Bây giờ, việc các cây bút trẻ có sách in ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung học là chuyện bình thường. Thậm chí có cây bút mới qua tuổi hai mươi đã có cả chục đầu sách trong tay. Nhưng khoảng 25-30 năm trước đây, in được một cuốn sách đối với các tác giả trẻ là chuyện khó tày trời.
Hồi đó, muốn in sách phải xếp hàng – mà hàng dài dằng dặc, vì thời điểm sau 1975 dăm năm, bải thảo từ miền Bắc và từ lực lượng văn nghệ sĩ ở chiến khu về rất nhiều. Tập thơ Đầu xuân ra sông giặt áo – có thể coi là tập thơ đầu tay của tôi gửi Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM từ năm 1980, phải đến sáu năm sau (1986) mới được xuất bản, lúc đó tôi đã 31 tuổi. Mà như vậy đã là may mắn lắm, so với các cây bút cùng trang lứa.
Chỉ đến khi Nhà xuất bản Măng Non ra đời, đặc biệt là khi Nhà xuất bản Măng Non chuyển thành Nhà xuất bản Trẻ năm 1986, đội ngũ các cât bút trưởng thành sau 1975 mới có đất dụng võ. Trong loạt sách đầu tiên của Nhà xuát bản Trẻ khi ra mắt, tôi nhớ có những cuốn Ngọc trong đá của Nguyễn Đông Thức, Bất ngờ phía trái tim của Đoàn Thạch Biền, Chuyện cổ tích dành cho người lớn của tôi và sách của tác giả nữ Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc. Rồi sau đó có thêm Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc, Đoàn Vị Thượng, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Thái Dương, Lê Thị Kim, Phạm Sỹ Sáu…
Có thể nói trong 25 năm qua hầu hết các nhà văn nhà thơ thuộc thế hệ thư tư đều gắn bó, thậm chí gắn bó chủ yếu vơi Nhà xuất bản Trẻ. Tiếp theo là lớp các nhà văn trẻ hơn như Phan Thị Vàng Anh, Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư… Bây giờ nhìn lại chặng đường đã qua, Nhà xuất bản Trẻ hoàn toàn có thể tự hào về vai trò bà đỡ của mình, một bà đỡ nhiệt tình và vô cùng mát tay: rất nhiều nhà văn thành danh từ đây.
Và bây giờ, bước qua thiên niên kỷ mới, Nhà xuất bản Trẻ tiếp tục là mảnh đất lành ươm những hạt giống mới cho văn chương nước nhà….
Nguyễn Nhật Ánh