Hơn năm năm sau khi tập truyện Nào ta cùng lãng quên ra mắt, dù các truyện ngắn lẻ tẻ của chị vẫn liên tục được các NXB đưa vào những tuyển tập khác nhau và tái bản liên tục, Nguyễn Thị Thu Huệ mới chính thức trở lại văn đàn bằng một tập truyện ngắn khác, dày dặn và mới mẻ bất ngờ: Thành phố đi vắng.
Vẫn bút lực dồi dào, chi tiết ngồn ngộn và duyên kể chuyện ngày càng đằm, nhưngThành phố đi vắngcó thêm sự hấp dẫn rùng rợn trong bút pháp và nỗi buồn da diết của một thiếu phụ đi qua nhiều biến cố cuộc đời.Tuổi Trẻcó cuộc trao đổi với nhà văn về tập sách mới của chị.
*Phòng chiếu phim số 9 và Cú mèo và rượu hoa là hai trong vài truyện ngắn của tập sách có phong cách mới lạ, có nhiều yếu tố kinh dị, ma quái. Chị định rẽ sang một hướng mới, thay đổi phong cách để làm mới mình, hay thật sự vì những gì chứa chất trong nội dung câu chuyện khiến chị buộc phải chọn hình thức ma quái này?
- Khi viết, tôi không chú trọng vào việc thay đổi phong cách để tự mình khác mình mà do nội dung câu chuyện với những số phận người quyết định phong cách của truyện đó.Phòng chiếu phim số 9, Cú mèo và rượu hoahayXmen có mùi trường đuacó yếu tố kinh dị ma quái vì những nhân vật trong đó mang thân phận con người trong đời sống hiện đại hôm nay, chịu những nghiệp chướng, hay tiền kiếp của chính họ gây ra của những ngày đã qua.
Thời gian gần đây, tôi thường truy đến tận cùng của mọi vấn đề thay vì nhìn nhận nó như những sự kiện thông thường. Câu hỏi hay có trong đầu mỗi khi nhìn một "nhân vật" nào đấy xuất hiện là "Người đấy làm như thế - hoặc sống như thế để được gì?". Và miên man nghĩ về những sự được mất đến tận cùng của nhân vật. Thế nên khi viết mọi thứ luôn trở đi trở lại trong từng số phận, quay tròn, tít mù, khô cong như quần áo được giặt trong chiếc Electrolux.
*Thành phố đi vắng tuy vậy vẫn tràn đầy chi tiết của cuộc sống hiện đại và đậm đặc hơi thở đô thị. Ðộc giả - thị dân vẫn tìm thấy mình trong vô số chân dung, chi tiết, khẩu ngữ của tác giả. Vậy trong thâm tâm, chị thích cách viết cũ hơn hay phong cách mới của mình hơn?
-Thành phố đi vắnglà truyện làm tôi buồn bã rất lâu. Tất nhiên, có những truyện viết xong cũng tan nát nhưCủa cha, con và những cành vạn niên thanhhayChiều chủ nhật xem phim hoạt hình... Càng ngày tôi càng cảm thấy sự mất mát đang trùm lên đời sống này. Mất sự bình yên, mất không khí trong lành, mất sự an toàn ở bất cứ nơi đâu khi ta bước chân tới... Tất nhiên không phải mất hết, mất biến trong chốc lát, mà mất dần dần, mắt thường không thấy rõ.
Thành phố ngày càng đông. Tâm lý đám đông thật tệ. Mọi thứ xung quanh thật hào nhoáng, những phương tiện hiện đại và những kỷ lục... nhưng cái tình trong cỏ cây, vạn vật, trong không gian, trong chính cái đám đông ngày càng đông lại dần mất. Sự vô cảm bao trùm. Mức độ tàn nhẫn của con người ngày càng tăng. Người tốt trở nên nhỏ bé, đôi khi cô độc. Dần dần, chính những người tốt cũng phải vô cảm để sống cho yên.
Thế nên, thành phố vẫn thành phố đấy, kỷ niệm còn nguyên nhưng tình người thì đi vắng rồi.
* Chị hài lòng với tác phẩm nào nhất trong tập sách mới của mình? Và chị muốn độc giả nhìn mình - Nguyễn Thị Thu Huệ của năm 2012 - khác với Thu Huệ củaHậu thiên đường, Mùa đông ấm áp, Minu xinh đẹp... - "của để dành" thuở đầu những năm 1990 như thế nào?
Mỗi giai đoạn của cuộc đời, người ta đón nhận cuộc sống bằng những cảm nhận khác nhau. Nhiều lúc tôi thấy mình giống con ốc, bắt đầu chui vào vỏ, ngó cái mắt ra nhìn ngó xung quanh và ngẫm nghĩ. Sao lại thế này, sao lại thế kia... để rồi xót cho kiếp người. Loay hoay loay hoay rồi cũng tan biến thành tro bụi nhưng khi có cuộc sống lại không biết quý, không cố mà làm ra một điều gì có ích, dù nho nhỏ. Nhiều người đọcCú mèo và rượu hoađã hét lên: "Viết gì thâm thế, cuối cùng chỉ còn lại con mắt giả rất đẹp là sao?".
VIỆT HOÀI thực hiện
(Nguồn: Tuổi Trẻ)