Tôi đọc Việt Linh chuyện và truyện(*) cũng như viết bài này trên những chuyến tàu xuyên châu Âu. Trong khi tàu chạy với vận tốc trên 300 ki lô mét/giờ, Việt Linh dẫn tôi đi cùng những tiếng vọng của ký ức, những day dứt của hiện tại và thắp nhóm trong tôi một niềm hy vọng về tương lai.
Trên hết, Việt Linh chuyện và truyện như một góc vườn bình yên có tiếng chim hót níu chân tôi, dù cuộc sống đang trôi với tốc độ của tàu cao tốc, và tôi đang lang thang trên những nẻo đường thiên lý.
Các bạn cũng như tôi biết đến cái tên Việt Linh trước hết là của điện ảnh: tác giả của Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo - thời vang bóng. Như cánh chim đầu đàn, Việt Linh khai sáng cho lứa đàn em chúng tôi tinh thần đam mê, dám sống, dám làm.
Chị luôn dõi theo và hỗ trợ chúng tôi những lúc cần thiết, vừa như một người chị dịu dàng, vừa như một cô giáo nghiêm khắc. Tinh thần, tình cảm quan tâm tha thiết ấy không chỉ được thể hiện trên màn ảnh, trong cuộc sống, mà phảng phất trong mọi câu chuyện được kể ở cuốn sách văn học thứ hai của chị.
Bước ngoặt lớn trong cuộc đời chị - cuộc đột quỵ do làm việc quá sức vào dịp Tết 2005 mang đến cho chị một mối quan tâm mới: chính mình. Như những chia sẻ chân thành của chị trong Xin lỗi bản thân, rằng khi nhìn nhận lại cách đối xử với chính ta, ta sẽ biết nên đối xử với người khác như thế nào. Câu chuyện cá nhân của một Việt Linh làm ta liên hệ đến những vấn đề xã hội vĩ mô hơn. Tương tự, những ký ức tươi đẹp của thời đi kháng chiến của thiếu nữ Việt Linh (Hoàng Cầm sương khói) đồng thời là lời nhắc nhở, phê bình xác đáng về đổi thay chân giá trị từ thời chiến qua thời bình. Ngay từ cuốn sách đầu tay Chuyện mình, chuyện người xuất bản năm 2008, Việt Linh đã cho thấy một tinh thần đấu tranh trầm tĩnh nhưng quyết liệt vì tiến bộ, công bằng xã hội.
Những câu chuyện nhỏ về gia đình, về những người thân quen luôn là đề tài yêu thích của chị, và cũng là những câu chuyện làm tôi thích thú nhất. Có lẽ bởi nó gần gũi, thấm đẫm tình yêu thương - điều mà người đọc có thể chia sẻ và học hỏi, ví dụ từ việc nuôi dạy đứa con lớn lên trong hai nền văn hóa (Theo con đi học, Ba chuyện nhỏ của hai đứa nhỏ). Đọc Việt Linh, chúng ta dễ cảm ra những bài học đơn giản mà thấm thía: chấp nhận sự khác biệt (Móng tay màu xanh), đối diện với sự thật và quan tâm tới hậu quả (Thật giả kim cương), nhận ra những cái chết lâm sàng trong cơ thể sống (Tưởng như là sống). Dù viết bài về điện ảnh hay truyện ngắn - nơi mà ranh giới giữa truyện và chuyện được cố tình xóa mờ (Sợ trộm, Thiện tâm buồn, Tam giác im lặng), Việt Linh luôn liên hệ đến thực tiễn xã hội và đề cao tính chân thiện mỹ - trong đó tính chân xác đặc biệt được tôn trọng, như ngay trong lời mở đầu cuốn sách.
Việt Linh chuyện và truyện còn cho thấy tinh thần lao động nghề nghiệp nghiêm túc của Việt Linh trong văn học. Ta có thể bắt gặp những từ láy đậm chất Việt Linh: duyên quả, hân ân, chao dao, hơ hểnh, cùi cụi...; hay những lối so sánh rất đặc biệt và gợi cảm: câu chuyện dài như lưỡi kiếm, bức ảnh mẹ - con được cắt dán gập gờ như tiếng nấc... (Chiều chiều ra đứng ngõ sau). Việt Linh từng tâm sự với tôi rằng chỉ khi nảy ra được cái tên bài chị mới bắt tay vào viết, điều này được chứng minh bởi những tên bài luôn luôn thích đáng, khó quên trong từng câu chuyện nhỏ.
Con tàu Eurostar xuyên eo biển Manche nối châu Âu lục địa và nước Anh chuẩn bị tiến vào hầm ngầm. Rời Paris và nước Pháp, tôi bỗng dưng nhớ về những trải nghiệm của cá nhân mình trong mối liên hệ với những câu chuyện được kể trong Việt Linh chuyện và truyện. Là lần đi ăn quán Kim Anh (Đi quán gặp tình), là nơi yêu thích của tôi ở Paris: nghĩa trang Père Lachaise (Khu vườn ký ức), là những chia sẻ trực tiếp về nghề nghiệp, về điện ảnh và cuộc sống tại căn hộ của chị ở quận 13 Paris mà đôi khi tôi có dịp ghé thăm.