Với bộ ba cuốn sách về Hà Nội*, thực ra, Nguyễn Trương Quý không định tâm viết về Hà Nội, để “ăn theo” đại lễ nghìn năm như ai đó có thể nghĩ thầm đâu. Đây chỉ là những câu chuyện tản mạn, lan man của một người đang sống ở Hà Nội, ban ngày thì quan sát, sống, trải nghiệm cảm xúc, ban đêm thì hì hụi ghi ghi chép chép trong mấy năm trời (Ăn phở rất khó thấy ngon và Hà Nội là Hà Nội). Đây cũng là những trang tiểu luận khá nghiêm túc của một người trót nhìn thấy nhiều bất cập trong cuộc sống đô thị, để rồi phải hệ thống lại, phải viết, phải đưa ra giải pháp, cho dù là những giải pháp mà chính tác giả sau này nhận xét, rằng có đôi chút ngây thơ (Tự nhiên như người Hà Nội).
Có bài báo viết rằng, tản văn Quý viết về Hà Nội, chẳng ai là không thấy hấp dẫn. Ấy nhưng không phải, cũng có người… từ chối đọc tiếp, sau khi đọc một vài bài. Một độc giả lớn tuổi mà tôi quen chẳng hạn, bảo: “Viết về Hà Nội mà giọng điệu lạ thế, không nhẹ nhàng như văn thời xưa. Hà Nội là mùa thu, hương cốm, hương hoa sữa… chứ có đâu những cái gì gì thế này, đọc không vào được!”
Những cái gì gì ấy, là hơi thở của ngày hôm nay.
Ngày hôm nay Hà Nội muốn hay không muốn cũng đã khác đi, bung mở ra những khía cạnh không mềm mại khiến người viết không thể cứ nhàn tản chậm rãi mà viết trong tâm thế của một người thưởng thức cái đẹp, hưởng thụ cuộc sống Thủ Đô (thường được mặc định là tinh tế, lịch sự) được nữa! Vì thế, không phải ai đọc cũng thấy “vào”. Nhưng người đọc “chịu” được sự góc cạnh thì lại thích. Có ai đó gọi đùa Quý là nhà Hà Nội học trẻ tuổi. Tôi thấy Quý là nhà tâm lý Hà Nội học thì đúng hơn. Quý viết hộ tâm tình một thế hệ cư dân mới của một đô thị mới đã lớn gấp ba lần về diện tích và gấp nhiều lần về dân số, ngoài ra gấp cả nhiều lần về khói bụi ô nhiễm và biết bao vấn đề đương đại khác. Như thế, thử hỏi làm sao Quý chọn cách viết nhẹ nhàng mùa thu hương cốm được! Tuy vậy, vẫn thấp thoáng bóng của tấm lòng hoài cổ.
Sự hoài cổ của Quý cũng không phải là cái hoài cổ man mác để viết ra những dòng trữ tình mà người đọc lớn tuổi kia muốn đọc. Quý kết hợp trình bày tư liệu trong một tiểu luận, để lẫn với cảm xúc dồi dào, miên man, đôi lúc lại chuyện nọ xọ chuyện kia như một người đầy ắp chuyện cũ chuyện mới trong đầu, vội vội muốn kể ra bằng hết. Bên cạnh đó là một kỹ năng viết – hài hước, sắc sảo, gợi vấn đề - khiến, nếu đặt bài này trên blog thì hẳn “câu kéo” được rất nhiều “comments”. Vô hình trung, đọc Quý, độc giả được thỏa mãn nhiều điều: nhận được kiến thức về Hà Nội cổ và Hà Nội bây giờ (đều dồi dào không kém gì nhau, thể hiện một năng lực tổng hợp và khiếu quan sát tuyệt vời), nhận được sự đồng cảm trong những vấn đề đang “hot” của xã hội qua con mắt của một tác giả đầu 7 đời cuối – nghĩa là vừa tầm để “ôn cố tri tân”. Và nữa, là được cười. Mỉm cười, rồi cười phá lên, hoặc có thể khúc khích cười rõ lâu, nhất là khi đọc những đoạn tả tâm lý của hàng bao nhiêu loại người trong đám dân thành thị, sao mà đúng thế. Đọc “Ăn phở rất khó thấy ngon”, hẳn khối người đỏ mặt vì thấy nói động đến mình. Có cảm tưởng như Trương Quý có thể viết mãi không dừng, vì với tài quan sát của anh thì bất kỳ hiện tượng gì cũng là đề tài để viết. Từ to tát vĩ mô như chuyện quy hoạch thành phố, văn hóa công viên, bàn về kiến trúc (đúng nghề của chàng!)… cho đến vi mô là những cái chợ nhỏ chợ to, chuyện ngập lụt, chuyện oi nực không lãng mạn chút nào của đời sống Thủ Đô, rồi lại bàn cả vòng hai của gái ba mươi, chuyện tình online, chuyện lễ Tết, chuyện chùa chiền, đức tin… Đang bàn đến những món ăn tinh thần của người Hà Nội, thoắt cái lại “tám” về món ăn quốc hồn quốc túy đang khiến nhiều người “khó thấy ngon” là phở… Ba tập sách, trong đó có hai cuốn tái bản những… 4 lần, không dày, chỉ vừa phải, dịu mắt với gam màu xanh cốm, vàng chanh làm chủ đạo, thế mà chứa đựng ngồn ngộn chất liệu cuộc sống. Từ khóa: Hà Nội, đô thị, công sở. Và cười. Phải rồi, chất hài hước nhẹ nhõm trải trên những trang sách khiến người đọc dễ chịu, không phải kiểu móc máy cay nghiệt, cười nhạt cười đểu mà là nụ cười tủm tỉm một mình của một người lấy cái sự tự trào để hóa giải mọi điều chưa hợp lý, hay thậm vô lý vẫn còn tồn tại trong cuộc sống của những người đang sống nơi đây. Giọng văn giễu nhại, gần gũi với những chao chát phố xá, nhộn nhịp blog của giới trẻ, nhưng lại nhân hậu, minh triết ở góc nhìn. Chả thế mà khối người khối việc bị Quý nói đến, vạch mặt chỉ tên, mà vẫn cứ thấy đồng cảm, dễ nghe, không giận. Ví như câu chuyện về phố bán sách rẻ Nguyễn Xí, Đinh Lễ chẳng hạn. “Bọn bán hàng Xí-Lễ” biết nhẵn mặt tác giả, người vẫn thường rảnh ra lại “nhung nhăng tạt qua hàng này chạy sang hàng kia” mua sách, tự hào khoe với khách hàng: “Trang 107 có nói về cửa hàng nhà này đấy”!
Trong những dòng bộc bạch của lời phi lộ cuốn “Hà Nội là Hà Nội”, Quý nói, anh viết về Hà Nội bằng cách lùi xa dần từng cây số, kể từ cột mốc số 0 mà anh mặc định là Hồ Gươm, Tháp Rùa: “Cách Hà Nội 10, 50, 100, 1000 cây số, tôi lại thấy rõ hơn nhiều điều về nơi tôi sinh ra…”. Cũng vì thế mà cuốn sách thứ ba này có cấu trúc độc đáo – “trên từng cây số”. Có cả chặng nghỉ chân, khi anh tìm đến những chốn “dừng chân xứng đáng” là vài địa chỉ văn hóa hoặc những khái niệm văn hóa-tinh thần vừa cũ vừa mới, vừa lạ vừa quen. Quý là một kiến trúc sư, rồi lại rẽ ngang đi làm sách (hiện là biên tập viên NXB Trẻ), giữ một vài chuyên mục của một số tờ báo, vẽ và dịch đều đều (tự vẽ bìa cho bộ ba cuốn sách này), lại đam mê điện ảnh và hiểu biết không tồi chút nào về âm nhạc. Có lẽ vì thế mà những bài Quý “dừng chân” viết về nhân vật của âm nhạc như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… đều thật khó quên. Dường như ở những bài này, chất lãng mạn dào dạt hơn, tiết chế chất trào lộng để mơ màng với những ca từ mà anh hứng thú lẩy ra liên tục trên mặt giấy.
Là một họa sĩ, anh còn đem những màu sắc đầy lôi cuốn của những chuyến đi để tô tỉa thêm đậm nhạt bức tranh về Hà Nội kéo dài mãi như một bích hoạ của mình. Bức bích họa, như đã nói, không phải vẽ “nhân dịp” Đại lễ, nhưng lại xứng đáng được đánh giá là một trong những “công trình” chất lượng để chào mừng Hà Nội đón một nghìn năm tuổi.
Chỉ khác là, công trình này của anh không ve vuốt lòng yêu của những người mến thương Hà Nội, mà để lại dư âm day dứt trong lòng người đọc, với câu hỏi cho riêng mỗi người: Hà Nội ơi, làm sao để “ngàn năm không là vô nghĩa”(**)?
(*)Bộ ba sách về Hà Nội của Nguyễn Trương Quý, NXB Trẻ ấn hành: Tự nhiên như người Hà Nội (tiểu luận, 2004 – tái bản lần thứ 4 năm 2010), Ăn phở rất khó thấy ngon (tản văn, 2008, tái bản lần thứ 4 năm 2010), Hà Nội là Hà Nội (tản văn, 2010).
(**): Ngàn năm sẽ là vô nghĩa? – tên một tạp văn trong “Hà Nội là Hà Nội”