Duy trì động lực khi đối mặt với thất bại, một trích đoạn trong cuốn sách Con đường Steve Jobs (tác giả Jay Elliot), sẽ giới thiệu đến bạn đọc sự nghiệp thứ hai cũng lẫy lừng không kém của Steve khi kết hợp 1 "phù thủy công nghệ" với niềm đam mê điện ảnh trong con người ông. Mời bạn cùng đọc trích đoạn.
Duy trì động lực khi đối mặt với thất bại
Tài năng thật sự của Steve là khả năng trau chuốt sản phẩm tiêu dùng. Anh là nhà biên tập và đánh bóng siêu đẳng với triết lý cốt lõi là “ít mà hay”. Anh đưa mọi thứ thoát ra khỏi những sản phẩm phức tạp và kỹ thuật rối rắm, bộc lộ điều thật sự khiến chúng hữu dụng và thú vị. Steve còn hết sức nhạy bén về thời điểm thích hợp để tung ra sản phẩm. Hết lần này đến lần khác, Steve luôn chứng minh anh biết rõ người tiêu dùng muốn gì. Khi anh chệch khỏi điều đó, anh thường gặp rắc rối. Khi anh sống đúng với thế mạnh của mình, anh luôn lên đến tột đỉnh, bất kể thách thức mà anh phải đối mặt lớn cỡ nào.
Steve đã gặp rắc rối vào đầu năm 1988. Pixar và NeXT đã có thu nhập nhưng chưa đủ. Với tình hình kinh doanh yếu ớt của cả hai công ty, lượng tiền mặt mà hàng tháng Steve phải chuyển từ tài khoản ngân hàng của anh để giữ chúng sống được trở nên đuối dần vì tài sản ròng của anh không ngừng teo lại. Chỉ riêng Pixar, dù thu nhập từ việc bán các phần mềm đồ họa Pixar, sản xuất những đoạn phim quảng cáo trên truyền hình, và kinh doanh máy tính Pixar (chủ yếu bán cho Disney và các cơ quan chính phủ) đã trang trải được một nửa chi phí, Steve vẫn phải đều đặn chuyển từ 300 đến 400 ngàn USD mỗi tháng để giữ cho công ty này tiếp tục hoạt động.3
Mùa xuân năm ấy, Steve cùng ngồi họp với Ed Catmull, Alvy Ray Smith và một vài nhà điều hành nữa của Pixar trong cuộc họp ban điều hành định kỳ hàng tháng. Mọi người ở Pixar không biết sẽ còn khó khăn đến thế nào.
Steve nói rõ rằng anh chịu hết xiết rồi và không còn tiền để tiêu pha tới cỡ đó nữa. Pixar phải thu nhỏ quy mô lại. Pixar đã cạn kiệt tiền bạc. Việc cắt giảm sẽ làm tan rã nhóm làm phim hoạt hình vi tính cừ khôi mà họ xây dựng hàng nhiều năm trời, bắt đầu từ giữa những năm 1970 và được công nhận là giỏi nhất trong nghề.
Ấy thế mà, buộc phải làm vậy. Nhưng ai phải ra đi? Cuộc bàn luận nghiệt ngã và kéo dài tưởng chừng không bao giờ kết thúc. Cuối cùng, khi nó sắp kết thúc, Steve đã sẵn sàng rời cuộc họp thì Bill Adams, Phó chủ tịch kinh doanh và tiếp thị của Pixar, còn một vấn đề nữa muốn thảo luận.
Nếu Pixar tham dự Siggraph sắp tới mà không có phim hoạt hình ngắn mới như thường lệ cho thấy phần mềm của Pixar có thể được dùng để sáng tạo phim hoạt hình kỹ thuật số tốt hơn năm trước và tốt hơn hẳn phần mềm có sẵn từ bất kỳ công ty nào khác, chắc chắn sẽ làm dấy lên tin đồn. Mọi người sẽ thắc mắc không biết có chuyện gì; họ băn khoăn, “Nếu chúng ta mua phần mềm của Pixar bây giờ, liệu vài năm tới họ có còn tồn tại để tiếp tục cung cấp hỗ trợ và nâng cấp không?” Việc kinh doanh gần như chắc chắn sẽ bị đe dọa.
Cho dù tình hình tài chính ảm đạm đi chăng nữa, đầu tư làm phim ngắn mới là sống còn với tương lai của Pixar. Không làm vậy, tình hình sẽ đi từ xấu thành ra tồi tệ.
Khi Bill và mọi người đã nói xong, Steve cứ ngồi đó. Không khó để đoán ra điều gì đang quay cuồng trong đầu anh.
Cuối cùng, Steve hỏi có gì cho anh xem qua không. Có. John Lasseter đã tạo ra kịch bản phim hoạt hình cực kỳ hấp dẫn nắm bắt hình ảnh đồ họa và hy vọng nó sẽ là dự án sắp tới của Pixar, Tin Toy. Steve thật sự ấn tượng và sau khi cân nhắc rất kỹ lưỡng, anh đưa ra một quyết định gây khổ sở cho chính mình là đầu tư sản xuất phim mặc cho những khó khăn về tài chính của anh. Quyết định này đã trở thành một trong những quyết định xuất sắc nhất mà Steve từng đưa ra.
Mọi phim ngắn của Pixar đều đột phá. Tin Toy là một bộ phim mới lạ rất đáng chú ý vào thời điểm đó nhờ việc xây dựng nhân vật chính, một đứa trẻ nhỏ, thật sinh động và thuyết phục. Mãi cho đến thời điểm ấy, nhiều người đã nghi ngờ việc đến bao giờ hoạt hình vi tính mới thể hiện được cảm xúc của nét mặt con người. Bộ phim Tin Toy hoàn chỉnh đã chứng minh những hoài nghi đó là sai. Lần này, bộ phim đã mang về cho Pixar giải Oscar hạng mục phim hoạt hình ngắn xuất sắc.
Tin Toy bộ phim đem lại giải Oscar cho Pixar
Hai trăm triệu đôla, khoản tiền Apple cho phép cá nhân Steve toàn quyền sử dụng để đầu tư, có vẻ là một khoản tiền rất lớn. Đó đúng là một số tiền rất lớn. Nhưng Steve đang chứng kiến số tiền đó vơi đi với một tốc độ đáng báo động.
Nếu Steve không móc tiền túi để cấp vốn sản xuất Tin Toy, những việc sau đó chắc sẽ không bao giờ xảy ra. Các nhà lãnh đạo Disney chỉ mới bắt đầu dần dần tin rằng hoạt hình vi tính có thể có chỗ tại một hãng phim đã làm ra Snow White và Cinderella. Sau vài tiếp xúc từ các nhà lãnh đạo Disney, nhóm làm phim Pixar đã đến dự cuộc họp tại trụ sở Disney ở Burbank với dự án sản xuất một bộ phim hoạt hình truyền hình dài một giờ đồng hồ do Disney bỏ vốn.
Disney đã làm mọi người bất ngờ bằng cách bác bỏ ý tưởng làm phim hoạt hình truyền hình và đưa ra đề nghị đối ứng là một hợp đồng cho Pixar sản xuất phim hoạt hình điện ảnh.
Hàng loạt cuộc họp tại Disney đã dẫn tới điều mà Ad Catmull và Alvy Ray Smith ao ước lâu nay: Pixar sẽ sản xuất, Disney phát hành, bộ phim truyện hoạt hình vi tính đầu tiên trên thế giới.
Một chân lý là bạn cần phải luôn sẵn sàng cho điều bất ngờ. Nhóm làm phim Pixar đã không ngờ họ sẽ được đề nghị làm phim điện ảnh, dù đó chính là mục tiêu nhiều năm qua của họ.
Ý tưởng trước mắt đầu tiên Lasseter trình bày cho Jeffrey Katzenberg của Disney có tựa đề là Toy Story (Câu chuyện đồ chơi). Không có nhiều nhân vật cũng như cốt chuyện ban đầu rốt cuộc được lên phim, nhưng tựa đề, tất nhiên, đã lên màn ảnh rộng. Katzenberg – Giám đốc Walt Disney Studios dưới quyền Michael Eisner, CEO của tổng công ty – có thể là người rất khó làm việc: Ông ta là bạo chúa, và thậm chí tự gọi mình là vậy, gần như khoe khoang về điều đó. Nhưng ông ấy chứng tỏ mình là người hướng dẫn và tư vấn sáng tạo cho Lasseter và nhóm của ông này. Ông ấy không bao giờ bảo “Làm cái này” hoặc “Làm cái kia”, mà chỉ nói “Cái này không hiệu quả.” Xem những cảnh trong phim, nếu ông ấy cảm thấy câu chuyện bắt đầu lê thê, ông ấy sẽ bảo Lasseter, “Đoạn này là để ăn bắp rang.”
Trong nhiều tháng trời làm phim – bao gồm cả một lần khoảng vài tháng khi Disney ra lệnh tạm ngưng cho đến khi Lasseter và nhóm của ông ấy tìm ra giải pháp tin cậy đối với một số vấn đề về sáng tạo, chẳng hạn như nhân vật Woody quá tiêu cực và không đáng yêu – chi phí cứ tăng lên. Cuối cùng kinh phí đã lên đến 6 triệu USD. Disney khăng khăng đòi Steve bảo hiểm việc hoàn thành bộ phim bằng cách phải đưa ra 3 triệu USD, sử dụng tài sản cá nhân của anh làm vốn đối ứng.
Steve bắt đầu cảm thấy hối hận về hợp đồng với Disney; thậm chí anh còn bắt đầu nghĩ rằng giá anh chưa bao giờ thu tóm Pixar thì khỏe rồi.
Bởi vì chi phí đội lên quá nhiều, việc cấp vốn cho Toy Story bắt đầu trở thành một thảm họa. Trừ phi bộ phim làm ra được nhiều tiền hơn hẳn bất cứ bộ phim hoạt hình nào gần đây của Disney, nếu không Steve sẽ không bao giờ thu hồi được vốn đầu tư của anh. Thật sự nó phải trở thành một thành công phòng vé bất ngờ, mang về ít nhất 100 triệu USD, thì Steve mới mong có thu nhập tiền mặt.
Tệ hơn nữa, giờ Steve mới nhận ra vì sao Disney lại hăm hở giữ lấy tất cả thu nhập từ những sản phẩm ăn theo phim – đồ chơi, trò chơi, búp bê, áo thun, thức ăn nhanh đồng điệu, và nhiều thứ khác. Thậm chí nếu bản thân bộ phim không kiếm được nhiều tiền, Disney cũng có thể nhìn dòng tiền hậu hĩ đổ về từ những nguồn phụ ấy. Steve trở nên hiểu rõ cách làm của Hollywood nhưng bài học này có vẻ quá đắt.
Và sau đó, hết sức bất ngờ, tình hình đảo chiều ngoạn mục. Nhóm tay mơ của Steve trong những cuộc liên kết làm phim lớn này đã chứng minh họ thật sự thuộc về những liên minh lớn đó. Michael Eisner đã quyết định hoãn ra mắt Toy Story. Thay vào lịch phát hành đã định, đây sẽ là bộ phim bom tấn của Disney vào dịp lễ Giáng sinh.
Kết cuộc: Eisner gọi bộ phim này “vừa hoành tráng vừa đáng yêu.”