Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Dám thất bại - vị ngọt sau trái đắng
Cập nhật ngày: 21/07/2010

Đọc Dám thất bại (của Billi P.S. Lim), tôi thích cái cách Lim kể về những thất bại đầu đời của mình kiểu như năm 17 tuổi, khi cậu thi rớt chứng chỉ A, tương đương chương trình dự bị đại học, khi cậu trôi nổi trong lớp học bổ túc với thân phận “học sinh hạ đẳng”, khi cậu hoang mang trải qua cuộc xung đột chủng tộc lớn nhất trong lịch sử đất nước mình... Có lẽ đầu óc Lim cũng sẽ mãi hoang mang và bay tán loạn như một cái lông ngỗng trong trời gió, nếu một ngày nọ cái lông ngỗng ấy không “đụng đầu” với một cuốn sách và đã nhận ra, thậm chí một cái lông ngỗng được sinh ra đời cũng mang trong mình một sứ mệnh!

Và Lim cùng với bạn bè đã lập ra Tập đoàn Fortiss, cái tên của tập đoàn bắt nguồn từ những trò chơi thuở ấu thơ của một cậu bé nghèo, con trai một ông hàng thịt đông con, cục cằn và lam lũ.

Mang trong mình “giấc mơ của những người Mã Lai”, Tập đoàn Fortiss đã có lúc nổi tiếng khắp Malaysia với khát khao chinh phục cả thế giới, nhưng sau một số biến cố, chưa đầy 10 năm tập đoàn đã phá sản, cùng lúc đó bạn gái của Lim đề nghị chia tay... Lim xấu hổ đến mức đã nghĩ đến chuyện di cư vì chẳng còn mặt mũi nào gặp mặt người khác. Cậu đã sang Úc nhằm trốn chạy thất bại của mình, nhưng chỉ được hai tháng thì tiền cạn đành phải trở về Malaysia, nuốt nhục vào lòng đi làm thuê trở lại...

Tôi thích chương Lim viết về “Giá trị của thất bại”, rằng trên cánh đồng kim cương thì những viên kim cương thô - kim cương nguyên liệu, thoạt trông chẳng khác gì những viên đá nhám. Chỉ khi viên đá nhám ấy được chà xát và mài giũa nhiều lần thì chất lấp lánh của kim cương mới hiện ra... Nếu ví thành công như kim cương lấp lánh thì có thể coi những lần chà xát và mài giũa ấy là gì? Phải chăng chính là “thất bại” được mang tên “khổ luyện”?

Vậy tại sao người ta lại không “dám thất bại”?

Tại sao khi một thành công chưa đến ngay lập tức hoặc đến dưới dạng khác hơn người ta mong đợi thì câu đầu tiên người ta bật ra lại là: Tại sao lại là tôi chứ? Tại sao thất bại này lại đến với tôi?...

Bạn sẽ tự tìm ra cho riêng mình những lời giải đáp bất ngờ nhất khi đọc hết cuốn sách của Lim.

Còn tôi, mỗi khi một sự cố mà người đời hay gọi tên là thất bại rớt xuống trên đường đời của mình, tôi sẽ len lén lột bỏ cái nhãn thất bại ấy đi và dán vào đó từ khổ luyện. Khi biết mình đang khổ luyện (chứ không phải đang thất bại) tôi biết rằng mình đang ráng làm cho được điều trước đây chưa từng làm được.

Tôi không biết tất cả thất bại mình đã ráng (vâng, ráng, và ráng hết sức chứ cũng chẳng hoan hỉ gì, thậm chí vừa ráng vừa lèm bèm mắng mỏ số phận mình nữa kìa), chấp nhận và cố sức để vượt qua, khi nào sẽ đủ để biến mình thành kim cương lấp lánh, nhưng cho đến bây giờ tôi rất đồng ý với Lim rằng: khi số phận đặt ra cho mình một thất bại và thách thức mình vượt qua, là số phận đang chọn mình để bắt đầu một quy trình chà xát và mài giũa nhằm đẩy một viên đá nhám tầm thường lên đường tiến tới vị trí của kim cương...

Một xã hội hẳn sẽ mạnh mẽ hơn khi được chào đón ngày càng nhiều những “tráng sĩ can trường” đã trải qua vô vàn thử thách, chứ không phải là những kẻ “thắng cuộc rúm ró” không dám nghĩ khác hơn một đáp án...

Tại sao một phi công phải mất nhiều năm rèn luyện, mà thực chất anh ta chẳng cần làm gì cả một khi máy bay mở chế độ bay tự động? Trong một cuộc phỏng vấn trên Đài CNBC gần đây, ông chủ tịch Hãng Boeing đưa ra câu trả lời như sau: các phi công phải trải qua nhiều năm đào tạo để biết mình phải làm gì khi máy móc không làm việc chính xác!

Đấy, bạn thấy chưa? Cuộc sống không phải là trốn chạy những sai lầm hay từ bỏ mọi thứ khi ta thất bại, mà là học cách làm thế nào lợi dụng chúng để rốt cuộc ta đạt được mục đích của mình. (Trích Dám thất bại)

NGUYỄN LÊ MY HOÀN
(Nguồn Tuổi Trẻ, 19/7/2010)
Các Tin Tức Khác