Tôi nhớ lần đầu tiên tranh luận với một người bạn về Roark của Suối nguồn, nhớ lại cái cảm giác chúng tôi cay đắng và thương cảm nói với nhau rằng: “Anh ta – người sáng tạo, là người làm cho cái thế giới này sống. Nhưng bản thân anh ta không thể hạnh phúc. Mà sống không hạnh phúc không thể gọi là sống. Anh ta không sống.”
Sau đó, rất nhanh thôi, khi chỉ còn lại mỗi mình mình trong ánh đèn vàng nâu hắt trên bìa sách nâu vàng nhàn nhạt của The fountainhead, tôi nhận ra mình đang cay đắng cảm thương cho chính bản thân mình. Tôi lao vào Roark từ những dòng đầu, hung hăng mổ xẻ anh, hóa ra vì tôi sợ. Tôi sợ một người trong sạch và tự do đến mức anh ta hoàn toàn không biết đến sợ hãi. Roark làm tôi bất an.
Đọc Suối nguồn, tôi tự hỏi: Tôi có cần bất cứ ai chấp nhận mình không? Câu trả lời là “Có.” Tôi không thể sống chỉ mỗi tôi. Lý tưởng của tôi nếu không được ai chia sẻ sẽ chết yểu từ cội rễ. Và trời ơi, tôi nhận ra tôi kiêu hãnh thường ngày thật ra chỉ là một kẻ nhát gan ăn bám.
Tôi đang ăn bám những cá nhân ít ỏi, người sáng tạo thực sự, những người phát triển thế giới này; lại đang đồng thời ngấm ngầm, cũng như công khai căm ghét họ - cùng sự a dua của số đông xung quanh, chỉ vì tôi sợ hãi. “Người sáng tạo sống với lao động của mình. Mục đích cơ bản của anh ta là chính bản thân anh. Kẻ ăn bám sống cuộc đời thứ cấp. Anh ta cần những người khác.” Có phải tôi đang sống thứ sinh? Còn nhiều băn khoăn, dằn vặt, buồn bã, sợ hãi… khi tôi từ Suối nguồn mà nhìn lại bản thân tôi.
Cũng có nhiều xung đột giữa các luồng tư tưởng: Sáng tạo, hay ăn bám - Loài người nên “buông nhau ra” (bởi người sáng tạo chỉ cần bản thân anh ta, còn ăn cắp và bóc lột mới cần phải có thêm nạn nhân), hay nên dựa vào nhau (vì yêu thương cũng cần bạn đồng hành)…
Những suy nghĩ làm náo động cái đầu và trái tim tôi như thể bầy muỗi bay lên loạn xạ từ một đầm nước đọng. Nhưng tôi hứng khởi nhìn thấy từ Suối nguồn con đường để sống tốt hơn, dù với tư cách cá nhân hay cá nhân trong xã hội. Bởi “Loài người được dạy rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được, mà là cho đi một điều gì đó. Nhưng một người không thể cho đi cái mà anh ta không tạo ra”.
Cám ơn Nhà xuất bản Trẻ đã mang đến cho độc giả, nhất là những độc giả tuổi trẻ quyển sách này – một cơ hội để nhìn nhận và lựa chọn cách sống, cách cống hiến và đi cùng nó là cách tận hưởng cuộc sống.
(The Fountainhead), tác giả: Ayn Rand, NXB Trẻ xuất bản tháng 01/2008.
PHẠM HỒNG PHƯỢNG – Bình Thuận
NXBTre - Đây là một trong những bài viết của bạn đọc tham gia
bình chọn "Sách Trẻ và Tôi. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải những bài cảm nhận
của bạn đọc lên website nxbtre.com.vn. Mời bạn đọc theo dõi và tiếp tục tham gia
cuộc bình chọn này. Nhấn vào link tại đây: www.nxbtre.com.vn/binh-chon.aspx