Ai cũng có hình ảnh một người thầy trong trái tim. Hình ảnh người thầy ấy vừa được NXB Trẻ “khái quát” trong tuyển văn về tình thầy trò mang tên Thầy tôi phát hành nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam.
Thầy tôi của nhà văn Nguyễn Quang Sáng không phải là một người thầy cụ thể mà nhà văn đã học. Trong Bài học tuổi thơ, người thầy của Nguyễn Quang Sáng lại là một học trò nhỏ - bạn cùng lớp với con nhà văn - nhưng đã “dạy” nhà văn một bài học ý nghĩa về sự trung thực. Những ai mê văn của Nguyễn Quang Sáng, có thể nhận ra Bài học tuổi thơ chính là tên gọi khác của tản văn Bài văn bị điểm không của ông. Chuyện kể một cậu học trò bỏ giấy trắng vì đề bài “Trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố”. Nhưng vì bố của cậu học trò này đã hy sinh từ khi mới lọt lòng nên cậu thà để giấy trắng nộp bài còn hơn “bịa đặt” về bố mình.
Nguyễn Quang Sáng kết luận: “Chuyện của đứa học trò bị bài văn không điểm đã để lại trong tôi một nỗi đau. Em bị không điểm, nhưng với tôi - người viết văn - là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt. Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để trang giấy trắng trung thực trên bàn viết”.
Người thầy của nhà văn Trần Kim Trắc cụ thể hơn trong tác phẩm nổi tiếng của ông: Học trò già. Sau 30 năm, “học trò già” Trần Kim Trắc đi làm cách mạng về tìm thăm thầy. Bài học của 30 năm trước với bài học của 30 năm sau vẫn là một, khi thầy và trò cùng nhắc nhở nhau: “Mất nhân cách là mất tất cả”. Dù nhiều khi câu nói này bị xem là “giáo điều” do hoàn cảnh sống người ta “tạm quên” đi nhân cách của mình.
Thầy tôi là một cách gọi để nói về những điều ta học được bởi người thầy suốt đời không quên và cả những người thầy chưa bao giờ biết mặt. Tuy nhiên, kỷ niệm phải gắn liền với những điều còn hiện hữu trong trí nhớ. Thầy tôi giúp người đọc nhớ lại những người thầy đã đi vào văn học sử như Người thầy đầu tiên của Tchiguiz Aitmatov qua bản dịch của Nguyễn Ngọc Bằng, Cao Xuân Hạo và Bồ Xuân Tiến. Thông qua những người thầy “lừng lẫy” trong văn học, người đọc nhớ lại người thầy của riêng mình.
Nguyễn Ngọc Tư nhớ lại thưở đi học ở miệt quê nghèo Mê... thầy! Nhà văn và cũng từng là nhà giáo Đoàn Thạch Biền lại nhớ về thời mình đi dạy học. Đọc Mùa Hè quái ác của Đoàn Thạch Biền, người đọc cảm được cái không khí của miền Trung. Qua giọng văn hài hước, nhẹ nhàng của ông, độc giả cảm thêm tình thầy trò qua bài học của sự chia cắt.
Đóng góp làm nên Thầy tôi với khoảng 170 trang in, còn có các nhà văn: Phan Thị Vàng Anh, Ma Văn Kháng, Trần Quốc Toàn, Lý Lan... Mỗi câu chuyện như một góc nhìn về người thầy, càng nhìn càng thấy đáng yêu những người thầy của mỗi người và của mọi người.