Có lẽ đã lâu rồi tôi mới trở lại thói quen đọc tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết của tác giả Việt Nam. Và rồi khi tôi trở lại với thói quen ấy, tôi đã chọn Biển. Một tác phẩm mới của một tác giả trẻ còn ít đến người biết đến, tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác văn học tuổi 20 lần 4, 2010. Chọn đọc nó, tôi tự hỏi rồi mình sẽ cảm nhận được một sinh khí mới trong văn học Việt Nam đương đại chăng?
Khi bắt đầu đọc Biển, tôi chưa quen với cách diễn đạt của tác giả, tự nghĩ thầm: “Văn phong, ngữ pháp gì thế này? Hoàn toàn không có chút gì là văn vẻ, chỉ như một câu chuyện kể không đầu không cuối. Nhịp truyện thì cứ đều đều không lấy gì làm hấp dẫn”. Nhưng rồi khi đọc hết chương đầu tiên, khi tôi đã quen với cái văn phong mộc mạc, những ngôn từ bình dân bình dị của Trương Anh Quốc, nhất là khi tiếng dao của bếp trưởng Hi bằm vào chiếc thớt gỗ me không vang lên chan chát, thì dường như một chuyến hải trình mới đã bắt đầu, và nó đã lôi kéo tôi, giữ tôi lại trên tàu Arena.
Arena - “đấu trường” là một con tàu viễn dương chuyên chở dầu với thủy thủ đoàn là người Ấn Độ và Việt Nam. Cuộc sống lênh đênh trên biển của tàu Arena luôn ẩn chứa những hiểm nguy bất trắc khó ngờ. Còn cuộc sống của thủy thủ trên tàu, khi mà những nền văn hóa, những nhân cách, cá tính của mỗi người một vẻ giáp mặt nhau, cũng có nhiều biến cố không kém. Tất cả đã góp phần tạo nên một chuyến hải trình dài vô tận cuốn hút người đọc cho đến trang cuối.
Khi nghĩ đến biển, người ta thường nghĩ về một khoảng nước mênh mông bọc bởi chân trời, nghĩ thế và rồi tự thấy mình nhỏ bé, như muốn tan vào không gian ấy. Khi đọc tiểu thuyết Biển thì tôi lại thấy mình như hòa vào cuộc sống của những thủy thủ trên tàu Arena, thấy một phần mình trong từng nhân vật của trong tiểu thuyết. Tôi như một cơn gió nhỏ cứ len lỏi trong từng khoảng không dù là nhỏ nhất trên con tàu nồng mùi dầu máy và mùi của biển ấy. Tôi theo chân máy ba Kumar, máy hai Jollia vào phòng điều khiển, theo gót chàng messman Ti từ bếp ra phòng ở, theo cả Thuyền trưởng Benity hay máy trưởng Gupta vào phòng họp, nhất là theo chân chàng sĩ quan điện In chạy ngược xuôi mỗi khi hệ thống máy móc trên tàu gặp rắc rối. Đôi khi tôi cảm giác như chính mình cũng bị thiêu đốt bởi cái nóng của buồng máy chính, bị ngạt bởi những mùi hóa chất trên tàu. Và khi những giờ làm việc căng thẳng qua đi, tôi lại được cùng thủy thủ tàu khoan khoái ngắm hoàng hôn, lên bờ dạo chơi ngắm phố xá cho đỡ thèm người hay vào câu lạc bộ chung vui cái Tết xa nhà…
Đọc biển, cảm nhận trong từng lời văn câu chữ là hơi thở của cuộc sống hiện đại đầy thử thách mà thử thách nào cũng khó khăn, buộc người ta phải gồng mình vượt qua. Áp lực của công việc, sự bất công, nỗi nhớ nhà, những tình cảm vui buồn chợt thoáng qua thôi nhưng đọng lại bao nhiêu suy ngẫm. Thế giới đang thay đổi từng ngày nên ta phải đổi thay theo để bắt kịp nó. Muốn giành ưu thế trên “đấu trường” thì dù là ai chăng nữa cũng phải cố gắng tới cùng. Dù khốc liệt nhưng cuộc đời vẫn có những niềm vui, những điều dáng để ta trông chờ và hi vọng. Đó có thể là cuộc gặp gỡ vô tình của In với cô gái đáng yêu Claudia khi tàu cập cảng tại Úc, đó là sự ra đời của Monkelephuman, hay sự xuất hiện của thuyền trưởng mới tốt bụng Milorupi… Đâu đó trong tâm sự của “Biển” hay trong dòng suy nghĩ của In ta bắt gặp một tia sáng xanh như vậy.
Tôi rất thích cái cách Trương Anh Quốc kết thúc tác phẩm của mình: “Chào Arena!”. Khi bước chân ra đi nhưng để lại là lời chào chứ không phải là lời tạm biệt. Như cái giao ước ngầm giữa In và thuyền trưởng Milorupi, họ tạm biệt nhau để hẹn gặp lại. Họ nhìn vào tương lai với tinh thần lạc quan và sự sảng khoái. Bởi, dù sao đi nữa họ cũng đã giành lấy được điều gì đó cho mình trong cuộc chiến tại Arena. Đó là những tình bạn đẹp, những người cộng sự ăn ý, những bài học cuộc sống về đạo lí và về những người tốt, kẻ xấu, những trải nghiệm khó quên trong đời và những thử thách mà khi vượt qua rồi họ sẽ sống tốt hơn.
Gấp cuốn tiểu thuyết lại, trong tôi vẫn còn nguyên dư vị của hương biển mặn nồng, tràn đầy xúc cảm. Đọc Biển, trải nghiệm cùng Arena giống như là làm một chuyến đi ngắn trong hải trình dài của cuộc đời mình. Đi để nhìn được xa hơn, thấy được nhiều hơn, hiểu rõ hơn và trân trọng hơn mỗi số phận người trong cuộc đời này. Để nghĩ về tương lai và tìm cho mình một cách đón nhận cuộc sống, một cách sống mới. Có lẽ Biển cũng đã giúp tôi trả lời cho câu hỏi của chính mình khi mua nó, nó thực sự đã cho tôi một cảm nhận mới về văn học Việt Nam đương đại: có cái gì đó mộc mạc, chân thực, đơn giản, gần gũi, có chút gì sâu lắng khiến người đọc phải trăn trở suy tư những cảm xúc vui buồn đan xen nhưng cuối cùng vẫn là thông điệp đầy hi vọng hướng về những điều tốt đẹp, về tương lai đang tới.
ĐOÀN THỊ HIỀN TRINH
Mời các bạn đoàn viên, thanh niên và độc giả yêu sách tham gia cuộc vận động bình chọn quyển sách yêu thích với chủ đề “Sách VIệt tôi yêu” do Thành Đoàn phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức. Tất cả mọi người yêu sách, không giới hạn độ tuổi, đều có thể tham gia bình chọn. Người tham gia bình chọn giới thiệu tối đa 5 quyển sách mình yêu thích, trong đó chọn lọc và viết cảm nhận, ấn tượng của mình về 1 quyển sách yêu thích nhất (không quá 1.500 từ) Hạn chót nhận bài ngày 31/5/2011. Mọi thư từ, bài viết xin gửi về Ban Tuyên giáo Thành Đoàn, số 1, Phạm Ngọc Thạch, quận 1; ĐT: 38.298.669; email: tuyengiaothanhdoan@gmail.com. (Bạn đọc nhớ ghi địa chỉ, số điện thoại, email, đơn vị công tác,.. để Ban tổ chức dễ dàng liên lạc)