Hãy cứ sống và thờ phụng Sai lầm của phó tổng thống Al Gore…chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ….không phải là một người Hồi giáo ôn hòa…tôi không phải là một người Hồi giáo cực đoan! Trong nhiều năm liền, Malaysia không phải là mối đe dọa cho bất kì quốc gia nào (đó là không tính đến những lời qua tiếng lại của nó với Singapore). Và ở trong nước các mối quan hệ chủng tộc và sắc tộc đã trở thành một mô hình ôn hòa so với các quốc gia khác trên thế giới. Nhờ vào công sức của thủ tướng Mahathir với những người Malaysia tâm huyết, quốc gia này đã tránh được những hành vi cực đoan đang nở rộ ở những nơi khác. Bất kể người ta định nghĩa hành vi cực đoan là như thế nào, tính đến những thành tố gì, thì ta vẫn không thể phủ nhận rằng Malaysia, với hơn 60% dân số là người đạo Hồi, phải được coi như một biểu tương cho cái gọi là nhà nước Hồi giáo ôn hòa.
Thế nên, buồn làm sao khi không có mấy người Hoa Kỳ chúng ta nhận thức được vị trí của đất nước này trên tấm bản đồ phân chia 2 cực khủng bố/ôn hòa, hay thậm chí biết được quốc gia đó nằm ở chỗ nào trên bản đồ địa lý. Nhưng đất nước và người dân xứ này đã khiến cho người ta quan tâm nhiều hơn tới họ sau thảm họa đánh bom hai tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới ngày 11-9-2001. Bởi vì nhiều tuần lễ và cả nhiều tháng sau thảm họa đó, cả chính phủ Hoa Kỳ nháo nhào lên tìm hiểu xem chính phủ Hồi giáo nào đã chống lại Hoa Kỳ, chính phủ nào không; quốc gia nào có nhiều khả năng liên quan, quốc gia nào thì không.
Đó là một sự phân biệt quá đơn giản rạch ròi theo kiểu nhị nguyên. Việc định vị chính phủ của thủ tướng Mahathir trên tấm bản đồ khủng bố Hồi giáo trên toàn thế giới đã trở nên rõ ràng trong mắt cộng đồng quốc tế. Kuala Lumpur là một phần của giải pháp chứ không phải là một phần của vấn đề.
Sự thật là lực lương an ninh nội địa của Mahathir đã áp chế các phần tử khủng bố tại chỗ lẫn xâm nhập như lũ giun biển phơi mình lúc triều xuống. Bất kể những kẻ gây rối hy vọng làm được hay lên kế hoạch thực hiện điều gì ở nơi khác đi chăng nữa, thì ít nhất ở trên mảnh đất Malaysia này, những gì mà bọn chúng được phép làm có thể tóm gọn trong vài chữ: không gì cả. Luôn có sự giám sát và chống xâm nhập 24/7. Ngài thủ tướng không tin vào quyền tự do tuyệt đối bày tỏ công khai quan điểm chính trị nếu như điều đó khiến đất nước ngài phải trả giá đắt.
Sự mỉa mai rõ ràng nằm ở chỗ hình ảnh của Mahathir bỗng thay đổi đột ngột. Trong mắt của Washington, ông từ một kẻ đàn áp chính trị trở thành một người áp chế những kẻ Hồi giáo cực đoan. Còn trước đó, Malaysia vẫn chỉ là một hình ảnh tiêu cực được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những vấn đề nhân quyền mà người Tây phương cho là đáng xấu hổ.
Cho tới trước 2001 thì chính phủ của thủ tướng Mahathir luôn chịu sự chỉ trích của phương Tây trong nhiều năm. Đất nước này được nhắc tới với đủ kiểu bất cập và hiện tượng bội giáo phi dân chủ, bao gồm cả việc đàn áp chính trị, chủ nghĩa tư bản thân hữu và tham nhũng trong ngành tư pháp. (Rất nhiều lời chỉ trích không ngớt xuất phát từ phương Tây. Nhưng trong những năm gần đây, người kế nhiệm thứ hai của Mahathir , Dato’ Sri Najib Tun Razak, đã nhận được những lời khen ngợi vì đã tháo gỡ một vài rào cản trong quyền tự do ngôn luận của người dân và của các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, vẫn chưa có một sự thay đổi đáng kể nào.)
Và thực sự thì đến tận năm 2001, đôi khi gần như tất cả mọi người trên thế giới dường như đều biết rõ cách quản lý Malaysia và dân chúng đạo Hồi của nước này còn hơn chính người đàn ông đã làm việc này trong hơn hai thập kỷ. Thậm chí cả chính quyền Clinton, một chính quyền sang nhiệm kỳ thứ hai ít nhiều đã trưởng thành hơn nên lẽ ra cũng phải biết rõ hơn điều này, ấy vậy mà vẫn có hành động rao giảng cho một chính phủ khác cách điều hành đất nước ra sao. Đất nước được nói tới đó là Malaysia.
Năm 1998, Hoa Kỳ thực sự đã tấn công Mahathir trên chính đất nước của ông. Người tự cho mình là thẩm phán và bồi thẩm đoàn có quyền xét xử Mahathir không ai khác chính là phó Tổng thống Al Gore, người lúc này đang đại diện cho tổng thống Bill Clinton sang Malaysia dự cuộc họp thượng đỉnh của APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái bình dương). Trong bài phát biểu của mình, Gore, thản nhiên coi mình là nhà vận động hành lang toàn cầu vô điều kiện cho các tổ chức nhân quyền Tây phương, đã xỉ vả chính phủ Mahathir vì đã bắt giữ, đối xử tệ bạc và vẫn liên tục truy tố Anwar Ibrahim, người khi đó là phó thủ tướng Malaysia.
Gore quả thực đã nêu được những vấn đề hợp lý. Và thủ tướng Mahathir cũng không khiến cho Malaysia đẹp mặt hơn khi phó mặc vị phó thủ tướng đột nhiên bị hạ bệ của mình cho cảnh sát, để họ cáo buộc ông này với nhiều tội danh khác nhau (bao gồm cả việc quan hệ tình dục với một nam cộng sự) và đối xử rất tệ với ông trong thời gian giam giữ. Chắc chắn, bài học về chiến dịch Lalang (1) năm 1987 đã có thể chỉ ra một phương châm hành động đúng đắn hơn (xem thêm mục “Những người đàn ông với những khẩu súng bằng vàng” trang 114-126). Nhưng vấn đề lẽ ra mang lại lợi thế cho phương Tây mà Gore nêu lên này đã thất bại khi nó được dùng để chống lại Mahathir ngay tại chính đất nước Malaysia của ông.
Ai đời có một vị khách tới nhà anh, chỉ trích anh mà anh lại thích cho được. Kể cả khi những lời chỉ trích mà Hoa kì đưa ra là hợp lý thì nó cũng không thể bào chữa được cho mục đích của nước này khi công khai giáo huấn người ta, và tệ hơn, là ngay trên quốc gia của người đó. Thái độ thô lỗ chẳng mấy khi đem lại điều gì tốt lành. Hơn nữa, Hoa Kỳ cũng đâu có thành tích nhân quyền hoàn hảo gì để mà có thể lên lớp người khác như vậy.
Và tệ hơn, bài phát biểu mang đầy tính công kích của Gore trong một sảnh khách sạn ở thủ đô Kuala Lumpur đã mang lại một hệ quả không mong muốn đó là làm tổn thương Anwar và đồng thời lại giúp cho Mahathir. Với bài diễn văn khoa trương ra điều ta đây biết cả của Gore, Hoa Kỳ đã tự biến mình từ một vị thánh (đứng về phía chủ nghĩa tự do) thành một kẻ côn đồ chuyên đi bắt nạt các quốc gia khác (lên lớp cho họ cách điều hành quốc gia của mình). Và thói thường là khi anh ra vẻ ta đây thì anh sẽ thất bại ngay trên chính sân nhà của mình. Nhìn nhận lại lịch sử, ta thấy điều này không giúp cải thiện được hình ảnh của Gore lẫn chính quyền Clinton.
Cứ nhìn xem, chỉ một vài năm sau đó, khi vụ 11-9 xảy ra, cả phương Tây đổ xô đi thiết lập các mối quan hệ với những chính phủ Hồi giáo “ôn hòa, biết điều”. Ta thử đoán xem, theo cách nói của người Mỹ, ai đột nhiên được Hoa Kì mời sang ăn tối? Không ai khác chính là Ngài Hồi giáo Ôn hòa mà họ từng chỉ trích đó.
Ngài thủ tướng (đột nhiên trở nên) tuyệt vời thông thái này đã biết những gì về những nhóm khủng bố Hồi giáo cực kì điên cuồng và nguy hiểm? Và ngài đã khống chế chúng tài tình ra sao trong suốt từng ấy năm?
Thực sự thì việc quản lý mạnh tay các phần tử Hồi giáo cực đoan có khả năng gây nguy hiểm của Mahathir không phải là điều gì xa lạ trong giới an ninh chóp bu của Hoa Kỳ. Quân đội Hoa Kỳ đã biết tiếng tăm ông và cũng nể trọng ông. Trụ sở của quân đội Hoa kỳ tại vùng châu Á Thái bình dương đóng ngay tại trại Smith gần Trân Châu cảng ở Hawaii. Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Hoa kỳ (PACOM) có những mối liên hệ chặt chẽ với quân đội Malaysia (cho dù có điều thú vị là các tướng tá cuả Malaysia phần lớn lại được đào tạo từ Học viện quân sự hoàng gia Sandhurst nổi tiếng ở Anh, chứ không phải từ Học viện quân sự West Point Hoa kỳ. Tuy thế thì mối quan hệ quân sự giữa hai nước Hoa Kì và Malaysia vẫn luôn gắn kết hơn người ta tưởng.)
Những điều này lướt qua đầu tôi khi tôi hỏi chuyện ngài Mahathir trong văn phòng của ông ở tòa tháp đôi Petronas: “Bây giờ, tôi sẽ nói về điều này, có lẽ nhiều tổ chức phi chính phủ ở phương Tây đã từng nghĩ việc ngài khống chế những phần tử này là một hành động tệ hại, khủng khiếp, vân vân. Nhưng rồi sau vụ 11-9, phương Tây đã nhận ra rằng những kẻ mà ngài xử lý đều là những kẻ gai góc và nguy hiểm, những kẻ sẽ chẳng ngần ngại cho nổ tung cả tòa tháp Petronas này nếu chúng có cơ hội, đúng không?”
Ngài ngăn chặn sự thóc mách của tôi về vấn đề này, nhưng ai còn nghi ngờ quan điểm đó? Chiến lược quân phiệt và hủy diệt của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vừa là một thực tại đang tiếp diễn và cũng là sự bối rối cho những nào người biết nghĩ, bất kể người đó có theo đạo Hồi hay không.
Tôi nói tiếp: “Ngài đã làm điều đó như thế nào? Ngài đã thực hiện ra sao để thành công? Ngài đã từng quản lý một đất nước 24 triệu dân trong đó có khoảng 100.000 người thực sự hoặc có khả năng gây nguy hiểm. Chà, ngài đã làm như thế nào vậy? Tôi biết là ngài không muốn tiết lộ bí mật quốc gia ở đây nhưng xin cho biết ngài có phải phát triển những công nghệ giám sát, lục soát mới hay không và FBI sau vụ 11-9 có đến và nói rằng họ đã nhìn ngài với một thái độ khác và xin ngài tiết lộ những chiêu thức của mình hay không?”
“À, đầu tiên thì việc mọi người cho rằng tôi là một người Hồi giáo ôn hòa… là sai rồi.”
“Điều đó không đúng sao thưa ngài?” (Các bạn ơi, nếu mà tôi có tỏ ra ngạc nhiên ở đây, thì đúng là vì tôi đang như thế thật.)
“Tôi không phải là người Hồi giáo ôn hòa.”
“Không phải sao?”
“Tôi là một người Hồi giáo chính thống.”
“Ổn thôi, nếu ngài đã nói vậy.” Tôi nói ổn thôi, mà thực sự tôi thấy không ổn chút nào.
Dr M nói tiếp: “Tôi bảo với mọi người rằng, vì khi anh làm theo những lời răn dạy đúng đắn trong kinh Quran và trong những câu chuyện đã được chứng thực về đấng tiên tri Mahammed, thì anh sẽ trở thành một con người rất tốt đẹp. Anh sẽ chẳng muốn gây thù chuốc oán với ai – đúng là anh được phép bảo vệ bản thân, nhưng điều đó không nhất thiết phải dùng đến bạo lực gây hấn. Đó chính là những lời răn dạy đích thực.”
Tôi không nói gì, chỉ gật đầu. Vì đây là quan điểm của ông từ lâu. Quan điểm này thậm chí đã được ông mở rộng sang vấn đề ngân quỹ dành cho quốc phòng, cho rằng nó chỉ nên chiếm không quá 1% tổng thu nhập hàng năm của một quốc gia.
Ông nói tiếp: “Nhưng trong lịch sử hơn 1400 năm phát triển của đạo Hồi đã có nhiều người diễn giải đạo theo những cách khác nhau, do bị tác động bởi những nhu cầu thời cuộc của họ. Họ diễn giải rằng những hành vi khủng bố và bạo lực của họ là tuân theo đạo. Đâu có phải! Đạo Hồi không hề bảo anh làm những điều đó. Tôi đi theo những lời dạy đó, và đạo yêu cầu tôi phải công bằng. Đối với một người Hồi giáo thì đó là điều được viết trong kinh Quran- anh có đạo của anh, tôi có đạo của tôi.. Anh cầu nguyện theo cách của anh, tôi cầu nguyện theo cách của tôi. Không có ép buộc trong tôn giáo. Thế nên, tôi đã sống theo tâm niệm này và trở thành một người Hồi giáo chính thống, và thái độ Hồi giáo chính thống đó ắt làm cho tôi trở thành người ôn hòa. Anh hiểu ý tôi chứ?”
PAGE 1 |
(1) chiến dịch Lalang được chính phủ Malaysia thực hiện tháng 10 năm 1987 nhằm ngăn chặn các hành vi nổi loạn, khủng bố, chiến dịch này thực thi dưới đạo luật An ninh nội địa (ISA)
Người dịch: Lê Thùy Giang