Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Muốn Sống - Câu chuyện về con người và tình người
Cập nhật ngày: 10/02/2012

Tác giả của nó là một cô gái trẻ mới 23 tuổi, người Anh. “Muốn sống” là sáng tác đầu tay và cũng là sản phẩm mang lại thành công lớn đầu tiên cho người sáng tạo - giải thưởng Waterstone’s Children’s Book Prize năm 2008 dành cho tác giả trẻ triển vọng. Vậy cuốn sách viết gì?

 Xin mượn lời nhân vật chính để tóm lược nội dung:

 “Tôi bắt đầu viết quyển sách này vào ngày 7 tháng Giêng và kết thúc ngày 12 tháng Tư. Đây là tập hợp các bản kê, các câu chuyện, các hình chụp, các câu hỏi và các sự kiện. Đây cũng chính là câu chuyện đời tôi.

 Năm điều nói về mình:

 1. Tôi tên là Sam.

2. Tôi 11 tuổi.

3. Tôi sưu tầm các câu chuyện và các sự kiện lạ thường.

4. Tôi bị bệnh bạch cầu.

5. Khi bạn đọc mấy dòng này, có lẽ tôiđã chết.”

 Vâng, cuốn sách là những câu chuyện xoay quanh một cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo đang đón chờ cái chết. Có vẻ hơi thiếu hấp dẫn? Nhưng hãy nghe Sally kể đã.

 

1. Câu chuyện về con người:

 

Bạn có để ý không? Nhân vật của chúng ta, Sam, cậu ấy viết một quyển sách gồm tập hợp các bản kê, các câu chuyện, các hình chụp, các câu hỏi và các sự kiện. Bạn có thắc mắc một đứa trẻ sắp chết sẽ viết cái gì, sẽ hỏi điều gì không?…

 Trong vài tháng cuối đời ngắn ngủi, Sam không dành thời gian để ngồi đếm từng ngày hay quanh quẩn trong dưỡng đường với những thứ hóa - xạ trị. Cậu ở nhà học với một cô giáo đặc biệt cùng một người bạn tên Felix. Cậu bé ấy bị ung thư và là một người bạn thân thiết với Sam - dù hai đứa mới chỉ quen nhau ở bệnh viện. Hai cậu bé “đặc biệt” đã nhanh chóng ăn ý với nhau trong việc thỏa mãn khao khát hiểu biết và thử nghiệm cuộc sống của mình trước khi chết.

 Là một đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, Sam biết rất rõ điều gì chờ đợi mình phía trước. Việc bác sĩ hứa nó không phải vào viện nữa và nếu phát bệnh thực sự thì có thể ở nhà là những tín hiệu để Sam nhận ra thực tế bệnh tình của mình. Nó không né tránh mà chỉ chấp nhận một cách đơn giản:“Đó là vì tôi sắp chết rồi”.Càng hiểu rõ điều đó, Sam càng mong muốn được tìm hiểu thêm về cuộc sống xung quanh. Đơn giản bởi vì trong con mắt một đứa trẻ 11 tuổi, nhiều câu trả lời của người lớn thật là “trớt quớt”, chẳng ăn nhập gì với câu hỏi. Đặc biệt, người lớn thường né tránh trả lời một cách chính xác điều mà họ không biết thay vì thừa nhận “Tôi không biết”. Nhất là câu hỏi về cái chết sắp tới, chẳng ai chịu trả lời, tất cả chỉ “ho húng hắng rồi đổi đề tài”. Thằng bé có tham vọng:“Nếu còn sống tới tuổi trưởng thành, tôi sẽ làm nhà khoa học. /…/ Tôi sẽ tìm ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi mà chưa có ai trả lời”.

 Cùng với Felix, cô giáo Willis, Sam từng bước thực hiện mong ước của mình. Nó lập ra một bảng những câu hỏi không ai trả lời và đi tìm đáp án theo thế giới quan của mình:

 Ví dụ:Câu hỏi số 1: Làm sao biết được mình đã chết?Điều đó có thể nhắc bạn đọc nhớ rằng mình đang đọc câu chuyện của một cậu bé khác thường. Đứa bé thật đáng thương! Nhưng Sam viết câu hỏi đó trong quyển sách bí mật của mình trước tiên. Vậy thì câu hỏi được đưa ra không phải để tìm sự thương hại, đó chỉ là một thắc mắc chưa có lời giải và Sam muốn tự mình trả lời. Nếu như thằng bạn viếtNhững trải nghiệm lúc gần chết - chống lạithì nó viếtNhững trải nghiệm lúc gần chết - ủng hộ.Dù chống lại hay ủng hộ thì cuối cùng cả hai đều muốn lên Thiên đàng, nhưng chỉ khi bị lũ yêu tinh chọc đinh ba vào người mới chịu. Bọn trẻ đem lại cho người khác một sự lạc quan thú vị. Dẫu bị bệnh tật và cái chết đe dọa, chúng vẫn không mất đi sự hồn nhiên, yêu đời và nghịch ngợm ở lứa tuổi của mình.

Câu hỏi số 2: Tại sao Chúa làm cho trẻ con bị bệnh?

Câu hỏi số 3: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ai đó thật ra chưa chết, nhưng người ta lại tưởng chết rồi? Liệu họ có bị chôn sống hay không?

Câu hỏi số 4: Chết có đau đớn hay không?

Câu hỏi số 5: Người chết trông như thế nào? Hay sờ vào có cảm giác ra sao?

Câu hỏi số 6: Vì sao người ta thế nào cũng phải chết?

Câu hỏi số 7: Bạn đi về đâu sau khi chết?

Câu hỏi số 8: Thế giới có còn đó hay không, sau khi tôi đã ra đi?

 

Tám câu hỏi không ai trả lời có liên quan rất lớn tới cái chết và xoay quanh cái chết. Phải chăng chỉ đến khi lâm vào tình cảnh như Sam chúng ta mới đặt ra và có được câu trả lời? Chắc là thế. Nhưng cũng có thể không hẳn là thế. Những thắc mắc đó, rất có thể chúng ta đã từng nghĩ đến, đã từng muốn hỏi nhưng lại e ngại sẽ bị mắng, bị cho là ngốc nghếch hoặc thậm chí là dở hơi. Chẳng ai đang sống lại muốn đi giải đáp cho 8 câu hỏi này. Và nếu có lâm vào tình cảnh của Sam, chúng ta sẽ nghĩ về việc làm thế nào để được tiếp tục sống và né tránh cái chết. Điều đó không sai, con kiến còn muốn sống huống chi là con người. Nhưng dưới con mắt của một cô gái trẻ - tác giả để bệnh nhân 11 tuổi ấy tiếp nhận cái chết một cách nhẹ nhàng và tích cực nhất.Cái chết “chỉ là trở về cái chốn bạn từng ở trước khi sinh ra, và chẳng có ai sợ cái chốn trước khi mình sinh ra”.“… những cái cũ chết đi và những cái mới được sinh ra. Sao cũ hóa thành sao mới. Lá chết hóa thành cây con. Có lẽ đó là cái đang chết đi, hoặc có lẽ đó là cái đang sinh ra. Tất cả tùy thuộc vào cách nhìn của bạn”.

 

“Tất cả tùy thuộc vào cách nhìn của bạn”.Phải, tất cả tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Bạn không chấp nhận, bạn né tránh thì điều đó sẽ biến mất, sẽ trở nên tốt đẹp hơn ư ? Cách nhìn của tác giả là cách nhìn biện chứng của triết học duy vật. Và thấp thoáng bóng dáng triết lý sống của đạo Phậtsống gửi thác về.Bình thản đón nhận, nhìn rõ sự việc và biết chấp nhận nó, bạn sẽ không đặt ra những câu hỏi đại loại nhưTại sao lại là tôi?, Tôi đã làm gì sai?, Có những kẻ đáng chết hơn tôi mà?, Tôi còn bao nhiêu việc phải làm? ...

 

Ngoài những câu hỏi trên, Sam còn làm nhiều bản kê. Sau đây là các bản kê của cậu bé:

 

Số 1: Năm điều nói về mình

Số 2: Năm điều nói về bộ dạng tôi

Số 3: Những việc tôi muốn làm

Số 4: Những gì tôi ưa thích nhất

Số 5: Những cách thức để sống hoài, sống mãi

Số 6: Làm gì khi có người chết ?

Số 7: Năm điều nói về Ba

Số 8: Những sự kiện tuyệt chiêu về khí cầu

Số 9: Những chuyện đại tuyệt chiêu

Số 10: Bạn đi về đâu sau khi chết?

Số 11: Những điều tôi muốn xảy ra sau khi chết

 

Mỗi bản kê viết vào một thời điểm khác nhau nên chúng có thể giúp chúng ta hình dung được khá nhiều về tâm trạng, suy nghĩ của Sam. Có mong ước tưởng chừng như vặt vãnh, quá dễ thực hiện nhưng với Sam, để làm điều đó là cả một nỗ lực lớn, dường như trút cạn sức ra để làm vậy. Chẳng hạn như đi lên một cầu thang cuốn đi xuống và đi xuống một cầu thang cuốn đi lên.“Tôi đã rướn tới trước và trượt chân, trầy trụa và choáng váng, nhưng mà đắc thắng. Tôi đã leo lên được rồi!”.Điều đáng nói là Sam đã cố hết sức mình để thực hiện tất cả mọi điều cậu liệt kê trong cái bản kê số 3. Cứ lần lượt, bằng cách này hay cách khác, được trợ giúp từ Felix, người thân hay chỉ có mình, cậu bé đã chinh phụcNhững việc tôi muốn làmvới sự bền bỉ và quyết tâm hiếm thấy ở một bệnh nhân thường phải truyền tiểu cầu, thường lâm vào tình trạng chảy máu cam hoặc mệt mỏi và đau nhức khắp cơ thể.

 

Và đến những ngày cuối cùng của đời mình, Sam vẫn không bỏ phí thời gian. Cậu làm những món quà nhỏ tặng cho mọi người. Dẫu chỉ là một con chim bằng đất sét tô màu hay một cái khung ảnh… món quà của Sam cũng sẽ khiến người được nhận không thể quên cậu. Đứa trẻ ấy đã muốn rằng sau khi chết:đám tang nên vui vẻ, mọi người nên kể chuyện cười thay vì chuyện buồn về nó. Mọi người được phép buồn, nhưng không được quá mức vì như thế sẽ không thể nhớ tới nó.

 

2. Câu chuyện về tình người:

 

a/ Tình bạn:

 

Lần gặp đầu tiên của Sam và Felix là trong bệnh viện. Felix đóng giả làm điệp viên kiểu Pháp và gây cho Sam sự tò mò thích thú. Hai đứa trẻ đồng bệnh tương lân nhanh chóng thành bạn dù tính tình có nhiều điểm trái ngược nhau. Felix bướng bỉnh, bạo dạn và hay làm chuyện trái khoáy nhưng tốt bụng, quyết đoán còn Sam thì hiền lành, ít nói, ngoan ngoãn nhưng kiên quyết, ham hiểu biết. Tưởng như giữa chúng khó nảy sinh tình bạn nhưng ngược lại, chúng có một tình bạn thân thiết, sâu đậm.

 

Có người từng nói đại ý thế này:Yêu và ghét cùng một thứ, đó là tình bạn.Với hai đứa trẻ này thì hình như đúng vậy. Tuy Felix thường có vẻ lấn lướt người khác, đôi lúc lại nói bậy nữa nhưng với tất cả những điều nó làm cho Sam, làm cùng Sam thì thằng bé không phải đứa bạn tồi. Nó luôn bảo Sammong ước mà làm gì, ít nhất cũng thử một lần xem sao chứ. Đó là một cậu bé thích hành động. Bên cạnh Felix hoạt bát, Sam được động viên rất nhiều trên con đường sống và hoàn thành mong ước của mình.

 

Thật khó tìm thấy đoạn nào hai đứa ngồi than thở về bệnh tật và cái chết sắp tới. Chúng ta sẽ chỉ bắt gặp chúng đang thảo luận về những sự kiện, những câu hỏi hay họp ý tìm cách thực hiện mấy bản kê của Sam một cách hào hứng. Ở Felix, Sam tìm thấy một người bạn tốt - người luôn đưa ra ý kiến trái ngược với cậu đồng thời lại là kẻ luôn ủng hộ các ý tưởng và mong ước của Sam. Cái cách Felix giúp Sam thực hiệnNhững việc tôi muốn làmsố 6 -“Làm một anh chàng “Teen”. Làm những việc của tuổi teen như uống rượu, hút thuốc và có bồ.”- thật vô tư và khác thường. Với đầu óc tinh quái của mình, Felix nghĩ ra việc kéo Sam đến quán rượu (của một người quen), nơi có đủ điều kiện hoàn thành tâm nguyện của Sam. Uống một chút rượu ngọt, thử hít một hơi thuốc (rồi bị ho và phải thổi phì phì) và hôn cô bé em họ Felix theo kiểu trẻ con là tất cả những gì Sam được làm để trở thành một anh chàng tuổi teen. Đừng vội cho đó là hư hỏng bởi nếu bạn không bao giờ sống đến tuổi trẻ tươi đẹp nhất của mình, bạn sẽ hiểu suy nghĩ của bọn trẻ.

 

Felix ra đi trước Sam và vào phút giây cuối cùng của nó, chỉ có Sam nhìn thấy lại nụ cười hài lòng của thằng bạn thân.

 

b/ Tình thân:

 

Đó là tình thương yêu, sự quan tâm, săn sóc của tất cả mọi người trong gia đình đối với 2 đứa trẻ bị bệnh. Với Sam thì đó là mẹ, bố và em gái Ella; với Felix thì đó là mẹ, anh trai Mickey.

 

Trong những ngày tháng bị bệnh tật hành hạ, Sam còn nhận được sự động viên từ gia đình mình. Nếu mẹ luôn bên cạnh, dịu dàng và mềm yếu, nức nở vì thương con thì ba lại lặng im, cứng rắn. Mỗi người một cách biểu hiện nhưng cả hai đều rất thương yêu và lo lắng cho Sam.

 

Tình mẹ thương con thì không có gì phải bàn cãi. Tôi chỉ muốn nói về ba của Sam. Nhìn bề ngoài tưởng ông cứng rắn, có lúc hơi vô tình (ví như lúc ông từ chối đi trượt tuyết với ba mẹ con), chỉ có Sam biết ông cũng yếu đuối như thế nào khi thấy con phải vật lộn với bệnh tình. Bởi lẽ khi Sam đau đớn, khi nó khóc trong đêm thì Ba chính là người đến bên, lay nó tỉnh. Ông vụng về, lóng ngóng tìm thuốc cho con mà lòng thì rối bời, lo âu. Ông ở lại, hỏi han và lặng lẽ ngồi bên khi nó chìm vào giấc ngủ với giọt lệ nơi khóe mắt. Người cha ấy đã phải cố kìm nén sự sợ hãi, thương xót vào lòng để vẫn là chỗ dựa cho cả gia đình đang đau khổ. Và ông chính là người tiếp tục sau Felix, giúp Sam hoàn thành ước nguyện của mình:bay trên khinh khí cầu.

 

Ngoài ra, cô em gái Ella cũng trợ giúp anh hoàn thành quyển sách bằng những hình minh họa. Bức hình vẽ gia đình 4 người nắm tay nhau cười tươi chính là tác phẩm đẹp nhất dành cho anh.Gia đình 4 người chứ không phải 3 người.Chỉ điều đó thôi đủ nói lên tất cả tình cảm của Ella.

 

c/ Tình đồng loại:

 

Trong câu chuyện này, tôi muốn nhắc đến hai người: cô giáo Willis và y tá Annie. Họ đến với Sam tất nhiên bởi nhiệm vụ: một người chuyên dạy những đứa trẻ đặc biệt và một người phụ trách điều trị tại nhà. Họ đã làm tròn bổn phận của mình và không ai có thể chê trách họ. Nhưng Sam yêu quý họ vì hai cô cũng là người quan tâm tới em.

 

Cô Willis đem lại niềm thích thú cho bọn trẻ với những bài học đặc biệt của mình. Cô luôn khích lệ, động viên Felix - Sam sống với sự ham hiểu biết, ưa khám phá và mong muốn thực hiện ước nguyện của chúng.

 

Còn cô Annie thì ngoài việc làm nhiệm vụ của y tá, cô trò chuyện, lắng nghe Sam kể về chuyến phiêu lưu của mình. Cô hưởng ứng những điều nó làm được và tỏ ra tiếc nuối vì thời gian còn lại của Sam ngày một ngắn đi.

Sách do NXB Trẻ xuất bản năm 2008.

Nguyễn Nguyên
(Nguồn: Sachhay.com)


Các Tin Tức Khác