền Tây Nam bộ thời đó, trong làng Mỹ Long Hưng có nhiều thành phần, phe nhóm khác nhau. Làng vốn là vùng đất của đạo Hòa Hảo đồng thời cũng là nơi có phong trào cách mạng, người dân trong làng ngày đó có nhiều quan điểm khác nhau về thực dân Pháp, về người cộng sản... Từ đó dẫn đến sự xung đột giữa các thế lực, thậm chí ngay trong họ hàng và giữa bạn bè.

Nguyễn Quang Sáng thể hiện sự xung đột đầy bi kịch này rất chính xác và trung thực, có tính thuyết phục rất cao đối với người đọc. Chính vì tác giả không đơn thuần đánh giá các thành phần khác nhau theo kiểu tốt - xấu, trắng - đen nên vào thời điểm mới xuất bản tác phẩm này hứng chịu nhiều phê phán.

Theo tôi, Đất lửa là một trong những tiểu thuyết VN thành công nhất ra đời sau Chiến tranh thế giới lần 2. Đó là một tiểu thuyết về lịch sử Nam bộ, về chiến tranh và cách mạng, về những khó khăn và xung đột mà người Nam bộ phải trải qua và khắc phục. Đó là lý do tôi chọn Đất lửa để dịch sang tiếng Đức.

Quá trình dịch Đất lửa

Dịch văn là tái sáng tác một tác phẩm văn học bằng cách sử dụng một ngôn ngữ khác tiếng nguyên bản. Điều này không những đòi hỏi người dịch sức sáng tạo ở mức độ cao mà còn phải có cảm hứng. Và để có cảm hứng, trước hết người dịch phải thấu hiểu tác phẩm đã lựa chọn. Nghĩa là phải am hiểu bối cảnh lịch sử của tác phẩm và tác giả, hiểu rõ chữ nghĩa của tác phẩm và phải có đủ trình độ chuyên môn về văn học để phân tích và bình luận tác phẩm đó.

Bối cảnh lịch sử tác phẩm có thể tra cứu từ các sách tham khảo và từ các bài viết liên quan đến tác phẩm ấy. Sự hiểu biết về chữ nghĩa của tác phẩm phức tạp hơn một chút, đòi hỏi người dịch phải thành thạo ngôn ngữ gốc của tác phẩm. Khi dịch Đất lửa tôi gặp hai khó khăn về mặt ngôn ngữ.

Thứ nhất, tác giả thường sử dụng các thuật ngữ Phật giáo (đạo Hòa Hảo cũng là một hệ phái Phật giáo ở Nam bộ). Rất may là tôi từng bỏ ra một thời gian không ngắn để nghiên cứu Phật giáo khi học môn so sánh tôn giáo học ở trường đại học. Ngoài ra chính tác giả Đất lửa đã khuyên tôi nên mua và tra các từ điển Phật giáo đã xuất bản như Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn (xuất bản năm 1963 tại Sài Gòn, NXB Tổng Hợp TP.HCM tái bản năm 2008).

Khó khăn thứ hai là Nguyễn Quang Sáng sử dụng phương ngữ Nam bộ rộng rãi trong tất cả các tác phẩm của mình. Lại may mắn cho tôi là lần đầu tiên sang VN tôi đã sống và học tập tại TP.HCM, trong năm đầu tiên đó tôi đã có dịp đi miền Tây Nam bộ nhiều lần nên tiếp xúc thường xuyên với con người và từ ngữ bản địa, qua đó giúp tôi có một vốn từ Nam bộ, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng bất cứ thứ tiếng nào, dù là ngôn ngữ chính thức của một dân tộc hoặc là tiếng địa phương, luôn ở trong trạng thái thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác và ngày càng thay đổi nhanh hơn. Nguyễn Quang Sáng viết Đất lửa cách đây gần 60 năm, cách thời điểm tôi sang VN lần đầu đã 41 năm. Trong suốt thời gian đó cách ăn nói của người Nam bộ đã có khá nhiều thay đổi. Nên vẫn còn nhiều chỗ trong tác phẩm tôi không hiểu được (và có lẽ thế hệ trẻ VN hôm nay cũng không hiểu được).

Có thuận lợi cho tôi là mỗi khi gặp khó khăn trong quá trình dịch Đất lửa, lúc nào tôi cũng có thể hỏi “anh Năm” Nguyễn Quang Sáng. Thông thường sau khi dịch xong vài chục trang, tôi và anh Năm lại gặp nhau để anh giải thích những chỗ tôi đánh dấu vì chưa hiểu rõ. Những lần đó tôi thường đến nhà anh để vừa làm việc vừa được thưởng thức bữa cơm gia đình đặc trưng Nam bộ. Cuối cùng, đối với ai muốn làm công việc dịch văn học đều phải hiểu biết sâu sắc về tiếng mẹ đẻ của mình.

Dịch tiểu thuyết Đất lửa thật sự là một công trình lớn đối với tôi vì đây cũng là lần đầu tiên tôi dịch một tiểu thuyết. Nhưng tôi tin mình sẽ thành công vì tôi đang sống ở VN, thông thạo tiếng Việt, nắm vững tiếng mẹ đẻ. Ở đây không thiếu những bạn bè tôi có thể hỏi được khi đang “kẹt” về mặt chữ nghĩa, trong đó có người bạn vong niên: anh Năm - nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

FRANK GERKE

Frank Gerke người Đức, biết nhiều ngoại ngữ, là tiến sĩ văn học Hán, tiến sĩ ngôn ngữ VN, sống ở VN nhiều lần, cộng lại có hơn mười năm, đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, đọc nhiều thơ văn VN, đã từng dịch thơ Hồ Xuân Hương, dịch ca từ của Trịnh Công Sơn, dịch thơ Nguyễn Duy và một số truyện ngắn của tôi ra tiếng Đức.

Tiểu thuyết Mùa gió chướng của tôi đã được dịch sang tiếng Nga và một số truyện ngắn được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật. Nay được biết Frank Gerke đang dịch Đất lửa của tôi. Tôi đã đưa anh về nơi của tiểu thuyết Đất lửa, bên bờ sông Tiền, anh có dịp tiếp xúc với bà con ở đây, càng đi anh càng hiểu sâu sắc hơn tính cách người Nam bộ, tính cách của nhân vật.

Anh gặp tôi nhiều lần để hiểu thêm tiếng lóng của Nam bộ. Tôi tin vào sự thành công của anh. Tôi hi vọng và vui mừng khi tác phẩm của mình sẽ đến với bạn đọc người Đức, cũng như bạn đọc hiểu tiếng Đức.

Xin cảm ơn Frank Gerke.

NGUYỄN QUANG SÁNG

(Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần)


Các Tin Tức Khác