Buổi tọa đàm “Tôi & Dạy con làm giàu” - sự kiện giao lưu đầu tiên của Hội sách “Tri ân” - một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 30 năm thành lập của NXB Trẻ diễn ra vào tối thứ Sáu 18/3/2011 đã thu hút hơn một trăm bạn đọc và nhiều diễn giả từ các CLB “Dạy con làm giàu”.
Mở màn cho tọa đàm, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ phát biểu: “Nói chuyện làm giàu trong một hội trường chưa có vẻ gì là giàu của NXB Trẻ rất thú vị. Bộ sách giúp tôi hiểu thế nào là tài sản, thế nào là tiêu sản… tiền bạc không là mục đích của cuộc đời này mà chỉ là phương tiện để có cuộc sống hạnh phúc”, buổi tọa đàm lập tức xác định chủ đề: Tìm cảm hứng để có động lực tìm đến sự tự do tài chính.
Lần lượt các diễn giả giữ vai trò “châm lửa” cho buổi tọa đàm chia sẻ, bộ sách Dạy con làm giàu đã cho họ có những thay đổi then chốt nào trong nhận thức, từ đó đưa họ đến những thành công hiện có.
Dịch giả Nguyễn Minh Thiên Kim – một trong những người tiếp xúc đầu tiên với Dạy con làm giàu - tâm đắc với ý niệm “khiến tiền làm việc cho mình”, còn dịch giả Tạ Nguyễn Tấn Trương nhận ra bộ sách làm thay đổi quan điểm sống, quan điểm về kiếm tiền và quan trọng hơn là quan điểm về hạnh phúc.
Doanh nhân trẻ Lê Danh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chấn Hưng, kể: khi đọc quyển đầu của bộ Dạy con làm giàu vào bảy năm trước, công việc kiếm ra tiền đầu tiên của anh sau đó là chia cho bạn bè dịch sách và đứng ra làm người gộp tất cả bản dịch lại đưa đến nhà xuất bản. Tiếp theo, khi đang là sinh viên năm ba, trong một lần làm hướng dẫn viên du lịch gặp được một khách du lịch có công nghệ chiêu dụ chim yến hoang dã về sống trong nhà, anh đã mạnh dạn đứng ra lập công ty làm đại diện phát triển công nghệ nuôi chim yến này ở Việt Nam. Được mời phát biểu ở buổi tọa đàm cũng là lúc anh đọc tiếp bộ Dạy con làm giàu, điều này mang đến cho anh cảm nhận mới về làm giàu: hạnh phúc cấu thành từ nhiều thứ trong đó tiền bạc là một yếu tố.
“Cứ làm đi, làm rồi sẽ học được rất nhiều” là điều tâm đắc của anh Nguyễn Hoàng Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Thị, chủ nhiệm CLB Dạy con làm giàu Đồng Nai. Mở công ty năm 21 tuổi, sau hai tháng phải đóng cửa vì, như anh kể, “không biết làm nên thua lỗ”. Mở công ty thứ hai, hoạt động được bốn năm thì đối tác gặp khó khăn riêng nên rút lui. Anh lại tiếp tục mở công ty thứ ba về in ấn. Anh chia sẻ: lúc thành lập công ty đầu tiên số vốn trong tay là 10,4 triệu đồng. Lúc phải đóng cửa công ty đầu tiên anh ước ao “phải chi có người chỉ mình”! Đó cũng là lý do anh thành lập CLB Cashflow Đồng Nai để chia sẻ kinh nghiệm.
Những câu chuyện đời và chuyện làm ăn có thành công, thất bại đi cùng với những chiêm nghiệm triết lý kinh doanh và triết lý sống đã làm cho “bầu máu nóng” làm giàu của người tham dự dường như nóng lên hơn. ông Trần Minh Trọng, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực HD-LEADMAN, dẫn chương trình cho buổi tọa đàm đã nhanh chóng khơi gợi người tham dự phát biểu xem họ gặp khó khăn gì khi muốn vận dụng tinh thần mà Dạy con làm giàu đã tạo cảm hứng cho họ vào thực tiễn ở Việt Nam. Lập tức, nhiều phát biểu khá sôi nổi và đầy trăn trở về môi trường làm ăn ở Việt Nam khác với môi trường trong Dạy con làm giàu, rào cản từ cha mẹ vì hầu hết phụ huynh Việt Nam đều đặt sức ép học hành lấy bằng cấp với con em. Có sinh viên tâm sự rằng đọc sách xong thì quan điểm của họ trở nên khác với gia đình và bạn bè, vì vậy không tìm được sự ủng hộ, không có được sự chia sẻ nên họ cũng thiếu niềm tin vào bản thân mình.
Ngay từ đầu tọa đàm, dịch giả Tạ Nguyễn Tấn Trương đã nói Dạy con làm giàu đề cao việc kiếm tiền, nếu hiểu không đúng sẽ đi đến phê phán nó. Đấy cũng là điều mà các diễn giả giữ vai trò “châm lửa” cho cuộc giao lưu nhận diện rõ qua phát biểu của người tham dự về những khó khăn và rào cản làm giàu. Chị Lê Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Công ty Sophy Việt Nam, tâm sự: thành lập công ty đầu tiên năm 1991 ở Bungari, bôn ba khắp châu Âu, từng trắng tay vài lần và làm lại từ đầu từ con số âm. Điều chị vẫn dạy con trai 11 tuổi ở nhà, và muốn đem đến với buổi tọa đàm này, gói gọn trong bốn từ: lắng nghe chính mình. Đó là: 1. Lắng nghe con tim, khối óc của mình có hướng về công việc đó không; 2. Lắng nghe điểm mạnh của mình; 3. Lắng nghe xem điều gì là thuận lẽ tự nhiên, đây là phương trình cuộc đời mà mỗi người phải tự giải bằng trực giác của mình. Từ ba điều lắng nghe đó, dẫn đến ba nguyên tắc: 1. Không làm quá sức, 2. Biết dừng kịp thời, và 3. Thay đổi nhanh chóng.
Ông Nguyễn Tấn Phúc, Giám đốc Công ty Hội thảo Việt (hoithao.com.vn), tâm tình: trong cuộc đời, làm việc gì cũng phải có đủ lượng mới ra chất. Theo ông, có sáu yếu tố quan trọng khác ngoài tiền bạc: công việc phải gắn liền với đam mê; sức khỏe; trí tuệ; giải trí; sự chia sẻ; mối quan hệ (có nhiều người có nhiều tiền nhưng không hề có bạn thân!)
Anh Nguyễn Danh Hoàng cô đọng các nguyên tắc làm giàu của mình: Làm điều mình thích; phải chắc chắn điều mình thích làm đó mình làm tốt hơn người khác; làm điều đó phải có lời
Anh Nguyễn Hoàng Nam thì: hãy khởi nghiệp với lĩnh vực gì mà mình có thế mạnh hiểu biết.
Buổi tọa đàm kết thúc trong một khẳng định: lắng nghe chính mình, lắng nghe đam mê của con tim và hiểu biết của khối óc để làm điều mình thích. Khi đó, tiền bạc đến với bạn thực sự là phương tiện đem lại hạnh phúc, và bạn bắt đầu thành công trong việc bắt tiền bạc phục vụ bạn. Đó cũng là sự tự do tài chính mà con người ta tìm kiếm.
Từ các ý kiến của tọa đàm, NXB Trẻ cũng nảy ra ý định xây dựng bộ sách “Người Việt làm giàu như thế nào?”. Dựa trên ý tưởng này, sẽ hình thành một diễn đàn để thu thập chia sẻ về chuyện làm giàu của mọi người.
MỘNG XUÂN