Phiên Nghiên là một cái tên lạ, khơi gợi sự tò mò khi tình cờ lang thang trên Net. Để rồi khi đọc một vài bài tùy bút, người đọc như bắt gặp tuổi trẻ của mình ở đâu đó trên đồi thông, ngoài biển cát, trên những con đường nắng hanh và qua nhiều quán xá vỉa hè. Văn chương có điều kỳ diệu là đem lại nỗi thổn thức kỷ niệm của riêng mình trong câu chữ của người khác, nhìn hình ảnh của người khác mà mỉm cười hạnh phúc hay đau đớn, buồn thương cho hình ảnh của mình. Ít nhất thì Phiên Nghiên đã tặng cho bất cứ ai đó ghé mắt vào thế giới wordpress của cô những cảm xúc ấy qua từng mẩu chuyện, từng hơi thở cuộc sống và tình yêu của chính mình.
Đọc Phiên Nghiên, dễ nhận thấy một trái tim nhạy cảm – dù với một vấn đề liên quan đến thời cuộc, xã hội hay chút lãng mạn riêng tư. Nhạy cảm đủ để câu chữ tuôn tràn, nhiều lúc hơi lan man dư thừa – cái tật của người học chuyên văn, cứ muốn trút cho bằng hết cảm xúc của mình ra. Thế nhưng, điều dư thừa ấy lại giúp cho “những bức tranh đời” mà Phiên Nghiên vẽ lại bằng trực giác, ý thức, cảm quan, thậm chí chủ quan của một người trẻ tuổi – có nhiều màu sắc và nồng nhiệt hơn lên. Trong đó, trái tim son trẻ của cô, dẫu có thể bị bầm dập trong nhiều tình huống nhưng cuối cùng vẫn hé mở một cánh cửa ước ao – cho mình và cho người.
Như những người luôn tự hào mình mạnh mẽ nhưng thật ra lại vô cùng yếu mềm và ngược lại, tôi hình dung ra một Phiên Nghiên biết giấu nỗi cô đơn sau những nụ cười, chỉ khóc khi không có ai nhìn thấy và sẵn sàng làm một bờ vai – dẫu nhỏ bé – cho người khác dựa vào. Và rồi tôi nhớ đến câu nói của Tagore: “Thật can trường cho những ai phải ôm nỗi buồn riêng không người san sẻ”. Phiên Nghiên đã chọn cách san sẻ nỗi đau của người khác để tự vỗ về mình.
Tôi muốn mời bạn mở Trái tim son trẻ của Phiên Nghiên ra đọc và cảm thụ. Như cảm thụ cả một thời tuổi trẻ của mình hiển hiện ra trước mắt, cảm thụ điều kỳ diệu của văn chương...
Nhà văn PHẠM THỊ NGỌC LIÊN